Nước tiểu của chúng thơm mùi bắp rang bơ.
Để nói về cầy mực thì không thể không bắt đầu từ mùi hương nước tiểu đặc biệt của chúng. Nếu bạn đang lang thang trong rừng và bỗng thấy thoảng mùi hương như bắp rang bơ, đừng vội mơ màng liên tưởng tới chiếc ghế dựa êm ái cùng màn hình khổng lồ trong rạp chiếu phim. Thay vào đó, hãy thử nhìn quanh trên những tán cây xem, biết đâu sẽ bắt gặp một chú cầy mực đang nằm vắt vẻo.
Nước tiểu của cầy mực có mùi hương đặc biệt ấy là vì có chứa hợp chất 2-acetyl-1-pyrroline, hay còn gọi là 2-AP. Hợp chất này cũng sinh ra từ phản ứng hóa học của đường và axit amin trong bắp khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Cầy mực ngồi xổm để giải quyết nhu cầu vệ sinh của mình, khiến nước tiểu dễ dính vào phần chân và đuôi. “Mùi bắp rang” thơm lừng cũng từ đó tỏa hương theo từng bước đi của chúng, giúp loài vật này đánh dấu lãnh thổ và thu hút bạn tình.
Có thể bạn chưa biết
Các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được tại sao nước tiểu của cầy mực lại có hợp chất tạo mùi 2-AP trong khi cơ thể chúng không thể tạo ra lượng nhiệt đủ cao cho phản ứng hóa học kể trên. Christine Drea, giáo sư bộ môn nhân chủng học tiến hóa của Đại học Duke, đã đặt một câu hỏi khi tóm tắt kết quả nghiên cứu do chính bà dẫn dắt: “Tại sao loài động vật này có thể sản sinh ra một mùi hương chỉ có khi nấu ăn?”
Cầy mực không chỉ có mùi hương đặc trưng, mà còn sở hữu chiếc đuôi dài có khả năng uốn cong và đu bám ấn tượng mà nhiều người trong chúng ta có lẽ đã từng mong muốn có được (và tưởng tượng ra vô số công dụng thú vị cho chiếc đuôi ấy!) Nhưng tiếc thay, con người không phải là một trong hai loài động vật ăn thịt được tạo hóa ban tặng chiếc đuôi linh hoạt đến vậy; danh sách ấy chỉ bao gồm cầy mực và kinkajou — một giống gấu mèo sinh trưởng trong rừng mưa tại Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Một chút hậu đậu kết hợp với một chút biếng nhác.
Có chiếc đuôi khỏe và dẻo dai là thế, nhưng cầy mực lại chẳng thể chuyền cành thoăn thoắt hay vồ mồi bằng đuôi một cách điệu nghệ. Khi di chuyển từ cây này sang cây khác, chúng bắt buộc phải trèo xuống đất, lê thân người đi một đoạn rồi mới trèo lên cành cây tiếp theo. Cũng chính vì thân hình vụng về và tính cách có phần lười nhác mà cầy mực hiếm khi thành công trong việc săn những con mồi ngon như chim, thằn lằn hay các loài gặm nhấm. Hầu hết thời gian, chúng đành phải bằng lòng với nguồn thức ăn dễ kiếm là côn trùng hay các “món chay” như chuối hoặc xoài.
Sau khi đã “đánh chén” no nê, cầy mực lại tiếp tục nhấc cái thân hình nặng 17 ki-lô-gram lên và đi tìm một cành cây thích hợp để… ngủ. Lúc này, chúng sẽ quấn chặt đuôi quanh cành cây rồi ườn người ra để chìm vào một giấc mơ trưa. Chẳng phải ai cũng có những ngày quá mệt mỏi và chỉ muốn được “chill” như cầy mực thôi đấy sao?
Cầy mực là loài có kích cỡ lớn nhất trong họ Cầy. Một số đại diện phổ biến khác của họ động vật này là cầy vòi hương và cầy vòi mốc, chúng đều sinh trưởng tại châu Á, châu Phi và châu Âu. Tên tiếng Anh của cầy mực là binturong, nhưng chúng cũng thường được gọi là bearcat — một cái tên có lẽ sẽ khiến người Việt nhầm lẫn với từ gấu mèo mà ta dùng để gọi loài raccoon.
