Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Trích or Triết » Đạm Phương nữ sử và những bài học về nữ quyền từ 100 năm trước

“Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhân loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức thì một nửa nhân loại có lẽ sẽ là thú cả.”

Ấy chính là những lời lẽ đanh thép của Đạm Phương nữ sử viết trên tờ Phụ nữ tân văn năm 1930, là một trong rất nhiều tuyên ngôn nói lên tinh thần phản kháng của vị nữ sĩ khi đấu tranh cho sự bình đẳng giới. Sinh ra trong thời kỳ còn nặng nề với các lễ giáo hà khắc, bà chứng kiến phụ nữ đương thời bị trói buộc bởi những tư tưởng hủ lậu của thể chế phong kiến. Từ đó, bà đã chọn con đường cầm bút hành văn, lấy đặc quyền và hiểu biết của mình để cổ vũ cho những điều tiến bộ, đặt nền móng cho nhiều cải cách giáo dục và phong trào nữ quyền tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ sau.

Công nữ Đồng Canh, lấy biệt hiệu Đạm Phương nữ sử, là một nhà văn, nhà báo, và nhà hoạt động xã hội vào đầu thế kỷ 20. Qua văn đàn và diễn đàn báo chí, bà để lại kho tàng đồ sộ bao gồm các tiểu luận, tiểu thuyết, thơ, tài liệu biên khảo và sách dịch. Dưới nghiên cứu của hậu thế, bà được nhận xét là nhân vật có tư tưởng cấp tiến vượt thời đại, luôn đề cao tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí phụ nữ trong công cuộc xây dựng xã hội.

Vị nữ công đòi nữ quyền

Cuộc đời và sự nghiệp văn hoá của nữ ký giả gắn liền với giai đoạn biến động nhất của lịch sử Việt Nam cận đại.

Đạm Phương (1881–1947) sinh ra trong một gia đình hoàng tộc, là cháu gái của Hoàng đế Minh Mạng. Khi bà ra đời, vương triều nhà Nguyễn đang suy yếu trước công cuộc thôn tính của thực dân. Thân phụ bà lại có thời gian bị bãi chức vì phục vụ cựu vương bị phế truất. Giữa tình hình triều đình rối ren, bà may mắn vẫn được dạy dỗ bởi nền giáo dục của hoàng tộc. Thuở nhỏ, bà đã học chữ Hán, Quốc ngữ, tiếng Pháp và giỏi nhiều bộ môn cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh. Đồng thời, bà hấp thụ tư tưởng cởi mở từ thân phụ Miên Triện, là hoàng tử đầu tiên được cử sang Pháp để tìm hiểu nền văn minh phương Tây.

Đạm Phương nữ sử. Nguồn ảnh: Tạp chí Sông Hương.

Thời trưởng thành, bà chịu ảnh hưởng lớn từ các phong trào cải cách xã hội trong và ngoài nước. Sau Thế chiến Thế giới I, những thảo luận đầu tiên về phong trào nữ quyền bắt đầu nhen nhóm ở vùng đất Nam Kỳ. Sự lan truyền mạnh mẽ của làn sóng nữ quyền ở châu Âu đã có những hiệu ứng dây chuyền nhất định đến Đông Dương về mặt truyền thông.

Song song đó, chính quyền thuộc địa đã ban hành “Học chính Tổng Quy,” bộ quy chế cải cách giáo dục cho phép các học sinh nữ đi học tại các ngôi trường Việt-Pháp. Quy chế ấy đã dẫn đến sự xuất hiện một thế hệ nữ sinh “Tây học” và tầng lớp phụ nữ trí thức — được lao động kinh tế và khát khao tự do, bình đẳng. Quan trọng hơn hết, họ biết đọc, viết, và tiêu thụ nội dung bằng Quốc ngữ. Và từ đó, những ấn phẩm viết cho nữ giới, những chủ bút nữ giới đầu tiên ra đời.

Việc sống và làm việc giữa những luồng văn hóa đa chiều ấy đã giúp bà thoát khỏi thứ tư duy “khuôn mẫu” đương thời, thay vào đó chọn cho mình suy nghĩ canh tân để mở lối cho những người phụ nữ khác.

