Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Q&A: Lương Thế Huy về hành trình vận động chính sách bình đẳng giới

“Mình là một nhà hoạt động xã hội.” Đó là điều đầu tiên Lương Thế Huy nói khi giới thiệu về bản thân với Urbanist. Thật khó để có thể hình dung một câu trả lời khác, hay Huy trong một vai trò khác, khi anh đã dành cả một thập kỷ để theo đuổi công việc này.

Lương Thế Huy, 33 tuổi, sinh ra ở TP. HCM, là một trong những cái tên tiêu biểu đằng sau các nỗ lực vận động chính sách cho cộng đồng LGBTQ+ và các nhóm yếu thế tại Việt Nam; đồng thời là người nắm giữ cương vị Viện trưởng tại Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Với những đóng góp cho công tác xã hội, Lương Thế Huy là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam do Forbes bình chọn vào năm 2016. 

Vừa qua, Huy đã trở thành một trong ba người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Hà Nội, với mục tiêu đại diện nói lên tiếng nói của người trẻ và những cộng đồng thiểu số, đa dạng trong xã hội, tập trung vào các vấn đề bình đẳng giới, y tế cộng đồng, giáo dục thanh thiếu niên, môi trường cũng như công tác đối ngoại Quốc hội.

Lương Thế Huy (thứ hai từ phải qua) là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu với nhiều hoạt động tích cực về vận động chính sách cho cộng đồng LGBTQ+ và các nhóm yếu thế của Việt Nam. 

Trò chuyện cùng anh vào một buổi chiều cuối tháng Tự Hào, Saigoneer đã lắng nghe những chia sẻ thú vị của Lương Thế Huy về hành trình hoạt động công tác xã hội cũng như việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng tại Việt Nam.

Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân và công việc?

Mình là một người hoạt động xã hội, một người học luật và một người đồng tính công khai. Hiện tại, công việc chính thức của mình là viện trưởng của iSEE. Đây là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì các nhóm thiểu số nói chung như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, và tất nhất nhiên là mảng mà mình được nhiều người biết đến là LGBTQ+.

Có một câu nói của Martin Luther King đã truyền cảm hứng cho mình, đó là: “Bất công cho một người là bất công cho tất cả mọi người.” Càng làm thì mình thấy nó càng chính xác. Dường như là mọi sự bất công trong xã hội, dù xảy ra với bất kỳ nhóm nào, cũng đều có chung một nguyên nhân. Chúng ta cho phép, thậm chí tạo điều kiện cho sự bất công đó bằng cách chấp nhận nó như một thực tại. Mình nghĩ, là một cộng đồng, chúng ta không thể trông đợi sự bất công đó tự biến mất được. Vậy nên, mình chọn công việc này để góp phần thúc đẩy quá trình bình quyền và xóa bỏ bất bình đẳng cho các đối tượng yếu thế ở Việt Nam.

Trên thực tế, có rất nhiều cách để nâng cao mức độ nhận thức của cộng đồng. Tại sao anh lại chọn hướng đi là vận động chính sách?

Mình nhìn việc vận động chính sách giống như một cuộc đối thoại giữa các nhóm với nhau, mà qua đó họ tìm được một quan điểm chung. Quan điểm chung ấy sẽ được thể hiện qua những điều luật mà tất cả mọi người đều phải tuân thủ. Nó đơn giản là điều ít nhất chúng ta có thể làm bây giờ để bảo vệ các nhóm yếu thế.

Chẳng hạn, nếu có luật nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử cộng đồng LGBTQ+, một người muốn lên Facebook buông lời thù ghét cũng phải chùn bước, vì xã hội đã ra khế ước rằng đây là hành động sai với chuẩn mực.

Nếu pháp luật đồng ý nhưng quan điểm xã hội vẫn giữ nguyên thì việc vận động chính sách có giống như đang “cầm đèn chạy trước ô tô” không?

[Trong công tác xã hội], không bao giờ có chuyện chúng ta đạt được cái kết lý tưởng đó. Xã hội chúng ta là tổ hợp của rất nhiều nhóm, mỗi nhóm có một mối quan tâm khác nhau.

Để thay đổi quan điểm xã hội 100%, chúng ta cần mọi người phải bao dung, chấp nhận sự khác biệt của tất cả những nhóm còn lại. Nhưng không phải ai cũng có thể thoải mái chấp nhận điều mình không tin hay đi ngược lại thói quen, kinh nghiệm sống của bản thân.

Chúng ta hãy thử đặt vấn đề theo cách khác: nếu muốn tiến lên thì mình nên bước chân phải trước hay chân trái trước? Câu trả lời là chân nào chả được, miễn là mình thuận tiện, chân kia sẽ tự động được kéo theo. Vận động chính sách cũng như vậy. Pháp luật sẽ đi trước, còn cuộc đối thoại với xã hội sẽ mãi tiếp diễn sau đó.

Anh có cảm thấy khó khăn khi gặp những "bước lùi" trong hành trình vận động chính sách?

Thời gian gần đây, tần suất những bài viết thể hiện ý kiến bảo thủ có tăng lên đáng kể. Mình hay những người khác cũng lo ngại: “Có phải quan điểm xã hội đang đi lùi lại không?”

Thế rồi tuần trước khi dọn ổ cứng, mình phát hiện ra mình lưu lại rất nhiều ảnh chụp những bình luận kỳ thị, phân biệt đối xử nặng nề trên những trang của tụi mình từ ngày xưa (rất may là những bình đó lọt thỏm giữa những lời ủng hộ khác). Mình chợt nhận ra những quan điểm tiêu cực như vậy vẫn luôn tồn tại từ đó đến giờ, chỉ là nay họ mới có các nền tảng để chia sẻ chúng.

Vậy nên, mình không cảm thấy bi quan nếu mà tiến trình vận động của mình bị chậm lại bởi những luồng quan điểm thế này. Mình sẽ chỉ thấy lo lắng nếu chúng ta không tìm được tiếng nói chung ở việc chúng ta nên bất đồng với nhau như thế nào thôi.

Anh cảm thấy đâu là những thành công nhất lớn mà mình có được trong quá trình vận động?

Mình nghĩ thành công lớn nhất là chuyện mọi người bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề về nhóm yếu thế. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất qua những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Còn điều làm mình hạnh phúc và tự hào nhất là khi chính phủ đã có những phát ngôn rất quyết liệt về việc không chấp nhận phân biệt đối xử. Quyền con người cũng được đưa vào chương II của hiến pháp. Những thay đổi tích cực này đạt được cũng là nhờ sự lên tiếng từ các tổ chức xã hội và cá nhân từ chính các nhóm thiểu số.

Theo anh, hiện tại có những rào cản nào trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng?

Đó là việc những luồng quan điểm khác nhau trong xã hội ngày càng bị phân cực hóa. Đây là một xu hướng đang diễn ra hầu hết các nước trên thế giới, và không may là nó cũng đang xuất hiện ở Việt Nam. Nó là khi mọi người chắc chắn vào quan điểm của mình đến mức mất đi khả năng tự phản biện. Họ tin sự ủng hộ hay phản đối của họ là sự thật duy nhất, dẫn đến việc các nhóm không đối thoại được với nhau.

Phân cực hóa cũng dẫn đến những tác dụng phụ, chẳng hạn như tin giả tràn lan, hay những phát ngôn tấn công từ cả hai bên của chiến tuyến. Mình chỉ hy vọng trong thời gian sắp tới, mọi người có thể cọ xát quan điểm với nhau một cách thẳng thắn, hợp lý hơn. Chúng ta hãy trao đổi với nhau dựa trên những luận điểm, bằng chứng, số liệu khoa học, chứ không phải lấy niềm tin của bản thân ra để đàn áp nhóm khác.

Anh nhắc khá nhiều đến khái niệm “bình đẳng.” Vậy khái niệm này có ý nghĩa thể nào với anh?

Với mình, bình đẳng là khi mỗi người cảm thấy mình được nhìn thấy, được nghe thấy, được chấp nhận với toàn bộ danh tính, giá trị cuộc sống mà họ góp vào xã hội cùng với những người khác. Nó tồn tại ở mọi cấp độ, từ câu chuyện cá nhân, gia đình, khu phố, rồi đến cộng đồng, và xã hội, đất nước.

Một số người có phản ứng khá mạnh mẽ với những thay đổi hiện tại của xã hội. Họ hay châm biếm phong trào bình đẳng bằng những từ như “thượng đẳng.” Anh nghĩ thế nào về hiện tượng này?

Mình nghĩ họ không chống lại sự tiến bộ của xã hội, mà họ sợ mình sẽ phải mất mát. Và đúng là để đạt được sự bình đẳng thực sự thì con người phải thay đổi rất nhiều thứ.

Chẳng hạn, mọi người hay có thói quen khi gặp một bạn nam sẽ hỏi: “Đã có bạn gái chưa?” Thế rồi, nhóm LGBTQ+ xuất hiện và [vì] “yêu cầu” không mặc định tính dục của người đó mà nên dùng những từ trung lập hơn như “người yêu” hoặc “bạn gái hay bạn trai.”

Họ sẽ nghĩ: “Trời ơi, một câu rất bình thường mà tôi vẫn hay nói. Sao giờ tôi phải tự đi kiểm duyệt bản thân?” Vậy nên, chiến lược ở đây là cho những người đó thấy họ có thêm được gì khi thay đổi, những điều tích cực mà cả hai bên đều đạt được để họ đừng mãi tập trung vào những thói quen và lợi ích cũ nữa.

Anh là ứng cử viên đại biểu Quốc Hội đồng tính công khai đầu tiên của Việt Nam. Việc công khai có ảnh hưởng đến quá trình tranh cử của anh không?

Việc “come out” không phải là vấn đề lớn với mình, vì có công khai hay không thì công việc mình vẫn ổn định, gia đình mình vẫn chấp nhận. Nhưng chuyện mình công khai có ích cho những người khác, nên mình làm.

Khi có một ứng viên đồng tính, xã hội sẽ thấy rằng người thuộc cộng đồng LGBTQ+ cũng là một công dân bình thường. Họ sẵn sàng tham gia công việc của đất nước với nhiều vai trò khác nhau. Họ có quyền và cũng sẵn sàng thực thực hiện nghĩa vụ của mình. Những người LGBTQ+ khác cũng có những cách chứng minh riêng của họ. Họ có thể là những người cán bộ rất là mẫn cán, hay một giáo viên rất là giỏi. Việc mình ứng cử chỉ là một cách đóng góp khác.

Một trong những mảng mà anh hoạt động tích cực nhất là và vận động chính sách hôn nhân đồng giới. Vì sao vậy?

Thực ra, bình đẳng hôn nhân chỉ là một khía cạnh trong rất nhiều vấn đề mà cộng đồng LGBTQ+ quan tâm. Bên cạnh đó còn có bình đẳng cơ hội việc làm, bình đẳng giáo dục, bình đẳng về tiếp cận y tế, v.v. Tuy nhiên, hôn nhân luôn là vấn đề được quan tâm nhất, vì nó chạm đến nhiều khía cạnh, mang tính giá trị sâu nhất về cách xã hội nhìn nhận tình yêu và gia đình. Nếu những cặp đôi cùng giới nhận được sự bảo vệ và công nhận của pháp luật, xã hội cũng sẽ dễ quan tâm và chấp nhận hơn những mối quan hệ như thế này.

Cũng phải khẳng định rằng, dù khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng, thì những cặp đôi đồng giới vẫn chung sống với nhau như một gia đình. Họ vẫn ở chung, nấu ăn cùng nhau, trả những hóa đơn tiền điện và nuôi dạy con cái. Đấy là tình cảm thiêng liêng giữa người và người, không ai ngăn cấm được. Họ chỉ cần được pháp luật thừa nhận như những công dân khác mà thôi.

[Hình ảnh sử dụng trong bài do nhân vật cung cấp.]

Bài viết liên quan

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Quãng 8

Giai điệu dân tộc và nhạc điện tử giao duyên dưới bàn tay của DJ Teddy Chilla

DJ và producer Teddy Chilla là một trong số ít những cá tính âm nhạc mới hiện nay đã đưa chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam vào những bản mix hiện đại. 

in Quãng 8

Gặp gỡ hooligan., chủ nhân 'người Việt 100%' của bản hit 'To the Moon'

Gần đây, ca khúc ‘To The Moon,’ với ca từ ngọt ngào, giai điệu êm ái, dễ cảm và đặc biệt là vibe âm nhạc đậm chất quốc tế, đã trở thành hiện tượng mới trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

in Quãng 8

Hành trình đưa nhạc dân tộc lên vị trí trang trọng nhất của Dzũng Phạm

“Tôi muốn đặt âm nhạc dân tộc Việt Nam vào vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất chứ không biến nó thành món đồ trang sức cho một ca khúc” — mang theo tinh thần đó, nghệ sĩ guitar Dzũng Phạm đã quyết tâm ...

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Hình ảnh LGBTQ+ trong văn hóa đại chúng Việt Nam: từ cấm kỵ đến được đón nhận

Sự xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh các nghệ sĩ thần tượng có phong cách phi giới tính (androgyny), cùng với chủ đề tình yêu đồng giới trong nhiều video âm nhạc và sản phẩm văn hóa đại chúng, đã dấy...

in Ao Ta

Kop Dinh Travel: 'Du lịch không phải để kể về một thứ gì đó màu hồng'

Là một người làm phim chuyên về du lịch (travel videographer), kênh YouTube của Kop Dinh được nhiều bạn trẻ yêu thích và biết đến nhờ những video về các địa điểm du lịch được trau chuốt từng khung hìn...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...