Còn gì tuyệt vời hơn là ngồi dưới bóng râm của cây xanh để thư thả đọc sách và nhâm nhi một lon bia mát lạnh?
Trong tự nhiên, vẻ đẹp phi thường và sự tàn bạo thảm khốc thường giao hòa làm một.
Cây đa cổ thụ trong Công viên Bách Tùng Diệp trên đường Lý Tự Trọng có niên đại hơn 300 năm và được cho là cây cổ thụ nhiều tuổi nhất ở Sài Gòn. Tán cây phủ bóng cả một khoảng sân rộng lớn, tôi chỉ cần mang lon 333 và tuyển tập thơ mình yêu thích đến ngồi ở đấy là sẽ có những giây phút thư giãn đầy thú vị. Nhưng tôi thường bị xao nhãng bởi tiếng còi xe inh ỏi và nhóm người tập thể dục ở công viên, ánh mắt tôi dần rời khỏi trang sách và hướng đến những nhánh cây khổng lồ, cong cong hình vòng cung, mà từ trên đó, hàng trăm rễ khí đan chằng chịt vào nhau, sà xuống và đâm sâu vào lòng đất. Hình ảnh kỳ vĩ ấy khiến tôi suy nghĩ về sự giao hòa của vẻ đẹp đẽ phi thường và sự bạo tàn trong thiên nhiên.
Cây đa là bằng chứng cho sự sinh trưởng tàn bạo trong tự nhiên.
Chúng ta thường lãng mạn hóa thiên nhiên và miêu tả các loài cây bằng nhiều mỹ từ như: hiền hòa, cân bằng, và yên bình. Nhưng trong thực tế, các loài thực vật luôn phải đấu tranh quyết liệt để sinh tồn, và có những phương thức sinh trưởng rất tàn bạo mà cây đa là một ví dụ tiêu biểu. Đa là một loài cây sống bám thuộc chi Ficus cùng với cây si và cây sung, còn được gọi là “kẻ siết cổ vật chủ.” Từ một hạt mầm nhỏ bé rơi vào thân của một cây khác, cứ thế bám vào vật chủ và sinh trưởng mạnh mẽ, dần dần trở nên cao lớn đồ sộ và bóp nghẹt sự sống của cây chủ dễ dàng như khi ta đưa ngón tay ướt dập tắt ngọn nến đang cháy. Khi cây lớn lên, các rễ khí tiếp tục đan kết với thân cây, vươn dài ra cho phép cây đa tiếp tục mở rộng tán lá rậm rạp của mình. Khoảng đất dưới tán cây không có đủ ánh nắng và không gian phát triển cho bất kỳ loài thực vật nào khác, vì thế người Ấn Độ có câu tục ngữ rằng: “Không có gì sinh trưởng được dưới bóng cây đa.”
“Kẻ siết cổ vật chủ”
Cây đa (tên khoa học là Ficus benghalensis) là bằng chứng cho phương thức sinh trưởng tàn bạo trong tự nhiên. Loài cây này có một biệt danh rất phù hợp với bản chất của mình: “kẻ siết cổ vật chủ.” Vòng đời của cây đa bắt đầu từ một hạt mầm nhỏ bé rơi trên thân của một cây khác.
Sự tàn bạo của cây đa trên đường Lý Tự Trọng còn vượt xa bản chất của giống loài. Người ta đồn rằng từng có những tù nhân bị hành hình và chôn xác dưới gốc cây này. Cây đa đã hút dưỡng chất từ xương máu và nội tạng của những người đó mà phát triển. Ai là người đã dâng hiến thân xác của mình cho thân cây cao lớn, cành lá sum suê và trái quả chi chít? Quả đa có thể ăn được, nhưng không có hương vị gì. Khi vào mùa, tôi khuyên bạn hãy đến công viên và ăn thử xem sao. Biết đâu mùi vị nhạt nhẽo của nó lại khiến bạn suy ngẫm về vô số cuộc tàn sát đã diễn ra trong lịch sử và sẽ còn tiếp diễn theo sự phát triển của thế giới.
Ngoài cây đa trên đường Lý Tự Trọng, truyền thuyết và truyện dân gian của Việt Nam còn có nhiều câu chuyện rùng rợn về những cây đa bị ma ám khác. Nhiều người tin rằng có nhiều vong hồn trú trong thân cây, vì thế người lớn thường dặn trẻ nhỏ không bén mảng dưới bóng cây một mình vào ban đêm hay lảng vảng quanh đấy vào tháng cô hồn. Người Việt cũng thường đặt bàn thờ dưới gốc cây và dâng đồ cúng cho những vong linh bị vướng vào rễ cây không thoát ra được.
