Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Chàng trai người H'Mông giúp bà con dân tộc tự chủ kinh tế qua nông nghiệp bền vững

Khang A Tủa, 27 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 2 của đại học Fulbright. Trước khi đến với giảng đường danh giá, anh chàng đã từng gác lại việc học tại Hà Nội để theo đuổi các công tác xã hội, trong đó có Ná Nả — dự án cộng đồng giúp người H’Mông tự chủ kinh tế qua nông nghiệp bền vững.

Là một chàng trai H’Mông sinh ra ở tỉnh Yên Bái, Khang A Tủa luôn tự hào về bản sắc dân tộc của mình. Anh đã sáng lập nên Ná Nả — Mùa gì mua nấy, một dự án phát triển bền vững để giúp đồng bào H'Mông buôn bán các mặt hàng nông sản và thủ công. Mục tiêu của Tủa qua Ná Nả là tạo được nguồn thu nhập bền vững cho người nông dân và nâng cao năng lực tự chủ kinh tế cho phụ nữ địa phương.

Kinh doanh vì cộng đồng

Từ những ngày xuống thủ đô học tập, Tủa đã nhận thức được giá trị của những sản vật quê hương mình. Và cứ thế, Ná Nả đã ra đời.

"Lúc đấy mình còn đang học ở Đại học Bách Khoa Hà Nội. Quê mình thì có rất nhiều mật ong và nông sản tự nhiên. Ban đầu mình chẳng để ý lắm, vì mấy thứ đấy ở quê không phải mặt hàng cao cấp gì, ở đâu cũng kiếm được cả,” Tủa chia sẻ với Saigoneer.

“Nhưng các bạn cùng lớp lại hay nhờ mình mua hộ mấy món ấy. Mình nhận ra đó là vì các bạn biết mình có thể mua được sản phẩm chính gốc ở quê, có chất lượng đảm bảo chứ không phải là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc trên thị trường.”

Nhờ việc bán nông sản cho các bạn cùng lớp, Tủa đã có đủ thu nhập để trang trải cho cuộc sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, do đợt giá rét kỷ lục vào mùa đông 2016, những đàn ong rừng ở quê Tủa đều bị chết cóng. Không có mật ong nên việc kinh doanh của Tủa cũng trì trệ lại. 

Năm 2019, Tủa tham gia một dự án xã hội tổ chức trại hè cho trẻ em miền núi trải nghiệm cuộc sống tại Hà Nội. Đây là lúc anh nảy ra ý tưởng xây dựng một doanh nghiệp vì mục đích xã hội.

“Sau trại hè, mình đã liên lạc và trao đổi với nhiều phụ huynh của các em tham gia chương trình. Mình suy nghĩ liệu có thể làm một việc gì từ kinh nghiệm bán mật ong và nông sản trước đó hay không. Một mặt thì công việc này hoàn toàn phục vụ lợi ích xã hội, nâng cao năng lực tự chủ kinh tế của người dân địa phương và hầu như không vì lợi nhuận, mình không kiếm tiền từ dự án mà thậm chí còn phải bỏ tiền và công sức vào nữa. Mặt khác thì việc vận hành dự án cũng giống như vận hành một doanh nghiệp thực sự,” Tủa kể lại. “Mình đã nói chuyện với Mua, một người bạn của mình và cũng là người H’Mông ở Điện Biên. Mua ủng hộ ý tưởng và chúng mình bắt tay vào thực hiện dự án.”

Trong tiếng H’Mông, Ná Nả được đọc là "Nav Nam," cũng là tiếng gọi "Mẹ ơi!" đầy thân thương.

Đến nay, dự án vẫn chủ yếu hoạt động online. Tủa và Mua cập nhật các mặt hàng hiện có của Ná Nả qua một trang Facebook. Khách hàng có thể đặt hàng bằng cách gửi tin nhắn hay để lại bình luận dưới các bài đăng.

Trước đây, Ná Nả từng có một cửa hàng nhỏ ở Phố Núi Trúc (Hà Nội) để chứa hàng và giao hàng cho khách, nhưng cửa hàng đã phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cũng là người H'Mông nhưng Tủa đến từ Mù Cang Chải, còn Mua thì đến từ Nậm Pồ. Bản của Tủa có mật ong nguyên chất, gà thả vườn và rau theo mùa. Còn quê hương của Mua thì có gạo thơm sạch. Hai bạn trẻ cũng bán đồ thủ công H'Mông như chổi, giỏ tre, đồ thêu tay và vải thổ cẩm.

Doanh thu từ các mặt hàng này từng đạt 10–20 triệu đồng một tháng. Nhưng khi các địa phương giãn cách xã hội thì doanh thu của Ná Nả cũng giảm mạnh. Tủa chia sẻ: “Có những tháng chúng mình dùng tiền túi để làm chi phí duy trì dự án.”

