Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Vũ Bằng và ngòi bút chất chứa niềm thương nỗi nhớ về Hà Nội

Vũ Bằng và ngòi bút chất chứa niềm thương nỗi nhớ về Hà Nội

Từ Thương Nhớ Mười Hai đến Miếng Ngon Hà Nội, hình ảnh Hà Nội đan xen với nỗi hoài niệm trong lời văn Vũ Bằng luôn đưa tôi quay ngược trở về vòng tay của thành phố tôi yêu, đặc biệt sau khi chuyển tới Sài Gòn ở tuổi 19. Từ ấy, những dòng văn tôi dành cho Hà Nội thường xuất hiện cạnh bên một dòng trích dẫn nào đó từ sách Vũ Bằng: “Mùa xuân của tôi — mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội — là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng.” Đó là cách những tác phẩm của Vũ Bằng chạm tới trái tim tôi.

Là một trong những cây bút lớn viết về Hà Nội, bức chân dung văn chương và cá nhân của Vũ Bằng hết sức đa diện. Sự nghiệp của ông trải dài ba giai đoạn lịch sử lớn của Việt Nam: trước 1946, 1946–1954, và sau 1954 ở miền Nam. Ông từng phải đối diện với hàng thập kỷ bị nghi ngờ và cáo buộc, những niềm oan chỉ được đính chính 16 năm sau khi ông qua đời. Dẫu vậy, văn chương Vũ Bằng vẫn luôn là minh chứng bất diệt của tình yêu.

Viết, không vì kiếm sống, mà vì thực tại của cuộc sống

Vũ Bằng tên thật là Vũ Đăng Bằng. Ông sinh năm 1913 tại Hà Nội, là hậu duệ của một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở Hải Dương; về sau chuyển vào Hà Nội và thành lập một nhà in lớn trên phố Hàng Gai. Đây có thể chỉ là sự thiên vị của một đứa trẻ cũng từng lớn lên trong lòng phố cổ, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng việc lớn lên ở nơi trái tim của Hà Nội chính là lý do con chữ Vũ Bằng đầy ắp sự dịu dàng, u uất, và thấm đãm hồn cốt 36 phố phường đến thế.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống học vấn và kinh doanh khá giả, Vũ Bằng được thụ hưởng nền giáo dục cấp tiến cùng cơ hội du học tại Pháp. Mẹ Vũ Bằng mong muốn ông theo học y khoa, nhưng ông lựa chọn theo đuổi nghề viết và nghề báo sau khi thi đỗ Tú Tài (cấp ba). Trong khi nhiều người cùng thời ông viết chỉ để kiếm sống, Vũ Bằng viết thuần túy vì đam mê, đến mức ông bày tỏ: “Nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo.”

Chân dung Vũ Bằng.

Vũ Bằng xuất bản tác phẩm đầu tay, Lọ Văn, khi mới 17 tuổi vào năm 1931. Từ 1930 đến 1954, ông giữ vai trò biên tập viên của tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy và thư ký cho Trung Bắc Chủ Nhật, đồng thời đóng góp cho nhiều tờ báo khác ở Hà Nội. Trong giai đoạn thập niên 1930 và 1940, Vũ Bằng hoạt động tích cực đặc biệt trong việc khắc họa cảnh đời thực tế của người dân thành phố giữa những biến động lịch sử.

Ảnh hưởng của Vũ Bằng đối với nền văn học văn xuôi Việt Nam thời kỳ này không chỉ giới hạn trong tác phẩm của ông. Giữ cương vị biên tập viên của nhiều tờ báo quan trọng trước năm 1945, Vũ Bằng đóng vai trò then chốt trong việc khai phá và nâng đỡ những tác phẩm ra mắt của các nhà văn mới nổi, bao gồm cả những cái tên lớn về sau như Tô Hoài và Nam Cao. Một ví dụ điển hình là cách ông đã “nhặt” tiểu thuyết ngắn đầu tay Cái Lò Gạch Cũ của Nam Cao từ một chồng bản thảo bị từ chối, và nhờ một đàn anh (có thể là nhà văn Lê Văn Trương) viết lời tựa và đổi tên thành Đôi Lứa Xứng Đôi. Tác phẩm này sau đó được đổi tên thành Chí Phèo, có thể được coi là tác phẩm nổi bật nhất của chủ nghĩa hiện thực trong văn học 1941–1945.

