Tôi bị thu hút bởi sự nổi bật của một đồ vật trông giống như một chiếc amply nằm trên kệ tủ sau lưng Hiếu - người sáng lập Thư viện Go West. Hiếu rời khỏi chỗ ngồi để lấy một sợi dây cáp, sau khi quay lại, anh kết nối điện thoại của mình với thiết bị đó. Một giai điệu quen thuộc vang lên, tiếp theo đó là giọng hát cao vút đầy tinh tế của Neil Tennant - "Đi về phía Tây, nơi có bầu trời xanh!". Đó là một câu hát trong bài hát nổi tiếng “Go West” của nhóm nhạc Pet Shop Boys và cũng là câu trả lời ấn tượng của Hiếu cho câu hỏi của chúng tôi về tên thư viện.
Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ trước đó với một nhân viên của Hiếu. Lúc đó, cô thủ thư đã rất bất ngờ khi chúng tôi đến vì bình thường thư viện không có khách vào buổi sáng. Tôi tự hỏi sao một thư viện thú vị như vậy lại chỉ có ít khách biết và tìm đến.
Ở Mỹ vào thế kỷ 19, cụm từ “Manifest Destiny" (Vận mệnh hiển nhiên) được sử dụng phổ biến để hô hào cho quan niệm rằng: Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Khái niệm này cũng được sử dụng để cổ vũ và biện hộ cho việc chinh phạt các vùng lãnh thổ khác. Những người cổ vũ cho khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" tin rằng mở rộng lãnh thổ không chỉ tốt đẹp mà còn là hiển nhiên."Hãy đi về phía Tây, chàng trai trẻ" là câu nói nổi tiếng, vẫn thường được trích dẫn của Horace Greeley — một tác giả, nhà báo người Mỹ, để cổ vũ cho khái niệm đó. Tuy nhiên, bài hát ‘Go West’ mà Hiếu đang mở lại mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược.
Khi nhóm nhạc disco của Mỹ, Village People thu âm bài hát lần đầu tiên vào những năm 1970, họ đã cải biên nghĩa của từ "phía Tây" để nói về bờ tây của California, một điểm đến yêu thích của cộng đồng LGBT bởi luật pháp tiểu bang lúc bấy giờ tương đối cởi mở về người đồng tính. Đây cũng là thời điểm người ta biết tới Harvey Milk — một chính trị gia thuộc giới tính thứ ba. Thế nhưng ý nghĩa tích cực, vui vẻ, hiện đại đầy lý tưởng của bài hát đã bị tiêu tan bởi một chương đáng buồn trong lịch sử: ngay trước khi bài hát được phát hành, Milk đã bị ám sát. Điều cay đắng này đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của bài hát “Go West” của nhóm Pet Shop Boys, bài hát đang vang lên bên khung cửa sổ ở nơi mà những người làm việc tại thư viện Go West đều coi là nhà.
“Tôi thực sự hy vọng một ngày nào đó các bạn trẻ Việt Nam sẽ có thể đặt chân tới các nước phương Tây”, Hiếu nói khi giải thích lý do đặt tên thư viện theo tên bài hát của nhóm Pet Shop Boys. Công việc chính của Hiếu là một luật sư, ngoài ra anh còn học thêm vẽ và tiếng Pháp vào cuối tuần. Hiếu nói trên quan điểm cá nhân của mình rằng tư tưởng chính trị và triết học phương Tây có thể giúp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và anh hy vọng dự án của mình sẽ đóng góp một phần nào đó vào mục tiêu này. Có thể nói rằng khát vọng của anh cũng giống với khát vọng của những người ủng hộ phong trào Đông Du - phòng trào kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập (Nhật Bản) năm nào.
Liệu rằng quan điểm này của Hiếu có được mọi người ủng hộ? Nhiều người cho rằng bản thân khái niệm đông và tây bắt nguồn từ chủ nghĩa “lấy châu Âu làm trung tâm”- coi châu Âu là thế giới văn minh còn các nước phương Đông lại có nền văn hóa thấp kém. Nhưng ý nghĩa và mục tiêu thực sự của thư viện vượt trên suy nghĩ thiển cận ấy. Hiếu muốn các bạn trẻ đến đây đọc sách, tích lũy kiến thức và một ngày nào đó các bạn sẽ có cơ hội được sang nước ngoài học tập tiếp thu những giá trị tích cực, tiến bộ của văn minh phương Tây để phát triển đất nước sau này. Ngoài bộ sưu tập sách riêng của Hiếu ở đây, độc giả có thể tặng sách cho thư viện mà không có giới hạn về chủ đề hay số lượng.
Thư viện gồm có 3 phòng, tất cả đều rộng rãi, gọn gàng và được phủ kín bởi các giá sách chủ yếu là sách tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt. Hiếu chia sẻ, anh còn có một bộ sưu tập sách luật cũ và rất quý xuất bản trước năm 1975. Nhìn chung Go West giống một thư viện công cộng trước đây ở Việt Nam nhưng nhỏ gọn hơn.
