Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Bàn về sự giáo dục phụ nữ trong Nam Phong tạp chí qua ngòi bút Phạm Quỳnh

Đầu thế kỷ 20 ở nước ta, sự du nhập của văn hóa phương Tây cùng với cái nền sẵn có của văn hóa phương Đông đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Thứ nhất, An Nam là đất nước có nền thi cử lâu đời, coi trọng việc học, sách thánh hiền; thứ hai, trong tâm trí phái trí thức luôn ấp ủ mong muốn cải tiến, đổi mới để theo kịp thời đại. Từ nhiều lý do khác nhau, vấn đề giáo dục về phụ nữ được bàn luận sôi nổi, trong đó, đáng chú ý là những tiếng nói đóng góp từ Phạm Quỳnh, được đăng tải trên Nam Phong tạp chí.

Đôi nét về Phạm Quỳnh

Phạm Quỳnh sinh năm 1892, quê ở Hải Dương, xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Ông tốt nghiệp trường Thông ngôn Hà Nội, hay còn gọi là trường Bưởi, ngôi trường có truyền thống hiếu học và là nơi xuất thân của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam. Ông từng giữ chức thượng thư bộ Lại cho đến tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp.

Bên cạnh làm chủ bút Nam Phong tạp chí, ông cũng từng tham gia viết cho Đông Dương tạp chí và là thành viên của Hội Khai Trí Tiến Đức. Sự nghiệp của Phạm Quỳnh đều gắn liền với việc nỗ lực đem văn hóa phương tây vào đất nước để nhân dân có thể đón nhận được cái tiến bộ, mới mẻ hơn, khắc phục tình trạng lạc hậu của xã hội, “điều hòa tân cựu.”

Chân dung Phạm Quỳnh. Nguồn ảnh: Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Giáo dục phụ nữ được xem là vấn đề nổi bật trong các bài báo, bài phát biểu của Phạm Quỳnh. Bởi lẽ, Phạm Quỳnh mang khát vọng canh tân đất nước trên lĩnh vực giáo dục, với mọi đối tượng, hoàn cảnh vì “có đồng đẳng mới có bình đẳng.” Bên cạnh đó, ông cũng có cái nhìn thương cảm đối với người phụ nữ. Minh chứng rằng, ông rất coi trọng Truyện Kiều với phát biểu nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” được Hoài Thanh–Hoài Chân trích trong Thi Nhân Việt Nam. Nàng Kiều thời đại ấy bị phần đông người ghét bỏ thậm tệ, bởi việc bênh vực và xem Truyện Kiều như một kho báu của dân tộc, ông từng bị Ngô Đức Kế chỉ trích nặng nề trên báo đài, cũng như các nhà Nho thời bấy giờ.

Từ một công cụ tuyên truyền của giới chức thực dân

Nam Phong tạp chí được ra đời từ năm 1917 đến 1934, dưới sự chủ xướng của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut và chủ bút Phạm Quỳnh. Trong khoảng thời gian lịch sử đầy biến động, trên thế giới liên tục diễn ra những cuộc xung đột gay gắt, mà phải kể đến đó là Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914–1918). Đức và Pháp trở thành hai thế lực đối đầu. Đức tác động vào nhiều mặt trận văn hóa, nhằm làm suy giảm sự hỗ trợ đến nước Pháp, trong đó phải kể đến việc tác động vào suy tưởng của thuộc địa An Nam nhằm khiến nhân dân nổi dậy trước chính phủ Pháp.

Mục lục số đầu tiên của Nam Phong tạp chí. Nguồn ảnh: nguoi-viet.com.

Bài nghiên cứu của Huỳnh Văn Tòng đã chỉ ra hai nguyên do khiến Albert Sarraut phải cho ra đời Nam Phong tạp chí: đánh bại sự ảnh hưởng của Đức ở Đông Dương, tách rời giới sĩ phu yêu nước của ta khỏi văn hóa Tàu, để dễ dàng đồng hóa người Việt Nam. Như vậy có thể thấy, bối cảnh lịch sử ra đời của Nam Phong tạp chí vừa gắn liền với cuộc biến động lịch sử lớn, hệ quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, vừa gắn liền với cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp gây nên ở Việt Nam.

Albert Sarraut coi Nam Phong tạp chí là một ấn phẩm nhằm tuyên truyền những văn minh, hiện đại của nước Đại Pháp. Bởi lẽ đó, chính Phạm Quỳnh cũng bị chỉ trích, bài trừ nặng nề vì bị xem là người phát ngôn cho chính phủ Pháp. Các nhà nghiên cứu văn học sử khi bắt đầu nghiên cứu về Phạm Quỳnh, sẽ thường chia ra làm hai vấn đề: nghiên cứu về sự nghiệp chính trị và sự nghiệp văn học. Và thường Phạm Quỳnh được công nhận ở lĩnh vực văn học nhiều hơn. Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu Nam Phong tạp chí có phải là một thứ công cụ thực dân? Hẳn nhiên, khi nó được lập ra từ thủ tướng Pháp Albert Sarraut thì sẽ mang mục đích chính là như thế. Và Phạm Quỳnh có thực sự nghiêng về chủ đích ấy hay không, hiện tại vẫn còn nhiều tranh luận mâu thuẫn.

Một bức biếm họa Phạm Quỳnh trên tờ Le Monde. Ông là một nhân vật gây tranh cãi lúc bấy giờ khi làm việc dưới thể chế ngôn luận của thực dân Pháp. Tuy nhiên khi
xem xét bề dày những công trình của ông, các học giả hiện đại nhận xét ông là một nhà tri thức “với cách yêu nước của riêng mình.” Nguồn ảnh: Wikimedia Commons.

Đối với việc chỉ trích Phạm Quỳnh, ta có thể tìm đọc đến Phạm Quỳnh - Văn học và Chính trị của Nguyễn Văn Trung. Song, cũng có những người đề cao vai trò của chủ bút Nam Phong trong công cuộc cách tân đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng.” Kết luận lại rằng, thật khó để đánh giá bản chất tốt hay xấu của Phạm Quỳnh dành cho đất nước, nhưng nhìn một cách khách quan hơn, nhờ vào ông, đã có nhiều địa hạt học thuật mới được khám phá.

Vị thế đàn bà An Nam

Qua tư tưởng đàn bà

Bài báo ‘Sự giáo dục đàn bà con gái’ được xem là bài tiêu biểu nhất của Phạm Quỳnh về vấn đề nữ quyền. Dưới con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa-giáo dục, Phạm Quỳnh chỉ ra được vị thế đàn bà An Nam từ xưa đến nay.

Về đàn bà, Phạm Quỳnh chỉ rõ hai tác động đến tư tưởng của họ: thứ nhất là do nền Nho học đã phần nào nhào nặn nên những phẩm chất có phần chịu thiệt thòi về phía mình, thứ hai, những phong tục, tập quán, lời dạy từ các cụ thời xưa đã in đậm trong tâm trí. Khiến phụ nữ xem việc phụng sự người nam là điều đúng đắn. Điều này, nhằm khẳng định vị thế người phụ nữ: họ không phải là kiểu người chỉ biết nghe lời một cách tuyệt đối từ người khác; ngược lại, họ có suy nghĩ, quan niệm riêng và xuất phát từ chính tâm hồn nhân hậu, đảm đang và khát vọng xây dựng tổ ấm. Dưới góc nhìn của nam giới, Phạm Quỳnh bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn trọng những phẩm hạnh người nữ như sau: “Người phụ nữ trưởng thành không phải qua truyền dạy của đàn ông đã được điền lệ hóa trong thơ văn, mà qua những cách ngôn, những tục ngữ ca dao được truyền tục ngâm nga trong dân gian.”

Bài báo ‘Sự giáo dục đàn bà con gái’ của Phạm Quỳnh trên số báo tháng 10/1917. Nguồn ảnh: nguoi-viet.com.

Qua tư tưởng đàn ông

Phạm Quỳnh nhìn nhận vị thế người phụ nữ trong con mắt đàn ông có phần thua thiệt, kém cỏi và bề dưới. Ông thẳng thắn đánh giá, những suy nghĩ ấy: “Hiện nay, có nhiều người mang cái tư tưởng thời Trung cổ… nói rằng đàn bà càng biết chữ lắm càng dễ nhiễm thói xấu nhiều… Không những cái tư tưởng ấy không có lượng, chỉ tỏ lòng vị kỷ của đàn ông, mà lại thực là trái với tình thế ngày nay.”

