Không ít người dùng mạng, đặc biệt những người yêu thích nền tảng TikTok, đã hùng hồn tuyên bố: “Ai rồi cũng phải Đôn Chề thôi!” Nhưng Đôn Chề là gì? Và vì sao sớm hay muộn chúng ta cũng phải tham gia?
“Ai rồi cũng phải Đôn Chề thôi!”
Ứng dụng tỉ đô TikTok là nơi hàng triệu video được đăng tải mỗi ngày, với kho tàng nội dung vô cùng đa dạng: từ clip chó mèo đến hướng dẫn làm giàu tự thân.
Dù có cảm thấy thế nào về ứng dụng này, điều mà ai cũng phải công nhận là TikTok có một sức hấp dẫn kỳ lạ. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các đợt giãn cách xã hội vừa rồi, khi mọi người cùng “đồng tâm hiệp lực” ở nhà xem review phim, làm cà phê dalgona hay thực hiện những trào lưu được gợi ý bởi các hashtag. Trong số đó, hashtag với cái tên rất kêu, Đôn Chề, là một trào lưu thu hút được lượng lớn người dùng tham gia và sự thú vị của nó không chỉ nằm ở những con số.
Đôn Chề,
từ tưởng chừng như vô nghĩa trong tiếng Việt, thực chất là cái tên được đặt cho một điệu nhảy đặc biệt xuất phát từ TikTok Việt Nam.@cciinnn nóng hết người (Dc : @thm4nh.n) #fyp♬ The Magic Bomb (Questions I Get Asked) [Extended Mix] - Hoàng Read
Đôn Chề, từ tưởng chừng như vô nghĩa trong tiếng Việt, thực chất là cái tên được đặt cho một điệu nhảy đặc biệt xuất phát từ TikTok Việt Nam. Giống như những trào lưu nhảy khác của TikTok, các clip Đôn Chề thường kéo dài dưới 10 giây và sử dụng những đoạn nhạc từ kho nhạc của ứng dụng. Người đăng có thể tự ứng tác theo nhạc, hoặc nhảy theo một vũ đạo đã có sẵn. Trong đó, một số đoạn nhạc bắt tai thường đi cùng những điệu nhảy cố định và thậm chí trở nên viral trên cả những nền tảng khác như Facebook và YouTube.
Điều làm Đôn Chề khác biệt so với những trào lưu nhảy khác của TikTok chính là cách dựng vũ đạo và loại nhạc đi kèm. Các động tác chủ yếu được thực hiện bằng tay và bị giới hạn ở phần thân trên, được lặp lại xuyên suốt vũ đạo. Giai điệu chắc chắn phải lấy từ các bản nhạc remix, phối theo phong cách Vinahouse. Người nhảy thể hiện sự uyển chuyển không chỉ trong từng động tác mà còn trong cử chỉ khuôn mặt. Chỉ cần thiếu một yếu tố là sẽ làm mất đi bộ nhận diện của Đôn Chề.
Nhưng có lẽ, điểm đặc biệt hơn cả lại nằm ở cái tên của điệu nhảy. Nhiều nguồn mạng cho rằng, Đôn Chề thực chất là một từ có nguồn gốc tận trời tây, và đã trải qua nhiều lớp nghĩa trước khi trở thành một hashtag của TikTok.
Theo đó, Đôn Chề là biến âm của cách đọc từ dolce trong Dolce & Gabbana, một thương hiệu thời trang cao cấp đến từ nước Ý. Đi ngược với xu hướng thiết kế tối giản hiện thời, hãng theo đuổi phong cách “haute hippy dom” nổi bật với những họa tiết sặc sỡ như da báo và sọc caro nhiều màu. Vì những tính chất này mà các bộ sưu tập của Dolce & Gabbana nổi tiếng thử thách người mặc, và thường chỉ xuất hiện trong tủ của những tín đồ thời trang với khả năng phối đồ khá trở lên.
“Một tổng thể gây khó hiểu về mặt thị giác.”
Như những thương hiệu thời trang cao cấp khác, Dolce & Gabbana cũng chịu ảnh hưởng bởi thị trường làm giả sôi động của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Nếu như một sản phẩm chính chủ có giá 1.000–10.000 USD, vượt quá nhiều lần mức thu nhập trung bình của người dân thì một món hàng ăn theo chỉ có giá vài trăm nghìn. Việc hàng tấn sản phẩm nhìn-vậy-mà-không-phải-vậy được bày bán trên khắp đất nơi đã mở ra xu hướng thời trang mới cho người ở nhiều tầng lớp khác nhau.
Vào những năm 2000 khi streetwear lên ngôi, các hãng thời trang cao cấp cũng đua nhau ra mắt các sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn trong đời sống hằng ngày. Các sản phẩm ăn theo vì vậy mà cũng rất thịnh hành, và được đặc biệt ưa chuộng bởi các chàng trai thành thị muốn thể hiện bản thân. Một bộ cánh cơ bản của họ sẽ không thể thiếu mũ lưỡi trai, áo khoác rộng, quần jean thụng và đôi dép lê hoặc giày thể thao; tất cả đều không chính hãng nhưng in hoạ tiết hãng thật to, tạo nên tổng thể đôi khi gây khó hiểu về mặt thị giác. Do thiếu tính chính thức nên những phụ kiện này được bằng gọi những cái tên trại lại như Gu Chì (Gucci) hay Bắp Be Rì (Burberry). Dù là tập hợp của nhiều cái tên nhưng phong cách lại được gọi chung bằng Đôn Chề (Dolce), có lẽ vì đặc trưng hầm hố của hãng này.