Có thể dễ dàng nhận ra rằng sách bằng tiếng Anh chiếm phần nhiều ở đây. Các tác phẩm được lưu giữ ở đây bao gồm các chủ đề khác nhau, từ triết học và khoa học chính trị đến lịch sử, tự lực và toán học. Tuy nhiên đừng vội đánh giá hay lo lắng khi bạn chỉ thấy có sách hay tài liệu của các nước phương Tây. Bạn cũng có thể "đi về hướng Đông" vì Hiếu có một bộ sưu tập khá phong phú các văn bản hay tài liệu được viết bởi các nhà tư tưởng không phải từ phương Tây như Francis Fukuyama và Jiddu Krishnamurti.
Một điểm đáng chú ý khác là thư viện có một thư mục các tác phẩm của Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Phạm Công Thiện và Trần Đức Thảo - những nhà tư tưởng, nhà văn Việt Nam có quan điểm vô cùng thú vị mà chúng ta không dễ tìm được ở các hiệu sách thông thường. Một đồng nghiệp của tôi thậm chí còn phát hiện ra một bộ sưu tập có quy mô khiêm tốn những cuốn sách của Noam Chomsky. Xét cho cùng bài hát 'Go West' chính là hình ảnh thu nhỏ của những bối cảnh trái ngược nhau.
Độc giả phải trả 10.000 đồng mỗi giờ để đọc sách và sử dụng không gian trong thư viện. Nếu bạn muốn mang sách về nhà, lệ phí là 50.000 đồng một tuần. Tất cả số tiền thu được từ thư viện được chuyển đến SympaMeals — một tổ chức từ thiện tư nhân — để họ có thể gửi tặng những bữa cơm từ thiện cho những bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Ngoài thư viện Go West thì có một địa điểm khác ít được biết đến hơn là Thư viện Hộp, thư viện này nằm ẩn sâu trong một mê cung ngõ ngách ở phía đông đường Âu Cơ. Những người mới đến sẽ không thể tìm được vị trí của Hộp trên bản đồ trực tuyến mà sẽ phải xem thêm hướng dẫn chỉ đường ở trên trang Facebook của họ. Tuy nhiên, Hộp đáng là một nơi khiến bạn phải đi qua những con hẻm dài và ngoằn ngoèo để tìm đến đây.
Ở đây có rất nhiều dây leo che chắn lối vào thư viện. Sân trước dẫn vào Hộp cũng có nhiều cây và dây leo, hướng ánh nhìn của chúng tôi về phía một cánh cửa nằm ở tầng trên. Khi di chuyển lên cầu thang, bạn sẽ nhìn thấy nhiều loại cây hơn, đủ để một người đam mê thực vật thỏa sức khám phá. Tôi đã tạm gác bài học về sự đa dạng sinh học này lại cho chuyến thăm tới và chuyển sang khám phá khu lưu trữ sách cao chót vót của Hộp.
Đúng như tên gọi của nó, Hộp chỉ có một không gian khiêm tốn ở phía sau ngôi nhà. Thư viện cũng đóng vai trò như một nhà sách, với một hoặc hai kệ chứa sách để bán, trong khi phần còn lại dành cho bạn đọc tham quan. Khi bước vào, chúng tôi đã bắt gặp Phi -người chủ hiệu sách. Nhìn anh như đang bị nhấn chìm bởi hai chồng sách cao ngất ngưởng hai bên. Ở đây có các loại sách bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Đức, bao gồm nhiều thể loại như văn học cổ điển, triết học và nghệ thuật. Trong số các thể loại này, tuyển tập văn học và tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt của Hộp là ấn tượng nhất.
Không gian đọc chính của Hộp nằm giữa khu sách tiếng Anh và tiếng Pháp. Tôi không thể rời mắt khỏi tác phẩm tiểu luận xuất sắc East Eats West của Andrew Lâm và một cuốn sách hướng dẫn về chủ nghĩa Mác. Ở giữa bức tường là một cửa sổ lớn được mở rộng để ánh sáng mặt trời có thể chiếu qua những cây dây leo giăng xuống từ mái nhà.
Căn phòng khá nhỏ, không có nhiều không gian di chuyển, do đó ánh nhìn của chúng tôi cũng khó tránh đụng hai cây chuối rẻ quạt khá to và bắt mắt cùng hàng dừa phía sau. Bên dưới căn phòng bạn còn có thể thấy nhiều cây chuối hơn và đặc biệt là một bệ bê tông cũ với rất nhiều chậu cây cảnh và cây bonsai được đặt bên trên.
Cuộc sống ở phố thị khiến chúng ta phải biến mình thích nghi với những vòng quay và nhịp điệu vội vã. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần tìm cho mình một khoảng lặng bình yên để cảm nhận rõ hơn về cuộc sống này. Cả hai thư viện Go West và Hộp đều mang đến không gian yên tĩnh, lắng đọng để ta tạm quên đi ồn ào phố thị và để bản thân đón nhận những năng lượng tích cực từ câu thơ đầy cảm xúc, một lập luận sắc bén hay từ vẻ thơ mộng của thiên nhiên.