Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Natural Selection » Bồ kết: Thương hiệu dầu gội của mẹ Trái Đất

Bồ kết: Thương hiệu dầu gội của mẹ Trái Đất

Lần đầu tiên tôi biết đến bồ kết là khi người ta “hô biến” nó thành một sản phẩm hoành tráng, khác xa với vẻ khiêm tốn, mộc mạc của loài thực vật này.

Hồi đó là đầu thập niên 2000, tôi chỉ mới bập bẹ tập đọc, còn Việt Nam đang trên đường sánh vai các cường quốc năm châu bằng cách mở cửa kinh tế. Nền công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vì thế mà trở thành miếng bánh béo bở cho các ông lớn nước ngoài; doanh nghiệp nào cũng muốn thâu tóm sức mua của đất nước hơn 80 triệu dân. 

Từ Coopmart đến tiệm tạp hoá trong xóm, kệ hàng ở đâu cũng bày bán những chai nhựa mỹ phẩm đủ màu, đầy ắp chất bảo quản và hương liệu, mang những cái tên cực kêu và cực Tây như Enchanteur, Rejoice, hay Romano.

Nhưng trên cả những cái tên hay những công nghệ mới lạ, yếu tố thân thuộc đôi khi mới là tuyệt chiêu để các nhãn hàng chinh phục một thị trường đặc thù, lấy bằng chứng là sự thành công của các phiên bản nội địa như Kit Kat tại Nhật Bản, hay McDonald's không thịt bò ở Ấn Độ.

Ở Việt Nam giai đoạn 2002-2003, tuyệt chiêu này đã được ứng dụng để tạo nên dầu gội và dầu xả Sunsilk Bồ Kết. Được phát triển bởi Unilever, đây là dòng sản phẩm dành cho tóc, lấy loại quả bản địa của Việt Nam làm concept chủ đạo trên cả bao bì và quảng cáo. Không thể thiếu trong các khung hình TVC là những cô gái xinh đẹp có mái tóc đen mượt thướt tha, như bước ra từ Photoshop hay Adobe Illustrator.

Quảng cáo Sunsilk Bồ Kết (2002–2003).

Trên thực tế, Sunsilk Bồ Kết không có bao nhiêu phần trăm là bồ kết, nhưng vẫn bán đắt như tôm tươi, và từng chiếm đến 80% doanh số của thương hiệu Sunsilk tại Việt Nam. Tôi của năm mẫu giáo vẫn chưa hiểu gì về hoá học và thực vật học, nhưng sau khi xem rất nhiều quảng cáo của Sunsilk cũng đã biết được rằng: nhà ai bị tóc xấu, tóc khô, có thể liên hệ bồ kết để được cứu chữa!

Nhà ai bị tóc xấu, tóc khô, có thể liên hệ bồ kết để được cứu chữa!

Có thể bạn chưa biết?

Cộng đồng người Thái ở tỉnh Sơn La thường tổ chức Lễ hội Lung Ta, hay còn gọi là "Lễ hội Gội đầu," để chuẩn bị bước vào năm mới. Một trong những nghi lễ chính của lễ hội là gội đầu bằng nước bồ kết bên dòng sông Đà.

Trước khi các loại hóa chất tổng hợp được phát minh, và trước khi được Unilever để mắt đến, bồ kết đã được hàng trăm thế hệ người Việt tin dùng để tắm rửa hàng ngày, cũng như để điều chế các bài thuốc trong y học cổ truyền. Từ những vấn đề ngoài da như da đầu gàu, đến những căn bệnh khó nói như...táo bón, khả năng làm sạch của bồ kết có thể giúp chúng ta “thanh lọc” cơ thể từ trong ra ngoài.

Sự hiệu nghiệm của quả bồ kết vì thế đã được người Việt truyền tụng qua câu nói dân gian: “Bồ kết sạch gàu, mần trầu tốt tóc.”

Thương hiệu dầu gội của mẹ Trái Đất

Thực ra, bồ kết là một nhóm cây họ đậu có ngoại hình nổi bật, với nhiều gai nhọn mọc thẳng từ thân và cành (tuy một số loài trong chi bồ kết cũng không có gai). Chi bồ kết xuất hiện tại các thảm thực vật tự nhiên trên khắp Nam Á, Châu Mỹ và Châu Phi, nhưng chỉ có hai loại bồ kết là loài bản địa của Việt Nam: Gleditsia australisGleditsia fera

Cả hai loài đều là cây rụng lá, cao từ 3 đến 24m, và có các đặc điểm sinh học và ngoại hình tương tự nhau. Cả hai đều sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của khí hậu nhiệt đới, thích nghi với hầu hết các loại địa hình của Việt Nam, và cho ra quả hình trăng lưỡi liềm, có chứa nhiều hạt bên trong.

Gleditsia fera. Ảnh từ trang Flickr của người dùng 翁明毅.

Tuy nhiên, một điểm khác biệt quan trọng giữa hai loài là Gleditsia australis có mối quan hệ cộng sinh với các loài vi sinh vật cố định đạm, còn Gleditsia fera thì không. Đây là những vi sinh vật không thể tồn tại thiếu vật chủ, nên thường sống nhờ trên gốc rễ của cây bồ kết. Để “đáp ơn” gia chủ, chúng sẽ chuyển hoá những phân tử đạm lơ lửng trong không khí thành một bữa ăn thịnh soạn cho cây bồ kết và những cây xung quanh. Có thể vì lý do này, Gleditsia australis được tìm thấy và gây trồng ở nhiều tỉnh thành Việt Nam hơn người anh em còn lại của mình.

Cũng có lẽ, vì có diện tích phân bố rộng hơn, nên Gleditsia australis thu hút được nhiều sự chú ý hơn từ các nhà nghiên cứu. Các ấn phẩm chuyên ngành như Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam hay Từ Điển Cây Thuốc Việt Nam đều đề cập đến cấu tạo hoá học và ứng dụng đời sống của Gleditsia australis, nhưng không nhắc gì nhiều đến Gleditsia fera.

Chiết xuất Gleditsia australis cũng được sử dụng rộng rãi hơn trong các sản phẩm trên thị trường. Độc giả có thể dễ dàng tìm thấy tên của loài này trong bản thành phần của hầu hết các loại dầu gội bồ kết (và áp chót trong bảng thành phần của Sunsilk!).

Tuy nhiên, cả hai loài bồ kết Việt Nam đều có chứa một lượng lớn saponin, hoạt chất tạo nên khả năng làm sạch của bồ kết. Cái tên “saponin” có nguồn gốc từ chữ “sapo” trong tiếng Latin, có nghĩa là xà phòng, đơn giản vì saponin tạo bọt khi tiếp xúc với nước. Nhưng khác với các chất hoạt động bề mặt như sulfate, saponin là một hợp chất phổ biến trong tự nhiên, có thể tiêu hóa được. Đây là lý do vì sao người Việt có thể chế biến và uống các bài thuốc từ bồ kết qua nhiều thế kỉ mà chưa gặp phải vấn đề (quá) nghiêm trọng nào về đường ruột.

Bồ kết cũng sở hữu các thành phần “siêu sao” khác, tiêu biểu là flavonoid, một nhóm các hợp chất hữu cơ có tác dụng kháng nấm, chống viêmtái tạo tóc. Khi kết hợp với nhau, các thành phần của quả bồ kết tạo nên một cơ chế hiệu quả để làm giảm các chất bẩn của cơ thể, chống lại các loại nấm gây ra chứng ngứa da đầu, đồng thời giúp tóc bạn chắc khỏe hơn.

Gleditsia australis. Nguồn ảnh: Global Biodiversity Information Facility.

Cùng nấu dầu gội bồ kết tại nhà

Không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn bồ kết để gội đầu, vì mãi đến gần đây kinh tế tư bản mới phát minh ra dầu gội bồ kết đóng chai. Xuyên suốt chiều dài lịch sử của quả bồ kết tại Việt Nam, người Việt vẫn phải áp dụng công thức “có làm thì mới có gội” để chiết xuất các tinh chất. Nhiều người nội trợ và beauty blogger thời nay vẫn xem đây là cách tốt nhất để sử dụng bồ kết.

Trước tiên, ta cần làm mềm lớp vỏ bồ kết bằng cách nướng trên vỉ hoặc rang trên chảo để các hoạt chất dễ tiết ra hơn. Sau đó, ta ngâm và đun sôi bồ kết trong nồi đến khi nước chuyển thành màu nâu sẫm, hoặc đến khi nước rút hết và để lại một dung dịch đặc quánh, có thể cất vào chai lọ để dùng sau. Một số công thức còn kết hợp các nguyên liệu như vỏ bưởi, sả và hương nhu để hỗn hợp dầu gội tăng thêm hương thơm và “công lực” làm sạch.

Có thể bạn chưa biết?

Bồ kết thường được đem xông khói vào dịp tân gia hoặc đầu năm mới để trừ tà và âm khí.

Việc gội đầu bằng xà phòng thường tập trung vào yếu tố nhanh-gọn-lẹ, còn gội đầu bằng bồ kết lại là chu trình từ tốn, không chỉ làm sạch mà còn chữa lành. Người gội chỉ việc nghiêng nhẹ đầu trên một thau đựng nước bồ kết, nhẹ nhàng xả và chải tóc bằng hỗn hợp bồ kết cho đến khi tóc không còn dầu, chất bẩn hay bị bết. Bồ kết không chứa các chất khóa ẩm, nên không tạo độ mềm mượt cho tóc như dầu gội siêu thị. Bù lại, tóc được chắc khỏe tự nhiên, lại thơm mùi khói ấm đặc trưng từ chính mẹ Trái Đất.

Đáng tiếc là, sau hàng trăm năm miệt mài chăm sóc mái tóc của người Việt, bồ kết đã bị “thất sủng” khi Việt Nam bước vào thế kỉ 21. Vì phải “cống hiến” 40 giờ một tuần ở cơ quan, đa phần người lao động đều quá bận rộn hoặc kiệt sức để dành 15 phút nấu bồ kết mỗi ngày.

Và nhờ sự xuất hiện của những xu hướng văn hoá mới, người Việt có thể thoải mái “bung lụa” với những màu tóc hợp thời nhất. Nhưng cũng vì thế, họ phải rời xa bồ kết vì loại quả này có chứa chất tannin, một chất nhuộm hữu cơ có khả năng đưa tóc về trạng thái đen tự nhiên. 

Nhiều nỗ lực đã được đưa ra để giúp bồ kết phổ biến trở lại, nhưng hầu hết các sản phẩm bồ kết hiện nay đều vô tình giới hạn nhóm khách hàng của mình. Nếu tìm trên Google ngay bây giờ, bạn sẽ thấy gần như tất cả các dầu gội bồ kết (có Sunsilk luôn nhé!) đều hướng đến phụ nữ. Hình ảnh trên bao bì đến quảng cáo trên tivi đều sử dụng một mô-típ rập khuôn: một cô gái dịu dàng với mái tóc đen dài thẳng băng, hoàn hảo đến mức trông như mới bước ra từ salon.

Có lẽ, các nhà tiếp thị đang muốn quảng bá dầu gội đến nhóm khách hàng truyền thống hơn, nhưng những ai có vẻ ngoài khác với hình tượng nữ tính này, chẳng hạn như đàn ông hoặc phụ nữ để tóc ngắn, sẽ tự thấy bản thân không phải người thích hợp để dùng bồ kết. Mà nếu bồ kết biết nói, tôi đoán nó sẽ không nề hà chuyện giới tính nào mới phù hợp với mình. Chỉ khi nào các thương hiệu hiểu được điều đó, bồ kết mới có thể trở về thời huy hoàng như xưa.

Saigoneer, tôi có một anh đồng nghiệp có mái tóc đẹp và thướt tha hơn tôi rất nhiều. Tôi trộm nghĩ, chẳng phải anh cũng có quyền dùng bồ kết giống tôi, giống những gì mà các công ty hay vẽ ra trong quảng cáo hay sao? Bởi dù ta có là ai, đâu có đặc điểm sinh học nào có thể chỉ định rằng người cắt tóc pixie, tóc xoăn, hay tóc undercut cực ngầu không được gội đầu bằng bồ kết?

Minh hoạ: Hải Anh.
Ảnh động: Phan Nhi.
Đồ hoạ: Hannah Hoàng, Lê Quan Thuận, và Phan Nhi.

Bài viết liên quan

in Natural Selection

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

in Natural Selection

Con cò: Biểu tượng của hồn quê Việt Nam

Đã bao giờ bạn tự hỏi Chim Lạc là loài chim gì chưa?

in Natural Selection

Cây đa: Những lớp nghĩa đan xen và mâu thuẫn

Còn gì tuyệt vời hơn là ngồi dưới bóng râm của cây xanh để thư thả đọc sách và nhâm nhi một lon bia mát lạnh?

in Natural Selection

Cầy vằn bắc: Nạn nhân bất đắc dĩ của ngành công nghiệp cà phê chồn

Qua chuyên mục Natural Selection, Saigoneer đã giới thiệu nhiều loài động vật mà ai cũng quen mặt như cọp, voi, và mèo, nhưng nhân vật chính của bài viết hôm nay sẽ là một cái tên mới toanh ...

in Natural Selection

Luận tội lục bình, kẻ xâm lược sông nước Việt bằng vẻ đẹp phù phiếm

Trôi khắp bao nhánh sông, những hệ thống rễ, cuốn, lá đan xen tạo thành bao bụi lục bình xanh mướt, nhấp nhô theo dòng nước nhờ phần thân rỗng xốp, điểm xuyết bởi những cánh hoa hồng tim tím xếp nếp, ...

in Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một than...