Ở Việt Nam, khó mà tìm được một hàng người xếp hàng thẳng thắn ngay ngắn ở nơi công cộng. Tất nhiên ta vẫn sẽ thấy cảnh tượng này ở một số nơi như ngân hàng hay quầy nhập cảnh tại sân bay. Nhưng phần lớn người Việt hiếm khi xếp hàng khi đi mua cà phê, đồ ăn vặt ở rạp chiếu phim, vé tàu, hay hầu hết các hoạt động mang tính cộng đồng tương tự.
Nhiều người thấy vậy thường chỉ than phiền, nhưng chàng nghiên cứu sinh Châu Thanh Vũ ở Đại học Harvard lại có cách lý giải rất thú vị cho hiện tượng này. Trên Uspire, tạp chí online chuyên đưa tin về Việt Nam của Trường Liên kết Thế giới (UWC), chàng trai gốc Phan Rang phân tích tại sao không nên đánh đồng thói quen không xếp hàng với đặc tính văn hóa của người Việt.
Vũ cho biết: “Những hành động như không xếp hàng, xả rác bừa bãi, quay cóp ở trường học, nói lớn tiếng trên xe buýt hoặc không tuân thủ luật giao thông… (xảy ra) thường xuyên đến nỗi nhiều người xem chúng là một phần của văn hóa Việt.”
“Tuy nhiên, đổ lỗi cho văn hóa luôn dễ dàng hơn là cố gắng tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề,” anh tiếp tục. “Không chỉ thế, việc tiếp nhận định kiến này thực sự rất nguy hiểm, bởi chúng ta sẽ không chủ động tìm cách cải thiện hành vi của bản thân.”
Theo Vũ, có thể giải thích ác cảm với việc xếp hàng có liên quan tới lý thuyết của một trò chơi mang tên “Song đề tù nhân” (Prisoner's dilemma). Chàng nghiên cứu sinh giải thích rất thuyết phục:
Song đề tù nhân (Thế tiến thoái lưỡng nan của người tù) là một thí nghiệm tâm lý trong Toán học, trong đó hai tù nhân phải đưa ra lựa chọn: giữ im lặng hoặc nhận tội, người này sẽ không biết quyết định của người kia. Cảnh sát đưa ra lời đề nghị: nếu cả hai đều nhận tội, mỗi người sẽ lãnh án 2 năm tù. Nếu cả hai im lặng, mỗi người sẽ lãnh án 1 năm tù. Tuy nhiên, nếu một trong hai giữ im lặng và người còn lại nhận tội, thì người nhận tội sẽ được thả, còn người giữ im lặng sẽ lãnh án 3 năm tù.
Nếu xét rằng việc xếp hàng có cùng luật chơi với thí nghiệm trên, thì ta sẽ đạt được lợi ích chung khi mọi người đều tuân thủ, nhưng nhiều cá nhân vẫn sẽ hành động theo hướng có lợi cho bản thân họ nhất, bất chấp lợi ích của tập thể. Vả lại, nếu thấy có người cắt hàng mà được hời thì những người khác cũng sẽ làm theo.
“Điều thú vị là, họ không tin rằng tất cả những người còn lại đều sẽ tuân thủ, họ nghĩ rằng kiểu gì cũng sẽ có người cắt hàng, thế nên ngay từ đầu họ chọn cách không tuân thủ việc xếp hàng, bất kể hành động cắt hàng có thật sự sẽ xảy ra hay không.”
Vậy làm thế nào để thay đổi điều này? Vũ đề xuất rằng cần có một số người làm gương trong việc tuân thủ các phép ứng xử này, cho dù họ sẽ bị thiệt thòi lúc ban đầu, nhưng dần dà sẽ khuyến khích người khác làm theo.
Anh chia sẻ: "Chưa cần dùng đến những lý thuyết cao siêu, tự bản thân tôi cũng hiểu rằng cần có những người tiên phong trong việc chọn cách ứng xử tốt hơn, như xếp hàng, không gian lận, tuân thủ luật giao thông... Quyết định này ban đầu sẽ gây thiệt thòi cho họ vì sẽ bị người khác lợi dụng. Thế nhưng về lâu về dài, sự tử tế ấy sẽ giúp người khác nhận ra rằng họ có thể an tâm xếp hàng mà không sợ bị ai giành mất lợi ích của mình. Nói cách khác, chỉ khi bạn học cách tôn trọng các luật lệ, bạn mới có thể mong chờ người khác hành động tương tự. Lòng tin chính là chìa khóa giải quyết vấn đề này, và nó xuất phát từ mỗi người chúng ta."
Chẳng ai biết được việc mình chủ động xếp hàng có tạo ra sự khác biệt gì không, nhưng đây là điều đáng suy ngẫm mỗi khi ta phải chờ đợi một dịch vụ nào đó cùng với nhiều người khác.
[Ảnh: Abay.vn]