Hơn thế, những tác phẩm của Vũ Bằng còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và lối viết của những nhà văn trẻ hơn, như Tô Hoài đã tiết lộ: “Những năm ấy, Nam Cao đương ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng… nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng hồi ấy với truyện ngắn Nam Cao và truyện ngắn của tôi trên báo Hà Nội tân văn có thể dễ dàng nhận thấy hai ngòi bút này [có] hơi hướng Vũ Bằng.”

Viết như lời tỏ bày thầm lặng

Hiện giờ, Vũ Bằng đã được vinh danh là một trong những tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, nhưng trước sự công nhận này, ông đã trải qua một số phận đầy long đong lận đận. Là một cựu học sinh chuyên Văn, suốt những ngày tháng cấp hai và cấp ba đèn sách văn chương, tôi đã học về không ít cây bút có cuộc đời trắc trở. Vậy mà Vũ Bằng vẫn là một trường hợp đặc biệt khi niềm oan của ông kéo dài cả tới cuối đời.

Vũ Bằng qua ký họa của Tạ Tỵ.

Cả cuộc sống cá nhân và sự nghiệp văn học của Vũ Bằng đều giao thoa với các sự kiện lịch sử và những biến động chính trị. Năm 1946, Vũ Bằng và gia đình di tản đến vùng kháng chiến, cụ thể là Chợ Đại, Cống Thần (Hà Nam) trước khi trở về Hà Nội năm 1948 và bí mật tham gia vào mạng lưới tình báo. Sử dụng vỏ bọc một người “dinh-tê” (bỏ vùng kháng chiến do Việt Minh chiếm giữ để trở lại khu vực thành phố), Vũ Bằng duy trì dáng vẻ và thái độ một tiểu tư sản giàu có. Bởi thế, nhiều người tin rằng Vũ Bằng là nguyên mẫu cho nhân vật Hoàng, một nhà văn xa rời kháng chiến trong truyện ngắn ‘Đôi mắt’ của Nam Cao.

Năm 1954, Vũ Bằng vào Nam với tư cách một nhân viên tình báo với mật danh X10. Ông tiếp tục vai trò này cho tới ngày hai miền thống nhất, nhưng không quay lại miền Bắc dù chỉ một lần trước khi qua đời. Tại thời điểm ông mất, hàm oan về một nhà văn phản bội của Vũ Bằng vẫn chưa được đính chính do sự gián đoạn trong mạng lưới liên lạc. Các cấp trên của ông đã chuyển về Hà Nội sau ngày thống nhất, khiến việc liên lạc với miền Nam trở nên khó khăn dù tình hình chính trị đã thay đổi. Vũ Bằng mất trong thân phận một người bị cho là “quay lưng lại với Cách mạng” và “di cư vào Nam cùng kẻ thù.”

“Vũ Bằng đóng vai trò then chốt trong việc khai phá và nâng đỡ những tác phẩm ra mắt của các nhà văn mới nổi, bao gồm cả những cái tên lớn về sau như Tô Hoài và Nam Cao.”

Mãi đến đầu những năm 1990, khi các tài liệu về hoạt động bí mật của Vũ Bằng được công bố, tên tuổi và sự nghiệp của ông mới được minh oan. Vào tháng 3 năm 2000, Vũ Bằng chính thức được xác nhận là một sĩ quan tình báo quân sự. Trong thời kỳ chiến tranh, việc “nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ chính là vũ khí đấu tranh” là điều thường tình. Thậm chí, nền văn học Việt Nam đã chứng kiến cả một thế hệ nhà thơ chiến sĩ, nhưng có lẽ chẳng có nhiều trường hợp như Vũ Bằng: một cây bút với lớp vỏ bọc tình báo bí mật chưa từng để lộ danh tính chính mình.

Trong thời gian ở Sài Gòn, Vũ Bằng sống trong cảnh nghèo khó, tương phản rõ rệt với sự giàu sang ngày còn ở ngoài Bắc. Lần đầu tiên trong đời, ông phải tập trung viết để kiếm sống. Tuy nhiên, hơn cả một công việc, viết lách cũng là cách duy nhất để Vũ Bằng trút bầu tâm sự, đầy ắp những nặng lòng của nỗi hàm oan và nỗi nhớ. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khẳng định: “Nỗi đau, nỗi cô đơn đã tạo nên những nét riêng trong văn chương của Vũ Bằng.”

