Nỗi tiếc nuối về thực trạng của loài cọp ở Việt Nam không làm chúng ta vô can.
Chỉ còn một ngày nữa thôi, chúng ta sẽ bước sang tháng 2/2022 và chào đón khởi đầu của năm Nhâm Dần. Vào những năm con giáp khác, các bậc cha mẹ tương lai sẽ ngồi nghiền ngẫm quyển lịch bàn thật kỹ lưỡng, rồi chọn ra một ngày đẹp để chào đón thành viên mới của gia đình. Tuy nhiên, nhiều người Việt lại e dè năm Dần, vì họ tin rằng con gái tuổi Dần khi lớn lên sẽ khó lấy chồng. Niềm tin này xuất phát từ quan niệm lâu đời trong dân gian rằng trẻ em sinh vào năm của con giáp nào sẽ hưởng tính cách của con giáp đó. Con gái tuổi Dần vì thế chắc chắn sẽ rất bướng bỉnh, nóng nảy hoặc quá độc lập.
Tuy nhiên, quan điểm này dù vô lý, cũng mang lại cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ phức tạp của người Việt với loài cọp từ những ngày đầu khai hoang mở cõi đến nay. Nói trắng ra thì, dùng từ “phức tạp” chỉ là một cách để xoa dịu cảm giác tội lỗi và xấu hổ của bản thân tôi về nhân loại, bởi sự thật tàn nhẫn hơn thế rất nhiều: chúng ta sợ cọp đến mức đẩy chúng đến bến bờ tuyệt chủng.
Chúa tể của những cánh rừng châu Á
Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, loài hổ đã mất đi 93% lãnh thổ vốn có trên toàn thế giới. Con số này vẫn đang tăng lên từng ngày từng giờ. Hổ (tên khoa học là Panthera tigris) là loài động vật có nguồn gốc từ lục địa Á-Âu. Các nhà khoa học công nhận hai phân loài chính của loài động vật này là Panthera tigris tigris (phân bố ở lục địa châu Á) và Panthera tigris sondaica (phân bố trên quần đảo Sunda của Indonesia).
Đã từng có một thời, bàn chân mềm mịn và trắng muốt của chúng ngạo nghễnh rảo bước trên những dải đất rộng lớn, từ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây đến Siberia ở miền đông nước Nga, và xa về phía nam tới Bali, Indonesia. Nhưng hiện nay, hổ chỉ còn sinh sống tại một số khu vực có diện tích nhỏ nằm rải rác ở tiểu lục địa Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan, Sumatra và Siberia.
Nếu chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết “tính cách của mỗi người bị ảnh hưởng bởi năm sinh âm lịch,” dù nó rất thiếu tính thuyết phục, thì việc cầm tinh loài vật trung thành này cũng chẳng có gì xấu. Nhà nghiên cứu về động vật có vú George Schaller, sau khi quan sát loài hổ, đã nhận xét rằng “một con [hổ] trưởng thành ở giới tính nào cũng đôi khi chia sẻ con mồi của mình với những cá thể khác, ngay cả những cá thể không cùng huyết thống với chúng.” Hổ đực biết chia sẻ những gì mình săn được với hổ cái và hổ con, ngay cả khi nó chưa ăn xong. Hành vi này thể hiện hòa đồng nhiều hơn tập tính tranh giành và phân thứ bậc trong bầy đàn của loài sư tử. Những đặc điểm của loài hổ như ý chí mạnh mẽ, tự tin, trung thành và tôn trọng gia đình sẽ là phẩm chất đáng quý của cả bé trai và bé gái tuổi Dần.
Những đặc điểm của loài hổ như ý chí mạnh mẽ, tự tin, trung thành và tôn trọng gia đình sẽ là phẩm chất đáng quý của cả bé trai và bé gái tuổi Dần.
Bán đảo Đông Dương là nơi sinh sống của loài hổ Đông Dương — có thân hình nhỏ hơn họ hàng của chúng ở vùng ôn đới và Ấn Độ, nhưng không kém phần dũng mãnh. Các cá thể hổ thường sống một mình và đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu có mùi đặc trưng, nhưng cũng có trường hợp nhiều cá thể cọp tụ tập cùng đồng loại để chia sẻ con mồi. Ở Việt Nam, cá thể hổ hoang dã cuối cùng được phát hiện tại Vườn Quốc gia Pù Mát vào năm 1999; từ đó không có một cá thể nào được phát hiện nữa, cũng không còn quần thể cọp nào có khả năng sinh sản nào ở các nước láng giềng Campuchia và Trung Quốc. May thay, vẫn còn Thái Lan và Myanmar là những thành trì cuối cùng của cọp Đông Dương trong tự nhiên, với số cả thể ở mỗi nước lần lượt là 160 và 85.
Cái tên kiêng kị không được nói ra
Vào thời xa xưa, mối quan hệ của người Việt và loài cọp được hình thành trên nền tảng của sự sợ hãi, sinh ra một loại phản ứng sinh lý “chiến đấu hay bỏ chạy,” ăn sâu trong tâm thức, và vẽ nên hình tượng “kẻ săn mồi tối thượng” gây ám ảnh đến hàng trăm năm.
Khi người Việt cổ mở rộng bờ cõi xuống phía Nam qua các cuộc khai hoang rừng rậm và thành lập làng xã, chúng ta đã được gặp chúa sơn lâm. Cuộc chạm mặt đầu tiên diễn ra trong nỗi kinh hoàng tột độ khi người đi mở cõi tiến sâu vào rừng rậm, đôi mắt không phút giây lơ là cảnh giác của anh chạm một ánh nhìn chằm chằm hướng đến mình. Sinh vật ấy không phát ra tiếng động, nhưng anh ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó trên da thịt mình, ngứa rát như thể đang phát ban. Bất kỳ âm thanh nào cũng gợi lên cảm giác hiểm nguy. Ngọn đuốc rực cháy trên tay anh có thể bảo vệ anh ngay lúc đó, nhưng không thể ngăn gia súc trong chuồng biến mất chỉ sau một đêm.
Trong thời đại khai hoang, cọp tượng trưng cho ngưỡng cao nhất của hành trình chinh phục tự nhiên, bí ẩn và man rợ, là hiện thân của nguy hiểm chết người và vẻ hùng vĩ đầy mê hoặc của núi rừng hoang dã.
Trong thời đại khai hoang, cọp tượng trưng cho ngưỡng cao nhất của hành trình chinh phục tự nhiên.
Khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long còn lưu truyền rất nhiều thần thoại về loài cọp. Những người cao tuổi kể rằng ông cha họ từng gặp cọp khi đi rừng. Hầu như ngôi làng nào cũng có miếu thờ Ông Cọp để dân làng lui tới dâng lễ vật và cầu an. Ở vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang, dân gian tương truyền về một bầy hổ trắng hung dữ làm hại dân lành. Cho đến nay, người Việt ở nhiều vùng vẫn dùng những cách gọi như “Ông Ba Mươi” và “Ông Kễnh” để tránh gọi trực tiếp tên loài vật này, như thể chúng sẽ nghe được và bất thình linh hiện ra rồi giáng lời nguyền Avada Kedavra khiến ta chết trong tức tưởi.
Vì cọp được xem là loài vật linh thiêng bí ẩn và đầy sức mạnh, ai đánh thắng con vật này sẽ được tôn vinh là người có sức mạnh phi thường, một đại diện tiêu biểu cho đấng nam nhi. Trong lịch sử nước ta, người đầu tiên viết nên truyền thuyết “anh hùng đả hổ” chính là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Kẻ săn mồi trở thành con mồi
Đánh thắng một con cọp không phải là chuyện dễ dàng, dù là trong quá khứ hay hiện tại, nhưng ngay cả với những chiếc răng nanh sắc nhọn và đặc tính dũng mãnh, cọp cũng không thể đấu lại trí khôn của con người. Chẳng bao lâu sau, người Việt không còn đánh cọp để tự vệ hay bảo vệ các làng mạc nữa; hành động ấy dần được thực hiện vì những mục đích thiếu phần thiện lương.
