Sau gần hai tuần gấp rút triển khai, ứng dụng bản đồ cứu trợ SOSmap đã giúp các mạnh thường quân trên cả nước kết nối và vận chuyển hàng chục tấn nhu yếu phẩm tới hơn 3,000 hộ dân đang gặp khó khăn do chuyển biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trước những tác động của đại dịch COVID-19, nhiều người dân ở địa bàn TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thực phẩm do tình trạng khan hiếm. Với các hộ nghèo và những người lao động đang mất thu nhập, việc giải quyết các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống lại càng là một thử thách lớn.
Trước thực trạng trên, ứng dụng bản đồ SOSmap đã ra đời với mục đích hệ thống hóa quy trình cứu trợ, kết nối các nhà hảo tâm với những người cần giúp đỡ trong cộng đồng. Ứng dụng này là một phần của chương trình “Yêu thương mùa COVID 2021,” do công ty công nghệ XTEK khởi xưởng và hợp tác thực hiện với các đơn vị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ Phát triển Nông thôn và Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến-Bộ Công an.
Khi người dùng truy cập vào ứng dụng, một chiếc bản đồ sử dụng dữ liệu của Google Map sẽ hiện ra, cùng với đó là bảng điều hướng người dùng tới hai lựa chọn “muốn cho” và “muốn nhận.” Từ đây, người dùng có thể điền thông tin liên lạc và chọn các loại nhu yếu phẩm cùng số lượng cần hỗ trợ hoặc muốn trao tặng.
Khi đóng góp khối lượng nhu yếu phẩm lớn (lên đến 4 tấn), người cho có thể chọn dùng các phương tiện vận tải để chở quà tặng đến kho tập trung ở khu vực nội thành. Các vật phẩm sau đó sẽ được tình nguyện viên phân phối đến các địa chỉ cần nhận. Thông tin sau khi điền sẽ được hệ thống ứng dụng cập nhật trên bản đồ dưới dạng các chấm đỏ, biểu thị cho người nhận, hoặc chấm cam, biểu thị cho người tặng.
Trò chuyện với Saigoneer, anh Phạm Thanh Vi, nhà sáng lập của XTEK, cho biết anh đề cao việc sử dụng giải pháp công nghệ trong các công tác cứu trợ để giúp giảm thiểu những bất cập hiện hữu trong các quy trình thiện nguyện thông thường. “Sau một lần đi từ thiện ở Quảng Bình vào năm ngoái, tôi nhận thấy việc trao quà cho người dân diễn ra chưa bài bản, dẫn tới tình trạng ‘kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.’ SOSmap với giao diện bản đồ trực quan, dễ theo dõi sẽ giải quyết được vấn đề nhiễu loạn thông tin và giúp các nhà hảo tâm biết được đóng góp của mình có đến tay người cần hỗ trợ hay không.”
Phiên bản đầu tiên của SOSmap được phát triển vào tháng 10/2020. Sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đội ngũ XTEK đã dành ba ngày liên tục để nâng cấp các tính năng cho phù hợp với mục tiêu cứu trợ trong bối cảnh hiện tại. Ứng dụng đang liên tục được sửa chữa và tối ưu hóa dựa trên trải nghiệm người dùng và các vấn đề phát sinh sau gần hai tuần hoạt động.
Khi nhìn vào bản đồ, có thể thấy những các chấm đỏ (người nhận) đang không ngừng tăng và phủ lấp các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Anh Vi cho biết, mỗi yêu cầu cứu trợ như vậy thường tính chung cho nhu cầu nhận của cả một hộ gia đình hay thậm chí một khu xóm. Trong khi đó, số lượng các chấm cam (người cho) trên bản đồ vẫn còn ít và rải rác. Tuy nhiên, anh cũng giải thích rằng mỗi nhà hảo tâm thường quyên góp một số lượng rất lớn, nên vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các hộ dân. Đơn cử, SOSmap vừa nhận được 12 tấn gạo từ Ninh Thuận chuyển vào để cứu trợ Sài Gòn, cùng rất nhiều những khoản hỗ trợ từ đồng bào khắp cả nước.
Bài toán lớn nhất mà các nhà điều hành hiện đang đối mặt đó là vấn đề thiếu hụt tình nguyện viên. Anh Vi cho biết, với lượng yêu cầu cho-nhận lớn và ngày càng tăng nhanh, đội ngũ tình nguyện viên hiện tại chỉ có thể giải quyết được 10% tổng khối lượng công việc, do đó rất cần sự tham gia góp sức của cộng đồng. Đội ngũ SOSmap vừa nhận được tin sắp tới sẽ có thêm 4–5 nhóm tình nguyện viên gia nhập để phục vụ các công tác vận chuyển và điều phối.
Các cá nhân và tổ chức có thể đăng ký trở thành tình nguyện viên theo hướng dẫn trong mục ‘thông tin chương trình.’ Sau khi chứng thực danh tính và tình trạng sức khỏe, người dùng sẽ được nhận quyền truy cập vào hệ thống thiết lập riêng cho tình nguyện viên.
Anh Vi cho biết, hoạt động cứu trợ của đội ngũ SOSmap hiện đang được các cơ quan chính quyền theo dõi và hỗ trợ. Các nhà điều hành ứng dụng đang kỳ vọng thể mở rộng mạng lưới để tiếp cận được nhiều hộ dân khó khăn trên cả nước, cũng như tiêm phòng vắc-xin cho các nhóm tình nguyện viên để đảm bảo công tác cứu trợ được diễn ra an toàn.
[Nguồn ảnh: SOSmap.]