Viết với, và vì, một tình yêu kiên định

Sau khi chuyển vào Sài Gòn, tôi nhận ra mình thường tìm kiếm dáng hình thành phố thân yêu ở mọi nơi tôi đến: những cửa tiệm phở Bắc, dăm vài quán cà phê trong con ngõ nhỏ có “vibe Hà Nội,” bài viết trên mạng xã hội, và lời văn Vũ Bằng. Tôi vẫn còn nhớ tháng mười hai không có cái lạnh mùa đông đầu tiên, tôi náu mình dưới lớp chăn mỏng để đọc Thương Nhớ Mười Hai, đặc biệt là chương tháng Chạp. Việc Vũ Bằng chắp bút tác phẩm này ở Sài Gòn, cả nghìn cây số xa khỏi quê hương của chúng tôi, lại càng khiến Thương Nhớ Mười Hai mang đầy sự đồng cảm với nỗi nhớ, sự cô đơn, và hoài niệm trong tôi:

“Tôi yêu hết và tôi nói là tôi yêu hết, yêu ngọn cỏ gió đùa mây trôi lãng đãng, ngọn núi, đồi sim, nhựa cây, mạch đất, yêu cái sâu cái kiến nằm co ro trong tổ bây giờ mới trỗi lên tìm lá mới, hoa non, yêu cô gái mặc quần lĩnh hoa chanh lại cài một cánh hoa hồng trên mái tóc, yêu con bướm đa tình bay lượn trên giàn hoa thiên lý, cái áo nhung xanh nổi bật lên trong vườn quýt đỏ, cam vàng, trông mới lại càng yêu giọt mưa bé tí ti đọng lại trên nhung mướt làm cho người đẹp óng a óng ánh như thiên thần trong mộng.”

Như mọi đứa con xa quê khác, tôi hiểu rất rõ sự khó khăn khi phải sống xa rời khỏi gia đình. Nhưng trong khi tôi ít nhất vẫn còn có mạng xã hội để cập nhật mọi thứ xảy ra ở Hà Nội, Vũ Bằng chỉ có thể dựa vào hồi ức để xoa dịu nỗi nhớ cồn cào. Tất thảy cảm xúc ấy được đổ ra trên giấy, với những dòng ký và tùy bút, thể loại Vũ Bằng thường viết nhất trong Sài Gòn. Trong những tác phẩm mang giá trị vượt thời đại của ông sáng tác ở giai đoạn này như Miếng Ngon Hà Nội, Bốn mươi năm nói láo, và Thương Nhớ Mười Hai đã để lại một dấu ấn to lớn trong văn đàn Việt Nam bằng một tình yêu Hà Nội da diết.

Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Bằng.

Tại nơi xa xôi, tình yêu của Vũ Bằng dành cho thành phố của mình vang vọng trong lời văn, tiếp nối dòng chảy di sản văn học viết về Hà Nội trước 1945 của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, và Tô Hoài. Khi đắm mình vào văn Vũ Bằng, tôi thường tự hỏi làm thế nào một người đã sống xa nhà hơn 30 năm lại có thể viết về Hà Nội với những chi tiết nhỏ bé mà đầy sống động như thể ông ấy vẫn còn ở đó, trong vòng ôm của quê nhà: “Tôi nhớ những buổi tối đi trên con đường Toà án ngan ngát mùi hoa sữa, nhớ những đêm trăng ai đứa dắt nhau trên đường Giảng Võ xem chèo… Nhớ từ những con đường mưa bay riêu riêu cùng vợ đi nhởn nha ven hồ Bảy Mẫu, nhớ những đêm trèo lên ngọn đồi trên đường về Pháp Vân hái một trái cam vừa ăn vừa nghe tiếng trống chèo ở xa xa vọng về mà nhớ lại.”

Dạo chân trên phố phường Hà Nội. Ảnh: An Phạm.

