Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Sau hàng loạt vụ đầu độc thú cưng tàn nhẫn ở Thảo Điền, cộng đồng lên tiếng bảo vệ quyền động vật

Vào một chiều Chủ Nhật bình thường như bao Chủ Nhật khác, sau khi được chủ dắt đi dạo ở khu vực Làng Báo Chí, phường Thảo Điền, TP. HCM, chú chó beagle mang tên Peanut đã quỵ ngã và lên cơn co giật.

Trong tâm trạng bàng hoàng, chủ của Peanut, chị Nguyễn Hoàng Thanh Cao và chồng, anh Olivier Tognetti, đã vội đưa chú chó đến bệnh viện thú y Saigon Pets gần nhà. Dù cố suy nghĩ tích cực, nhưng hai người vẫn không khỏi lo lắng. Trước đó, một người bạn của Peanut cũng đã qua đời sau khi đi dạo vì ăn phải bả độc rắc trên cùng con đường. Chị Cao chia sẻ: “Mình biết là Peanut đã trúng bả độc nhưng vẫn mong là bé chỉ ăn một ít và sẽ sớm hồi phục.”

Thế nhưng trưa hôm đó, chú chó Peanut đã không qua khỏi. 

Peanut là một trong năm trường hợp, trong đó có ba chú chó khác và một chú mèo, là nạn nhân của nạn đánh bả. Theo các bác sĩ thú ý, những chất độc này được rải khắp nơi để đầu độc động vật. Cách đây bốn năm, một loạt các trường hợp tương tự đã xảy ra, dẫn đến cái chết của ít nhất 16 chú chó. Sự việc đau lòng lần này đã làm rúng động cộng đồng những người yêu chó và truyền cảm hứng cho hàng nghìn người ký đơn kêu gọi các ban ngành phụ trách an ninh địa phương can thiệp.

Không chỉ là người bạn bốn chân

Lần đầu chị Cao gặp Peanut là vào năm 2019, khi chú chó được đưa đến trước cửa nhà chị lúc hai giờ sáng. "Lúc đó hai vợ chồng đang ngủ thì nghe thấy tiếng chuông cửa, và mình ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra," chị Cao kể lại. Chú cún hai tháng tuổi chính là món quà bất ngờ mà anh Olivier dành cho vợ. Trước đó không lâu, anh đã nhận nuôi bé từ một trạm cứu trợ ở Hà Nội. Cặp đôi đã nghĩ tới nhiều tên cho thú cưng, nhưng Peanut là cái tên phù hợp nhất.

Peanut. Ảnh: Nguyễn Hoàng Thanh Cao.

Trong suốt hai năm ở cùng cặp đôi, Peanut đã chinh phục trái tim của không ít hàng xóm và bạn bè của chủ nhân. “Lúc mới nuôi Peanut, bố mẹ mình tưởng rằng chó thì phải ở bẩn nên không cho Peanut nhảy lên sofa, cũng không muốn vuốt ve Peanut." Nhưng dần dần, mẹ của chị Cao cũng xem chú chó như một người thân trong nhà.

Là người vừa mất cả cha và dì, chị Cao mong mình sẽ không phải mất luôn cả thành viên bốn chân của gia đình. Nhưng sau nhiều giờ điều trị tích cực, bác sĩ thú y Nguyễn Văn Nghĩa cũng đã không thể cứu Peanut.

Bác sĩ Nghĩa cho biết: “Khi được đưa đến đây, người Peanut run rẩy, sùi bọt mép và co thắt toàn thân.” Cái chết của chú chó cũng để lại nhiều suy nghĩ cho vị bác sĩ. “Tối đó mình không ngủ được. Mình không nói gì nổi. Hôm sau còn phải nghỉ làm vì thấy quá bứt rứt."

