Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Công Nghệ » Theo chân hội sành âm thanh đi tìm tai nghe 'đo ni đóng giày'

Theo chân hội sành âm thanh đi tìm tai nghe 'đo ni đóng giày'

Kết hợp kỹ thuật âm thanh và sáng tạo nghệ thuật, tai nghe CIEM là sản phẩm công nghệ dành cho những ai muốn nâng cấp trải nghiệm nghe-lẫn-nhìn của mình.

Trong số hàng trăm nghìn mẫu tai nghe được tung ra thị trường mỗi năm, có một loại tai nghe với công dụng và thiết kế khá đặc biệt là IEM (In-ear Monitor). Đây là loại tai nghe nhỏ gọn, có ống dẫn âm được nhét vào sâu trong tai, cách ly người nghe khỏi môi trường bên ngoài.

Các loại tai nghe IEM thường mang lại trải nghiệm âm nhạc đa sắc hơn. Ảnh: Legacy Ears.

Khác với những tai nghe phổ thông chỉ có một driver (bộ phận phát âm), tai nghe IEM thường tích hợp nhiều driver khác nhau. Các driver được tùy chỉnh để hoạt động trong một dải tần số nhất định, rồi kết hợp với nhau tạo nên trải nghiệm âm nhạc đa sắc nhất có thể.

Mang lại âm thanh chất lượng cũng như khả năng chống ồn cao, tai nghe IEM thường được ưu ái tin dùng bởi các nghệ sĩ khi trình diễn trên sân khấu, các kỹ sư âm thanh khi làm việc tại phòng thu, cũng như cộng đồng chơi các thiết bị âm thanh đẳng cấp.

CIEM là phiên bản cải tiến của IEM, được "đo ni đóng giày" để phù hợp với khuôn tai của từng người nghe. Ảnh: AYA Workshop.

Để hoàn thiện công năng của tai nghe IEM, một phiên bản cải tiến là CIEM (Custom IEM) đã được ra đời. Hiểu đơn giản, CIEM là một chiếc IEM được có phần vỏ được tuỳ chỉnh để vừa vặn khuôn tai của từng người, từ đó tối ưu độ thoải mái cũng như chất lượng âm của tai nghe. Đặc biệt, do phần vỏ của mỗi chiếc CIEM đều được “đo ni đóng giày,” nhiều người dùng đã thiết kế tai nghe với những chất liệu, hoạt tiết, hoa văn đa dạng để thể hiện bản sắc cá nhân của mình.

Ở Việt Nam, Soranik là hãng CIEM đầu tiên giới thiệu dịch vụ reshell (thay thế vỏ tai nghe bằng lớp vỏ custom). Ảnh: Soranik.

Ở Việt Nam, phong trào IEM/CIEM bắt đầu nở rộ từ những năm 2000 qua các diễn đàn công nghệ như VOZ  Tinh Tế. Thời gian đầu, người chơi thường phải đặt tai nghe từ các thương hiệu nước ngoài, thời gian chờ có thể kéo dài đến hàng tháng, việc trao đổi ý tưởng với nhãn hàng cũng khó khăn.

Vì thế, không ít người chơi đã bắt tay vào nghiên cứu, mày mò để tự sáng tạo ra đôi tai nghe tuyệt đỉnh nhất cho mình.​ Quá trình này đã góp phần tôi luyện tay nghề của cộng đồng người chơi, nhiều người trong số đó đã tiên phong sáng lập các studio CIEM nổi danh trong nước như Soranik, Legacy Ears, AYA Workshops, v.v.

Đổ chất tạo khuôn. Ảnh: Soranik.

Theo Trung Hiếu, đại diện của Soranik, bước đầu tiên trong quá trình sản xuất CIEM là phác thảo thiết kế của chiếc tai nghe. Sau đó, studio sẽ lấy mẫu khoang tai của khách hàng bằng hỗn hợp nhựa y khoa để tạo thành khuôn cho phần vỏ.

Từ đây công đoạn sẽ rẽ nhánh ra tùy theo hướng đi của khách hàng và người thiết kế. Một số studio sẽ đúc phần vỏ bằng nhựa resin, một số nơi sẽ dùng công nghệ 3D để in. Một số thiết kế độc, dị, và “mang tính điên rồ hơn còn có vỏ được đúc bằng kim loại quý,” theo Lưu Hải, đại diện của Legacy Ears.

