Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Natural Selection » Cầy vằn bắc: Nạn nhân bất đắc dĩ của ngành công nghiệp cà phê chồn

Qua chuyên mục Natural Selection, Saigoneer đã giới thiệu nhiều loài động vật mà ai cũng quen mặt như cọp, voi, và mèo, nhưng nhân vật chính của bài viết hôm nay sẽ là một cái tên mới toanh với phần lớn độc giả.

Loài vật ấy chính là cầy vằn bắc (tên khoa học là Chrotogale owstoni), một thành viên của đại gia đình họ cầy, gồm khoảng hơn chục loài sinh sống ở các vùng nhiệt đới châu Phi và châu Á. Trong đó, Đông Nam Á là lãnh thổ có đa dạng giống loài nhà cầy nhất.

Tên tiếng Anh của cầy vằn bắc là "Owston’s civet" — được đặt theo tên của nhà sưu tập động vật hoang dã người Anh Alan Owston (1853 - 1915). Cầy vằn bắc có đặc điểm nhận dạng là bốn sọc đen trắng trên lưng. Món khoái khẩu của chúng là giun đất, trái cây ngọt, động vật nhỏ và côn trùng.

Cầy, nói chung, là một loài động vật có vú nhỏ, ăn tạp hoặc ăn thịt, và chủ yếu sống về đêm. Ở Đông Nam Á, danh tiếng của loài này thường gắn liền với ngành nuôi trồng cà phê. "Cà phê cầy" được sản xuất nhiều nhất ở Indonesia (tiếng địa phương gọi là kopi luwak), và ở PhillipinesViệt Nam cũng nuôi cầy để làm cà phê, nhưng thành phẩm lại bị gán cho cái tên thiếu chuẩn xác mà chúng ta hay nghe là "cà phê chồn."

Để làm nên loại cà phê đặc biệt này, người nông dân sẽ cho cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) ăn quả cà phê. Cầy sẽ chỉ hấp thụ phần thịt của quả và thải ra hạt cà phê còn nguyên. Hệ tiêu hoá của cầy sẽ giúp hạt lên men trước khi rang xay.

Quy trình này có nguồn gốc từ thế kỷ 19, khi nông dân ở các nước thuộc địa thu hoạch cà phê cho địa chủ người nước ngoài, nhưng lại không được quyền tự hái cà phê để uống. Thay vào đó, họ nhặt hạt cà phê từ phân của các cá thể cầy vòi hương như một cách lách luật. Hai thế kỷ sau, hành động tưởng chừng vô hại này đã dẫn đến sự ra đời của một nền công nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền động vật.

Đến đây chúng ta sẽ tạm "quay xe," vì nhân vật chính của bài viết — cầy vằn bắc — không phải là loài được dùng để sản xuất cà phê cầy.

Để sản xuất cà phê cầy, người ta cho cầy vòi hương ăn quả cà phê, đợi chúng nhả lớp vỏ, ăn phần thịt quả, rồi thải hạt cà phê ra ngoài. Quá trình này giúp lên men hạt cà phê trước khi rang xay.

Theo báo cáo có tiêu đề “Chiến lược Bảo tồn Cầy vằn bắc 2019-2029” do năm tổ chức bảo tồn lớn biên soạn, loài vật này được xếp vào Danh mục Loài nguy cấp trong Sách Đỏ của IUCN vào năm 2016, và là một trong những loài thú ăn thịt có khu vực phân bố nhỏ nhất ở Châu Á. Phần lớn các cá thể cầy vằn bắc được phân bố ở Việt Nam, nhưng chúng cũng sinh sống ở một số địa phận Lào và miền nam Trung Quốc.

Saigoneer đã có cuộc trò chuyện với chị Trịnh Thị Mai, điều phối viên chương trình bảo tồn cầy vằn bắc của tổ chức Cứu trợ Động vật Hoang dã Việt Nam (SVW). Chị cho biết, các chuyên gia đang thảo luận về việc thay đổi xếp loại của cầy vằn bắc thành Cực kỳ nguy cấp, vì theo ước tính, số lượng cá thể có thể đã giảm đến 50% trong 15 năm qua do mất môi trường sống và nạn săn bắt trộm.