Ở phường Thủy Biều cách trung tâm thành phố Huế 3km, có một công trình kiến trúc hình tròn kỳ lạ được tạo thành từ hai lớp tường gạch, lớp bên trong cao hơn lớp bên ngoài. Phía trên cổng vào đề tên công trình là “Hổ Quyền,” rìa phía Nam có 5 chuồng cọp với cửa chuồng hướng về bãi đất trung tâm. Đây là đấu trường dùng để tổ chức những trận chiến man rợ giữa voi và cọp để mua vui cho nhà vua và quan lại thời Nguyễn. Hổ Quyền được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng, với mục đích ban đầu là nơi huấn luyện voi chiến. Theo thời gian, công trình kiến trúc bằng đá này đã trở thành nơi giải trí ghê rợn. Bạn đọc có thể đọc thêm bài viết về loài voi trong cùng chuyên mục Natural Selection để tìm hiểu thêm về đấu trường này.
Các trận chiến sinh tử giữa voi và cọp vốn đã là một trào lưu phổ biến trước khi Hổ Quyền được xây dựng. Gần một thế kỷ trước đó, một cuộc hỗn chiến đẫm máu đã diễn ra dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1750. Trong đó, 40 con voi chiến đã tiêu diệt 18 con cọp — gần tương đương với toàn bộ quần thể cọp Đông Dương còn sống ở Đông Dương ngày nay. Trận đấu cuối cùng diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái, nhưng công trình đặc biệt này vẫn tồn tại đến ngày nay và trở thành một phần của khu di tích cố đô Huế.
Chưa có nghiên cứu nào chứng minh công dụng chữa bệnh của xương cọp, nhưng điều đó không ngăn được những kẻ săn trộm.
Đến thế kỷ 20, người Việt không còn bắt cọp để phục vụ các trò tiêu khiển nữa mà bắt đầu săn chúng vì mục đích thương mại, tiêu biểu như việc lấy xương cọp để nấu cao hổ cốt. Đây là một bài thuốc nổi tiếng trong y học cổ truyền Trung Hoa được các tầng lớp giàu có ưa chuộng. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh công dụng chữa bệnh của xương cọp, nhưng điều đó không ngăn được những kẻ săn trộm lùng sục các cánh rừng khắp châu Á để thỏa mãn nhu cầu vô độ của người mua.
Thế trận đảo ngược
Hệ quả của vấn nạn săn trộm là toàn bộ họ Panthera tigris đã rơi vào danh mục “Nguy cấp” của Sách Đỏ. Số hổ Đông Dương còn lại của Việt Nam chỉ có thể tồn tại các trung tâm cứu hộ. Năm 2021 là một năm vất vả với các nhân viên thực thi pháp luật trong vấn đề bảo vệ động vật hoang dã. Vào tháng 8, cảnh sát Nghệ An bắt được hai người đang vận chuyển bảy con hổ con bằng xe hơi để đem đi bán; các bé hổ hiện đang được nhân viên ở công viên quốc gia Pù Mát chăm sóc. Vài ngày sau đó, cũng ở Nghệ An, cảnh sát tìm thấy 17 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt như gia súc ở một hộ dân. Đáng tiếc thay, tám con đã chết không lâu sau khi được cứu, chín con còn lại đều giữ được trạng thái khỏe mạnh và được đưa vào một khu phức hợp du lịch sinh thái. Người nuôi còn thú nhận rằng bầy hổ được nhập lậu từ Lào khi còn nhỏ và đã sống trong nhà họ từ đó đến giờ.
Có vắt óc ra nghĩ ngợi đến mấy cũng không thể hiểu được mục đích của người chủ cũ khi nuôi nhốt một bầy hổ như thế. Nhưng xét đến những cái chuồng tồi tàn được xây dưới lòng đất và tình trạng suy dinh dưỡng của các con vật, mục đích ấy chắc chắn không phải lương thiện. Bầy hổ đáng thương giờ đã thoát khỏi số phận làm nguyên liệu nấu rượu gạo cho những gia đình giàu có, nhưng chúng không thể trở về rừng rậm, vì hầu hết cọp lớn lên trong tình trạng nuôi nhốt đều mất đi khả năng sinh tồn trong môi trường hoang dã. Chúng từ lâu đã phụ thuộc vào con người trong từng miếng ăn, vì vậy sẽ không thể né tránh nơi có con người sinh sống hay bàn tay hiểm ác của những kẻ săn trộm. Lựa chọn tốt nhất cho hoàn cảnh của chúng là các trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn động vật, ít lý tưởng hơn là sở thú.
