Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế vài thập kỉ trước, đất nước ta đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc nhờ vào sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, đầu tư nước ngoài và sự trao đổi không ngừng các giá trị văn hóa với thế giới bên ngoài.
Dù đã giúp kinh tế Việt Nam có những bước nhảy thần kỳ, tuy nhiên những nhân tố này lại làm nhiều người lo lắng về tác động của chúng với những giá trị văn hóa lâu đời.
Nhà xã hội học người Đức Ulrich Beck đã đưa ra cảnh báo trong cuốn “Toàn cầu hóa là gì?”, tập trung khai thác “thời kỳ toàn cầu hóa và đặc biệt hơn cả là…một trò chơi quyền lực mới xuất hiện, khiến mọi người dù ít hay nhiều đều bị ảnh hưởng.” Những cửa hàng Starbucks và Lotteria trên đường phố Sài Gòn có thể được coi là minh chứng cho việc chúng ta thực sự bị ảnh hưởng của trò chơi kinh tế quyền lực này. Vậy nhưng khi nhìn về những trò chơi với nghĩa đen của nó và văn hóa “đỏ đen” ở Sài Gòn, ta có thể thấy đây không phải là một đứa con non trẻ của quá trình hội nhập. Mà đã hàng trăm năm nay, số đề và những trò chơi đen đỏ đã là một phần gắn bó với văn hóa của thành phố này.
Số đề tuy là một hình thức cá cược không chính thống nhưng lại rất phổ biến. Hàng ngày, những người đặt cược sẽ cá độ với người ghi đề; người chơi đặt cược 2 con số cuối (00-99) của kết quả xổ số Nhà nước được công bố lúc 16:30 hàng ngày. Mỗi con số thường được liên kết với một con vật, một vị thần hoặc nhân vật tưởng tượng nào đó. Làm thế nào để chọn được con số may mắn: người đánh đề sẽ chọn con vật hoặc nhân vật yêu thích dựa vào tình hình cuộc sống hiện tại, một giấc mơ gần đây hoặc đơn giản chỉ dựa vào thời tiết. Trò chơi này phổ biến tới mức nó len lỏi vào mọi mặt của nền văn hóa địa phương, bao gồm cả những tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ như bộ phim phim ngắn có tựa 16:30 của đạo diễn Trần Dung Thanh Huy cũng khắc họa cuộc sống của một nhóm bé trai đi bán kết quả số đề.
Hơn hai thế kỉ trước, dưới thời nhà Thanh (1664-1912), một hình thức tương tự số đề đã xuất hiện với tên gọi “Hoa hội” (花会). Khi những người Trung Quốc xưa di cư đến Việt Nam ngày càng đông đảo vào những năm 1800, họ mang theo trò chơi này. Trò chơi đen đỏ này không lâu sau đó đã thống trị các mặt trận cá cược ở Sài Gòn.
Qua năm tháng, một phiên bản Việt Nam của trò chơi này đã xuất hiện với tên gọi Đề 36 con. Khi những viên chức cai trị người Pháp đến Sài Gòn, họ thấy rằng Đề 36 con có một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. Nơi đây từ những người nông dân cho tới những nhà quyền quý, ai cũng mê trò chơi này cả. Năm 1891, Edmon Courtois đã ghi chú lại trong tác phẩm nghiên cứu Bắc Kỳ Pháp Thuộc của ông: “Quan triều đình, học giả, thương nhân và ăn mày, tất thảy mọi người đều chơi Đề 36 con”.