Phát triển kinh tế địa phương

Ngoài việc bán hàng, giao hàng và tiếp thị tại Hà Nội, Tủa còn giúp nông dân quê mình học hỏi và áp dụng các phương pháp canh tác lành tính, hiệu quả hơn. Tủa chia sẻ về hai lý do: “Chúng mình tin rằng nông nghiệp và nông sản truyền thống của một địa phương là kết quả của điều kiện thổ nhưỡng và những đặc thù văn hóa của riêng khu vực đó."

“Chúng mình cũng tin là những gì chúng mình đang làm có thể góp phần nhỏ vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bởi vì biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến việc canh tác của nông dân, trong đó có gia đình mình. Ví dụ, thời điểm mùa khô hay mùa mưa có chút thay đổi thì cũng đủ để khiến cho cả mùa màng hư hại, hoặc lũ lụt có thể cuốn trôi hết vụ mùa mà gia đình đã chăm cả năm. Cộng đồng của mình đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, nên mình muốn làm gì đó để ngăn chặn nó."

Tủa có thể nói cả tiếng Kinh và tiếng Anh, vì thế anh bạn chủ động dịch các nghiên cứu và tài liệu học được để mang đến cho những người hàng xóm của mình, qua đó giúp họ nâng cao kỹ thuật canh tác.

“Bọn mình không quá quan trọng chuyện sản lượng,” Tủa cho biết. “Dường như nền nông nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến đầu ra chứ không đoái hoài gì đến chất lượng hay phương pháp canh trồng. Đây là việc mà chúng mình đã phải bàn bạc rất nhiều với các nông dân tham gia dự án. Ai cũng muốn nâng cao sản lượng mà không phải tốn nhiều tiền và công sức, nhưng mà như vậy có đáng không?”

Để chứng minh quan điểm của mình, Tủa đã tự thử nghiệm một số phương pháp canh tác hữu cơ. Trên ruộng lúa của gia đình, anh trồng giống gạo nếp bản địa thay vì giống của Trung Quốc mà cha mẹ anh thường trồng. Anh cũng sử dụng phân chuồng để bón cho cây thay vì phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu.

“Đúng là sản lượng thấp hơn nhiều, vụ đó mình chỉ thu được ba bao gạo, bằng một nửa so với bình thường. Nhưng giá trị thì cao hơn, vì nhà mình có thể bán với giá gần gấp đôi so với giống cũ,” Tủa kể lại. “Dần dần thì người trong bản của mình đã nhận ra lợi ích của phương thức canh tác mới. Nhưng mình cũng phải giải thích đi giải thích lại với họ nhiều lần."

Tương lai của Ná Nả

Việc vận hành một dự án như Ná Nả đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, nhưng Tủa cho biết mình sẽ cố gắng hế sức để duy trì Ná Nả.

“Chỉ cần còn làm được thì mình sẽ vẫn tiếp tục làm việc với những người nông dân, trừ khi có chuyện gì quá xấu xảy ra khiến chúng mình không thể làm tiếp được thôi,” Tủa nói. “Mình vẫn muốn tiếp tục làm công việc này trong tương lai. Vì những người nông dân ở đây cũng chính là hàng xóm của mình, là những người thân thiết và cùng sống trên một mảnh đất với mình. Mình sẽ cố gắng đưa dự án 'vào guồng' trở lại và giới thiệu nó đến nhiều người hơn, không chỉ những người nông dân mà còn cả những khách hàng ủng hộ chúng mình nữa.”

Tủa nói rằng Ná Nả chưa bao có khẩu hiệu để hô hào về sứ mệnh của mình, nhưng trong thâm tâm, Tủa và Mua biết rõ sứ mệnh của Ná Nả là gì.

“Chúng mình sẽ luôn đảm bảo lợi ích cho người nông dân, cho sức khỏe của họ và sức khỏe của khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng tốt,” Tủa nói.

“Chúng mình cũng muốn tạo ra một môi trường để mọi người có thể chia sẻ và trao đổi kiến thức chứ không chỉ để mua bán. Chúng mình không muốn Ná Nả trở thành một nơi mà mọi người sẽ kiểu 'Tôi có tiền, anh có sản phẩm, anh bán tôi mua' mà là nơi một người có thể cho đi những gì họ có và lấy về những gì họ cần."

[Ảnh trong bài viết được cung cấp bởi Khang A Tủa]

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Ngọt ngào mùa thu hoạch mía của người Ê Đê ở Đắk Lắk

Vào tháng Ba, các cư dân của huyện M'Drắk lại mang gùi lên nương rẫy để thu hoạch mía. Khung cảnh lúc này ở huyện vừa rộn ràng như lễ hội, vừa nô nức khí thế lao động nhờ một mùa màng nhiều mía ngọt.

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Đời Sống

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. C...