Theo bác sĩ Nghĩa, bả độc mà Peanut đã nuốt phải được gọi là strychnine, một hoạt chất với độc tố cao được dùng để pha chế thuốc trừ sâu. Strychnine thường được những kẻ bắt trộm tẩm vào xương và thức ăn trên đường để đầu độc hoặc làm tê liệt các chú chó. “Công việc của mình là giúp đỡ động vật, giúp đỡ cộng đồng, nên bản thân thấy rất buồn khi nhìn thấy động vật phải chịu đau đớn,” bác sĩ nói.

Nỗ lực thay đổi nhận thức quyền động vật ở Việt Nam

Anh Ali Nakhila, chủ sở hữu một dịch vụ dắt chó đi dạo ở Thảo Điền, cho biết anh và đội ngũ của mình luôn cảnh giác trước mối hiểm nguy từ các vụ đầu độc. Tuy nhiên, anh vẫn không khỏi đau lòng trước những tai nạn xảy ra gần đây. Anh biết đến Peanut từ khi chú chó còn nhỏ. Bạn thân của Peanut là Noi, một chú chó lai được cứu trợ từ Bali, cũng đã qua đời cùng tuần do ngộ độc.

Ảnh của Noi do chủ chụp lại.

Anh Ali tin rằng thủ phạm đằng sau những vụ đầu độc này là những người ghét chó và nghĩ chó là loài động vật hoang dã gây phiền toái. Vì vậy, họ xem mọi chú chó trong khu phố của mình là mục tiêu để triệt hạ.

“Tôi nghĩ tất cả là do một sự hiểu lầm lớn,” anh Ali nói. “Một số người không thân thiện với động vật. Họ không hiểu chó. Nhưng chó là giống loại tốt bụng nhất mà tôi từng gặp. Chúng luôn luôn trung thành, đáng tin cậy và làm hết sức để phục vụ chủ nhân.”

Elizabeth Homfray, nhà sáng lập Laws for Paws Vietnam, một tổ chức bảo vệ quyền động vật, cho biết: “Việc thiếu các biện pháp bảo vệ quyền động vật trong bộ luật Việt Nam cho thấy chính quyền địa phương vẫn xem nhẹ nạn bạo hành động vật.” Một điều luật được thông qua năm 2019 đã nghiêm cấm tra tấn động vật trước khi giết mổ. Tuy nhiên, Elizabeth cho rằng đây là biện pháp “cầm chừng" và hiếm hiếm khi được thực hiện.

"Tôi có cảm giác như mọi người không quan tâm vì đối tượng bị hại ở đây là động vật,” Elizabeth nói. Trên thực tế, có một quy định đã đi vào hiệu lực từ đầu năm nay, áp dụng mức phạt lên đến 3 triệu VND đối với những người bạo hành vật nuôi hoặc thú nuôi. Tuy nhiên, không ai rõ quy định này được thực hiện triệt để đến đâu. Bên cạnh đó, chính con người cũng đã trở thành nạn nhân của những chất độc rải rác trên đường phố. Tháng 4 vừa qua, một em bé ở Tây Nguyên đã tử vong sau khi ăn phải bả độc trông giống kẹo mút.

“Tôi rất thất vọng khi phải thấy cùng một chuỗi sự kiện, cùng một cảnh tượng mà không có gì thay đổi,” Elizabeth nói. Năm 2018, nhiều vụ đánh bả động vật đã xảy ra ở khu vực Làng Báo Chí. “Tôi cứ nghĩ mãi rằng, nếu như chính quyền đã can thiệp từ đầu, thì chúng ta sẽ không phải trải qua điều này nữa.”

World Animal Protection là một tổ chức đánh giá phúc lợi của động vật tại các quốc gia trên thế giới và vận động chính phủ các nước này thay đổi chính sách. Trong báo cáo năm 2020, tổ chức đã ghi nhận rằng: “Ở Việt Nam, các chính sách bảo vệ động vật đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi để ngăn ngừa các hành vi bạo hành động vật. Các khung pháp luật còn sử dụng nhiều từ ngữ mơ hồ và thiếu cơ chế thực thi.”