Thế nhưng, cầy mực không thuộc họ mèo dù sở hữu một số đặc điểm giống mèo như mấy sợi ria dài hai bên má, và cũng có tập tính tự liếm lông để làm sạch cơ thể hay phát ra âm thanh "gừ gừ" để thể hiện cảm xúc.
Chúng cũng không có họ hàng với loài gấu dù có một số đặc điểm cơ thể tương tự như là chiếc mõm thuôn dài, chân có móng vuốt và dáng đi chậm rãi trên cả bốn chi. Cuối cùng, chúng cũng không phải là chồn, mặc dù người anh họ của chúng là cầy vòi hương thường bị nhầm là chồn, và vì thế bị bắt phải ăn và tiêu hóa hạt cà phê để làm món "cà phê chồn" đắt đỏ bán cho khách du lịch.
Điều bất ngờ là cầy mực lại ít được biết đến dù sở hữu nhiều đặc điểm độc đáo như chiếc đuôi lớn đầy ấn tượng, nước tiểu tiết ra mùi hương thơm phức, cùng thói quen ngủ ngày mà nhiều người trong chúng ta hẳn sẽ phải thấy rất đồng cảm. Hình ảnh của loài động vật này hoàn toàn thích hợp để trở thành linh vật cho các đội thể thao ở quê nhà Đông Nam Á, hay một nhân vật cộng sự hài hước trong bộ phim hoạt hình lấy đề tài siêu anh hùng, và thậm chí là “đứng tên” cho một dòng xe SUV sang trọng. Trên thực tế, rất ít người từng nghe đến cái tên cầy mực. Chúng không “nổi tiếng” có lẽ là vì không thân thiện với con người như chó mèo, không dũng mãnh như hổ hay bí ẩn như cáo, và cũng không có giá trị về mặt thương mại nên không bị săn bắn trái phép để lấy thịt, bán làm thú nuôi, hay dùng bộ phận cơ thể để nấu một bài thuốc cổ truyền nào đó.
Dù ít được chú ý, cầy mực lại có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của một loài sinh vật khác, đó là cây sung sống bám.
Dù ít được chú ý, cầy mực lại có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn của một loài sinh vật khác, đó là cây sung sống bám, tên khoa học là Ficus altissima. Những người bạn đáng yêu này có lẽ là loài động vật duy nhất trong tự nhiên có khả năng phân tán hạt của cây sung sống bám qua quá trình tiêu hóa và thải phân. Khi cầy mực ăn hạt sung, một loại men đặc biệt trong dạ dày của chúng sẽ giúp phá vỡ kết cấu vỏ ngoài của hạt, giúp hạt hạt sung có thể dễ dàng nảy mầm sau khi bị thải ra ngoài và gặp được điều kiện thích hợp.
Dù không mang nhiều giá trị kinh tế nhưng cầy mực hiện vẫn đang trên bờ vực tuyệt chủng và bị xếp vào nhóm động vật Nguy cấp theo Sách đỏ IUCN. Theo ước tính, số lượng cầy mực đã giảm 30% trong 18 năm qua, nguyên nhân chủ yếu là bị mất môi trường sống vì nạn phá rừng, các hoạt động nông nghiệp không bền vững, và vấn nạn bẫy động vật rừng bừa bãi.
Thực trạng này càng trở nên đáng quan ngại hơn khi hầu hết các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã dành phần lớn sự chú ý cho các loài động vật “nổi tiếng” hơn như tê tê hay voọc, khiến cho cầy mực bị “ra rìa.” Bên cạnh đó, có quá ít tài liệu nghiên cứu về cầy mực khiến cho việc phát triển các biện pháp bảo vệ càng trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng, việc con người bỏ mặc loài vật này hiện đang đe dọa sự sống còn của không chỉ một mà là hai sinh vật quý giá; bởi như ta đã biết, nếu những chú cầy mực dễ mến này không còn nữa thì cây sung sống bám sẽ biết “sống bám” vào ai đây? Và liệu con người sẽ đứng ngoài vòng tròn tác động ấy?