Ngòi bút phá vỡ truyền thống

Năm 1918 đánh dấu bước ngoặt khi Đạm Phương chính thức bước chân vào làng báo qua tờ Nam Phong tạp chí và trở thành một trong những nữ ký giả đầu tiên của Việt Nam. Trong thời điểm báo chí Quốc ngữ còn non trẻ, Đạm Phương nhanh chóng được biết đến nhờ những bài viết sâu sắc và lập luận chặt chẽ, phản ánh cả khát vọng tự do cá nhân lẫn trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Bà cộng tác với nhiều tờ báo lớn và uy tín trên khắp ba miền, trong đó, phần nhiều là các tạp chí phục vụ nữ giới như Phụ nữ Thời đàm, Phụ nữ Tân văn; hoặc chuyên mục riêng như “Văn đàn bà” trên tờ Hữu thanh.

Báo Phụ nữ Tân văn số 28 xuất bản năm 1929. Nguồn ảnh: Báo Tia Sáng.

Thường xuyên xuất hiện trong các bài viết của Đạm Phương là câu chữ lên án các quan niệm lỗi thời về vai trò của phụ nữ. Dưới thời phong kiến, phụ nữ bị giam hãm trong khuôn mẫu “hiền thê lương mẫu” và việc nội trợ bị coi là bổn phận duy nhất. Lớn lên ở chốn hậu cung, bà cũng không lạ gì những định kiến mà phụ nữ phải chịu đựng, và bà dùng báo chí để phê phán xiềng xích vô hình và bất công ấy. Trong một bài viết đăng trên Trung Bắc tân văn, bà viết: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bắt người đàn bà thủ tiết chờ chồng khi chồng chết, hạn chế học hành của phụ nữ đều phải vứt bỏ cùng với tam tòng tứ đức.”

Đạm Phương không chỉ chỉ ra sự phi nhân tính của như hủ tục như “thủ tiết,” “ép gả” phụ nữ như món hàng, mà còn thẳng thắn yêu cầu chúng phải bị loại bỏ. Đối với bà, thứ lễ giáo đó không phải là thước đo đạo đức, mà chính là công cụ kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, khiến họ mãi sống trong cảnh lệ thuộc. Song, Đạm Phương cũng hiểu chế độ phụ quyền không chỉ ảnh hưởng đến người phụ nữ. Bà coi thứ quan niệm của người đời lúc đó — “đàn ông phải làm nhiều tiền của, bao bọc cho cả gia đình,” còn đàn bà là “phận phá phụ tòng, phụ sự các việc nhỏ mọn” — là một sự phân công bất tự nhiên. Nó gán cho họ những thân phận và lấy đi quyền được tự quyết định về cuộc đời mình của mỗi người.

Nữ sinh trường Đồng Khánh, là ngôi trường đầu tiên và duy nhất dành cho nữ tại Thừa Thiên-Huế vào đầu thế kỷ 20. Nguồn ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế.

“Làm người phải nên biết rằng: tấm thân đứng giữa vũ trụ, chẳng phải sinh không, không phải ích. Người đàn ông có bổn phận nghĩa vụ thế nào, người đàn bà cũng có bổn phận nghĩa vụ thế ấy, chỉ khác nhau có cái địa vị phần trong phần ngoài mà […] chớ tạo hóa đã sinh ra người, thì người nào lại không linh tính, vật gì là vật vô lý, vô dụng là bởi gì không học đó mà thôi.”

Thông qua “Bàn về sự học con gái,” Đạm Phương đưa ra một thảo luận sơ khai về vấn đề bình đẳng giới: Đầu thế kỷ 19, người nam và người nữ vẫn còn bị gò bó bởi những bổn phận cố định (“phần ngoài” chỉ việc kinh tế, “phần trong” chỉ việc nội trợ). Bà cho rằng dù có sự khác biệt như thế, người nam và người nữ sinh ra về cơ bản là giống nhau, mỗi người đều được tạo hóa ban cho một ý nghĩa và mục đích riêng. Ai cũng cần được trao cơ hội để phát triển, có thể mới không “vô dụng” mà làm đẹp cho đời, và xã hội cần ghi nhận một cách công bằng giá trị của cả hai giới, dù họ có đảm nhiệm vị trí “ngoài” hay “trong.”

