Trong những đợt nắng nóng dai dẳng vừa qua, Việt Nam thường rơi vào trường hợp thiếu hụt điện năng do tình trạng cung không đủ cầu. Nhiều người dân đã chủ động cắt giảm các thiết bị trong nhà để tránh gây quá tải, nhưng thiếu hiệu quả vì không quản lý được lượng điện sử dụng hàng ngày, hàng giờ. Vậy, bản thân chúng ta nên làm gì để tiêu thụ điện năng hợp lý hơn vào mỗi tháng hè?
Sự ra đời của kính hiển vi đã mở ra một lĩnh vực khoa học hoàn toàn mới: vi sinh vật học. Tương tự như vậy, kính thiên văn đã mở ra một chương mới cho ngành thiên văn học. Những chiếc ống nghiệm cũng đã làm thay đổi ngành hóa học hoàn toàn. Lịch sử cho thấy nhân loại phát triển vượt bậc khi sáng chế ra những công cụ giúp họ nhìn rõ bản chất vấn đề.
Thế nhưng đến tận bây giờ, vẫn có một thứ luôn hiện diện xung quanh mà chúng ta không nhìn thấy được: đó chính là điện. Chúng ta không thể thấy chính xác lượng điện tiêu thụ nhiều khi bật TV hay mở máy lạnh. Thông thường, mọi người sẽ đợi đến cuối tháng và ước tính từ số tiền điện trên hoá đơn, nhưng những con số này cũng không thực sự nói lên điều gì về cách dụng điện của mỗi người.
Những vướng mắc này là một trở ngại rất lớn cho Việt Nam khi đối đầu với cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo dự đoán của Bộ Công Thương, mạng lưới điện quốc gia sẽ thiếu hụt gần 6,6 tỷ kWh vào năm 2021, và nhiều hơn trong những năm tới.
Hơn bao giờ hết, người Việt cần phải thay đổi thói quen sử dụng năng lượng. Nhưng vấn đề nan giải ở đây là, làm sao để mọi người thay đổi điều mà mình không nhìn thấy?
Đây là mối quan tâm của loTeamVN, một startup trẻ tập trung vào các giải pháp năng lượng bền vững và hiệu quả. Thành lập năm 2017, nhóm đã phát triển thành công ứng dụng giúp người dùng theo dõi mức tiêu thụ điện năng của từng vật dụng theo thời gian thực.
Giải pháp đơn giản là một chiếc hộp đen nhỏ
Chị Lê Gia Thanh Trúc, quản lý điều hành của IoTeamVN cho biết: “Nhóm mình đưa ra giải pháp minh bạch hóa việc sử dụng điện.” Giải pháp của nhóm là một chiếc hộp đen nhỏ có thể gắn vào bảng điện của mỗi gia đình. Chị Trúc chia sẻ: “Trên bảng điện, có các nhánh cho điều hòa, bếp, đèn, v.v. Chúng mình có thể đo được điện trên từng nhánh sau đó vẽ biểu đồ, và mọi người có thể biết được mỗi nhánh như vậy tiêu thụ bao nhiêu điện năng theo ngày, theo tuần hoặc theo giờ cũng như tính toán chi phí tương ứng.”
Thông qua sản phẩm của mình, loTeamVN mang lại cho khách hàng những số liệu cụ thể hoá qua hình ảnh, từ đó giúp họ điều chỉnh mức tiêu thụ điện. Chị Trúc chia sẻ: “Có một chị khách đến dùng thử sản phẩm của bọn mình. Khi được tư vấn, chị ấy sửng sốt nói: 'Chị không ngờ máy lạnh tốn điện đến vậy.' Tiền điện máy lạnh của chị ấy chiếm đến 70% hoá đơn hàng tháng. Chúng mình khuyên chị ấy nên chuyển sang máy lạnh inverter. Chỉ bốn tháng sau, tiền điện tiết kiệm được đã bằng với tiền mua chiếc máy lạnh mới đó. Hóa đơn hàng tháng của chị ấy vì thế cũng giảm 30%."
Theo dõi năng lượng theo thời gian thực không phải là một ý tưởng mới, nhưng trước đây chỉ có những ông trùm công nghệ như Siemens hay Schneider mới cung cấp dịch vụ này, thường là cho các nhà máy và doanh nghiệp lớn có khả năng đầu tư lên đến hàng nghìn đô la. Trong khi đó, cả phần mềm và phần cứng của IoTeamVN đều là những sản phẩm “cây nhà lá vườn,” với mức giá khởi điểm 3-10 triệu đồng. Khách hàng cũng có thể thuê thiết bị với giá 500.000 VND mỗi tháng. Với giá thành tương đối thấp, đối tượng mà IoTeamVN nhắm đến là doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.
