Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Từ Ukraine: Kharkiv, đã một tháng lửa cháy ngang trời

Từ Ukraine: Kharkiv, đã một tháng lửa cháy ngang trời

Lời từ ban biên tập: Bài viết này được viết bởi Viktoria Grivina, một người bạn Ukraine của một thành viên trong ban biên tập. Dù Saigoneer luôn tập trung vào những nội dung về Việt Nam, nhưng chúng tôi cảm thấy thôi thúc để lắng nghe, chia sẻ tiếng nói và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh hết sức có thể trong khả năng của mình. Bởi là người Việt Nam, chúng ta biết rõ chiến tranh có thể huỷ hoại một nền văn hóa và quốc gia như thế nào.

Ngày 24/2/2022, tôi đã không thể chợp mắt.

Trong đêm tĩnh mịch, điện thoại tôi sáng đèn liên tục, hấp háy những dòng tin nhắn từ bạn bè: “Lo là đúng rồi.” Một người bạn khác nhắn tôi: “Bom nổ khắp nơi.” Tôi kéo màn hình xuống liên tục, hi vọng tải lại được trang Hromadske, một kênh tin tức quen thuộc ở Ukraine. Hoang mang thay, hầu hết các trang tin của Ukraine đã bị tin tặc Nga tấn công, ngay vào lúc quân đội Nga thả bom xuống các thành phố của chúng tôi. Những vụ nổ xé toạc giấc ngủ từng người bạn tôi, ở Kharkiv, Kyiv và khắp đất nước Ukraine.

Một góc phố ở Kharkiv năm 2021. Hình ảnh: Kate Bezzubets trên Unsplash.

Tôi vào một trang mạng xã hội của cộng đồng người dân Kharkiv. Họ chuyên đăng mấy câu hài và ảnh mấy hành khách kì quặc ở các ga tàu metro. Nhưng hôm nay: “Kharkiv đã bị ném bom. Sân bay ở Chuguiv tan hoang. Bom nổ giữa trung tâm.” Dưới thông điệp đó là meme mấy con bot của Nga tràn vào hệ thống Ukraine. Chức năng bình luận bị đóng cũng vì lý do đó. Vào buổi bình minh của cuộc chiến, người tôi run lên dù đang ở cách xa quê hương. Một tháng trôi qua, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Tay tôi vẫn còn run chỉ mới hai câu trước, nhưng giờ thì đã bớt rồi.

Tôi gọi vào số bố tôi và cả số điện thoại bàn ở nhà, nhưng không ai bắt máy. Kênh truyền hình chính thức của thị trưởng chúng tôi khuyến cáo “tất cả người dân hạn chế ra khỏi nhà hôm nay.” Mãi đến gần 8 giờ sáng, tôi mới nghe được giọng bố, “Ừ, bố quyết định đi làm.” Ông chứng kiến cảnh tượng người dân Kharkiv đổ xuống quanh các chung cư họ sống, bàng hoàng trò chuyện với hàng xóm, rồi ném những lời nguyền rủa về phía Belgorod (thành phố của Nga gần đó, nơi đã bắn những quả pháo sang). Đây là lần đầu tiên người Ukraine cảm thấy độc nỗi căm phẫn trong lòng.

Tháng Hai trong tiếng Ukraine hiểu theo nghĩa đen là “căm phẫn.” Nếu sự căm thù là nhiên liệu, người Ukraine ngày hôm này sẽ là ông trùm năng lượng. Kharkiv có thể là một trong những thành phố chìm sâu vào sự căm thù nhất Ukraine tại thời điểm này.

Với dân số hơn 1,6 triệu người, Kharkiv là thủ đô của Ukraine về giáo dục, công nghệ thông tin, vật lý hạt nhân và là “nhà” của Mivina, công ty sản xuất mì ăn liền lớn nhất quốc gia. Không ai khác là Phạm Nhật Vượng đã mang thương hiệu này đến Ukraine vào năm 1995. Thời học sinh, chúng tôi cũng bóp vụn mỳ khô ra rồi trộn trong bao ăn trong giờ ra chơi. Đây là một "nét văn hóa" đặc trưng của đời sống khó khăn, nhưng tự do, của chúng tôi.

Trước và trong cuộc chiến. Hình ảnh do Viktoria Grivina cung cấp.

Kharkiv là quê hương tôi. Kỳ đầu tiên học tiến sĩ ở Đại học St. Andrews, tôi không hề ngờ thành phố mình lại có thể bị tấn công. Lần cuối cùng quân đội xuất kích tại thành phố là năm 1944. Giờ đây, tôi thấy những tấm ảnh chụp Thế chiến thứ 2 như sống lại. Tôi nhìn thấy chiến tranh qua đôi mắt của bạn bè và gia đình.

Nadya, bạn thân thời đi học của tôi, đồng sở hữu một nhà hàng nhỏ bán món fusion Âu-Á, GaGa. Đó là người bạn đã gửi tin nhắn đầu tiên cho tôi. Như nhiều người dân ở Kharkiv, Nadya không tin rằng sẽ có một cuộc tổng tiến công. Đêm đầu tiên bầu trời rực lửa, Nadya còn không kịp thu dọn giấy tờ tuỳ thân. Cô bạn tôi dành những giờ đầu tiên để dọn dẹp căn hộ của mình, nơi tôi cũng từng tá túc chỉ một tháng trước đó.

Đây là một khu làng đại học ở ngay trung tâm và tập trung nhiều sinh viên quốc tế, với các công viên và quán cà phê, quán bar thời thượng và cuộc sống về đêm sôi động. Nhiều tòa nhà đại học sẽ bị phá hủy trong những ngày tới, khi người Nga bắt đầu tìm kiếm những phòng thí nghiệm vũ khí sinh học “ảo” chính họ tự đưa tin. Ngay từ ngày đầu tiên, Nadya đã đến ga metro để trú ẩn.

Khách du lịch thường thắc mắc tại sao các ga metro ở Kharkiv lại rộng rãi như vậy. Trên thực tế, chúng được xây dựng như một hầm trú bom, một nơi an toàn nhất trong thành phố. Nhưng Nadya sớm bị cảm và chuyển đến Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Yermilov, một phòng trưng bày nằm trong hầm của Đại học Quốc gia. Lúc mới thành lập, không gian này còn tổ chức sự kiện của Pavlo Makov, được biết đến qua tác phẩm Đài phun nước Kiệt sức (Fountain of Exhaustion). Tác phẩm này cũng sẽ góp mặt trong phân khu Ukraine tại Triển lãm Lưỡng niên Venice (Venice Biennale) sắp tới.

Nadya nấu 1.000 phần súp rau củ borscht. Hình ảnh: Nadya @ga.ga.kharkiv.

Nadya không phải là kiểu người nằm yên chịu trận. Hai ngày sau, cô bạn cùng nhóm mình quay trở lại GaGa. Họ bắt đầu nấu ăn cho quân đội, quân phòng vệ lãnh thổ, bệnh viện và những người ẩn náu trong ga metro. Vài ngày sau, quảng trường bên cạnh GaGa bị đánh bom. Cửa sổ của quán cà phê vỡ vụn và nhóm quyết định chuyển đến một thị trấn nhỏ hơn cách xa các vụ đánh bom. Ở đây, họ có một nhà bếp lớn hơn cho những mục tiêu cao cả hơn. Giờ phút này, họ đang nấu hơn 3.000 bữa ăn, và đi hàng trăm cây số mỗi ngày để phát cho người dân Kharkiv.

Nastya cũng là một người bạn của tôi, sống cách Nadya chỉ vài con phố. Những ngày đầu tiên của cuộc chiến, Nastya ở trong hầm trú bom bên dưới nhà cùng mẹ. Bên cạnh còn có ba con mèo mà cô mới nhận nuôi, và một nhóm sinh viên y đến từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Họ sửa chữa hệ thống điện và tạo không gian ấm cúng bằng thảm và nội thất. Nastya ngưỡng mộ họ vì điều này. Khi các sinh viên được sơ tán vài ngày sau đó, Nastya nhận chăm sóc thêm bốn con mèo mà họ bỏ lại, mong một ngày nào đó họ sẽ trở lại đoàn tụ với chúng.

Cô bạn dựng lại cửa hàng chỉ-giao-qua-Etsy của mình rồi mở thêm mục quyên góp trên ấy. Nastya sợ rằng cuộc sống ở Kharkiv sẽ càng eo hẹp hơn, dù có sự hỗ trợ từ các sinh viên quốc tế. Tôi luôn cảm nhận được tinh thần tích cực của Nastya, dù nhiều khi những tin nhắn của chúng tôi nhuốm màu tang tóc:

Tin nhắn từ Nastya. Hình ảnh do Viktoria Grivina cung cấp.

Phần đông bạn bè tôi đã rời khỏi Kharkiv. Vài người rời đi trong đêm đầu tiên, vài người nối bước theo sau. Bất cả đích đến là đâu, mỗi người đều đang tự viết lên câu chuyện của chính mình. Bố mẹ tôi chọn ở lại, dù tôi đã khuyên họ rời đi. Những con phố giờ đây đầy rẫy bom mìn. Dù vậy, Kharkiv vẫn đứng vững, bởi đây là điều “tất lẽ dĩ ngẫu.”

Thông qua những người có ảnh hưởng như Serhii Zhadan, một nhà thơ và cây bút tài hoa ở Ukraine, tôi có thể dõi theo từng chuyển động của thành phố. Không chỉ đứng lên đấu tranh, anh còn tiếp tục ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống, tổ chức các buổi hoà nhạc và giúp đỡ người dân toàn thành phố. Trong mắt anh, Kharkiv vẫn còn sống, với những tình nguyện viên, niềm hi vọng và khát vọng tự do đang chữa lành những vết thương của thành phố. Năm nay, Serhiy đã nhận được đề cử cho giải Nobel bởi Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.

Tôi có một người bạn khác, một nữ hoạ sĩ trẻ tên là Olia Fedorova. Bạn ấy đã trở thành một influencer trên mạng xã hội với quyết định ở lại Kharkiv. Olia khởi động một chương trình nhật ký trên các trang mạng. Bạn kể lại cuộc sống dưới làn bom rơi cùng những buổi nghêu ngao trên chiếc guitar cùng hàng xóm mình. Người thương của Olia đã tham gia vào lực lượng sau ba lần nỗ lực đăng ký. Trong những ngày đầu tiên, các thanh niên đã xếp hàng dài đến kinh ngạc trước văn phòng tuyển quân của lục lượng bảo vệ lãnh thổ.

Nổi tiếng với pha tạo dáng “lười chảy thây” bên những ly đồ uống cầu kỳ, Stepan là biểu tượng cho tinh thần thư thái của người Kharkiv.

Cuối cùng, chúng tôi có một “người hùng bốn chân.” Sở thú Kharkiv bị dội bom tan hoang. Công viên sinh thái Feldman lại càng đau thương, khi những tình nguyện viên liên tục ngã xuống trong lúc cứu mạng các con vật. Chú mèo Stepan nổi tiếng trên TikTok đang ẩn náu trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của quận Salktova, cũng mất tăm khỏi Internet. Nổi tiếng với pha tạo dáng “lười chảy thây” bên những ly đồ uống cầu kỳ, Stepan là biểu tượng cho tinh thần thư thái của người Kharkiv. Sự biến mất của chú khiến cộng đồng xôn xao.

Ba tuần sau, chú mèo đã lên sóng trở lại, kể về những gian nan trên hành trình vượt qua biên giới đến Ba Lan, và được cộng đồng những influencer giúp đỡ. Từ đó, chú mèo tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ dành cho động vật ở Ukraine.

Tới hôm nay, hơn 600.000 người đã rời khỏi Kharkiv. Chính quyền yêu cầu công dân di tản để đảm bảo tính mạng. Tất cả những người Kharkiv tôi biết đều lập kế hoạch trở về thành phố khi đã an toàn. Tôi cũng không là ngoại lệ, tôi đã quyết định sẽ trở về, dù là sau chiến thắng, hay khi tôi tìm thấy vị trí và vai trò trong việc bảo vệ thành phố.

Nhà ngôn ngữ học và tác gia nổi tiếng người Ukraine, Yury Shevelev, cũng xuất thân từ Kharkiv. Ông từng viết một tiểu luận tên là Trận chiến thứ năm của Kharkiv (The Fifth Kharkiv). Tiểu luận thuật lại lịch sử của thành phố đầy thay đổi, như thể một con rắn vẫn sẽ thay da. Kharkiv là một pháo đài được xây nên bởi những chiến sĩ Ukaine và người Cossacks. Đến thời Đế chế Nga, nơi này trở thành một thị trấn trực thuộc tỉnh. Sau đó, trường Đại học được xây dựng, Kharkiv trở thành điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc Ukraine trong suốt thế kỷ 19, và là thủ đô đầu tiên của Ukraine thuộc Liên Xô trong những năm 1920.

Ga trung tâm của Kharkiv. Hình ảnh: Yaroslav Romanenko trên Unsplash.