“Năm 2020, chúng tôi đặt bẫy ảnh ở bốn vườn quốc gia, nhưng chỉ nhìn thấy cầy vằn bắc ở Vườn quốc gia Pù Mát, dù có ghi chép lịch sử nói rằng loài này từng sống ở Vườn quốc gia Cúc Phương,” chị nói. “Chúng tôi thu được bảy bức ảnh ở Pù Mát, nhưng rất khó để chụp thêm được ảnh của loài vật này.”

Một con cầy vằn bắc (Chrotogale owstoni) được nuôi tại Vườn quốc gia Cúc Phương, một đối tác chính trong chương trình quốc tế nhằm nhân giống bảo tồn cầy vằn bắc. Ảnh: Robert Marc Lehmann.

Chị Mai cho biết thêm, những đợt khảo sát gần đây đã truy tìm được dấu vết của cầy vằn bắc ở huyện Kon Plông, Kon Tum, một điểm nóng về đa dạng sinh học mới được phát hiện. Đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng cần nghiên cứu thêm vì chúng ta chưa xác định được số lượng cá thể trong khu vực này.

“Điều này chứng tỏ còn nhiều nơi có cầy vằn bắc đang sinh sống nhưng vẫn chưa được thống kê. Chúng tôi chưa ước tính chính xác được số lượng cá thể, nhưng có thể xác nhận sự có mặt của loài này trong khu vực,” chị nhận định.

Có thể nói, cầy vằn bắc có một số phận không mấy may mắn. Con người không săn bắt chúng để lấy thịt hay làm thuốc cổ truyền như tê tê, cũng không nuôi nhốt chúng để sản xuất cà phê như cầy vòi hương, nhưng loài vật này lại bị vạ lây bởi những ngành công nghiệp đẫm máu trên.

Mối đe dọa từ ngành công nghiệp cà phê

"Vì các cơ sở nuôi cầy hương phải luôn bổ sung số lượng cá thể từ tự nhiên bằng cách dùng bẫy, chúng ta có thể giả định rằng chuỗi cung ứng này tác động đến tất cả các loài cầy sống trên mặt đất, bao gồm cả những loài không được dùng trong việc sản xuất cà phê cầy,” ông Daniel Wilcox, Chủ tịch Nhóm chuyên gia về động vật ăn thịt cỡ nhỏ của IUCN, chia sẻ với Saigoneer qua email.

Những người săn bắt trộm thường dùng loại bẫy đơn giản có cơ chế kẹp chân và giữ yên con thú lại cho đến khi nó chết vì mất nước hoặc đói, nếu thoát được cũng sẽ bị thương nặng. Hình thức đặt bẫy này là nguyên nhân lớn gây giảm thiểu số lượng động vật hoang dã ở Đông Nam Á.

Những người săn bắt trộm thường dùng loại bẫy đơn giản có cơ chế kẹp chân và giữ yên con thú lại cho đến khi nó chết vì mất nước hoặc đói, nếu thoát được cũng sẽ bị thương nặng. Hình thức đặt bẫy này là nguyên nhân lớn gây giảm thiểu số lượng động vật hoang dã ở Đông Nam Á.

Bạn có biết?

WWF ước tính rằng luôn có hơn 12 triệu bẫy thú được cài sẵn trên các cánh rừng ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Theo ông Daniel, các loài động vật hoang dã - đang có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam gần như chỉ sinh sống bên trong các khu bảo tồn. Vì vậy, thợ săn sẽ tập trung chủ yếu vào những khu vực này, còn bẫy họ giăng thì không cần phân biệt là bắt được con vật nào. Bẫy bắt cầy vòi hương cho các trang trại cà phê cũng sẽ bắt được các cả thể cầy vằn bắc vô tình sa chân vào. Nhưng trại cà phê cầy không cần cầy vằn bắc vì chúng khó nuôi, nên chúng được chuyển sang một đường dây khác.

“Việt Nam là một nước tiêu thụ thịt cầy, vì vậy mới có nạn săn bắt trộm bên trong các khu bảo tồn. Thợ săn sẽ bán cầy vòi hương cho các đồn điền, còn các loài cầy không ăn quả cà phê thì được bán cho các nhà hàng hoặc trang trại để làm thịt,” ông Daniel miêu tả vấn nạn nhức nhối.

“Vào năm 2020, chúng tôi đã tiến hành điều tra các đồn điền cà phê để tìm cầy vằn bắc. Chúng tôi phát hiện ra rằng trong số 57 trang trại ở Lâm Đồng và Đắk Lắk, không có trang trại nào nuôi loài vật này, nhưng người dân từ ít nhất hai trang trại cho biết họ từng bắt gặp chúng ở các tỉnh khác,” chị Mai cho biết.

Trước đó vào năm 2019, SVW cứu được 3 con cầy vằn bắc từ một trang trại ở Lâm Đồng. Trong mô hình kinh doanh này, cầy vằn bắc là loài chịu thiệt hại nặng nề hơn vì bị giết lấy thịt, nhưng  cầy vòi hương cũng chịu số phận hẩm hiu không kém. Chị Mai cho biết, ở các trang trại cà phê, cầy vòi hương bị nhốt trong những chiếc chuồng chật hẹp, điều kiện sống nhìn chung đều rất tệ.

“Cầy là loài động vật sống đơn độc, ngoại trừ trong mùa giao phối, vì vậy chúng rất căng thẳng và có thể tấn công lẫn nhau,” chị cho biết. “Cầy [ở trang trại] bị cho ăn thức ăn công nghiệp và ép ăn trái cà phê vào mùa thu hoạch, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến ngộ độc.” Trong tự nhiên, cầy vòi hương chỉ ăn một ít quả cà phê để bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn bình thường của mình, nhưng “sẽ bị tổn hại sức khỏe nếu bị ép ăn cà phê,” chị Mai cho biết thêm.

Các chuyên gia có một thông điệp đơn giản dành cho những ai đang muốn mua cà phê cầy, dù ở Việt Nam hay ở nơi khác, đó là: “Đừng mua!”

 Vì vậy, ông Daniel có một thông điệp đơn giản dành cho những ai muốn mua cà phê cầy, dù ở Việt Nam hay ở nơi khác, đó là: “Đừng mua! Chúng ta đều biết rõ ảnh hưởng của ngành công nghiệp này đến loài cầy trong tự nhiên, cũng như điều kiện nuôi nhốt khủng khiếp ở các trang trại… Cho dù con người nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề về bảo tồn và phúc lợi động vật, vô số hiểm họa về sức khỏe cộng đồng vẫn đang ẩn nấp sau việc tiêu thụ cà phê cầy.”

Chị Mai cho biết từng có một loại vi-rút khởi phát từ một trang trại cầy ở miền Nam. Vi-rút này đã giết chết tất cả các cá thể cầy sinh sống ở khu vực đó. Và như chúng ta đã biết, vi-rút có thể dễ dàng "nhảy" từ loài này sang các loài khác, con người cũng phải là ngoại lệ. Đây chính là ngọn nguồn cho vô vàn tai ương trong hai năm vừa qua.

Tương lai của cầy vằn bắc

Trước những mối đe dọa phức tạp mà cầy vằn bắc phải đối mặt, các nhà bảo tồn đang kêu gọi nhiều tổ chức cùng phối hợp thực hiện công tác bảo tồn cầy vằn bắc, tập trung trong phạm vi Việt Nam, để cứu loài vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Hướng đi được cân nhắc nhiều nhất là thiết kế một chương trình nhân giống bảo tồn bền vững. Trên thực tế, đã có một chương trình bảo tồn ngoại vi được triển khai thông qua sự hợp tác giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương và một số vườn thú ở châu Âu, trong đó có Vườn thú Newquay ở Vương quốc Anh. Thế nhưng số lượng cá thể tham gia vẫn là chưa đủ.

Theo như báo cáo chiến lược bảo tồn tự nhiên năm 2019, nếu chúng ta giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và tăng cường bảo vệ động vật hoang dã khỏi nạn săn bắt trộm, chúng ta sẽ cứu được cầy vằn bắc cùng với vô số loài khác, nhưng đây là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phải mất hàng thập kỷ để hoàn thành.

Chị Mai cho biết trọng tâm chính của SVW trong thời gian tới là nhân giống bảo tồn cầy vằn bắc. Tổ chức hiện đang phối hợp với Thảo Cầm Viên Sài Gòn — nơi đang nuôi dưỡng bảy cá thể — để sau này chuyển về Vườn quốc gia Cúc Phương và nhân giống. “Chúng tôi dự định sẽ làm việc với các vườn thú khác trên khắp Việt Nam để khi họ nhận được cầy vằn bắc, họ sẽ liên hệ với chúng tôi và thực hiện chương trình nhân giống,” chị Mai nói thêm. “Chúng tôi cũng đang làm việc với các trang trại động vật hoang dã để nâng cao nhận thức chung.”

Một con cầy vằn bắc ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ảnh: Michael Tatarski.

Trong số nỗ lực bảo vệ loài cầy còn có trang web NoCivetCoffee.com và trang Facebook "No Civet coffee - Không sử dụng cà phê chồn." Trang được lập ra với mục đích "nâng cao nhận thức của người tiêu dùng cà phê cầy về việc bảo tồn, bảo vệ cầy vòi hương, cũng như các loại bệnh liên chủng loài có thể khởi phát từ các trang trại (cà phê) cầy ở Việt Nam.”

SVW cũng đã phát hiện một số bằng chứng về việc rao bán cầy vằn bắc làm vật nuôi trên mạng. Tuy nhiên, không ai biết liệu hoạt động này có phổ biến hay không, bởi phần lớn mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, cả hợp pháp và bất hợp pháp, vẫn còn nằm trong tối.

Trước mắt, nhân giống bảo tồn được coi là giải pháp khả thi nhất. Các nhà bảo tồn mong muốn bắt đầu càng sớm càng tốt, thay vì đợi đến khi cầy vằn bắc gần tuyệt chủng — một viễn cảnh rất có thể xảy ra khi chúng ta không biết còn bao nhiêu cá thể của loài này trong tự nhiên, và nạn săn bắt trộm vẫn diễn ra một cách nhan nhản.

Để đạt được những mục tiêu cụ thể mà các báo cáo bảo tồn đặt ra cho thập kỷ tới, chúng ta sẽ cần đến những nỗ lực to lớn từ chính phủ lẫn tài nguyên tư nhân. Thế nhưng, có hai bước đơn giản mà bất kỳ độc giả nào cũng có thể làm để giúp đỡ cầy vằn và các loài khác, đó là: Không mua cà phê cầy/chồn, và giải thích cho mọi người xung quanh bạn vì sao họ cũng không nên tiêu thụ sản phẩm này.

Độc giả của Natural Selection có lẽ sẽ không bao giờ được nhìn tận mắt một chú cầy vằn bắc nào (ngoại trừ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn), nhưng hãy biết rằng loài động vật nhỏ bé, có sọc và đốm trên lưng này sẽ biết ơn bạn vô cùng vì đã góp phần bảo vệ chúng.

Minh hoạ: Hannah Hoàng, Phan Nhi, Simona Nguyễn.
Ảnh: Matthew Maran, Newquay Zoo, Shaldon Wildlife Trust, Curriculum Nacional, Michael Tatarski, Zoochat.com, iucnredlist.org.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Natural Selection

Con cò: Biểu tượng của hồn quê Việt Nam

Đã bao giờ bạn tự hỏi Chim Lạc là loài chim gì chưa?

in Môi Trường

Loài thực vật mới được phát hiện ở khu bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế

Nếu bạn tìm thấy một loài thực vật mới, bạn sẽ đặt tên nó là gì?

in Natural Selection

Bồ kết: Thương hiệu dầu gội của mẹ Trái Đất

Lần đầu tiên tôi biết đến bồ kết là khi người ta “hô biến” nó thành một sản phẩm hoành tráng, khác xa với vẻ khiêm tốn, mộc mạc của loài thực vật này.

in Môi Trường

Bức ảnh san hô Phú Yên của nhiếp ảnh gia Việt đạt giải của Hiệp hội Sinh học Hoàng gia Anh

Gần đây, nhiếp ảnh gia Trương Hoài Vũ đã đạt giải nhì ở hạng mục "Nhiếp ảnh gia của năm" trong cuộc thi nhiếp ảnh do Royal Society of Biology (Hiệp hội Sinh học Hoàng Gia Anh) tổ chức.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Cá Chuồn: Loài cá biết ‘bay’ và ước mơ vươn mình tới vùng trời rộng lớn

Trong suốt lịch sử tiến hóa của thế giới động vật, một số loài đã phát triển được khả năng bay cao và trở thành kẻ chinh phục bầu trời. Điều này diễn ra không chỉ một mà đến những bốn lần — lần lượt t...