Tiếp theo, studio sẽ tiến hành chọn lựa và phối ghép các driver để tạo nên concept âm thanh mà người mua đã đặt ra. Đây là công đoạn được các studio đánh giá là khó nhằn, vì ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng âm thanh cuối cùng.

Thiết kế các bộ phận kỹ thuật được cho là phần khó nhất. Ảnh: AYA Workshop.

“[Với AYA Workshop] Thiết kế âm là phần khó nhất, vì muốn tạo ra được một chất âm riêng phải thử nghiệm rất nhiều, đôi khi hàng tháng mới ra được chất như mong muốn,” Ying Phan, founder của AYA Workshop, nhận định.

Tiếp theo, các studio sẽ sắp ghép các linh kiện và driver vào lớp vỏ, sau đó lắp chiếc faceplate (phần mặt ngoài) để hoàn thành sản phẩm. Tuy nhiên, đây chưa phải bước cuối cùng vì mỗi chiếc CIEM đều cần được khách hàng “ướm thử” trước khi sử dụng.

Theo Trung Hiếu, Soranik đôi khi phải tinh chỉnh phần vỏ nhiều lần để các vị khách có cơ địa nhạy cảm không đau tai khi mang CIEM trong thời gian dài. Tương tự, Ying Phan cũng nhận định: “Âm thanh hay mà đeo không vừa vặn, hoặc đeo vừa nhưng nghe dở thì không có ý nghĩa gì cả.”

Quá trính chỉnh sửa một chiếc CIEM. Ảnh: Soranik.

Bên cạnh các bước chế tác, việc nghiên cứu nhu cầu và xây dựng mối quan hệ với khách hàng cũng là công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất CIEM, vì người nghệ nhân phải đủ tinh ý để biết khách hàng trông chờ gì ở đôi tai nghe. Ying Phan cho biết: “Mỗi người sẽ có một nhu cầu khác nhau về mặt cảm xúc cũng như những quy chuẩn riêng, mỗi đôi tai, nhận thức riêng sẽ chọn cho mình một gu âm thanh riêng, có người thích vocal, có người thích bass tốt, có người chỉ nghe violin. Có những dải âm người này thích nhưng đối với người khác lại không.”

Mỗi người có một nhu cầu khác nhau, nhưng họ đều có kỳ vọng cao vào sản phẩm. Nhận xét về tệp khách hàng của mình, Lưu Hải nói: “Họ là những người ‘chơi’ một cách đúng nghĩa. Họ không chơi cho người ngoài nhìn, mà chơi cho chính họ, chơi cho hưởng thụ. Vậy nên sự tinh tế và hoàn thiện về mọi mặt là thứ tiêu chuẩn khắt khe mà studio phải vượt qua.”

Ảnh: Legacy Ears.

Không chỉ phức tạp về quá trình làm, mà những tiêu chuẩn, điều kiện trong công việc cũng mang ít nhiều khó khăn đến cho các nhóm chế tác. Một trong số đó là cập nhật kiến thức để bắt kịp với xu thế trên thế giới:

“Thế giới đã đi rất xa trong lĩnh vực này, muốn bám kịp chúng mình phải thử nghiệm rất nhiều concept, phương pháp mới,” Ying Phan nói. Vì công nghệ liên tục phát triển, nên các nhóm nghệ nhân cũng học dòng sản phẩm từ các hãng khác để có thể đút kết kiến thức cho studio mình.

Ngoài ra, vấn đề nguồn vốn lớn cũng là một thử thách đau đầu cho tất cả những người đã bước chân vào ngành nghề này. “Các thiết bị đo kiểm, xuất âm mình phải mua với giá rất đắt đối với mình. Một chiếc micro đo tần số US$12.000 là chuyện bình thường! Chuyện nhịn ăn, nhịn tiêu hay đi làm thêm để nuôi đam mê là có. Nhưng quá trình đốt tiền đúng là thử thách sự kiên trì của mình,” Lưu Hải tâm sự.

Cặp tai nghe thiết kế tinh tế cho ca sĩ Hiền Thục. Ảnh: Soranik.

Dẫu vậy, những gian nan và hi sinh khi theo đuổi đam mê cũng được thưởng bằng những “trái ngọt” và kỉ niệm đẹp. Mỗi studio đều từng có cơ hội làm việc với nhiều khách hàng đặt biệt, trong đó Legacy Ears với kinh nghiệm làm việc với nhóm rapper đến từ Hà Nội Rapital, hay Soranik với ca sĩ Hiền Thục.