Đề 36 con dựa trên 36 nhân vật Trung Quốc trong truyền thuyết và hiện thân của học dưới dạng những con vật. Ví dụ, nhân vật Yu Li được liên kết với con voi, thân phận của ông trong kiếp sống trước. 35 nhân vật còn lại được xếp từ Vua Thai Peng (26, con rồng) đến người bán thịt lợn Chit Taik (14, con chó). Có rất nhiều nguồn thông tin về việc các nhân vật này có phải là những người thật hay không. Để xem danh sách những nhân vật và con vật tượng trưng, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Nhà cái sẽ thuê những chân chạy đi khắp các con phố thu tiền đặt cược của mọi người với khả năng lời gấp 30 lần số tiền đã bỏ ra. Ở một vài phiên bản, nhà cái cũng đưa ra một gợi ý hoặc một câu đố bí mật để tiết lộ con vật được chọn. Chiều muộn ngày hôm đó, chân chạy sẽ thông báo con vật chiến thắng trong sự vui mừng hoặc thường xuyên hơn cả là sự thảng thốt của những người đặt cược.
Những câu đố được viết rất chung chung theo chủ đích. Nhà văn Võ Kỳ Điền đã viết về sự nguy hiểm của Đề 36 con trong truyện ngắn, Ông Bảy thợ rèn. Trong tác phẩm, một ông lão đã rất vất vả mới có thể giải câu đố được nhà cái đưa ra: “Người sáng suốt phải nhìn trước trông sau”. “Trông sau” ở đây nghĩa là “quay lại”, và thế là nhân vật ông lão suy đoán “quay lại” có nghĩa là con heo quay.
"Các chú ưa ăn heo quay” Ông Bảy hét lên. “Tôi chắc chắn đó là con heo”. Ông lão đặt cược vào con heo (7) để rồi nhận rằng con xổ ra là con vịt (27).
Những người đặt cược cũng thường giải nghĩa giấc mơ để lựa chọn 1 trong 36 con vật. Ví dụ một người mơ thấy một con dê, họ sẽ đặt cược vào con số tương ứng (35). Nhà cái và những người tiên tri số đề sẽ đưa ra một bảng gắn 36 con vật với những bộ phận trên cơ thể người. Vì vậy một giấc mơ có hình ảnh cái tai sẽ ám chỉ Thai Peng (26); nằm mơ thấy cái cổ sẽ khiến mọi người đặt cược vào Jit San (28, gà trống) và tương tự như vậy.
Vài người đam mê cá cược còn thử cả bói toán. Sau khi dâng lễ Phật, những người chơi số đề sẽ đặt một bảng các số lên trước đền thờ rồi xem họ có thể thăng bằng quả trứng trên ô số nào. Đến ngày nay, vẫn có vài người chơi số đề dựa vào việc diễn giải giấc mơ, cầu khấn với phương thức sử dụng những quả trứng gà để dự đoán những con số may mắn.
Ban đầu, vào thời Pháp thuộc, việc chơi Đề 36 con bị cấm, nhưng đã quay trở lại ngay sau đó vì bản chất dễ sinh lời. Để hỗ trợ nền kinh tế thuộc địa đang phát triển, Toàn quyền Paul Bert đã biến Đề 36 con thành một nguồn thu lớn, ký những hợp đồng độc quyền với thương nhân người Hoa để tổ chức xổ số. Bù lại, nhà nước thuộc địa sẽ được hưởng một phần trăm lợi nhuận nhất định từ Đề 36 con cũng như chi phí cấp phép. Năm đầu tiên sau khi hợp đồng được ký, nhà nước thuộc địa đã thu được 960.000 Phrăng chỉ riêng ở Bắc Kỳ.
Sau Thế chiến thứ 2 tại Sài Gòn, Đề 36 con vẫn là trò chơi phổ biến nhất tại những sòng bạc như Grand Monde hay Cloche d’Or. Nhưng bởi sự phổ biến của nó ở tầng lớp lao động, trò chơi này đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ những nhà cải cách xã hội. Những pha tự tử, kinh doanh phá sản, gia đình lâm vào đói nghèo...đều là hệ quả của Đề 36 con.