Trong các cuộc đàn áp của Stalin, đây là một nơi bi kịch khi trí thức Ukraine bị hành quyết, và nông dân Ukraine chết vì chính sách diệt chủng bằng nạn đói Holodomor. Thời điểm này đánh dấu một sự kiện quan trọng gọi là “Executed Reinassance” (tạm dịch: Phục Hưng Đỏ). Đây là thời kỳ các nhà hoạt động nghệ thuật, thơ ca mang tư tưởng mới ở Ukraine bị chính quyền Stalin hành quyết. Thời kỳ 1920 đến 1930, Kharkiv chìm vào giấc ngủ đông, chỉ còn lại vẻ xác xơ của một thị trấn Xô Viết xám xịt và vô vị. Ông Shevelev buộc phải sang Mỹ, nhưng dự đoán của ông về trận chiến thứ năm đã thành hiện thực.

Là viên ngọc quý ở bờ Đông Ukraine, Kharkiv luôn mang trong mình một niềm kiêu hãnh. Ngôi trường đại học 200 năm tuổi đã chứng kiến quá trình trưởng thành của tôi và hàng ngàn tài năng trẻ trong ngành công nghệ. Kharkiv được xây dựng như một pháo đài để chống lại vó ngựa những kẻ chinh phục du mục từ phương Nam. Ngày nay nó lại một lần nữa là pháo đài sừng sững chống lại quân phương Bắc.

Ngày nào Ukraine còn đứng vững, Kharkiv, dù mang trên mình chằng chịt vết sẹo chiến tranh, sẽ vươn lên vì một tương lai tươi sáng phía trước.

GaGa nhận quyên góp để mua nguyên vật liệu để tiếp tục nấu những bữa ăn cho người dân. Tìm hiểu thêm thông tin tại trang Instagram của họ.

Giúp Nastya chăm sóc những chú mèo qua trang Etsy.

[Hình ảnh bài thơ ở ảnh bìa: Olia Fedorova]

Viktoria Grivina là một nhà nghiên cứu và dịch giả. Cô tốt nghiệp trường V.N. Đại học Quốc gia Karazin Kharkiv, chuyên ngành Ngôn ngữ học tiếng Anh và tiếng Đức. Trong năm 2020–2021, cô là trợ lý nghiên cứu tại dự án (Un)Archiving (Post)Industry, chuyên nghiên cứu về lịch sử hình ảnh và video của vùng Donbas. Hiện cô đang làm việc tại Đại học St. Andrews, đang thực hiện nghiên cứu Tiến sĩ dành riêng cho những biến đổi về thẩm mỹ và văn hóa của Kharkiv.

Bài viết liên quan

Urbanist

in Đời Sống

Thư gửi bạn đọc Urbanist Vietnam

Hai năm vừa rồi là một hành trình tuyệt vời của Urbanist Vietnam khi nhận được sự quan tâm và tình cảm của các bạn đối với các bài viết của chúng mình. Đó cũng là hai năm chúng mình đã học hỏi và phát...

in Đời Sống

Tia sáng cuối hầm của những người công nhân ở mỏ than Quảng Ninh

“Tôi là một người mang hai màu da.”

in Đời Sống

Việt Nam vô địch SEA Games 2022 ở cả bóng đá nam và nữ

Sau chiến thắng ngoạn mục trong trận chung kết bóng đá nam tối qua, Việt Nam kết thúc mùa SEA Games 2021 với số huy chương đáng kinh ngạc và bảo vệ thành công ngôi vị ở cả hai môn bóng đá nam và nữ.

in Đời Sống

Đường dây nóng Ngày Mai và hành trình học cách lắng nghe

Từ khi thành lập vào tháng 5/2021, Đường dây nóng Ngày Mai đã tiếp nhận cuộc gọi từ hàng nghìn người có độ tuổi, giới tính, công việc khác nhau. Mỗi cuộc gọi đến đều mang theo mong muốn được lắng nghe...

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

Michael Tatarski

in Đời Sống

'Hô biến' bia quá hạn thành nước rửa tay diệt khuẩn

Trong “cơn lũ” tin tức về COVID-19 khiến mọi người hoang mang và lo ngại, những câu chuyện về óc sáng tạo kết hợp cùng tinh thần vì cộng đồng chính là ánh lửa ấm áp đã tỏa sáng giữa toàn cảnh đại dịch...

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...