Kể cả với tôi, đôi khi việc nhớ lại tất thảy từng chi tiết về Hà Nội sau khi rời đi cũng vô cùng khó khăn. Dẫu cho một số ký ức chẳng bao giờ có thể phai mờ, như những chiều dạo quanh hồ Gươm giữa chiều thu và ăn ngô nướng nóng hổi giữa đêm đông lạnh, tôi không dám chắc mình có thể họa lại từng kỷ niệm một cách đầy thương yêu như Vũ Bằng. Với tôi, sức mạnh lớn nhất của văn chương ông nằm ở cách mà, những chi tiết ấy không chỉ thuộc về hồi ức cá nhân của mình Vũ Bằng, mà còn của vô số lớp người thuộc về Hà Nội. Đọc Vũ Bằng luôn khiến tôi cảm tưởng như mình đang sống hai cuộc đời: một kiếp sống dĩ vãng những năm 1930-1940 của Vũ Bằng, và của chính tôi gần một thế kỷ sau ông.

Vũ Bằng viết về Hà Nội rất nhiều, và đầy đam mê, như thể “để lấy lại thời gian đã mất.” Tô Hoài từng nhắc đến Vũ Bằng như này: “Thương nhớ mười hai, bàn tay giơ lên đếm một tháng, một ngày, một năm, một đời… Tác giả đã miệt mài ròng rã hơn 10 năm trời mới viết xong được 12 tháng thân phận một kiếp người. Từng câu tha thiết với Hà Nội đã làm cho đến cả những người đương ở giữa Hà Nội cũng phải thương lây yêu lây.”

Hà Nội luôn duyên dáng qua đôi mắt của người con Hà Nội. Ảnh: An Phạm.

Nếu Thương Nhớ Mười Hai vẽ nên một Hà Nội qua 12 tháng và 4 mùa, Miếng Ngon Hà Nội khắc họa ẩm thực Hà Nội qua 15 món đặc sản nổi tiếng, từ phở bò, cốm xanh, và mắm tôm, đến bánh cá và nhiều hơn thế nữa. Có những món đặc sản nổi tiếng mà ai cũng biết, cũng có những món chỉ được biết đến bởi người Hà Nội. Không gì có thể so sánh với một bữa ăn giới thiệu trên bất kỳ trang nào của tác phẩm này. Mỗi khi trong tôi cồn cào nỗi nhớ hương vị Hà Nội quen thuộc, Miếng Ngon Hà Nội là niềm an ủi tinh thần tôi thường tìm tới.

Gần 100 năm sau thời đại của Vũ Bằng, di sản văn học của ông còn vẹn nguyên sức mạnh, hẳn là bởi tình yêu thì chẳng bao giờ lỗi thời. Giống như Vũ Bằng, tôi dần học cách viết mỗi khi sự hoài niệm cồn cào trong lòng, từ đôi dòng nhật ký tới vài bài thơ ngắn; lời thơ về Hà Nội, lưu giữ trong ghi chú của điện thoại hay trên mạng xã hội.

Và bất cứ khi nào cảm giác lạc lõng, hậu quả của việc xa Hà Nội quá lâu, gặm nhấm trái tim tôi, tôi lại quay về với Vũ Bằng. Những lời văn của ông đưa tôi từ một người trưởng thành về cô nữ sinh trung học thời ấy, hạnh phúc tận hưởng bát chè khúc bạch trên đường Trần Hưng Đạo, nhàn nhã lật giở từng trang Thương Nhớ Mười Hai, như chưa từng có cuộc chia ly. Có lẽ nhà không chỉ là một địa chỉ vật lý, mà giản đơn là ký ức sống mãi trong tim, vang vọng trong con chữ Vũ Bằng: “Yêu sao yêu quá thế này! Nhớ sao nhớ quá thế này!”

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

Paul Christiansen

in Văn Chương

Ngồi quán Lão Hạc Cafe, nghĩ về truyện ngắn 'Lão Hạc' và lòng biết ơn

Được Nam Cao viết năm 1943, câu chuyện giờ đây được xếp vào hàng kinh điển của văn học hiện thực; một phong cách nổi bật giữa thế kỉ 20. Giá trị nghệ thuật của ‘Lão Hạc’ đã được bao đời độc giả thừa n...

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

in Trích or Triết

Dục vọng, ngoại tình, và hôn nhân qua lăng kính của Hồ Biểu Chánh

“Ái tình về hình thức mỏng mảnh lắm, phải ái tình về tinh thần kìa, mới bền chặt” — Hồ Biểu Chánh.