Song song với streetwear, một trào lưu khác cũng nổi lên trong thời gian này là phong trào nhạc điện tử Vinahouse. Đây là dòng nhạc house mang đậm chất “cây nhà lá vườn” do DJ Việt sáng tạo. Vinahouse thường được gắn liền với hình ảnh các vũ trường và điệu nhảy đi kèm là Vinahey. Tình cờ thay, đối tượng chính của thể loại giải trí này cũng chính là những chàng trai thành phố với gu thời trang mạnh mẽ mà chúng ta vừa nhắc đến. Hình tượng các thanh niên trong những bộ quần áo hầm hố, nghe nhạc Vinahouse và nhảy điệu Vinahey một cách điêu luyện dần dần trở thành một dạng tiểu văn hoá lấy danh tính chung là Đôn Chề. Tuy nhiên, lúc này Đôn Chề bị xem là một hiện tượng khá tiêu cực vì một số luồng ý kiến xã hội lúc bấy giờ.
Qua thời gian, Vinahouse dần trở trở thành một loại âm nhạc chính thống nhờ sự góp mặt của các DJ tên tuổi. Từ đó, dòng nhạc không còn bị giới hạn ở các phố vui chơi mà bắt đầu xuất hiện trong các văn hoá phẩm phổ biến với đại chúng. Tuy nhiên, vì là một phần của trường phái Đôn Chề nên cả nhạc và các điệu nhảy Vinahey vẫn được ngầm xem như một loại meme, đặc biệt là với thế hệ Gen Z.
Cùng với sự phát triển của TikTok, các bài hát Vinahouse được lan truyền rộng rãi qua chức năng tự chọn nhạc của ứng dụng. Cú hích lớn của thể loại này là khi được dùng trong video của người dùng @cciinn, một vũ công chuyên nghiệp. Trong đó, cô gái nhảy trên nhạc nền ‘The Magic Bomb’ và biểu diễn vũ đạo một cách điêu luyện. Điệu nhảy này sau đó nhanh chóng được lan truyền và làm bừng lên trào lưu nhảy nhạc Vinahouse trên khắp TikTok. Điệu nhảy tất nhiên cũng được truyền cảm hứng từ Vinahey, với các động tác đặc trưng như múa tay liên tục hoặc các cú lắc hông mạnh. Nhận ra mối liên kết, người dùng TikTok đã đặt tên cho trào lưu là Đôn Chề, đưa thể loại nhạc này trở lại với ánh hào quang.
“TikTok mang Đôn Chề trở lại với hào quang năm xưa.”
@japanleaders 頭コンコン!誰かいますか?#新しい学校のリーダーズ #ATARASHIIGAKKO
♬ The Magic Bomb (Extended Mix) - Hoàng Read
Giờ đây, độ phổ biến của Đôn Chề đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Không ít người dùng nước ngoài, trong đó có cả người nổi tiếng, đã thích thú thực hiện điệu nhảy này. Tuy nhiên, ở các phiên bản ngoại quốc, người dùng loại bỏ một số yếu tố trong bản gốc, chẳng hạn như các động tác đậm chất Vinahey, sự cá tính và mạnh mẽ cũng được thay bằng những cử chỉ vui vẻ và thoải mái hơn.
@camille_munday Only a few of the many questions I get! #foryou #fyp #stepmom
♬ The Magic Bomb (Extended Mix) - Hoàng Read
Có thể dễ nhận thấy, mỗi lần Đôn Chề vượt bức tường văn hoá, khái niệm này lại mang cho mình một danh tính và sức sống mới, phù hợp với nền văn hoá bản địa mà nó vừa du nhập. Để giải thích cho sức hút của Đôn Chề, ai đó có thể liệt kê ra những yếu tố như sự cá tính và quyến rũ của các điệu nhảy, kho nhạc phong phú và sôi động của nền tảng, các người dùng khởi xướng cho trào lưu là những gương mặt có sức hút và lượng người theo dõi cao, v.v.
Tuy nhiên, dù có xác định được những yếu tố này, ta cũng rất khó sáng tạo ra một trào lưu tương tự, hay dùng làm căn cứ để đánh giá độ hot của một xu hướng mới. Phải nói rất hiếm khi gặp được sự cộng hưởng ngẫu nhiên và vô tư của các tiểu văn hóa made-in-Vietnam từng làm mưa làm gió một thời trên một nền tảng hợp thời mới. Có lẽ, các TikToker nói không sai khi khẳng định “Ai rồi cũng sẽ phải Đôn Chề,” vì với sự linh hoạt và các đặc tính quen thuộc của trào lưu, biết đâu ngày nào đó Đôn Chề lại trở thành thứ mà tôi và bạn yêu thích?
Collage: Phương Phan, Hannah Hoàng, Phan Nhi và Jessie Trần.
Vẽ minh họa: Hannah Hoàng.