Vì sự giải phóng đàn bà

Bênh cạnh bác bỏ các quan niệm truyền thống, Đạm Phương còn đặc biệt tập trung vào việc truyền bá tư tưởng giải phóng phụ nữ bằng con đường tự chủ giáo dục và kinh tế: “Bởi vì cớ làm sao mà người đàn bà lại không được trực tiếp với xã hội? Là vì sự học vấn còn chưa được phổ thông và thời kỳ chưa được hiệu dụng cho nên nữ ngôn không được kiến trọng với đời.”

Vốn thạo chữ nghĩa, bà nhận thức được tầm quan trọng của việc đi học với số phận một con người. Theo bà, phụ nữ nước Nam là những công dân “không phải không có óc thông minh, cũng không phải không có tài năng,” chỉ rằng tiềm năng của họ bị phí hoài do không được mở rộng hiểu biết. Tuy nhiên, họ không nên chờ đợi sự thay đổi từ bên ngoài, mà cần chủ động trau dồi kiến thức và xây dựng sự nghiệp để kiểm soát cuộc đời mình.

Đạm Phương cùng chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng. Như vợ mình, ông cũng là một nhà quý tộc và một học sĩ. Hai người từng viết một tập thơ chung. Cháu nội của họ chính là nhà văn Nguyễn Khoa Điềm. Nguồn ảnh: Tạp chí Sông Hương.

Với Đạm Phương, đi học về cơ bản nhất là để có được sự cân bằng vai vế trong môi trường gia đình, bởi “n​​ếu người phụ nữ chỉ được dạy về đức hạnh, không được dạy tri thức thì ‘không đủ sức khuyên can chồng, dạy vẽ con’ và bảo tồn được cái danh giá làm người.” Đạm Phương nhấn mạnh rằng “tri thức xấp xỉ với nhau thì sự đề huề mới có được” — sự bình đẳng trong tri thức là nền tảng cho hạnh phúc gia đình. Chỉ khi vợ chồng có mức độ hiểu biết tương đồng, họ mới có thể hỗ trợ và đồng hành cùng nhau.

Việc học ở đây không chỉ là học nữ công gia chánh, mà là học văn hóa, học cho mình một cái kế sinh nhai đường hoàng: “Chị em ta đã biết rằng: ngày nay tất cả phải có công nghệ mới sinh tồn, cho nên ôm quyển sách mà đi học, là cũng mong cho có kiến thức mở mang, tùy theo tư cách mình để mà chọn lấy nghề nghiệp làm ăn…”

Trên thực tế, thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu khai thác Việt Nam, một bộ phận phụ nữ đã tham gia hoạt động sản xuất tại các hầm mỏ, đồn điền, nhà máy, v.v. Nhưng thiếu trình độ, họ thường bị giao những công việc nặng nhọc, làm nhiều giờ nhưng lương thấp hơn so với nam giới. Ở nông thôn, tình trạng nghèo đói đã đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh tha hương, phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, bóc lột trong quá trình kiếm sống.

Hình ảnh trong một xưởng chế biến mủ sao su. Vào năm 1926, đồn điền Michelin có 2030 người lao động, trong đó có 250 phụ nữ, đa phần là người di cư từ Bắc bộ vì tình trạng nghèo đói. Nguồn ảnh: Sách Des Hévéas et des Hommes, l'aventure des plantations Michelin (Cây cao su và những người đàn ông - Khám phá các đồn điền Michelin) (2006).

Nêu bật thực trạng lúc bấy giờ, Đạm Phương nhận xét: “Dĩ tri nghề nghiệp của đàn bà con gái đều khoáng kế cả, thợ thêu, thợ dệt, thơ may phó mặc cho đàn ông lãnh hết.” Bà chỉ ra rằng, nhà nước ngày ấy dù có mở các trường nữ học, giúp một số phụ nữ được tiếp cận với lĩnh vực trí thức như cô giáo hay hộ sinh, nhưng về chung con số này vô cùng ít ỏi, phần lớn vẫn mắc kẹt với những công việc lặt vặt, giá trị thấp, khiến họ dễ bị khinh thường, khó thoát khỏi vòng lẩn quẩn giữa sự áp bức của chế độ phong kiến và chế độ thực dân.