Những viên chức thuộc địa đáp trả rằng những tệ nạn xã hội này đang bị cường điệu hóa. Họ lí luận rằng những người rơi vào tình cảnh khó khăn bởi nhiều lý do khác nhau. Họ cho rằng những người chơi số đề chỉ muốn giữ lại chút thể diện cuối cùng khi đổ lỗi cho Đề 36 con, thay vì thừa nhận mình đầu tư không sáng suốt.
Nhưng cuối cùng, những nhà cải cách xã hội dưới thời vua Bảo Đại (1949-1955) đã thành công trong việc cấm trò chơi này. Tuy nhiên, những nhà cái người Hoa đã lách luật bằng cách tạo ra 1 trò chơi mới: Đề 40 con. Giống hệt với trò chơi đã bị cấm, Đề 40 con bao gồm thêm những nhân vật mới, như Ông Táo (vị thần bếp), và Thúy Kiều từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Phiên bản số đề này vẫn gần như giữ nguyên cho tới ngày nay.
Khi Nhà nước triệt phá những tụ điểm cá cược phạm pháp và phát hành xổ số nhà nước chính thức, Đề 40 con đã được chuyển sang số đề. Nhưng không giống như những hình thức trước đây, số đề dựa vào 2 chữ cái cuối cùng của xổ số nhà nước, những con số từ 1 đến 99. Những con vật từ Đề 40 con được lặp lại sau mỗi 40 số. Ví dụ, con ốc được đại diện bởi số 2 trong đề 40 con. Với số đề sau này, nó vẫn giữ nguyên là 2, nhưng cũng có thể là 42 hoặc 82. Trong khi đó, con tôm, đại diện cho số 31 bây giờ cũng có thể là số 71.
Vai trò của giấc mơ, bói toán và các nhân vật đại diện cho các con số đã gần như không thay đổi trong hơn một thế kỷ qua, để lại những dấu tích trong tiếng Việt. Ví dụ, nhân vật Thúy Kiều trong Truyện kiều được đại diện bởi cả số 21 và 61 trong số đề. Trong câu chuyện, nàng đã bị ép đẩy vào lầu xanh, nên những con số đó trở thành đại diện cho những người buôn phấn bán hương. Và ngày nay để gọi những kẻ biến thái, sàm sỡ phụ nữ, tiếng Việt ta gọi đó những kẻ “máu dê”. Số 35 từ lâu đã được đại diện bởi con dê trong lô đề, do đó nói rằng ai đó máu ba lăm cũng có nghĩa là họ những người thiếu đứng đắn.
Trong những năm 1800 và 1900, Đề 36 con lan ra khắp cả Đông Nam Á và thậm chí còn tới cả châu Mỹ cũng như vùng Caribe. Ngày nay xổ số nhà nước chính thức của Jamaica chính là một phiên bản đã được chỉnh sửa của đề 36 con được gọi là Hũ tiền. Tuy nhiên, thay vì Thúy Kiều và Ông Táo, hầu hết các nhân vật trong Hũ tiền đều có ý nghĩa liên quan tới người Jamaica ví dụ như người đàn ông vạm vỡ (số 6), người đàn ông Trung Hoa (số 17), cô gái xấu xa (số 21), người phụ nữ da trắng (số 22), người phụ nữ luống tuổi (số 36), nhà truyền đạo (số 29) và ngôi nhà lớn (số 33). Những nhân vật này được mô phỏng rất sinh động trong một quảng cáo chính thức rất hài hước của nhà nước Jamaica cho trò chơi Hũ tiền.
Với tầm lan tỏa quốc tế của nó, Đề 36 con của Sài Gòn xưa chính là một đại diện trong quá trình toàn cầu hóa ở thời đại xưa. Chắc chắn rằng, toàn cầu hóa đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy văn hóa Sài Gòn cũng như Việt Nam kể cả trong quá khứ lẫn ngày nay.
Brett Reilly là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại đại học Wisconsin-Madison. Nghiên cứu của anh viết về Việt Nam giai đoạn trước Cách Mạng (1945-1955), tập trung vào giai đoạn Bảo Đại trị vì.