Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải bỏ ra quá nhiều tâm sức để kêu gọi làm những việc tử tế nữa, khi mà lòng tốt đã được gieo trồng và lớn lên trong mỗi người. Đây là khát vọng của một chàng trai từ Bình Phước lên Sài Gòn lập nghiệp, từng nhận được những điều tử tế và giờ muốn đem trao gửi cho nhiều người khác nữa.
Từ con hẻm vắng bước ra giữa trung tâm thành phố
Cuối năm 2018, anh Nguyễn Văn Luận mở quán cà phê lấy tên Touch Saigon ở địa chỉ 167/4 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh. Quán nép mình trong một hẻm nhỏ, ít người qua lại. Không gian yên tĩnh với những bản nhạc chill lo-fi đón những vị khách đang tìm kiếm những không gian thư thái, tĩnh lặng. Tối tối thường có một nhóm bạn trẻ yêu âm nhạc ôm đàn tới đệm một vài khúc acoustic, khẽ hát cho nhau nghe.
Tuy nhiên, Touch Sài Gòn không phải câu chuyện của một startup trong ngành F&B thông thường mà ta vẫn thường thấy trên báo mạng. Từ những ngày đầu thành lập, Luận đã có một mong muốn chẳng giống ai: đơn giản thôi, một không gian để chia sẻ những câu chuyện tử tế nho nhỏ trong cuộc sống.
Đến Touch Saigon trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 — chi nhánh mới của quán, bạn sẽ bắt gặp một chiếc máy bơm xe miễn phí đặt ngay cửa ra vào. Luận tươi cười cho biết: “Nhiều chị em thường không rành về xe và không để ý chuyện chăm sóc hay bơm bánh xe. Kể cả biết bánh xe đã mềm thì cũng hơi khó tìm được một chỗ tiện lợi để bơm căng. Vì vậy, mình mới nảy ra ý này. Khi khách tới đây uống cà phê thì có thể tiện bơm xe luôn.”
Vào năm 2019, anh đã hợp tác với Humans of Saigon — một nhóm bạn trẻ hay chia sẻ những câu chuyện thú vị về con người Sài Gòn trên mạng xã hội — thực hiện một cuốn sách ảnh, ghi lại những khoảnh khắc dung dị và giàu cảm xúc giữa chốn thị thành hoa lệ. Trong những hình ảnh của cuốn album, ta thấy có người công nhân đang làm sạch đường phố buổi sáng sớm, một thanh niên tật nguyền nhưng vẫn lạc quan bước đi, cả một cụ bà vừa móm mém cười vừa phân bua rằng mình "già nua, xấu xí rồi chụp làm chi," và nhiều mảnh đời khác nữa.
Những câu chuyện Luận cùng nhóm bạn trẻ ghi lại cũng là những mảnh chuyện nhỏ, nhưng lại lan tỏa những hơi ấm lạ kỳ. Đó là một chị chuyển giới bán bánh ở chân cầu Khánh Hội. Chị rất vui mừng khi được gặp gỡ nhóm Sài Gòn tử tế, đơn giản chị chỉ muốn mọi người biết đến con người thật của mình và chia sẻ niềm vui khi được sống với chính mình. Đó là niềm hạnh phúc khó tả của một chị lượm ve chai bị ung thư, vào cuối mỗi ngày làm việc vất vả được về nhà dùng bữa tối cùng chồng con ở nhà. Đó là nụ cười của anh thợ cắt tóc Việt kiều mặc áo Sài gòn tử tế đi khắp nơi để cắt tóc miễn phí cho những người mắc bệnh hiểm nghèo.
Luận chia sẻ: “Chúng ta hay đọc được những chuyện tử tế trên mạng xã hội. Tôi muốn nhiều người được thấy, được ‘chạm’ vào những điều tử tế, có địa chỉ xác thực trong chính cuộc sống hằng ngày.”