Lao động, mà không đi kèm với sự học phù hợp, rồi cũng sẽ chỉ dẫn phụ nữ đến con đường cùng cực, tha hóa. Vậy nên, Đạm Phương hết sức chủ trương kêu gọi phụ nữ tự trang bị vốn sống toàn diện — trước nhất là giáo dục trí đức để họ biết biết lễ nghi nước Nam, biết đạo làm người, biết suy nghĩ thông suốt; thứ hai là giáo dục kỹ năng, phải học cho thật chắc một cái nghề là để phần nào làm chủ được công việc của mình “chớ không phải nô lệ ai,” có thế mới từng bước tạo dựng được tiếng nói.

“Nữ giới mà có học thức, là ích lợi chung trong xã hội…”

Nhằm hiện thực hóa chủ trương khai phóng phụ nữ của mình, năm 1926, Đạm Phương đã trở thành Hội trưởng của Nữ công Học hội, được xem là tổ chức giáo dục nghề nghiệp đầu tiên của phụ nữ tại Việt Nam.

Ngay tại buổi diễn văn khánh thành, bà đã khẳng định sứ mệnh của Hội: “Nữ công chẳng những giúp cho đàn bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế, và thứ nữa là cái mầm mống của sự công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này vậy...”.

Đạm Phương (ngồi ở giữa, sau bàn) tại lễ khánh thành Nữ công Học hội Huế. Nguồn ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đạm Phương, Nữ công Học hội nhanh chóng mở rộng ra 18 tỉnh thành và thu hút hàng trăm phụ nữ từ khắp ba miền. Hoạt động của Nữ công Học hội rất đa dạng và thiết thực, từ việc các kỹ nghệ truyền thống như “may mặc, thêu thùa, dệt vải, nuôi tằm ươm tơ, nấu ăn, làm mứt và kẹo bánh” đến giáo dục đại cương như quản lý chi tiêu gia đình, nuôi dạy con trẻ, bồi bổ kiến thức khoa học v.v.

Cùng với sự phát triển của hội, Đạm Phương đã tiến cử cán bộ ra Hà Đông, Hà Nội, vào Quảng Nam học thêm các nghề mới như dệt vải, ươm tơ, nuôi tằm để về phổ biến lại cho chị em trong Hội. Hoặc biết nơi nào mới sáng chế được máy móc phục vụ tốt cho sản xuất, bà viết thư mời người đó dạy cho Hội viên. Khi công việc của Hội ổn định, đi vào hoạt động có nề nếp, bà đã liên tiếp ra Bắc vào Nam để khuyến khích việc thành lập các tổ chức nữ học tương tự.

Điều lệ tham gia Nữ công Học hội Huế. Nguồn ảnh: Tạp chí Sông Hương.

Giai đoạn cuối 1920, đầu 1930, nhận thức về nữ quyền trong nước càng dâng cao khi phong trào giải phóng phụ nữ hòa chung với dòng chảy của phong trào yêu nước và giải phóng giai cấp. Khi ấy, Nữ công Học hội lại càng đóng vai trò quan trọng khi “tạo nhiều sự thuận lợi cho cho sự tập hợp của phụ nữ ở Huế” — giúp họ làm quen với các công việc xã hội và là bàn đạp cho phong trào bãi khóa của nữ học sinh trường Đồng Khánh, trường Quốc học Huế.

“Sự ra đời của Hội Nữ Công đã thu hút đông đảo chị em tham gia vào các hoạt động xã hội… Hội đã giác ngộ tinh thần yêu nước, hướng chị em phụ nữ vào những hoạt động tích cực, chống lại các hủ tục, những ràng buộc lễ giáo phong kiến,” sách Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế năm 1930 đã ghi nhận.

Các bé gái chơi bóng bàn tại Nữ công Học hội Gia Định, một hội sở ở Sài Gòn nối đuôi thành công của tổ chức tại Huế. Nguồn ảnh: Báo Phụ Nữ.