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội hiện là nơi cư ngụ của quần thể hổ lớn nhất Việt Nam, với 36 con thuộc các giới tính và độ tuổi khác nhau, tất cả đều được giải cứu từ tay các băng buôn lậu. Thảo cầm viên Sài Gòn có tám con: ba con cọp Đông Dương và năm con cọp Bengal.
Ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ ở Hà Nội, là một người luôn tâm huyết với công tác phục hồi chức năng cho động vật. Ngoài giờ làm việc, ông thậm chí còn tự rèn luyện thể lực để chuẩn bị các chuyến đi đến miền rừng núi để thả động vật bị săn bắt về với môi trường sống tự nhiên. Ông Xuân Hồng ấp ủ mơ ước “trả hổ về rừng,” nhưng tiếc là “trong nước không có khu rừng nào phù hợp để bảo vệ chúng.” Với sự tận tâm của các nhân viên bảo tồn, bầy hổ ở trung tâm đều được đặt những cái tên nghe rất trìu mến, có chế độ ăn uống phù hợp, dụng cụ hỗ trợ phát triển và sự chăm sóc của bác sĩ thú y.
Có thể yên tâm cho rằng đây chính là cuộc sống tốt nhất cho những con vật có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, phương án ngược lại có thể khiến chúng một lần nữa rơi vào tay những kẻ săn trộm ngay trong chính môi trường sống tự nhiên của mình, vì chúng đã được dạy không sợ con người.
Sự tồn tại đẹp đẽ của loài cọp trong thế giới tự nhiên có một khuyết điểm tai hại: chúng đã tiến hóa để không cảm thấy sợ hãi trước bất cứ thứ gì, chúng đi lang thang và ngự trị lãnh thổ theo tự tôn của riêng mình. Nhưng quá trình chọn lọc tự nhiên của loài cọp không thích ứng được với sự trỗi dậy nhanh chóng của một kẻ săn mồi đáng gờm khác: loài người. Con người đã từng khiếp sợ loài cọp suốt hàng trăm năm, nhưng giờ đây tình thế đã bị đảo ngược. Cọp ơi, xin cọp đấy, hãy tránh con người như tránh tà. Một năm Dần nữa đang lấp ló trước hiên nhà, và chắc chắn rằng chúng ta vẫn chưa thể đánh bại nạn săn trộm và buôn lậu loài vật đáng thương này trong năm mới. Mỗi người chúng ta chỉ có thể thấp thỏm hy vọng rằng ở chu kỳ 12 con giáp tiếp theo, sẽ vẫn còn những con cọp Đông Dương còn sống trong yên bình, vểnh râu đầy ngạo nghễ và phát ra tiếng gầm vang vọng khắp rừng sâu.
Chỉ còn một ngày nữa thôi, chúng ta sẽ bước sang tháng 2/2022 và chào đón khởi đầu của năm Nhâm Dần. Vào những năm con giáp khác, các bậc cha mẹ tương lai sẽ ngồi nghiền ngẫm quyển lịch bàn thật kỹ lưỡng, rồi chọn ra một ngày đẹp để chào đón thành viên mới của gia đình. Tuy nhiên, nhiều người Việt lại e dè năm Dần, vì họ tin rằng con gái tuổi Dần khi lớn lên sẽ khó lấy chồng. Niềm tin này xuất phát từ quan niệm lâu đời trong dân gian rằng trẻ em sinh vào năm của con giáp nào sẽ hưởng tính cách của con giáp đó. Con gái tuổi Dần vì thế chắc chắn sẽ rất bướng bỉnh, nóng nảy hoặc quá độc lập.