Chị Cao cho biết chị có cảm giác các đơn vị chức năng ở địa phương đã xem nhẹ tai nạn xảy ra với Peanut. “Khi mình thông báo với cán bộ phường, mọi người thậm chí còn không ghi tên mình lại.” Sau đó, một công an đã đến nhà chị để điều tra, nhưng người này cho biết chính quyền không thể can thiệp nhiều vào vụ việc. Sau khi Peanut qua đời, chị đã đến nói chuyện với một số người dân sống trong khu vực. Họ cho biết các vụ đầu độc chó mèo diễn ra rất thường xuyên ở khu phố này. “Họ nói như thể, ‘Ồ, chuyện thường ngày ở huyện. Cứ 2–3 tháng là lại có một vụ,’" chị Cao bức xúc nhớ lại. “Từ khi nào mọi người lại chấp nhận loại hành vi như vậy?"

Bác sĩ Nghĩa cho biết anh đã phải chữa trị cho nhiều chú chó bị ngộ độc. Sáu tháng trước, một chú chó mà anh điều trị đã qua đời vì ăn phải bả độc ở khu Làng Báo Chí. “Mình nghĩ là ở đó có vài người xấu tính và không thích chó,” anh nói. "Họ ghét chuyện có người dắt chó đi bộ trước nhà mình, nên họ đã để bả độc ra ngoài.”

Anh cho biết chất độc này được gọi là mã tiền và rất dễ mua. Ai cũng có thể lên Lazada đặt về với giá 150.000 VND/kg. Anh hi vọng rằng chính phủ sẽ quản lý vấn đề này một cách nghiêm ngặt hơn. Hiện nay, khi chủ vật nuôi đến gặp cơ quan chức năng trong khu vực, họ thường bị phớt lờ, hoặc như chị Cao chia sẻ, câu trả lời sẽ là trường hợp bất khả kháng.

Các bả độc được dùng để bẫy chó mèo. Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa.

Anh Nghĩa nói buồn bã: “Chó của mình không được an toàn khi sống ở đây. Mình vừa thấy tức giận, vừa thấy tuyệt vọng.”

Nỗ lực thay đổi nhận thức

Quyết tâm thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề này, chị Cao và chồng đã tạo ra một bản kiến nghị trực tuyến thu thập được hơn 2.700 chữ ký. Họ cũng đã viết một lá thư cho lãnh sự quán Pháp, quê hương của anh Olivier, kêu gọi các nhóm quốc tế gây áp lực để chính quyền địa phương hành động. Chị nói, bảo vệ động vật không phải là ưu tiên hàng đầu đối với chính quyền, vì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhưng chị tin rằng, bằng cách truyền tải những thông điệp giáo dục, mọi người sẽ thay đổi cách nhìn nhận.

Khi chị Cao trở về nhà, những vật dụng của Peanut vẫn còn đó — đồ chơi, thức ăn và cả mớ lông bị rụng. Trước cảnh tượng ấy, quyết tâm của chị còn dâng cao hơn cả nỗi xúc động.

Chị Cao nói: “Mình không làm việc này vì muốn trả thù. Mình làm vì tình yêu Peanut, vì đây là điều mà Peanut muốn. Chắc chắn bé không muốn những chuyện như vậy xảy ra nữa với bất kỳ gia đình nào, với bất kỳ người bạn nào của Peanut nữa.”

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bộ lịch Tết đặc biệt với 'người mẫu' là các em chó mèo bị bỏ rơi

Thành lập từ năm 2005, trạm cứu hộ Sài Gòn Time đến nay đã cứu trợ, nuôi dưỡng và hỗ trợ rất nhiều chó mèo bị bạo hành tìm được mái ấm mới. Để lan tỏa rộng rãi thông điệp chó mèo là những người bạn dễ...

in Đời Sống

Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo

Quyết định giàu tính nhân văn của Hội An đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của dư luận cùng nhiều kỳ vọng về kế hoạch hành động cụ thể của thành phố.

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Đời Sống

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.