Bài học về nữ quyền cho 100 năm sau

Uy tín của bà qua các hoạt động xã hội như Nữ công Học hội đã thu hút sự chú ý của thế lực thù địch. Năm 1929, bà bị bắt giam vì bị nghi ngờ có liên hệ với các phong trào cách mạng. Dù được thả sau 2 tháng, sự giám sát liên tục từ phía thực dân buộc bà phải từ bỏ vai trò lãnh đạo để tổ chức có thể tiếp tục tồn tại. Những năm sau đó, bà phải chịu đựng nhiều mất mát cá nhân: chồng mất vì bệnh tật, và hai con trai hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Giữa những biến cố gia đình và thời cuộc, Đạm Phương rời xa làng báo từ giữa thập niên 1930. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ vào năm 1946, bà cùng gia đình tản cư đến vùng tự do ở Thanh Hóa, nơi bà qua đời vào năm 1947.

Tranh cổ động bình đẳng giới nhằm dịp kỷ niệm 50 Liên Hợp Quốc. Nguồn ảnh: Viet Craft Collection.

Dù rời xa vũ đài báo chí vào cuối đời, di sản của Đạm Phương vẫn tỏa sáng qua những tác phẩm bà để lại cho hậu thế. Minh chứng rõ ràng rằng, sau hơn 100 năm, các vấn đề mà bà đấu tranh — bình đẳng giới, giáo dục, và tự chủ kinh tế — vẫn còn nguyên tính thời sự trong xã hội.

Bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, đặc biệt trong thu nhập, cơ hội thăng tiến, và định kiến ở nơi làm việc. Phụ nữ Việt Nam hiện đại vẫn phải đối diện với gánh nặng kép — vừa kiếm tiền, vừa đảm trách việc gia đình — như Đạm Phương từng phê phán.

Trước bối cảnh ấy, tư tưởng khai phóng của bà tiếp tục mang tính định hướng cho các cuộc thảo luận về giới của chúng ta ngày nay: việc giáo dục và nâng cao nhận thức của từng cá nhân là thiết yếu, bởi tư duy của từng người thay đổi thì tư duy của toàn xã hội mới có thể tiến bộ. Như Đạm Phương đã từng nhấn mạnh, “cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại, có phải riêng chi một ai.” Chỉ khi cả cộng đồng, bất kể giới, chung tay vì cuộc sinh tồn ấy, chúng ta mới có thể hiện thực hóa những ước mơ mà Đạm Phương đã phấn đấu suốt cuộc đời mình.

Bài viết liên quan

in Trích or Triết

Bàn về sự giáo dục phụ nữ trong Nam Phong tạp chí qua ngòi bút Phạm Quỳnh

Đầu thế kỷ 20 ở nước ta, sự du nhập của văn hóa phương Tây cùng với cái nền sẵn có của văn hóa phương Đông đã tạo nên nhiều cuộc tranh luận ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Thứ nhất, An Nam là ...

in Trích or Triết

Triết lý phồn thực và tiếng nói phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương

“Cái tên Xuân Hương cứ gợi lên trong trí óc ta một người còn trẻ, ta cảm thấy gọi ‘bà’ là không ổn; trong ý niệm của ta, Xuân Hương không bao giờ già; ta thích gọi bằng ‘nàng’ bằng ‘cô’; đẹp hơn hết, ...

Linh Phạm

in Trích or Triết

Mối tương tư da diết, nức nở, bất chấp định kiến trong áng thơ Xuân Diệu

“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.” 

in Trích or Triết

Nỗi đau và khát vọng hạnh phúc qua ngòi bút Nam Cao

Một nhà văn trẻ thời thuộc địa muốn nói gì về xã hội, đau khổ và hạnh phúc với người trẻ thế kỷ 21? 

in Trích or Triết

Xuân Quỳnh: Từ cảm quan tính nữ đến vẻ đẹp riêng tư

Trong mỗi giai đoạn phát triển của địa hạt thơ ca Việt Nam, những nhà thơ nữ luôn có những đóng góp tiêu biểu riêng và xác lập được một vị thế rõ ràng trong lòng độc giả. Sau Cách mạng tháng Tám ...

in Trích or Triết

Đọc Nguyễn Tuân để chiêm nghiệm cách sống giữa một thế giới bất định

"Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi."