“Đồng Bào Việt Phục” là dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR (augmented reality), minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó, mỗi trang sách không chỉ mang đến các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của từng dân tộc mà còn cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa của chúng.
"Những năm gần đây, phong trào tìm hiểu trang phục truyền thống, phục dựng cổ phục ngày càng được ủng hộ. Tuy nhiên, các hoạt động này lại có phần 'thiên vị' trang phục truyền thống của dân tộc Kinh hơn. Trong khi đó, dân tộc Việt Nam còn sở hữu những bộ trang phục truyền thống khác với vẻ đẹp và ý nghĩa không thua kém gì," anh Sơn Tùng, cố vấn mỹ thuật của dự án minh họa "Đồng Bào Việt Phục" chia sẻ.
Đặc biệt, mỗi cặp hình minh họa ứng với từng dân tộc đều có một mã QR riêng để người đọc quét mã thông qua camera điện thoại và nhìn thấy phiên bản ảnh nổi AR sinh động của các nhân vật ngay trên màn hình. Hiện nay, toàn bộ 108 hình minh họa của 54 dân tộc đã được đăng tải trên trang Facebook Đồng Bào Việt Phục. Tuy nhiên, các mã QR vẫn được giấu kín vì nhóm dự định sẽ tiết lộ ở những sự kiện trong tương lai.
Khởi đầu, “Đồng Bào Việt Phục” vốn chỉ là đồ án tốt nghiệp của ba sinh viên thuộc trường đại học FPT Cần Thơ, bao gồm Thảo Nhi chịu trách nhiệm thu thập thông tin, Minh Thảo đảm nhiệm phần thiết kế và Huyền Trân dựng AR cho các nhân vật. Tuy nhiên, sau khi tham khảo với cố vẫn mỹ thuật, anh Sơn Tùng, nhóm được thúc đẩy phát triển đồ án thành một dự án cộng đồng dài hơi hơn.
Tuy có nhiều công đoạn phức tạp, ba cô gái phải gấp rút hoàn thành dự án trong vòng 15 tuần để kịp thời điểm nộp đồ án tốt nghiệp. Minh Thảo chia sẻ, khó khăn lớn nhất các bạn gặp phải nằm ở khâu tìm kiếm thông tin. "Có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, không phải nguồn thông tin nào cũng chính xác 100%, chưa kể đến những bài viết về trang phục dân tộc này lại lấy hình ảnh của dân tộc khác hay sử dụng trang phục biến tấu lại để minh họa."
Cả nhóm cũng thừa nhận rằng các tác phẩm hiện tại vẫn chưa hoàn hảo do các thành viên đều không có kiến thức chuyên trong lĩnh vực này, cùng với hạn chế di chuyển mùa dịch và chi phí có hạn nên không thể trực tiếp đến nghiên cứu tại địa phương hay cộng tác với chuyên gia. “Vì vậy nên sau khi hoàn tất sản phẩm cho đồ án, chúng mình vẫn phải tiếp tục chỉnh sửa thêm nhiều chi tiết khác để sản phẩm ngày càng hoàn chỉnh hơn.”
"Dù cực nhưng quá trình thực hiện 'Đồng Bảo Việt Phục' mang lại rất nhiều bài học, kỷ niệm," Huyền Trần kể. "Vì trước đây cả ba đều chưa có trải nghiệm nhiều với công nghệ AR, tài liệu tham khảo cũng ít nên chúng mình phải tự mày mò từng chút một."
Theo dự tính ban đầu, mỗi nhân vật sẽ có một bản dựng riêng, triển khai cả nam và nữ phục thì tổng cộng có đến 108 mã khác nhau. Số lượng quá lớn dẫn đến nhiều phức tạp trong khâu quản lý. Thế nên cô bạn phải làm lại từ đầu, để hai nhân vật gộp chung một mã. “Mình cũng không nghĩ bản thân có thể hoàn thành số lượng lớn các bản AR trong thời gian ngắn như vậy."
Anh Sơn Tùng chia sẻ, bên cạnh kế hoạch hoàn thiện cuốn sách Đồng Bào Việt Phục cả nhóm cũng đang cố gắng để có thể thực hiện một buổi triễn lãm kết hợp AR về trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam sau khi giai đoạn giãn cách kết thúc.
“Chúng mình mong trong tương lai, 'Đồng Bào Việt Phục' có thể trở thành tài liệu để mọi người tra cứu, tìm hiểu về các dân tộc khác nhau trên đất nước. Từ đó, đưa những nét đẹp văn hóa, truyền thống đến với nhiều bạn trẻ nói riêng, người Việt Nam nói chung hay thậm chí là đưa ra quốc tế.”
Tham khảo thêm các hình ảnh của "Đồng Bào Việt Phục" qua trang Behance của dự án.
[Hình ảnh: Trang Facebook Đồng Bào Việt Phục]