Việc sáng tạo nghệ thuật có nhất thiết phải phục vụ một mục đích nào không?
Đấy là chủ đề tranh luận của tôi với một người bạn mấy hôm trước, trong đó tôi là người ủng hộ quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật.” Và để củng cố lập trường của mình, tôi so sánh nghệ thuật giống như loài voi vậy: Voi cũng có mục đích tồn tại gì đâu nào?
Tôi cũng khẳng định rằng loài voi không thực sự có một vai trò cụ thể nào trên đời, chúng chỉ xuất hiện như vậy thôi, giống như một bài thơ, một bản nhạc giao hưởng hay tranh màu nước vậy. Có điều, nếu kể đến rất nhiều cách mà người Việt dùng đến loài voi qua nhiều thế kỷ, thì có vẻ như chính tôi đã phá hỏng lập luận của mình rồi.
Khi người bạn to lớn này tới gần, chưa thấy hình người ta đã thấy tiếng: tiếng bước chân rền vang, tiếng cây cối bị xé toạc, và tiếng kêu cao vút vang vọng từ phía xa. Voi xuất hiện dũng mãnh trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đẩy lùi quân đô hộ Đông Hán bằng sức công phá của cặp ngà cứng cáp và trọng lượng 4.000 cân có thể dẫm nát quân thù. Hai trăm năm sau, Bà Triệu cũng đã cưỡi voi xông pha trận mạc và đánh bại quân xâm lược tàn ác đến từ phương Bắc.
Trong những câu chuyện lịch sử mang màu sắc truyền thuyết này, loài voi luôn song hành cùng các vị nữ anh hùng dân tộc với vai trò là đội tượng binh trung thành và thiện chiến, góp phần giành lại độc lập cho nước nhà. Hình ảnh ấy mang tính biểu tượng rất cao và in sâu vào ấn tượng của người Việt về loài động vật cỡ lớn này. Vì thế, trong tranh vẽ, phim ảnh hay thậm chí là video game về đề tài lịch sử, các nữ tướng đất Việt luôn luôn xuất hiện cùng những chú voi hiên ngang bất khuất, như sự tồn tại không thể tách rời giữa một samurai với thanh gươm katana của mình.
Đội tượng binh trung thành và thiện chiến, góp phần giành lại độc lập cho nước nhà.
Tuy nhiên, voi đôi khi lại nằm ở bên kia chiến tuyến. Một trong những thế lực ngoại bang đã nhiều lần giao tranh với nước Việt qua hàng thế kỷ là đế chế Chiêm Thành (Chăm Pa); họ cũng sử dụng voi chiến trong đội quân của mình. Vào thế kỷ 11, tướng quân Trịnh Quốc Bảo đã cho làm hình nộm voi chiến bằng tre để quân lính Đại Việt luyện tập trước cuộc chiến với hàng ngàn tượng binh Chiêm Thành. Nhưng trong trận đánh thực sự, ông đã gắn pháo hoa vào các hình nộm, khi pháo nổ tạo ra tiếng ồn và hỏa mù khiến quân giặc hỗn loạn và dẫn đến bại trận. Ngày nay, người dân vẫn ngợi ca chiến thắng này trong Lễ hội Trò Chiềng được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó có trò chọi voi với hình nộm voi được làm bằng tre để gợi nhớ về trận đánh hào hùng năm nào.
Danh tướng Nguyễn Huệ cũng từng cưỡi voi trong những trận đánh mang tính quyết định nhất trước quân xâm lược nhà Thanh. Ngoài sức chở người và quân nhu, voi còn được coi trọng vì thân hình to lớn giúp vị tướng lĩnh có chỗ ngồi cao nhất trên chiến trường, khả năng gây sức ép lên tâm lý đối thủ, và sức chiến đấu phi thường trước quân địch hùng hậu. Trong nhiều nền văn hóa, voi được xem là biểu tượng của uy thế và sự thịnh vượng, chúng là chiến lợi phẩm giá trị trong chiến tranh và cống phẩm của các nước chư hầu đến các nước lớn.