Vế đầu tiên, có thể hiểu Phạm Quỳnh đã phần nào lật đổ được tính bao biện từ xưa đến nay: đạo Nho được xem là rường cột, là ý hệ mà đàn ông gây nên cho người phụ nữ. Và những điều đó một phần nào nhân danh cái chung, sự phát triển của đất nước, sự duy trì nòi giống, gắn cái mác là “thiên chức” đầy cao cả nhưng thực chất lại là cách để điều khiển người nữ. Đó không phải cái chung, mà nó thuộc về cá nhân ích kỷ, độc đoán, gia trưởng. Vế thứ hai, có thể hiểu, tư tưởng ấy giờ không còn phù hợp với thế sự hiện đại, bởi lẽ, những thước đo chuẩn mực của Nho giáo giờ cũng trở nên lung lay, trình độ đạo đức, tri thức ngày càng xuống cấp. Sự cải cách giáo dục là điều nên làm, nếu không xã hội ngày càng trở nên thụt lùi, lạc hậu. Con người, cả nam và nữ, đều cần có sự đồng lòng, bình đẳng để đưa đất nước đi lên.

Phụ nữ Nam Kỳ và Bắc Kỳ thế kỷ 20. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr @manhhai.

Bàn về sự học của đàn bà thời ấy

Đàn bà thượng lưu

Phạm Quỳnh nỗ lực nghiên cứu để phân chia rạch ròi người nữ thành các nhóm khác nhau, dựa trên tiêu chí xuất thân. Điều này giúp cho ông phần nào đánh giá được tính cách, cũng như đường hướng phát triển của họ trong tương lai.

“Thượng lưu là những bậc gia thế cựu tộc, những bậc quan tước, cùng đại để những nhà giàu sang nền nếp, không bí bách về đường doanh nghiệp mà có thể lưu tâm về sự học được nhiều.” Phạm Quỳnh cho rằng, người nữ với xuất thân từ bậc thượng lưu càng phải xứng đáng được thừa hưởng sự giáo dục, nhất là giáo dục cách tân.

Các học viên của trường Đồng Khánh, một trong những ngôi trường nữ sinh đầu tiên tại Việt Nam. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr @manhhai.

Thứ nhất, họ vốn dĩ sinh trưởng trong một gia đình được thừa hưởng nhiều cái mới, cái vượt bậc hơn người khác về cả vật chất lẫn tinh thần. Sự giáo dục dành cho người nữ trong gia đình thượng lưu sẽ giúp người nữ tiếp cận, hòa nhập được với gia đình. Mặc khác, đó cũng là cách để người nữ có thể “môn đăng hộ đối” với bậc quân phu sau này. Dẫu sao chăng nữa, sự tương xứng lứa đôi cũng là một phần quan trọng trong một gia đình quyền quý.

Thứ hai, việc giáo dục người phụ nữ cũng là cách giữ gìn một phần văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì người nữ trong gia đình thượng lưu họ có tâm trí thoải mái hơn để học những môn học thuộc về văn hóa, quyết để làm giàu đẹp về thế giới tinh thần, đó là “cầm, kỳ, thi, họa.” Những môn học này theo Phạm Quỳnh đã phần nào mai một đi nhưng vẫn cần giữ gìn, khôi phục. Việc nuôi dưỡng một tâm hồn nghệ thuật cũng là cách mở đường cho những lĩnh vực nghệ thuật sau này. Như Phạm Quỳnh từng đánh giá “[...] người đàn bà nên biết đem cái tình riêng của mình mà uốn nắn cho nhời nôm được mềm mại, cũng thanh tao mà cũng yểu điệu như mình, khá lấy diễn được hết những cảnh vui sầu trong mộng thế [...]” Không chỉ là những phương pháp giúp người nữ thuộc bậc thượng lưu chú trọng việc học, ông còn khẳng định cái mong mỏi, hy vọng về người nữ: “Bởi thế mà ta rất là mong mỏi ở bọn tân nữ sĩ sau này vậy.”

