Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Văn Hóa Ẩm Thực » Tôi đi tìm lại hương vị ‘lãng quên’ của Sài Gòn sau mùa giãn cách

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, Sài Gòn đã chính thức lấy lại nhịp sống và bước vào những ngày “bình thường mới.” Đây cũng là dịp đánh dấu lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà sau bốn tháng dài ẩn náu.

Phải nói thật, dù biết ở nhà là an toàn, nhưng tôi vẫn nhớ cảm giác ngồi cà phê, lê la hàng quán cùng lũ bạn, chuyện trò cả nửa ngày rồi thưởng thức những món ngon cùng nhau. Vậy nên ngay khi thành phố "bật đèn xanh" để các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ, cũng như nhiều người, tôi vội xách xe máy để tìm đến những quán quen để tìm lại sự ồn ào quen thuộc.

Sáng thứ Bảy, thay vì ngủ nướng, tôi xuất phát từ 9 giờ sáng. Chạy xe dạo các con phố trung tâm ở quận 1 và quận 3, hầu hết các quán cà phê đã bắt đầu đông người; xe máy xếp hàng dài bên lề. Một số người vẫn còn e dè đeo khẩu trang, tuy nhiên đa phần lại thoải mái nhâm nhi món đồ uống ưa thích, tận hưởng ánh nắng ấm áp bên đường vào buổi sáng đẹp trời. 

Các quán cà phê lề đường với lợi thế là không gian mở được nhiều bạn trẻ ưu tiên lựa chọn làm làm nơi gặp gỡ bạn bè. Phần đa các quán đều đông khách từ lúc sáng sớm.

Thành phố đã phần nào trở về nhịp sống cũ khi những tốp người có thể thoải mái ngồi cạnh nhau.

Trước khi ghé tới điểm hẹn với bạn, bụng đói cồn cào, tôi chọn điểm dừng đầu tiên là tiệm hủ tiếu mì Lâm Ký và gọi ngay cho mình một tô hủ tiếu mì xá xíu mà chẳng cần suy nghĩ. Mẹ tôi kể, quán đã được thành lập từ trước cả khi tôi được sinh ra, lại nấu theo phong cách người Hoa đặc trưng nên được đông người ghé đến. Đây vốn là quán gắn liền với biết bao chuyện buồn, chuyện vui của cá nhân tôi, từ những ngày bé tẹo, tập tễnh biết đi cho đến tận lúc trưởng thành rồi đi làm. Vậy nên việc tôi muốn qua quán một phần vì nhớ lắm vị nước lèo ngon ngọt, nhưng phần nhiều là do cái không khí quán xá thân thuộc nơi đây. 

Trước khi mở lại dịch vụ phục vụ tại chỗ, quán có bán mang về, nhưng tôi không mặn mà lắm, vì vắt mì trụng sơ cùng nước lèo nguội ngắt trong bịch ni lông thì sao có thể ngon lành như khi được trực tiếp bê và húp tô mì nghi ngút khói tại bàn.

Vào ngày quay trở lại, quán chào đón tôi bằng một loạt những quy định an toàn để phòng chóng dịch. Lớp phòng hộ đầu tiên là những chai cồn sát khuẩn được chủ quán bày biện trên chiếc bàn trước cửa. Và dù chỉ là một tiệm mì nhỏ, nhưng quán vẫn để một chiếc mã QR khai báo y tế và thông báo "Vui lòng cách xa 2 mét" như một lời nhắc nhở thường trực rằng: "Nhớ 5K, và chúc ngon miệng!"

Những chai cồn sát khuẩn được đặt ngay cửa để thực khách rửa tay trước khi vào quán.

Quán tuân thủ quy tắc giãn cách để đảm bảo an toàn cho người bán, người mua.

So với thời điểm trước dịch bệnh, lượng khách ghé đến có sự sụt giảm đáng kể. Từ bàn của mình, tôi có thể thấy từng chiếc xe ghé đến, gọi vài túi đồ ăn mang về rồi vội phóng đi ngay. Suốt thời gian tôi ngồi dùng bữa, cả quán chỉ có khoảng 12 người ghé đến, đa phần là người mua mang đi. Cũng vì thưa người lui đến, phần mì xá xíu của tôi đã mau chóng được phục vụ.

Húp một chút nước dùng, vị ngọt từ xương lan dần trong vòm họng. Bát mì nóng hổi, đi kèm có cả há cảo, xíu mại và quẩy, trọn vẹn về cả số lượng lẫn chất lượng. Dẫu cũng thấp thỏm với những rủi ro khi ăn hàng quán, nhưng điều đấy không che lấp được cảm giác ngon miệng khi xì xụp thứ nước dùng ngon ngọt cùng sợi mì dai, đi kèm với đó là xá xíu mềm và hành phi thơm lừng.

