Nếu là một fan của bộ phim The Sound of Music (Giai điệu Hạnh phúc), hẳn bạn còn nhớ cảnh Julie Andrew nhìn xa xăm về tương lai trong một đêm mưa bão. Cô quấn mình trong tấm rèm cửa bằng vải họa tiết màu kem và lá mạ, để rồi từ đó cô đã nảy ra một ý tưởng diệu kỳ: dùng vải từ các tấm rèm trong phòng ngủ để may những bộ quần áo xinh xắn cho lũ trẻ nhà Von Trapp. Cô tin rằng điều đó có thể mang đến niềm vui cho chúng sau khi bị người cha hà khắc cắt ngang việc ca múa.
Tôi cũng lớn lên trong một gia đình khá giống với gia đình Von Trapp. Bố tôi là con cả trong một gia đình có tám người con và đều là những người tài năng và có khiếu âm nhạc. Chú Minh, sinh sau bố tôi, là một nhà vô địch võ thuật; vào khoảng năm 1984 hay 1985, chú đã dạy những người em của mình là chú Ace, chú Francois và chú Tom tập võ ở sân sau nhà. Bà tôi đã may cho các chú những chiếc quần tập võ rộng rãi màu đỏ cà chua để các cậu bé 11–13 tuổi khi ấy thoải mái tập đứng tấn và các đòn đá tấn công.
Chú Francois kể với tôi rằng lúc đó, bà tôi cũng dùng loại vải đó để may vỏ gối cho tất cả cô chú. Nếu như câu chuyện gia đình tôi được dựng thành phim tương tự như Giai Điệu Hạnh Phúc, có lẽ sẽ có cảnh bà đang thắt nút đường may cuối cùng của chiếc vỏ gối và nhận ra rằng còn đủ vải để may những chiếc quần tập võ mà chắc chắn những người con trai của bà sẽ rất thích.
Tôi và các anh chị em của mình cũng đã cùng lớn lên với những chiếc gối ôm như thế. Chúng tôi thì hay gọi là gối xúc xích bởi vì gối có hình dáng giống một cây xúc xích khổng lồ được buộc chặt ở hai đầu. Tôi luôn yêu thích những chiếc gối của mình vì chúng vỗ về tôi trong giấc ngủ hằng đêm.
Lớn lên khi vào đại học, chiếc gối xúc xích đã trở thành người “bạn trai thứ hai” của tôi. Cách mà tôi ôm người “bạn trai bằng bông” này chắc chắn sẽ không áp dụng được với người bạn trai bằng da bằng thịt được: ôm cứng lấy cổ và đưa hai chân thắt chặt vùng eo. Người bạn ấy là điều kiện cần để tôi có một giấc ngủ ngon. Nếu ngủ qua đêm ở nhà người khác và chỉ có một chiếc gối trên giường thì tôi sẽ dùng nó để ôm và cuộn lấy một chiếc áo hay khăn tắm để gối đầu.
Ở tiểu bang nhỏ bé Alabama nơi tôi lớn lên, khi ngủ lại ở nhà bạn bè, chủ yếu sẽ thấy các nhà dùng toàn gối nhồi lông vũ hoặc mút. Và thế là tôi cứ đinh ninh, gối ôm là di sản riêng của gia đình toàn người ngủ nằm nghiêng nhà mình. Khi lớn lên một chút, tôi biết được rằng hóa ra gối ôm khá phổ biến ở các quốc gia châu Á khác. Những người anh em học kể lại với tôi rằng ở Thái Lan, người ta gọi loại gối này là muon kang, có nghĩa là “chiếc gối bên cạnh bạn.” Ở Philippines, chúng được gọi là tandayan hay “gối xúc xích” và người Indonesia thì gọi là Dutch wives nghĩa là "cô vợ Hà Lan."
Những chiếc gối đầu tiên xuất hiện trong nền văn minh Lưỡng Hà vào khoảng 7000 năm trước Công nguyên, với chất liệu ban đầu là đá và gỗ. Lúc đó, chúng chỉ phục vụ mục đích là nâng đầu lên cao để người ngủ không bị các loại côn trùng bò lên mặt, chứ chưa có chức năng hỗ trợ cột sống hay mang đến sự thoải mái, và cũng chỉ được sử dụng trong tầng lớp giàu có. Cho đến hàng thế kỷ sau đó, khi Cách mạng Công nghiệp diễn ra thì những chiếc gối mới thực sự trở nên phổ biến với tầng lớp bình dân.
So với những chiếc gối đầu tiên được làm bằng đá, thì chiếc gối ôm có thể được xem là sự tiến bộ vượt bậc trong việc chăm sóc giấc ngủ, chúng không những mang lại sự thoải mái cho người dùng mà còn vỗ về tinh thần của họ. Chiếc gối ôm có hình điếu xì gà của Ru9 với chất liệu bên trong là hạt foam và bông thậm chí còn là một chiếc gối ôm có “sự sống.” Khi bạn ôm chiếc gối đó thì nó cũng sẽ ôm lại bạn. Một khách hàng từng để lại đánh giá rằng: “Với chiếc gối này, tôi không nghĩ mình cần phải ôm ai khác ngủ nữa.”
Khi viết đến đây tôi lại nhớ đến bà mình, liệu bà có làm tám chiếc gối ôm giống nhau cho các cô chú của tôi hay làm mỗi cái một kích thước khác nhau để phù hợp với vóc dáng của từng người lúc đó. Giờ đây, bà chẳng thể đi đâu khỏi chiếc giường, giọng nói của bà cũng yếu lắm và nếu không có người phiên dịch thì mọi người rất khó hiểu bà. Lần gần nhất tôi ở bên bà, tôi đỡ bà lên giường nằm, nói với bà lời tạm biệt và rằng không biết lúc nào tôi sẽ quay trở lại. Bà gật đầu rồi nằm xuống nghỉ và tôi nhẹ nhàng đặt những chiếc gối xung quanh bà.
[Ảnh bìa: Những người chú của tác giả khi còn nhỏ trong chiếc quần tập võ màu đỏ]
Tác giả Lina Tran đến từ thành phố ven biển tại Alabama. Cô hiện sinh sống tại Milwaukee và chủ yếu viết về các đề tài khoa học. Độc giả có thể tìm cô trên các trang mạng xã hội tại tài khoản @tinyeggs.
Bài viết do Lina Tran thực hiện được đăng tải lần đầu trên diaCRITICS, được chuyển ngữ và đăng lại trên Saigoneer, thông qua sự hợp tác giữa Urbanist và diaCRITICS.