Đàn bà trung lưu

Theo Phạm Quỳnh, đàn bà trung lưu có xuất thân, tính cách khác so với đàn bà thượng lưu, nên sự học cũng có mục đích khác. “Đến trung lưu thì gồm cả những nhà Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung không giầu cũng không nghèo, dư sức cho con đi học, nhưng thường coi sự học là cái vốn về sau mà vụ đường thực lợi. Bọn trung lưu ấy là phần nhiều hơn nhất, lại là phần chăm chỉ cần mẫn, ham đường tiến thủ, một nước phải lấy dân làm gốc. Nước giầu dân mạnh cũng là nhờ công phu tài trí của bọn ấy.”

Như vậy, mục đích học của đàn bà trung lưu phần nào giống với mục đích học bấy giờ, ở mọi tầng lớp. Trước hết, vì sự phụng dưỡng gia đình, sau hết, là cống hiến cho đất nước. Phạm Quỳnh chỉ ra rằng, người nữ trong gia đình trung lưu cần chú trọng những hoạt động thiên về thực hành nhiều hơn, như nữ công, may vá, hay thêu dệt — đều là những công việc truyền thống, rèn dũa sự đảm đang, cần mẫn của người nữ. Bên cạnh đó, quan trọng hơn hết đó là chỉ dạy về việc tính toán, giữ sổ sách để có thể phụ giúp cha mẹ trong việc buôn bán. Như vậy, người nữ được trực tiếp tham gia vào việc nhà cửa, việc hệ trọng.

Một lớp dạy thêu thùa cho phụ nữ ở Bắc Kỳ. Nguồn ảnh: tài khoản Flickr @manhhai.

Bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ 20

Đầu thế kỷ 20, có thể xem là thời kỳ đầy biến động, không chỉ về mặt chính trị mà còn cả trên mặt trận văn hóa. Những tư tưởng mới về con người được đưa ra, khởi xướng, du nhập vào và được các bậc trí thức bấy giờ tranh luận, tìm kiếm xem đâu là phương pháp phù hợp cho sự cách tân đất nước mà phải kể đến những cái tên tiêu biểu như Hội khai trí Tiến Đức, Đông Kinh Nghĩa Thục, v.v. Trong đó, vấn đề nữ quyền, bình đẳng giới được Phạm Quỳnh chú ý, và tranh luận sôi nổi, cho phép những bậc trí thức khác tham gia vào, trong đó phải kể đến những cái tên quen thuộc như Nguyễn Bá Học, Đạm Phương nữ sử, Hoàng Ngọc Phách… Được đăng trên Nam Phong tạp chí như là một cách để giới trí thức đưa ra cái nhìn riêng mình một cách dân chủ, minh bạch với mục đích cuối cùng là canh tân đất nước.

Nam Phong tạp chí về Quốc ngữ trên số báo tháng 10/1917. Nguồn ảnh: nguoi-viet.com.

Giới trí thức đầu thế kỷ 20 còn được chia hai nhóm chính: cựu học và tân học, chính điều này tạo nên xung đột, mâu thuẫn về mặt tư tưởng. Có tư tưởng lạc hậu, cố tình giữ lại những cái cổ hủ, nhằm đảm bảo cái lợi ích cho giới nam. Nhưng Phạm Quỳnh đã có sự nỗ lực hơn hết, nhìn nhận ra những sai lầm trong văn hóa, trong giáo dục không còn phù hợp. Phạm Quỳnh không hoàn toàn phủi bỏ những giá trị về văn hóa Nho học “nên kén vừa người tân học, vừa người cựu học, không câu nệ bên nào.”

