Dù các studio chế tác nút bấm bàn phím cơ (artisan keycap) trong nước mới bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng năm năm, nhưng những sản phẩm nhỏ nhắn và tinh xảo này hiện đang cho thấy nhiều tiềm năng và có sức hút lớn trong cộng đồng công nghệ quốc tế.
Nếu phải liệt kê ra các tính năng cần phải có của một bàn phím máy tính đáp ứng các tác vụ văn phòng cơ bản, danh mục này có lẽ không quá dài: sắp xếp gọn gàng, nhỏ gọn, trơn tru.
Tuy nhiên, với cộng đồng yêu công nghệ, bàn phím có ý nghĩa nhiều hơn thế. Như những người nghệ sĩ dương cầm nhạy cảm với phím đàn, các fan công nghệ cũng không kém phần kỹ tính với trải nghiệm gõ phím của mình. Một bộ phím chuẩn trước hết phải êm tay, khi gõ tạo nên âm thanh “lách cách” gây nghiện và dùng lâu vẫn đảm bảo được yếu tố bền đẹp. Thậm chí, nhiều người dùng còn nâng cấp trải nghiệm của mình với bàn phím cơ, vốn là tiền thân của bàn phím thông dụng nhưng lại sở hữu nhiều đặc điểm vượt trội.
Trong khi bàn phím thông thường sẽ dùng miếng cao su để tạo sự tương tác giữa phím bấm với mạch điện bên dưới, thì ở bàn phím cơ, mỗi nút bấm có một công tắc cơ riêng. Chi tiết này không chỉ giúp phím cơ có độ bền cao hơn mà còn dễ dàng tháo rời và tùy chỉnh theo nhu cầu của bản thân.
Cũng do đặc tính này, trong cộng đồng bàn phím cơ đã hình thành thêm một tiểu phân khúc, chuyên săn lùng những bàn phím với thiết kế riêng biệt, qua đó gửi gắm màu sắc cá nhân. Họ sẵn sàng chi một khoản đầu tư lớn để có bộ bàn phím ưng ý, vừa mắt.
Khoảng 10 năm trở lại đây, tiểu phân khúc ấy phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh. Họ tự sản xuất và trao đổi với nhau những bộ phím thủ công độc lạ, gọi bằng artisan keycap, custom keycap hay keycap nói tắt. Bộ môn này được cho là khởi nguồn từ Mỹ, và được khởi xướng bởi một số người dùng bàn phím cơ với kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi và thiết kế công nghiệp. Đến giai đoạn 2015–2016, keycap bắt đầu du nhập vào Việt Nam và tạo nên những hiệu ứng nhất định.
Keycap chinh phục người dùng vì nhiều yếu tố. Bên cạnh sự kỳ công và tinh xảo, khiến những đôi mắt ngoại đạo cũng phải trầm trồ, thì keycap còn giúp nhận diện gu thẩm mỹ và những mối quan tâm của chủ nhân chiếc bàn phím cơ.
Dwarf Factory, một trong những nhóm bạn trẻ đi đầu trong lĩnh vực làm keycap thủ công ở Việt Nam, chia sẻ với Saigoneer rằng có một nhân viên NASA đã đặt mua sản phẩm Moondust của nhóm, như một minh chứng cho niềm đam mê khám phá thiên hà của nhà du hành vũ trụ.
Có thể nói, người làm keycap vừa là nghệ nhân, vừa những người kể chuyện. Dạo một vòng quanh các trang web của những studio nổi bật trong làng keycap Việt Nam như Dwarf Factory, ArtKey Universe hay Jelly Key, có thể thấy yếu tố concept của sản phẩm cũng quan trọng không kém công đoạn chế tác.
Đằng sau mỗi bộ sưu tập là một câu chuyện riêng, được lấy cảm hứng từ vô số các đề tài đa dạng như thần thoại dân gian, sinh vật huyền bí, những trò chơi điện tử nổi tiếng, một đô thị hậu tận thế, hay thậm chí là một tiệm hamburger tí hon. Không ngoa khi nói rằng mỗi chiếc keycap chính là một thế giới thu nhỏ.
