Ngắm nhìn những bộ tem thư qua từ những thời kỳ khác nhau là một cách thú vị để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của một quốc gia. Tem thư đi đến khắp nơi trên thế giới, mang theo thiết kế thể hiện tư duy thẩm thẩm mỹ của dân tộc trong từng giai đoạn cụ thể.
Chàng trai trẻ Đức Lương là nghệ sĩ minh họa toàn thời gian cho một agency quảng cáo tại Sài Gòn, nhưng khi rãnh rỗi, anh lại dành thời gian để tìm hiểu các mẫu tem thư cổ để bổ sung cho dự án sưu tập Bưu Hoa của mình. Theo Lương, "bưu hoa" là một từ phổ biến trước năm 1975 để gọi tem thư, với ý nghĩ tem cũng đẹp như hoa. Lần đầu anh biết tới chữ này là khi đọc cuốn Nghệ Thuật Chơi Tem, xuất bản năm 1967, của tác giả Nguyễn Bảo Tụng.
Trong khoảng thời gian hơn 3 năm theo đuổi dự án, Lương đã đăng tải những bức tem mình tìm được qua trang Instagram Bưu Hoa Việt Nam. Tại đây, anh chia sẻ với người theo dõi ảnh chụp các bộ tem cổ, cũng như kể lại các mẩu chuyện thú vị đằng sau những bộ sưu tập này. Ngày nay, rất hiếm để tìm được một đơn vị xuất bản, một kênh truyền thông hay một diễn đàn để thảo luận về chủ đề tem thư cổ. Tuy nhiên, tại Sài Gòn, vẫn có một cộng đồng nhỏ những người yêu thích tem thư thường xuyên trao đổi, gặp gỡ để duy trì và chia sẻ niềm đam mê.
"Những thông tin [trên Bưu Hoa] đến từ các cuốn sách và tạp chí về tem mình tìm được ở các tiệm sách cũ," Lương chia sẻ với Saigoneer. "Mình nhớ có một lần, đang tính đi mua snack thì lại đi ngang qua [một tiệm sách]. Rồi mình tình cờ thấy một cuốn sách cổ và hiếm nên quyết định mua luôn."
Lượng giới thiệu đa dạng các mẫu tem cổ, nhưng chủ yếu là các mẫu trong giai đoạn 1945–1975. Hình ảnh bộ sưu tập thời kỳ này không chỉ cho thấy phong cách nghệ thuật đặc trưng mà còn gợi nhớ lại kinh tế Việt Nam hồi ấy. Ngày nay, tem thư rẻ nhất có giá 4.000VND, nhưng giá thành của các con tem ngày đó chỉ có vài xu và hào (1.000 đồng quy đổi ra thành 100 xu hoặc 10 hào).
Các bộ tem được Lượng giới thiệu trên Bưu Hoa hầu như thuộc quyền sở hữu của các nhà sưu tập tem có tiếng mà anh làm quen từ các buổi giao lưu của cộng đồng đam mê tem cổ Sài Gòn. Trước khi đại dịch bùng phát, các thành viên của câu lạc bộ thường gặp nhau vào Chủ Nhật hằng tuần tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Nhờ các sự kiện này mà Lượng biết đến nhiều mẫu tem cổ quý hiếm; đồng thời, các độc giả cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh các mẫu tem với anh qua trang Facebook Bưu Hoa.
Lượng hy vọng vọng rằng những nghiên cứu, câu chuyện và hình ảnh anh chia sẻ thông qua Bưu Hoa sẽ trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích để các nhà sáng tạo ứng dụng trong thiết kế của mình. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về dự án thông qua trang Facebook và Instagram của Bưu Hoa.