Trong cách thức Phạm Quỳnh đưa ra để giáo dục người nữ, ông đã luôn nhấn mạnh vào việc học chữ Quốc ngữ, một vấn đề nan giải vì thời ấy, sách Quốc ngữ chưa nhiều. Nhưng không phải bởi thế mà câu nệ, bỏ qua. Cần đào sâu, tiếp tục nghiên cứu, trước hết đi từ cái gốc, cái đã thấm nhuần trong lòng dân tộc thuộc về văn học như Truyện Kiều: Truyện Kiều như là một kho tình vô hạn, mỗi câu như mang nặng một gánh tương tư với đời. Lại là một tấm gương tầy liếp, phản chiếu cho ta trông hết hạng người hạng người trong xã hội, người nào tật nấy, in như thực, như trên cái màn chớp bóng vậy.” Sự lồng ghép giữa việc giáo dục chữ Quốc ngữ để tiếp thu một tác phẩm viết bằng chữ Nôm và giàu tính đời, tính hiện thực như Truyện Kiều giúp cho người nữ nhìn nhận rõ hơn về thân phận mình trong xã hội cũ, thấy được đủ hạng người để biết cách đối nhân xử thế, học cách gìn giữ một phần văn hóa, hồn cốt của dân tộc mà như Phạm Quỳnh ca ngợi “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.”

Một tinh thần khai mở về giáo dục

“Sự giáo dục đàn bà con gái” của Phạm Quỳnh đã khơi dậy một công cuộc canh tân đất nước, trong đó, nhìn nhận lại vai trò của người nữ trong xã hội Việt Nam từ trước đến nay. Không chỉ đưa ra những lời đánh giá lý thuyết mà chủ bút Nam Phong tạp chí còn đưa ra những giải pháp thích hợp. Dẫu thế, ông vẫn trên tinh thần sẵn sàng đón nhận những ý kiến khác, đặc biệt từ người nữ để thấu hiểu hơn về con người họ, đứng trong xã hội đầy biến động. Phạm Quỳnh tiếp nhận những tư tưởng mới từ tây học như bình đẳng giới, ông đi từ cái nền có sẵn, gần gũi như khởi đầu bài viết bằng cách dẫn thơ của Quách Tấn, xem người nữ và người nam đều bình đẳng như nhau; ông còn lấy dẫn chứng từ đạo Phật, từ câu chuyện cô Tuyết Nương (hình mẫu người phụ nữ giỏi giang, có tư tưởng tiến bộ trong một diễn thuyết của Phạm Quỳnh) để người đọc hiểu có sự liên tưởng, đúc kết vấn đề.

Một số nhan đề về phụ nữ Việt Nam của Nam Phong tạp chí được tổng hợp và giới thiệu đến độc giả ngày nay. Nguồn ảnh: Fahasa.com.

Phạm Quỳnh dẫu dưới góc nhìn đàn ông, vẫn có ý bênh vực, cảm thông số phận người nữ và sẵn sàng chê bai, thẳng thắn bài trừ những tư tưởng bất bình đẳng xưa nay: “Các cụ chỉ biết khuyên người đàn bà nên rộng bụng dung kẻ tì thiếp, các cụ không biết khuyên người đàn ông nên nghĩ lại thương đến vợ mình.” hay “Kiếp người đàn bà như một cuộc đi câu, câu cái hạnh phúc; may ra câu được con cá to, chẳng may được con tôm cái tép cũng cam chịu một đời.” Với những tư tưởng, cái nhìn nhận khách quan, phù hợp với thực tiễn thời đại, Phạm Quỳnh vẫn luôn mong mỏi nhận được những giải pháp tốt nhất từ các bậc trí thức trên cả nước và xem việc giáo dục người nữ trong hoàn cảnh đương thời là cái mộng tưởng lớn. Nhưng trên hết, Phạm Quỳnh vẫn có một lòng tin rằng, cái mộng tưởng ấy sẽ thành sự thực dưới sự chung sức của toàn dân tộc.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Đạm Phương nữ sử và những bài học về nữ quyền từ 100 năm trước

“Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhân loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức thì một nửa nhân loại có lẽ sẽ là thú cả.”

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Một thế hệ can đảm trong thế giới khắc nghiệt qua ngòi bút Lan Khai

Ồ, tại sao người ta cứ lẩn thẩn tìm mãi cho đời mình một mục đích? Mục đích của sự sống chẳng phải chính là sống đấy ư? Sống một cách đầy đủ, không bị đè nén, không bị trói buộc, không bị ép uổng dùng...

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...