Dự án Sài Gòn tử tế đã chào đời như thế. Từ cuốn sách ảnh, nhóm Touch Saigon phát triển thêm triển lãm ảnh, bán quà lưu niệm và làm nhiều đêm nhạc để gây quỹ. Trong quá trình triển khai dự án, nhóm còn nhận được sự đồng cảm và ủng hộ rất lớn từ những những người nghệ sĩ gắn bó với Sài Gòn. Nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt đã chắp bút bài hát 'Sài Gòn Vẫn Thế' để góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp nhân văn của dự án; bài hát được thể hiện bởi hai giọng ca Nguyên Hà và Phạm Hoài Nam. Với những người yêu chất nhạc sâu lắng, tên của bộ ba này từ lâu đã chẳng còn xa lạ.
Dù dự án đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng khá lớn, Luận cảm thấy nếu cứ thu mình trong một góc nhỏ thì cộng đồng bản thân muốn xây dựng cũng sẽ khó mà vươn rộng hơn nữa. Tới đầu tháng 7/2020, chàng founder đã quyết tâm dành dụm, nghỉ hẳn công việc văn phòng và mở thêm một chi nhánh ở số 119 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, Quận 3. Thừa nhận mình là người nhút nhát, nhưng lý tưởng quá lớn đã kéo anh bước ra khỏi vùng an toàn để từ một con hẻm vươn ra trung tâm thành phố với mong muốn kết nối được với nhiều người hơn, đặc biệt là những người trẻ.
Khi việc tử tế không cần phải được đặt tên nữa
Touch Saigon thường xuyên tổ chức quyên góp gây quỹ. Sau dự án Sài Gòn tử tế, những chiến dịch, hoạt động của quán hầu như không còn tên gọi cụ thể nữa mà chỉ đơn giản như tặng quà Trung Thu cho các bé có hoàn cảnh khó khăn hay tấm thiệp sẻ chia với những người bán vé số, v.v. Với anh, mình không phải đang làm từ thiện, dư dả thì cho bớt người khác. “Tôi không thích cách nghĩ làm từ thiện là đem cho ai thứ gì đó mà nên là chia sẻ lại điều mình có, đã được nhận với ai đó đang thiếu và cần,” anh cho biết.
Khi được hỏi bản thân tâm đắc nhất và thấy dự án nào nổi bật nhất, anh Luận khẳng định: “Các hoạt động đều có tính cộng hưởng với nhau nên nếu tách riêng ra để đánh giá hay so sánh thì mình không muốn. Có thể đối với người tiếp nhận thông tin, sẽ có bạn thích hoạt động này, có bạn thích hoạt động kia, nhưng với mình, tất cả những hoạt động đều có ý nghĩa riêng khi nhóm quyết định thực hiện.”
Vừa qua, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, nhóm của anh đã thiết kế tấm thiệp cách điệu dựa trên tờ vé số. Trên đó in hình một người bán vé số khuyết tật đang vất vả mưa sinh nhưng trên môi anh vẫn giữ nụ cười. Touch Saigon bán những tấm thiệp với giá 100.000 đồng kèm theo một phần nước uống của quán nhưng nhiều vị khách không nhận mà dành trọn vẹn số tiền ủng hộ những người bán vé số ở Sài Gòn. "Vùng đất này vẫn còn rất nhiều người có thể không thừa tài sản nhưng dư tấm lòng. Chúng tôi kỳ vọng gửi đi 500 tấm thiệp sẻ chia nhưng cuối cùng con số này là 579,” anh Luận phấn khởi chia sẻ.
Vừa qua, Luận cùng Touch Saigon phối hợp với một người bạn tổ chức vui chơi cho các em nhỏ vùng sâu vùng xa ở Trà Vinh vào ngày 26/09/2020, đồng thời tặng các bé những phần quà gồm dụng cụ học tập, bánh Trung Thu, lồng đèn và đồ ăn.
Tương lai chưa biết mình sẽ có thể đưa cái tên Touch Saigon đi xa tới đâu nhưng trước hết, anh chàng sinh năm 1987 mong muốn có thể lan tỏa sự tử tế ở thành phố đông dân này. Để rồi tới một ngày, chúng ta chẳng cần phải đi hô hào kêu gọi ủng hộ nữa, chỉ cần thấy một điều có ích mà mình đủ khả năng làm được thì làm ngay tức khắc.