Đằng sau một logo hoàn hảo là vô số các phiên bản lỗi, các ý tưởng trông có vẻ hay hay nhưng không đếm xuể các chi tiết thừa thãi. Tuy nhiên, tất cả những bản nháp không tên ấy đều là kho tư liệu quý giá, ghi lại hành trình tìm kiếm một hình ảnh cuối cùng, thể hiện được sự hòa hợp giữa tiếng nói và tư duy thẩm mỹ của thương hiệu.
Nhờ bộ logo của các trang tin anh em như Saigoneer, Saigoneer Korean và Urbanist Hanoi, chúng mình đã có sẵn một phong cách thiết kế để tham khảo khi xây dựng bộ nhận diện cho chuyên trang tiếng Việt — Sài·gòn·eer.
Nhiều độc giả sẽ đặt câu hỏi “Saigoneer” là gì? Saigoneer — với ý nghĩa “mang tinh thần khám phá, năng động của Sài Gòn” — là định hướng mà chúng mình dùng để phát triển tất cả các thể loại nội dung. Danh mục sản phẩm của Saigoneer được tạo ra với các tiêu chí chính: bổ sung kiến thức và mang lại niềm vui cho bạn đọc; đồng thời ghi lại những câu chuyện đời sống và văn hóa trên khắp mọi miền Việt Nam, từ các triển lãm nghệ thuật, lịch sử của mì tôm, đến phóng sự ảnh về nông thôn.
Năm 2017, Saigoneer nhận thấy rằng có một khung trời rộng lớn cần khám phá ngoài Sài Gòn, nhất là qua lăng kính và góc nhìn của người trẻ. Do đó, chúng mình quyết định vươn rộng tới các thành phố khác trong khu vực. Hà Nội là điểm đến đầu tiên của hành trình vươn mình ấy. Không gì nói lên danh tính của một thành phố hơn các công trình kiến trúc đặc trưng của nơi ấy. Chẳng hạn, logo của Urbanist Hanoi mang bóng dáng của Chùa Một Cột.
Tuy nhiên, Sài·gòn·eer, với phạm vi nội dung trải dài 1600km đất nước, lại là một câu chuyện khác: làm sao để tìm ra hình ảnh kiến trúc có thể đại diện cho cả Việt Nam?
Ban đầu, chúng mình đã thử nghiệm với hình ảnh nhà phố nhỏ nhỏ xinh xinh — là dạng công trình có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Trước đó, chúng mình đã có sẵn hình minh hoạ nhà phố do một thành viên trong team vẽ — có mái tôn, cầu thang xoắn, mặt tiền đúng chất xì-tai Việt Nam. (Bật mí một chút luôn: danh thiếp của team Saigoneer những năm qua đều có hình vẽ dễ thương này ở mặt sau đó!). Chúng mình đã đơn giản hóa hình vẽ ngôi nhà này để tạo nên phiên bản logo đầu tiên.
Về mặt ý nghĩa, phiên bản logo này là một lựa chọn tốt, vì nó là một hình ảnh mà người Việt đã quen nhẵn mặt. Tuy nhiên, nó không phải là một lựa chọn hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Thiết kế dọc như thế này rất dễ để in lên mặt sau danh thiếp, nhưng không phù hợp cho những vị trí cần căn logo, như phần tiêu đề rộng thênh thang trên trang chủ website, hay phần hiển thị nhỏ xíu trên các bài viết Facebook. Chúng mình cần một thiết kế linh động hơn về kích cỡ và hình dạng.
Rồi xong, ý tưởng đó như bỏ. Lúc này, chúng mình biết: thứ nhất, chúng mình cần một thiết kế vuông vức hơn; thứ hai, nó phải lấy cảm hứng từ kiến trúc. Chúng mình đã vô cùng hoang mang khi phải đi tìm một công trình kiến trúc khác, đủ tầm đại diện cho Việt Nam: các tòa nhà hiện đại quá “cao kềnh” và “lệnh khệnh” để chuyển đổi thành thiết kế đồ họa; các tòa nhà cổ với hình dáng vuông hơn thì lại bắt nguồn từ quá khứ Pháp đô hộ; các tòa nhà theo lối kiến trúc hiện đại (modernism), nếu đứng riêng, thì không đủ tính biểu tượng để làm ngôi sao cho một logo.
Do vậy, chúng mình đã thử dấn sâu vào tính đại chúng và phổ biến của các thiết kế đã tồn tại. Chúng mình bổ sung một căn nhà phong cách hiện đại, và một nhà cao tầng đương đại kế bên nhà phố ban đầu. Hình ảnh trở nên sinh động và đa dạng hơn nhiều, chưa kể còn đáp ứng tiêu chí vuông vắn về mặt thiết kế.
Vậy là xong rồi!
Ê khoan.
Mặc dù lúc đầu rất thích thiết kế này, nhưng chỉ một tuần sau thôi, khi ngắm nghía lại thì chúng mình mới thấy nó cực kì bất ổn: quá rườm rà, quá nhiều nét dư, nếu để ở kích cỡ nhỏ thì không thể nhìn ra là gì.
Thú thật là lúc này chúng mình bắt đầu nản chí vì biết phải bắt tay lại từ đầu. Nhưng với niềm yêu mến kiến trúc Việt Nam vẫn canh cánh trong đầu, một ý tưởng mới xuất hiện: thay vì sử dụng hình ảnh tòa nhà, lúc này chúng mình lấy cảm hứng từ các họa tiết kiến trúc nhỏ hơn.
Tham khảo cuốn Southern Vietnamese Modernist Architecture (tạm dịch: Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam) của kiến trúc sư Mel Schenk và cộng đồng Facebook Vietnamese Modernist Architecture, chúng mình ngay lập tức bị thu hút bởi các họa tiết hình học của cổng vào, ô cửa lùa, cửa sổ và hàng rào ở nước ta.
Thật tình cờ, ngày chúng mình chuẩn bị lên ý tưởng thiết kế, thành viên Brice Coutagne của nhóm Facebook đó chia sẻ một bài viết rất thú vị: Những chi tiết kiến trúc hiện đại. Lúc đó, niềm hứng khởi đã trở lại và team thiết kế chính thức bắt tay vào nhào nặn các họa tiết này để trở thành các logo nháp.
Qua tìm hiểu, chúng mình thấy rằng các ô cửa thông khí có hoạ tiết vô cùng độc đáo, đặc biệt là những đường nét rõ ràng và uyển chuyển trong kiến trúc Huế.
Ô cửa với thiết kế chữ “Thọ” là lựa chọn đáp ứng tính thẩm mỹ cao nhất, nhưng nó kéo theo một số vướng mắc như: liệu nó có mang màu sắc tôn giáo quá hay không, hay liệu độc giả có thấy nó quá “Trung Hoa” mà thiếu tinh thần Việt không?
May mắn là, còn rất nhiều mẫu cửa thông gió khác chúng mình bắt gặp trong các công trình kiến trúc tại Huế. Trong đó, có một ô cửa trong khuôn viên Chùa Thiên Mụ thực sự nổi bật với thiết kế trừu tượng và thậm chí khá hiện đại. Chi tiết này rất thú vị vì chùa được xây dựng từ tận thế kỷ 17. Vì chùa đã được tu bổ và xây dựng lại nhiều lần, chúng mình khó có thể tìm hiểu cặn kẽ về lịch sử xây dựng của chùa và việc lắp đặt khung cửa sổ này.
Có ai muốn cùng chúng mình đi một chuyến tới Huế để trò chuyện với các sư thầy và người dân để truy tìm cho ra nguồn gốc của ô cửa này không?
Dù sao thì, ô cửa này rất ấn tượng không chỉ về mặt thẩm mỹ, mà còn về mặt hình họa — vừa độc đáo, vừa đại diện cho kiến trúc truyền thống Việt Nam mà không quá lệ thuộc vào ngữ nghĩa Hán tự. Ai có trí tưởng tượng bay bổng có thể hình dung những thanh chắn ô cửa như bản đồ một khu phố nào đó ở Việt Nam, đầy những đại lộ thẳng thớm cắt nhau vuông vức, những lối tắt uốn lượn và những ngõ hẻm ngoằn ngoèo.
Sau một vài điều chỉnh nhỏ để đơn giản hóa một số chi tiết, Saigoneer đưa thiết kế này vào danh sách năm lựa chọn cuối cùng: bao gồm cả một mẫu có hình chữ “Thọ” (như đã liệt kê ở trên) và ba thiết kế khác lấy cảm hứng từ Trống đồng Đông Sơn.
Từ các lựa chọn đó, các thành viên của team đã đưa ra một quyết định chung — chính là logo của trang Sài·gòn·eer/Saigoneer hiện nay.
Chúng mình hy vọng rằng chiếc logo này, và câu chuyện đằng sau sự ra đời của nó, sẽ thể hiện được quyết tâm của team trong hành trình thực hiện nội dung — để khám phá và chia sẻ tất cả những gì thú vị, đáng yêu, đáng suy ngẫm, và hơn thế nữa, về đất nước Việt Nam mình.