Nhiều câu chuyện rùng rợn về những cây đa bị ma ám xuất hiện trong truyền thuyết và truyện dân gian của Việt Nam.
Giống vạn vật trên đời, cây đa là sự tổng hòa của những mặt đối lập. Và một mặt đối lập còn lại của của cây gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam như trong lời miêu tả quen thuộc "cây đa, bến nước, sân đình." Người Việt cũng thường ví những người có nhiều kinh nghiệm sống và trí tuệ uyên thâm là cây đa, cây đề của một lĩnh vực nào đó. Loài cây này còn đi vào thơ ca dân gian với cảm xúc thân thương đầy hoài niệm như trong lời thơ “cây đa bến cũ, con đò khác đưa.” Như vậy, song song với hình ảnh ma mị đầy kinh hãi, cây đa còn mang vẻ đẹp dịu dàng trìu mến như lời mẹ hát ru.
Ngay cả đáp án cho câu hỏi “cây đa có công dụng gì?” cũng mang các mặt đối lập không bài trừ lẫn nhau. Đối với tôi, cây đa chỉ đem lại một khung cảnh ấn tượng để tôi chiêm ngưỡng và khơi dậy nguồn cảm hứng, như khi ngắm con sóng từ khơi xa đập vào bờ đá và vỡ tung ra thành lớp bọt trắng xóa, hay khi ngửi mùi đất bốc lên trong cơn mưa rào sau bao ngày nắng hạn, và khi nghe tiếng cú kêu vang vang qua màn đêm tịch mịch. Nhưng người khác lại tìm thấy nhiều công dụng hữu hiệu ở loài cây này. Loại rễ mọc trên thân cây có thể dùng làm dây buộc. Ở Ấn Độ, lá đa cũng có thể làm thành chiếc bát đựng thức ăn. Và ở các nền văn hóa khác, người ta sử dụng các bộ phận của cây đa trong phương thuốc cổ truyền để chữa nhiều loại bệnh.
Có những món ăn chay cướp đi sinh mạng của các loài động vật
Cây đa không chỉ có lợi ích đối với riêng con người. Trong một bài viết trước của Natural Selection, chúng tôi có đề cập rằng quả đa và quả sung là nguồn thức ăn quan trọng cho loài cầy mực. Loài động vật này cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc phân tán hạt mầm của cây. Cây đa cũng cung cấp nơi trú ngụ cho nhiều loài chim và côn trùng và sản sinh một lượng oxy đáng kể vào không khí. Với loài ong bắp cày thì câu chuyện phức tạp hơn một chút. Cây đa sinh sản theo hình thức quả giả. Quả giả có cùi thịt, hình tròn, bên trong mọc tua tủa những cánh hoa li ti. Loài ong bắp cày chuyên thụ phấn cho cây đa và cây sung sẽ chui vào trong quả giả để đẻ trứng và đồng thời giúp cây thụ phấn. Nhưng không gian chật hẹp khiến chúng rụng mất cánh và bỏ mạng trong quả đa. Có thể nói cây đa là nơi nuôi dưỡng ong con và cũng là mồ chôn ong mẹ. Từ hiện tượng này, câu hỏi đặt ra là những người ăn thuần chay có nên ăn quả sung và quả đa hay không, khi mà nhiều loại thức ăn không làm từ thịt vẫn lấy đi sinh mạng của các loài động vật bằng cách này hay cách khác: từ việc cướp mất môi trường sống của chúng để làm đất canh tác cho đến thói quen sử dụng các loại phân bón hóa học độc hại với môi trường và các loài hoang dã.
Khi ngồi dưới bóng mát của cây đa cổ thụ trên đường Lý Tự Trọng, tôi không ngừng suy nghĩ về những mặt đối lập nhau của loài cây này nói riêng và của tự nhiên nói chung. Cây đa phải cạnh tranh khốc liệt để giành lấy sự sống từ các loài cây khác, nhưng đồng thời cũng là một phần quan trọng của hệ sinh thái rừng rậm phức tạp; cây đa rất đẹp nhưng không có công dụng gì dành cho tôi; nó vừa kể những câu chuyện ma ám rùng rợn vừa gợi nhắc về tuổi thơ hồn nhiên nơi làng quê thanh bình. Những đặc điểm đối nghịch này đan xen với nhau giống như các nhánh rễ của cây vậy. Nếu có bao giờ bạn nghĩ rằng thế giới này vốn rất đơn giản thì hãy thử suy ngẫm về đời sống của cây đa xem sao.