Nói đến các thành phố tại Việt Nam, một trong những dạng công trình dễ bắt gặp nhất là những ngôi nhà ống. Loại kiến trúc phổ biến này bắt đầu xuất hiện từ thời Hậu Lê — khi mức thuế áp cho dân chúng không căn cứ vào loại hình kinh doanh hoặc doanh số, mà chỉ dựa vào chiều rộng của ngôi nhà. Vì thế, các tiểu thương thường cho xây dựng mặt tiền thật nhỏ, ưu tiên chiều dọc để tiết kiệm chi phí.
Cũng trong một hoàn cảnh tương tự, một vật dụng thân thuộc khác của người Việt, thúng chai, hay thuyền thúng đã ra đời. Vào thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân thường đánh thuế rất nặng lên nhiều mặt hàng, trong đó có các loại tàu thuyền. Lúc bấy giờ, người dân nghèo đã nhanh trí đan những chiếc thúng để di chuyển trên sông nước mà không phải nộp thuế vô lý.
Người dân lúc ấy lí lẽ rằng, thúng chai không thể tính là một chiếc thuyền thực thụ, do đó không thể nào bị đem ra đánh thuế. Nhưng dù có đúng với định nghĩa tàu thuyền hay không, chiếc thúng chai cũng dần trở thành một phương tiện hữu ích, miệt mài phục vụ nhu cầu mưu sinh và đi lại của bà con miền biển qua năm tháng.
Nghề chế tác thuyền thúng luôn đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ nghệ. Quy trình làm thuyền thống thường bắt đầu bằng việc đan các miếng nan tre, lấy dây cước buộc chặt, đóng vào vành thuyền, sau đó quét một lớp vật liệu chống nước làm từ dầu dừa, dầu hắc ín, hoặc sợi thuỷ tinh. Nếu được bảo dưỡng cẩn thận, độ bền của những chiếc thúng có thể lên đến hàng thập kỷ.
Để điều khiển thành thạo một chiếc thuyền thúng, người ngư dân phải dành không ít thời gian để rèn luyện tay lái. Bù lại, họ có được sự tự chủ và độc lập về tài chính, thay vì phải làm việc trên những tàu đánh cá lớn ra ngoài khơi xa.
Thuyền thúng cũng có thể được dùng làm thuyền cứu sinh, hoặc dùng làm thuyền chở hải sản từ tàu lớn về bờ.
Cùng Saigoneer xem loạt ảnh dưới đây để hiểu thêm về vai trò của thuyền thúng trong đời sống người dân ven biển Hội An: