Xòe Thái, nghệ thuật múa đặc sắc của dân tộc Thái ở nước ta, vừa được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Theo báo Phụ Nữ đưa tin, quyết định này được đưa ra tại kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể. Cuộc họp diễn ra tại Paris, Pháp chiều ngày 15/12 (giờ Việt Nam). Nghệ thuật múa truyền thống của người dân tộc Thái đã được bổ sung vào danh sách này cùng với 35 hồ sơ khác từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Như vậy, hiện Việt Nam đã có 14 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận, bao gồm phần lớn là các nghệ thuật trình diễn như quan họ Bắc Ninh, ca trù, bài chòi, hò ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, v.v. Việt Nam cũng đã gửi hồ sơ về ngành in khắc gỗ Đông Hồ và gốm Chăm cho tổ chức xem xét.
"Xòe" có nghĩa là nhảy múa theo ngôn ngữ của người dân tộc Thái. Đây là loại hình nghệ thuật biểu diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội làng, và các sự kiện cộng đồng khác. Múa xòe có 3 loại chính: xòe tín ngưỡng, xòe giải trí và xòe biểu diễn. Một số điệu xòe kết hợp với đạo cụ và mang tên đạo cụ như: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt v.v. Ngoài ra người dân tộc Thái còn sử dụng các đạo cụ như nón lá, hoa, và cọc tre. Điệu múa khá đa dạng nhưng có điểm chung là xòe vòng, tức là mọi người đứng thành hình vòng tròn và múa đều với nhau.
UNESCO mô tả rằng nhạc cụ đệm cho điệu xòe bao gồm tính tẩu, kèn, trống, cồng, chũm chọe, và sáo.
Theo Dữ liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2019, dân tộc Thái ở nước ta có hơn 1,82 triệu người, là dân tộc lớn thứ ba cả nước sau người Kinh và người Tày. Cộng đồng người dân tộc Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, bao gồm Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
[Ảnh bìa: Quân Đội Nhân Dân]