Có ghi chép kể rằng người Việt vẫn dùng voi để vận chuyển tiếp tế trong thời kỳ chống Pháp chống Mỹ, và loài vật sau đó được thay thế khi có các phương tiện và vũ khí hiện đại hơn. Tuy nhiên không vì thế mà loài voi mất đi hình ảnh dũng mãnh của mình sau thời kỳ chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Nhiều tư liệu lịch sử ghi lại rằng các chúa Nguyễn cho xây Đấu trường Hổ Quyền ở Huế để tổ chức các trận chiến một mất một còn giữa voi và hổ. Bởi vì voi đại diện cho quyền uy của bề trên, nên những người tổ chức trận đấu đã cắt nanh bẻ vuốt những con hổ trước trận tử chiến để đảm bảo chiến thắng sẽ thuộc về loài voi. Sự kiện “thể thao” này được duy trì cho đến đầu thế kỷ 20, và ngày nay chúng ta vẫn có thể đến Huế để thăm quan di tích của đấu trường.
Khi không phải ra chiến trường, voi lại giúp người Việt phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp. Một bằng chứng cho việc này là hình ảnh chú voi đang kéo gỗ nằm ngay ở mặt sau tờ 1.000 đồng trong ví bạn đấy. Trên thực tế, trong nhiều thế kỷ, người dân vùng cao nguyên đã bắt voi rừng về để vận chuyển gạo, gỗ, xây dựng nhà cửa và thực hiện nghi lễ trong các lễ hội. Đối với họ, voi là một nguồn lao động miễn phí giúp họ hoàn thành những công việc nặng nhọc và không phải tốn tiền mua trâu. Như thế, loài voi oai vệ chốn rừng sâu đã được đem về bản làng và thuần hóa để trở thành “nông cụ” của người Việt.
Đến thế kỷ 21, khi các thiết bị cơ giới có thể thay thế hoàn toàn sức lao động của voi trong việc khai khẩn đất hoang và vận chuyển hàng hóa, chúng vẫn phải tiếp tục phục dịch con người: Nhờ có voi, ngành du lịch địa phương lại có thêm nguồn thu nhập. Thế nhưng, chúng sống trong điều kiện nuôi nhốt và ăn uống thiếu thốn, bị ngược đãi và không có sự kết nối với đồng loại. Không chỉ bị buộc biểu diễn xiếc mua vui mà voi còn phải oằn mình chở những vị khách du lịch muốn có vài tấm hình làm mới kho ảnh trên mạng xã hội.
Không chỉ bị buộc biểu diễn xiếc mua vui mà voi còn phải oằn mình chở những vị khách du lịch muốn có vài tấm hình làm mới kho ảnh trên mạng xã hội.
Mãi đến năm 2020, việc bắt voi biểu diễn xiếc và chở khách mới bị cấm. Sau thời gian dài bị khai thác sức lao động trong ngành du lịch, voi không thể trở về với thiên nhiên hoang dã vì khó có thể thích nghi với môi trường ấy. Mặc dù vậy, chí ít chúng cũng không còn phải tồn tại chỉ để phục vụ lợi ích của con người. Hiện tại, ngoài những con voi được thả tự do trong môi trường bán hoang dã tại các khu bảo tồn và rừng quốc gia, thì Việt Nam còn khoảng 60–100 con voi trong tự nhiên, giảm đi rất nhiều so với số lượng 2.000 cá thể vào năm 1990. Giờ đây, khi đã được giải phóng khỏi chiến trận, lao động nặng nhọc và phục dịch du lịch, voi đã có thể tồn tại mà chẳng cần có một mục đích rõ ràng nào cả. Chúng trở về làm những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, tô điểm cho bức tranh thiên nhiên muôn màu mà không phải phụ thuộc vào nhu cầu của con người.