Bát mì "đã lâu không gặp."

Nhân viên làm việc tại quán khá đông, tuy nhiên lượng khách lại không nhiều.

Nhìn quanh, khách ngồi ở quán đều giữ khoảng cách với nhau và im lặng thưởng thức phần ăn thơm ngon. Tôi thoáng cảm nhận trên gương mặt của mọi người một vẻ gì đó mãn nguyện (vì được ăn một món thật ngon!). Trước lúc ra về, tôi vì tò mò nên đã quyết định nán lại để trò chuyện đôi chút với cô chủ quán.

Cô kể rằng quán mì đã bắt đầu hoạt động lại từ ngày 2/10, nhưng chỉ mới cho phép ăn tại chỗ cách đây vài ngày. Trái ngược với mong đợi, tình hình buôn bán của quán vẫn không khá khẩm hơn là bao, vì khách hàng vẫn ngại chuyện phải ra đường. Một người nhân viên tâm sự: "Ít ai ngồi ăn tại chỗ lắm, chỉ có người nào chạy xe ngoài đường mà gấp thì tạt vào làm tô mì, chứ không thì gọi mấy bịch mang về cho an tâm."

Đôi tay thoăn thoắt gói hoành thánh, cô kể về công việc kinh doanh những ngày gần đây. Giá bán của quán không có gì thay đổi so với trước, nhưng việc ăn tại nhà và lối sinh hoạt khép kín đã trở thành nếp sống mới của nhiều gia đình trong mùa dịch. Nếu như trước đây mỗi ngày cô có thể gói được gần cả 10kg lá hoành thánh, thì hiện giờ con số ấy chỉ là 3kg. Rời quán, tôi vẫn ngẫm nghĩ về hình ảnh một quán ăn vắng vẻ, nơi mà những cái bàn, cái ghế chỉ trơ trọi chờ đợi thực khách suốt ngày dài.

"Khách ơi, sao chưa tới?"

Và lịch trình của tôi ngày hôm đó đương nhiên không chỉ dừng lại ở việc ghé thăm quán ăn ruột. Một buổi sáng cuối tuần "bình thường mới" không thể thiếu một ly trà sữa Hongkong để lên tinh thần cho một ngày kín với lịch hẹn hò. 

Vẫn là địa chỉ ấy, nhưng mọi thứ đã ít nhiều đã thay đổi. Quán cà phê bị bao trùm bởi sự yên ắng tới lạ. Chọn một góc cạnh cửa sổ để ngồi, tôi nhận ra không gian cũ ấy có lẽ rộng hơn nhiều so với trí nhớ của mình.

Cầm trên tay ly trà sữa mát lạnh, tôi đảo mắt nhìn sang các dãy bàn. Quán thưa thớt người, ai nấy đều chọn một vị trí cách xa nhau, làm việc cá nhân trong im lặng. Đây là khoảnh khắc đầu tiên tôi chứng kiến quang cảnh quán không có người chen chúc.

Nhớ lại những ngày trước khi thành phố bùng phát COVID-19, các bàn đều chật chỗ, nhiều khách phải ra ban công ngồi vì bên trong quá ngột ngạt. Còn hôm đó, mỗi vị khách như đang thư giãn ở trong bong bóng tự tạo của mình, đúng với tinh thần phòng chống dịch. 

Khách đến dùng nước đều hạn chế tiếp xúc với nhau.

Không gian quán yên tĩnh, vắng khách hơn so với thời điểm trước dịch.

Đầu giờ chiều cũng là lúc tôi có cuộc hẹn với một nhóm bạn thân. Trời thành phố buổi xế chiều mang theo cái nắng ngột ngạt, vậy nên một quán cà phê không gian rộng rãi, có máy lạnh là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, bao gồm chúng tôi. Vừa tấp vào bãi xe, tôi nhận thấy nơi đây có phần đông đúc hơn nơi tôi ghé lúc trước.

Trước cửa, nhân viên để một tờ thông báo thật to, bao gồm mã QR khai báo y tế cùng dòng chữ "Phục vụ tối đa 60 khách tại cửa hàng." Ngó tới ngó lui để ước chừng số xe, tôi vội vàng thực hiện thủ tục rồi bước vào trong, lòng thầm mong rằng mình là một trong 60 người may mắn vì quán không nhận đặt chỗ trước. 