Theo Dwarf Factory, để đưa thế giới sống động ấy vào những chiếc keycap chỉ vừa lớn hơn một đốt ngón tay, người chế tác phải đi cả một chặng đường gian nan với nhiều "khúc cua" gắt. Lancen, đại diện của nhóm chia sẻ: "Chúng mình bắt đầu bằng cách vẽ hết ý tưởng ra trên giấy, sau đó dựng 3D, in thiết kế 3D để làm khuôn, từ khuôn làm ra các phôi chi tiết rồi đặt chúng vào diện tích bé tẹo."
i
Vậy thì “khúc cua gắt” đầu tiên là ở đâu? Đó là khi có những concept nhìn rất ưng ý trên bản vẽ nhưng kết quả thực tế lại không như mong đợi. “Khi đó, tụi mình sẽ phải tùy chỉnh kích cỡ và hình dáng sao cho hợp lý. Các thành viên cũng thường nổi hứng bất chợt nên lại thêm, lại bớt,” Lancen kể.
Sau công đoạn dựng mẫu và lên màu sẽ là bước đổ lớp resin trong để bảo vệ. “Đây là khúc cua thứ hai. Vì hiệu ứng bẻ cong ánh sáng, hình ảnh sản phẩm có thể bị ảnh hưởng. Lúc đấy bọn mình quay về giai đoạn dựng 3D để căn chỉnh. Cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi có bản demo hoàn chỉnh của chiếc keycap.”
“Bên cạnh đó, còn có những khó khăn về vận chuyển hàng quốc tế trong thời kỳ đại dịch, vấn đề về thời gian sản xuất và trả hàng lâu do đặc tính của sản phẩm handmade dễ phát sinh lỗi trong quá trình làm. Cũng may mắn cho là đa phần khách hàng đều là những người sưu tầm am hiểu về sản phẩm nên rất dễ cảm thông,” đại diện của studio ArtKey chia sẻ.
Một điều bất ngờ là dù hầu hết người Việt vẫn còn xa lạ với nghệ thuật keycap, nhiều thương hiệu chế tác trong nước đã bước ra thị trường quốc tế và tạo được hiệu ứng lớn. Vào năm 2016, diễn đàn Deskthority, nơi trao đổi của những người đam mê bàn phím cơ trên toàn thế giới, đã tổ chức một cuộc bầu chọn artisan keycap xuất sắc nhất năm. Studio Jelly Key đã nhận được những đánh giá rất tích cực và giành vị trí đầu bảng.
ArtKey nhận định: “Thủ công mỹ nghệ là một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Nét văn hóa ấy được lưu giữ và tiếp nối qua nhiều lĩnh vực khác nhau, artisan keycap chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Với bản bản tính sáng tạo và khéo léo, người Việt có nhiều lợi thế để trở thành anh tài trong làng keycap.”
Đòi hỏi nhiều về kỹ nghệ, công sức lẫn nguồn lực, không khó hiểu khi giá thành hiện tại của mỗi chiếc phím bấm đều rơi vào mức khá cao. Cùng với đó, quy trình để đưa một sản phẩm từ khâu nhận yêu cầu tới lúc giao tận tay khách hàng còn phức tạp, khiến keycap vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng cộng đồng.
Tuy nhiên, sự lên ngôi của ngành thể thao điện tử cũng như văn hóa làm việc từ xa đang mở ra cơ hội phát triển những chiếc phím bấm thủ công. Dwarf Factory cho biết, studio này đang hướng đến việc ứng dụng công nghệ cho phép giảm bớt chế tác thủ công ở một số bước, qua đó đẩy nhanh tiến độ, giải quyết bài toán về nguồn lực, và giúp người dùng đại chúng dễ dàng tiếp cận loại hình nghệ thuật độc đáo này hơn.
Nhưng bên cạnh tiềm năng kinh tế, cốt lõi của thú chơi keycap vẫn là niềm vui thích cho người nghệ nhân và người sưu tầm. “Niềm vui lớn nhất có lẽ là được làm điều mình thích mỗi ngày, được chơi đùa với ý tưởng, và được nghiêm túc với nó. Khi chúng mình được nhìn thấy sản phẩm đi từ trang giấy, màn hình máy tính cho đến thành phẩm thật, có thể gắn lên bàn phím và dùng ngay, cảm giác đó rất khó tả,” Lancen chia sẻ.