Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Ngọt ngào mùa thu hoạch mía của người Ê Đê ở Đắk Lắk

Vào tháng Ba, các cư dân của huyện M'Drắk lại mang gùi lên nương rẫy để thu hoạch mía. Khung cảnh lúc này ở huyện vừa rộn ràng như lễ hội, vừa nô nức khí thế lao động nhờ một mùa màng nhiều mía ngọt.

M'Drắk là một trong những huyện vùng xa thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Phần lớn cư dân của huyện là đồng bào người Ê Đê. Vụ thu hoạch mía, diễn ra từ tháng 12 đến tháng 4, là dịp mà họ rất trông đợi mỗi năm.

Điều kiện đất ở huyện vốn không quá thuận lợi để canh tác nhiều giống cây trồng. Tuy nhiên, mía lau, một loại nông sản với tiềm năng lợi nhuận cao, lại sinh sôi mạnh mẽ tại đây. Các nông dân M'Drắk vì thế đã chọn mía lau làm vụ mùa chủ lực của địa phương.

Bắt đầu một ngày mới vào lúc 5 giờ sáng, nông dân trong vùng lên đường đến bãi mía để làm việc. Có người đi bộ, có người đi xe máy, và có người thì đạp xe đạp. Ai ai cũng mang trên lưng một chiếc gùi để đựng vật dụng cá nhân và các dụng cụ thu hoạch mía.

"Cô hay dậy lúc sáng sớm để đi chặt mía. Lúc đó trời chưa đổ nắng, nên cô làm việc năng suất hơn, kiếm cũng được nhiều hơn," cô H'Bla Nie, một nông dân 62 tuổi người Ê Đê, cho hay.

Bầu không khí ở huyện vào những tháng thu hoạch vô cùng rạng rỡ và vui tươi. Các nông dân phối hợp nhịp nhàng với nhau để thu hoạch mía, công sức của họ được đền đáp bằng tiền, hoặc bằng sự trợ giúp tương ứng, được người ở đây gọi là "đổi công." Dù là qua hình thức nào, cả chủ đồn điền và người lao động đều "gặt hái" được nhiều từ vụ thu này.

Chị H'An Nie, một nông dân Ê Đê 29 tuổi, cho biết: "Nếu mình giúp người ta chặt được 200 bụi mía, thì người ta cũng phải giúp mình chặt 200 bụi mía lại, dù là mía của mình có khó chặt hơn. 'Đổi công' là như vậy."

Người làm công được trả lương dựa trên số bụi mía đã chặt được. Bất kể là già hay trẻ, khỏe hay yếu, người nông dân chỉ cần làm việc hết sức mình, vấn đề năng suất không bị ai đặt nặng.

Đây là công việc mà bất cứ ai cũng có thể làm, không cần phải trải quá trình tuyển chọn nào. Chủ đồn điền chỉ cần thông báo mình cần người phụ chặt mía, ai muốn tham gia chỉ cần mang đồ nghề đến và "tự xử."

"Mấy đứa con nít đi học xong cũng hay tới đây chặt mía để kiếm tiền vặt, đỡ phải xin ba má tụi nó," chị H'An Nie tự hào cho biết.

Tình trạng của cây mía và thời tiết ngày hôm đó có ảnh hưởng ít nhiều đến năng suất thu hoạch của nông dân. "Cây nào thẳng thì dễ chặt, còn cây nào mà gió thổi cong thì chặt hơn. Chị thích đi chặt lúc trời mát. Có mưa lâm râm chị cũng chịu làm, tại chị thấy lúc đó trời yên tĩnh với nhẹ nhàng," chị chia sẻ.

Mía lau dường như đã trở thành biểu tượng của huyện M'Drắk. "Nhắc đến M'Drắk là ai cũng nghĩ đến trồng mía. Hồi trước M'Drắk chỉ là huyện nghèo vô danh ở Đắk Lắk. Nhờ có trồng mía mà giờ huyện mới nổi tiếng với khấm khá hơn," chị H'An Nie nói.

Mía lau là một giải pháp lý tưởng cho những người làm nông ở M'Drắk. Chỉ cần trồng một lần, nông dân có thể thu hoạch mía đến bốn lần trước khi phải gieo vụ tiếp theo. Không những thế, sau khi chặt thân đi, cây mía có thể lên chồi từ phần gốc còn lại. "Nhà chị trồng mía từ bốn năm qua. Ngày trước chị có trồng sắn nữa, nhưng mà trồng mía đỡ phải vất vả hơn," chị H'An Nie giải thích cho chúng tôi.

Từ khi có các vụ mía, đời sống kinh tế của bà con huyện M'Drắk đã được cải thiện đáng kể. "Cứ đến mùa mía, nhà cô lại được ăn món ngon với dinh dưỡng hơn," cô H'Bla Nie nói.

Vụ mía cũng là mùa đoàn viên ở huyện M'Drắk. Trong thời gian này, những người trẻ đi làm xa nhà quanh năm sẽ quay về để giúp gia đình trong việc thu hoạch. "Bao giờ chặt mía xong hết, chị lại về Đồng Nai để đi làm nhà máy," chị H'An Nie nói.

Trong bầu không khí lao động hăng say của mọi người, những tầng lá mía cứ thế mà va chạm và xếp lớp lên nhau. Mọi điều về khung cảnh ấy đều khắc họa rõ sự cần cù, nỗ lực, cũng như niềm hân hoan của đồng bào Ê Đê ở M'Drắk khi gặt hái được thành quả ngọt ngào như thế này.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

in Đời Sống

Bên trong lò rèn Thủ Đức giữ lửa truyền thống gia đình suốt 4 thế hệ

Chẳng ngoa khi nói làm việc tại một lò rèn tựa như đang ở Hỏa Diệm Sơn.

in Đời Sống

Chàng trai người H'Mông giúp bà con dân tộc tự chủ kinh tế qua nông nghiệp bền vững

Khang A Tủa, 27 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 2 của đại học Fulbright. Trước khi đến với giảng đường danh giá, anh chàng đã từng gác lại việc học tại Hà Nội để theo đuổi các công tác xã hội, trong ...

in Đời Sống

Hành trình 'tái sinh' của nội thất cũ tại hẻm đồ gỗ Phạm Thế Hiển

Càng đi sâu vào con hẻm 124 trên đường Phạm Thế Hiển, tôi càng khó thở vì những cơn ho khan.

in Đời Sống

Sức sống bình dị của nông thôn miền Bắc qua bộ ảnh đời sống về loài trâu

Là linh vật thứ hai của chu kỳ 12 con giáp, trâu là loài có ý nghĩa và ứng dụng quan trọng trong đời sống hàng ngày của người Việt.

in Đời Sống

Thế giới sinh động dưới gầm cầu, 'nơi chốn thứ ba' ẩn dấu trong lòng Sài Gòn

Nơi chốn thứ ba (danh từ): Một địa điểm ngoài không gian sống và làm việc, nơi mọi người giao lưu và tương tác xã hội.