Tiết kiệm điện năng: Yếu tố quyết định
Theo thống kê của Enerdata, trong hơn 20 năm qua, các hộ gia đình tiêu thụ nhiều điện năng (37%) hơn cả lĩnh vực công nghiệp (29%) và dịch vụ (24%). Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng gia tăng, chính phủ đã biên soạn dự thảo Quy hoạch điện VIII. Một đề xuất mà dự thảo đưa ra là xây dựng các nhà máy điện khí LNG, một loại khí hoá lỏng có nguồn gốc từ nhiên liệu hoá thạch. Việc sử dụng nhiên liệu này vẫn còn gây nhiều tranh cãi, vì một số nguồn cho rằng điện khí có thể gây nhiều thiệt hại cho môi trường hơn điện than.
Tuy nhiên, so với việc xây dựng nhà máy điện thì tiết kiệm điện vẫn là giải pháp tối ưu. Theo anh Mã Khai Hiền, giám đốc của ENERTEAM, điện của Việt Nam được lấy từ những nguồn chính như than, gió hoặc khí LNG, với hiệu suất chỉ khoảng 35%. Theo anh Hiền, "với mỗi 1kWh điện được tiết kiệm tại các hộ gia đình, nhà máy hoặc doanh nghiệp, chúng ta tiết kiệm được 3kW ở nguồn sản xuất. Đó là lý do tại sao việc tiết kiệm năng lượng lại quan trọng."
“Sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhờ việc giảm chi phí sản xuất, mà còn thay đổi thói quen và nâng cao ý thức của người sử dụng, cũng như giảm thiểu tác động cho môi trường và lượng khí thải CO2.”
Trung tâm của anh Hiền chuyên về kiểm toán và tư vấn năng lượng, giúp các nhà máy và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Anh cũng biết đến loTeamVn và những nỗ lực của nhóm. Tuy nhiên, anh Hiền tin rằng cần có một đòn bẩy lớn hơn để thúc đẩy mọi người cùng tiết kiệm điện: "IoTeamVN cung cấp giải pháp công nghệ giúp mọi người theo dõi điện năng, chứ nó không tiết kiệm điện giúp mọi người." Theo kinh nghiệm của tôi, có công nghệ mà không thay đổi thói quen thì không mang lại nhiều kết quả. Thay đổi thói quen là yếu tố quyết định để một hệ thống có thể vận hành bền vững. "
Tiết kiệt năng lượng: Bắt đầu từ thói quen
Bên cạnh thiết bị theo dõi năng lương, IoTeamVN còn phát triển một hệ thống điều khiển thông minh. Hệ thống sẽ gửi thông báo và cho phép người dùng điều khiển thiết bị qua smartphone. Thông qua những thao tác này, người dùng có thể xây dựng thói quen sử dụng điện hợp lý.
“Thiết bị này rất hữu dụng,” anh Nguyễn Hoàng Minh, một trong những người đồng sáng lập chia sẻ. “Mình đã phải thay tủ lạnh và máy lạnh cũ, vì tiền điện mà hai món này ngốn trong hai năm gần bằng tiền mua cái mới. Đến lúc theo dõi trực tiếp mức tiêu thụ điện thì mình mới hiểu vì sao lại tốn nhiều chi phí đến vậy, nếu chỉ nhìn hóa đơn của EVN thôi thì quá chung chung.”
“Thiết bị này cũng nhắc mình đừng chạy máy nước nóng 24/7. Nếu mình quên tắt thì thiết bị sẽ gửi thông báo. Cuối cùng là cầu thang nhà mình khá tối và cần phải bật đèn mỗi khi lên xuống. Với chức năng điều khiển thông minh, mình có thể yêu cầu Google bật đèn trước khi đi lên và tắt đèn sau khi không có ai ở dưới. Tuy nhiên mẹ mình đã buộc gỡ bỏ chức năng này vì mẹ không thích mỗi khi đi lên cầu thang thì lại phải hô 'Google ơi bật đèn lên!'"
Để chống chọi với những đợt nắng khủng kiếp hiện nay, chúng ta đang tiêu thụ điện năng ở mức cao kỷ lục. Vì vậy, các cơ quan quản lý đã đề nghị người dân chỉ nên để nhiệt độ điều hòa trong khoảng 26–28°C và sử dụng kèm một chiếc quạt khác, giúp tiết kiệm từ “2-3%” điện năng so với để điều hòa ở nhiệt độ thấp. Thiết nghĩ, liệu có giải pháp nào khác mà chúng ta đã bỏ qua vì không biết mức tiêu thụ hàng ngày? Với những số liệu rõ ràng từ công nghệ mới, có lẽ giờ lúc chúng ta nên tự kiểm điểm và bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của mình.