Chiếc tai nghe mà Legacy Ears sáng tạo cho một nghệ sĩ của Rapital. Ảnh: Legacy Ears.

“Và ngoài những thiết kế dành cho nghệ sĩ, đơn hàng đặc biệt nhất bọn mình từng gửi đi có lẽ là dành cho một người anh, một người bạn hiện đang là bác sĩ công tác ở tuyến đầu. Những sản phẩm gửi anh đôi khi chỉ là bản demo, còn chưa được hoàn thiện đẹp đẽ, nhưng anh vẫn luôn giữ dùng,” Trung Hiếu nói.

Bên trong một studio làm tai nghe của AYA Workshop. Ảnh: AYA Workshop.

Đến nay, tai nghe CIEM vẫn được xem là một sản phẩm ngách ở thị trường Việt Nam do giá thành còn cao so với thu nhập bình quân. Nhưng ở sân chơi quốc tế, các tai nghe “nhà trồng” đã được khách hàng tín nhiệm do kỹ nghệ chế tác cao của các studio Việt Nam.

Theo Soranik, trong giai đoạn khi vận chuyển trong nước gần như đóng băng, studio vẫn có thể vận hành nhờ có các đối tác bán lẻ ở Singapore. Còn các tai nghe của AYA Workshop đã được gửi đi nhiều nơi trên thế giới: “Thị trường quốc tế rất cởi mở, người ta sẵn sàng thử nghiệm và quảng bá nếu sản phẩm của bạn thực sự tốt.”

Tuy vậy, các nghệ nhân vẫn hy vọng tai nghe thủ công sẽ được nhiều người dùng ở Việt Nam đón nhận hơn. “Founder Dwarf [studio chế tác keycap tại Việt Nam] đã từng khen tai nghe của mình đẹp, và mình cũng rất tự tin về cái mình có. Mình cứ làm tốt thì trong hay ngoài nước người ta cũng phải công nhận thôi,” Lưu Hải cười.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

8 the Theatre trở lại với series unplugged, hòa phối màu sắc âm nhạc cổ điển và hiện đại

Viết tiếp giấc mơ làm mới trải nghiệm âm nhạc, 8 the Theatre đã trở lại với một hoài bão mới: mang cảm hứng cổ điển lên sân khấu âm nhạc hiện đại.

Linh Phạm

in Công Nghệ

App 'chỉ mặt đặt tên' những thiết bị ngốn điện trong nhà

Trong những đợt nắng nóng dai dẳng vừa qua, Việt Nam thường rơi vào trường hợp thiếu hụt điện năng do tình trạng cung không đủ cầu. Nhiều người dân đã chủ động cắt giảm các thiết bị trong nhà để tránh...

in Công Nghệ

Fika — ứng dụng hẹn hò của Việt Nam — gọi vốn thành công 1,6 triệu USD

Vừa qua, nhà phát triển của Fika, một ứng dụng hẹn hò tương tự như Bumble và Tinder nhưng thiên về nữ giới, đã gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư quốc tế.

Linh Phạm

in Công Nghệ

Gặp Sumi, người bạn AI hài hước và tâm lý của Gen Z Việt

Sumi có ngoại hình là một bé gà màu vàng rực rỡ, đầu đội mũ phi công, dễ thương hệt như một nhân vật trong phim hoạt hình. Ngoài ra, người bạn này còn có một năng lực rất đặc biệt: có thể trò chuyện v...

in Quãng 8

Humm: 'Album tới đây sẽ là những bài hát được sáng tác cho những ai thất tình'

Dẫu những giai điệu của Humm đều mang sắc thái khắc khoải và da diết, người nghe vẫn cảm nhận được một sự “chữa lành” khi âm nhạc của nhóm vang lên.

in Công Nghệ

Khám phá vũ trụ cổ tích Việt Nam qua concept game phiêu lưu ‘Vệ Thần’

Thời gian vừa qua, làng game indie tại Việt Nam đã có nhiều khởi sắc khi giới thiệu loạt dự án cây nhà lá vườn gây nhiều tiếng vang. Vậy cụ thể một tựa game phiêu lưu mang chủ đề thần thoại Việt ...