Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Về An Giang xem lễ hội đua bò truyền thống của người Khmer

Về An Giang xem lễ hội đua bò truyền thống của người Khmer

Cứ mỗi tháng 8 âm lịch hằng năm, người dân tứ xứ lại có dịp tụ hội về vùng đất Bảy Núi để hòa vào không khí rộn ràng của trường đua dân dã và cổ vũ cho các “chiến ngưu” mà mình yêu thích.

Lời của ban biên tập: Bài viết được thực hiện trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hội đua lần thứ 27 vào năm 2020 đã phải hủy bỏ. 

Từ lâu, An Giang đã là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc do có nền đất phù sa màu mỡ, phù hợp để canh tác lúa nước. Trong đó, người Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số lớn nhất địa bàn, chiếm khoảng 4% dân số toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở hai huyện ven vùng Bảy Núi là Tri Tôn và Tịnh Biên.

Tại đây, đồng bào dân tộc Khmer vẫn lưu giữ được các tập tục truyền thống giàu giá trị văn hóa, trong đó phải kể đến các nếp sinh hoạt trong mùa lễ Sene Dolta, diễn ra vào tháng 8 và tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây có thể xem là ngày Tết của người Khmer, là dịp để người còn sống thể hiện lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.

Vào ngày lễ này, người Khmer theo truyền thống Phật giáo thường mang lễ vật đến dâng cho các nhà sư để cầu cho các linh hồn đã lìa thế gian sớm được siêu thoát. Tương truyền rằng vào mùa Dolta xưa, các nông dân cũng thường hay mang bò đến cày cuốc cho ruộng của chùa như một cách làm công ích.

Sau những buổi cày bừa, người nông dân thường hay bắt cặp các đôi bò với nhau để tranh tài, xem bò của ai lực lưỡng, nhanh nhẹn và dẻo dai hơn. Thấy được điều này, các sư thầy đã trao thưởng cho bò bằng những sợi dây nài hoặc những vòng lục lạc đẹp mắt. Qua năm tháng, thú đua bò đã trở thành một tập quán của người Khmer An Giang vào những ngày tết Dolta.

Ngày nay, lễ hội đua bò được tổ chức thường niên ở huyện Tri Tôn, thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ. Trường đua cũng được xây dựng với quy mô lớn hơn, với các thí sinh được tăng cường tập luyện và chăm sóc bằng chế độ ăn đặc biệt để đạt phong độ tốt nhất.

Theo thể thức thi đấu hiện đại, các cặp bò sẽ tranh loại trực tiếp với nhau. Cặp bò nào về đích trước và thắng cuộc sẽ được tiếp tục tranh chức vô địch. Những người đua bò, hay còn gọi là “nài” hay “tài xế,” sẽ đứng trên một chiếc bừa để điều khiển đôi bò tranh tài.

Để thắng cuộc, người điều khiển không chỉ cần có thể lực tốt mà phải có “tay lái” hết sức khéo léo, bởi nếu để đôi bò của mình bước lên chiếc bừa của đối thủ, hoặc phóng ra ngoài vòng đua, cặp thí sinh sẽ lập tức bị loại.

Theo quan niệm của người Khmer, việc có đôi bò thắng giải là một điềm may, nên sau khi thắng cuộc, đôi bò sẽ không bị giết thịt hay bán đi. Ngược lại, các “nhà vô địch” sẽ được dân làng giữ gìn như tài sản quý, được chăm sóc kỹ lưỡng để tham gia cuộc đua kế tiếp, như lời gửi gắm hy vọng cho một năm mới nhiều mùa màng bội thu và ấm no gia đình.

Darkroom là một series kể chuyện bằng hình ảnh về vẻ đẹp của cảnh vật, con người Việt Nam và châu Á trên những hành trình xê dịch. Bạn là một phó nháy thích đi đây đó? Hãy gửi ý tưởng về cho Saigoneer qua hòm thư contribute@saigoneer.com.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Khám phá tín ngưỡng thờ cá voi của cư dân làng chài qua Lễ hội Nghinh Ông

Cách phố biển Vũng Tàu sầm uất một đoạn không xa là sự bình đạm của thị trấn-làng chài Phước Hải.

in Văn Hóa

Làng chổi đót 'núp hẻm' cuối cùng tại Sài Gòn

Nằm trong con hẻm nhỏ tại đường Phạm Phú Thứ ở quận 6 là “làng” chổi đót cuối cùng của Sài Gòn.

in Văn Hóa

Lòng vòng quanh Phùng Hưng, khu phố náo nhiệt mà hoài cổ của quận người Hoa

Tọa lạc tại vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử Chợ Lớn (quận 5), Phùng Hưng là con đường kết nối kênh Tàu Hũ với đường Hồng Bàng. Xuyên suốt chiều dài ấy, con đường mang trong mình hai sức sống song son...

in Ao Ta

Một sớm rộn ràng tại chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng

Trong guồng quay đời thường, ở những miền quê sông nước, chợ nổi vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân.

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.