12 con giáp vốn là một nét tín ngưỡng quen thuộc trong các nền văn hoá Á Đông. Tuy nhiên, điều đặc biệt là chỉ có ở Việt Nam, người ta mới thấy sự xuất hiện của loài mèo thay cho loài thỏ ở vị trí thứ tư trong danh sách. Không ít giả thuyết đã được đặt ra để lý giải cho điểm khác biệt này.
Một trong số đó cho rằng đây là sự nhầm lẫn về mặt ngữ nghĩa. Khi 12 con giáp du nhập vào văn hoá Việt, người ta gọi “năm con Thỏ” của bộ lịch vạn niên bằng từ tiếng Hán mão. Cách phát âm này này lại rất giống với mao, từ để chỉ con mèo.
Có lẽ, đây đơn giản là cách người Việt thể hiện tình yêu với loài mèo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với giả thuyết này. Một số tin đây không chỉ là sự xáo trộn về mặt ngôn ngữ, mà là một lựa chọn có chủ đích để bảo vệ văn hoá Việt khỏi sức ảnh hưởng của người láng giềng phương Bắc. Số khác cho rằng đây là cách người xưa ghi nhận “công trạng” bắt chuột của họ nhà mèo, góp phần bảo vệ nền văn minh lúa nước của dân tộc. Nhưng có lẽ, đây đơn giản là cách người Việt thể hiện tình yêu với loài mèo.
Tuy được yêu mến nhưng mèo Việt Nam chưa bao giờ đạt đến “cảnh giới” được tôn thờ như mèo ở Ai Cập cổ đại. Vào thời của các Pharaoh, mèo được tin là hiện thân của các vị thần và kẻ giết mèo dù là vô tình hay hữu ý cũng bị xem là đã báng bổ thánh thần và sẽ bị xử tử. Người Ai Cập còn mang các trang sức vàng hình mèo và cho ướp xác mèo để thể hiện lòng tôn kính.
Tiến đến thời hiện đại, có vẻ như mèo Việt Nam cũng chưa nhận được nhiều sự chú ý như ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản. Đến với xứ sở Hoa Anh Đào, cứ đi vài bước là người ta lại bắt gặp một quán cafe dành cho mèo. Có những chú mèo còn được trao cho những chức vị quan trọng như trưởng ga tàu điện. Các cửa hàng ở đây cũng bán vô số các sản phẩm lấy cảm hứng từ loài mèo, mà tiêu biểu nhất là nàng thơ vượt thời đại Hello Kitty.
Người Việt có một sự tích để lý giải cho mối quan hệ “kỳ phùng địch thủ” giữa mèo và chuột. Chuyện kể rằng thuở xưa, chuột được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ canh giữ kho gạo của thiên đình. Mang bản tính tham lam, chuột liền đến đánh chén đến hạt gạo cuối cùng, khiến Ngọc Hoàng vô cùng tức giận mà đày chuột xuống trần gian. Vẫn chứng nào tật ấy, chuột lại ra sức vụng trộm, phá hoại mùa màng của con người. Thiên đình đành phải gửi loài mèo xuống để tiêu diệt dòng giống nhà chuột, từ đó thiết lập lại yên bình cho hạ giới.
Dù sự tích này giải thích nguồn gốc tiên thần của loài mèo, nhưng người Việt xưa lại không thờ phụng mèo như người Ai Cập. Thực tế, vai trò của mèo lúc bấy giờ chỉ là làm thiên địch của chuột và côn trùng. Trong suốt chiều dài lịch sử, người ta xem mèo không khác con trâu, cái cuốc, cái cày là mấy: không phải là thú cưng hay là thành viên trong gia đình, mà là một công cụ để bảo vệ mùa màng.
Mèo: Sứ giả của thiên đình
Vì xếp ngang hàng với gia súc nên mèo bị xem như một nguồn thức ăn khi nạn đói xảy ra. Xét về lịch sử thế giới, những món ăn giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn thường sẽ trở thành biểu tượng ẩm thực của dân tộc, chẳng hạn như món chân giò và kim chi của Hàn Quốc. Mèo, hay “món tiểu hổ,” cũng đóng vai trò đặc biệt như vậy, nhất là ở các tỉnh miền Bắc, nơi thịt mèo giờ đây có giá còn cao hơn cả thịt bò và thịt lợn.
Người nước ngoài thường có định kiến về việc ăn thịt chó, mèo ở Việt Nam, dù không biết rằng tập tục này đã không còn phổ biến nữa. Họ quan niệm rằng trên bàn ăn của người Việt nghiễm nhiên phải có một dĩa thịt mèo hoặc thịt chó. Và khi quay trở lại Mỹ, tôi thường bị hỏi những câu kém duyên về niềm tin sai lệch này.
Quan điểm xã hội cũng đang thay đổi. Thói quen ăn thịt mèo giờ chỉ còn phổ biến với những người của thế hệ trước. Ngược lại, người Việt trẻ lại xem đó là một tập tục cổ hủ và đáng bị lên án. Năm 2020, Chương trình cat show đầu tiên của Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội. Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch Liên chi hội mèo Việt Nam, nói anh tổ chức chương trình để chứng tỏ rằng mèo là loài “xứng đáng được yêu thương.”
Chương trình có sự góp mặt của các thí sinh thuộc hơn 50 giống mèo khác nhau. Mỗi thí sinh đều được người chủ chăm sóc và nâng niu. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc các boss, vô số phòng khám và dịch vụ đã mọc lên trên khắp cả nước. Nếu như trước đây, việc mua thức ăn đóng hộp, đồ chơi, quần áo cho mèo bị gọi là hoang phí, thì giờ nó được xem như một khoản đầu tư chính đáng, bởi vì đối với nhiều người, mèo đã trở thành một người bạn quan trọng, thậm chí là một thành viên gia đình.
Mèo hoang cũng cần được yêu thương
Tất nhiên, không phải chú mèo nào ở Việt Nam cũng có patê để ăn hay đồ đẹp để mặc. Thực tế là, có rất nhiều chú mèo bị bỏ rơi phải sống lang thang khắp nơi. May mắn thay, vẫn có những con người tốt bụng, trong đó có cô Hồng Tuyết Mai, dành thời gian để chăm sóc những chú mèo phiêu bạc này. Tôi thậm chí viết một bài riêng nói về cuộc sống thần tiên của những chú mèo hoang sống ở Sở thú Sài Gòn.
Trên đường đi bộ tới công ty, tôi thường gặp một người vô gia cư nọ. Quần áo lấm lem và tay nải chẳng có thứ gì, nhưng người đàn ông này lại hay để dành phần ăn cho các chú mèo hoang trong một vạc dầu gần đó. Khi được giúp đỡ, điều đầu tiên ông làm là mua cho người bạn mèo của mình một bữa thịnh soạn. Và có lẽ, món quà nhỏ ấy cũng chứa đựng nhiều tình cảm như bất cứ hộp patê, trụ cào móng hay chiếc balo “phi hành gia” nào.
Đôi lúc, tôi tự hỏi rằng nếu được chọn lại thì danh sách 12 con giáp của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào nhỉ? Có lẽ những loài như trâu, hổ và rồng vẫn sẽ tiếp tục góp mặt. Một loài nào đó như tê tê, rùa hoặc phượng hoàng có thể soán ngôi loài chuột (vì ai lại muốn cầm tinh con chuột?). Và tôi biết chắc rằng, mèo sẽ giữ vững ngôi vị của mình trong danh sách bởi không loài vật nào có thể thay thế được mèo trong lòng người Việt.