Trong lúc nhìn quanh để tìm bạn, tôi phát hiện ra rằng quán có sử dụng những miếng nhựa chắn giữa bàn để giữ khoảng cách giữa hai người đối diện. Vì không gian của quán rộng rãi và bố trí bàn ghế thưa, khoảng cách giữa các nhóm khách trở nên xa. Thậm chí, nhân viên còn dán biển cấm ở một số vị trí để đảm bảo khoảng cách hai mét cho mọi người. Hầu như bàn nào cũng sẽ có miếng nhựa chắn giữa, vậy nên tôi cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi vào một chiếc bàn trống còn sót lại.

Khách hàng đến mua nước mang đi cũng phải phải khai báo y tế và xuất trình “thẻ xanh.”

Cách phòng, chống dịch đặc biệt tại quán.

Sau khi chờ đợi 20 phút (và năm tháng), cuối cùng nhóm bạn của tôi cũng tới đông đủ. Chẳng ai lấy làm khó chịu vì phải chờ đứa đến muôn vì lâu lắm rồi mới có lại cảm giác đó. Những chủ đề gần nửa năm chưa kể của chúng tôi tưởng như chẳng có hồi kết. 

Khi được hỏi rằng cảm thấy thế nào khi thành phố cho phép ăn uống tại chỗ, Hồng Anh cô bạn của tôi cười lớn và luôn miệng bảo: "Vui lắm, vui lắm!" Những ngày chôn chân ở nhà đã là quá lâu, nên cảm giác được ra đường, được tiếp xúc và giao lưu với những người khác là điều mà cô mong chờ nhất. Chúng tôi bị ngăn cách bởi một tấm ngăn trong suốt dày 1cm, nhưng chẳng đứa nào vì thế mà bớt chuyện lại. Ly nước cầm trong tay cũng vì thế mà ngon hơn rất nhiều so hơn những thức uống tạm bợ mà chúng tôi pha tại nhà; đứa nào cũng tấm tắc khen vị thức uống. 

Thời gian trôi qua rất nhanh và một số có việc cá nhân nên nhóm giải tán khi trời nhập nhoạng tối. Nhưng việc được nhìn nhau ngoài đời và nhâm nhi những món quen cũng đã đủ để khiến ngày cuối tuần của chúng tôi đặc biệt hơn rất nhiều.

Tấm nhựa trong suốt được lắp cả ở những bàn nhỏ cho hai người. 

Biển báo cấm ngồi được đặt trên một số vị trí.

Thực tế, nỗi lo COVID-19 vẫn hiện diện trong mỗi chúng tôi. Dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn biến mất mà có nguy cơ bùng phát lại bất cứ lúc nào, nên việc ra đường và gặp gỡ bạn bè cũng khiến tôi và các bạn đắn đo. Nhiều người bạn tôi muốn xin một cuộc hẹn từ lâu lắm rồi nhưng chưa sắp xếp được lịch do vẫn ngại đi ra ngoài và ăn tại chỗ. Để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, sự dè chừng, đề phòng ấy là không hề dư thừa và cũng dễ thông cảm. 

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Sài Gòn ơi, hẹn gặp lại một ngày nắng khi đại dịch lắng xuống nhé

Vì một lý do nào đó, những hoạt động mà tôi chối từ bấy lâu nay bỗng hiện lên như một thước phim hoài niệm trong những ngày "work from home" (làm việc từ xa). 

in Natural Selection

Sấu gọi hè, chứa chan hương vị Hà Nội đầy thương nhớ

Anh đồng nghiệp cũ gọi tôi với vẻ hối thúc về cái kèo ra Hà Nội chơi mãi còn dang dở: “Hay mày định sấu rụng hết mới ra?”

in Đời Sống

Chuyện yêu của người trẻ mùa dịch: 'Cách nhau 1km nhưng vẫn yêu xa'

Trong một thế giới không ngừng chuyển động, yêu xa đã trở thành một khái niệm khá quen thuộc. Không khó để tìm trong danh sách bạn bè của chúng ta những cặp đôi yêu xa vì một người du học, làm việc ho...

Khôi Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Danh tính của 'Cô Mía' huyền thoại trên xe nước mía, bí mật chưa có lời giải đáp

“Cái hình này đó hả?” chị Liên nói lớn để át đi tiếng động cơ ầm ĩ của chiếc máy ép mía đang chạy. “Chị cũng không biết là ai nữa. Phải hình quảng cáo không?”

in Đời Sống

Hoạt động thiện nguyện của hội nhóm và người Hà Nội: Vì những người 'đang ở phía sau'

"Khi nhận được gạo, bác ấy có vẻ mừng lắm. Bác cũng không có điện thoại thông minh hay thiết bị điện tử gì. Giúp được một người cần giúp đỡ như vậy, mình cứ thấy vui trong lòng."

in Ăn

Hẻm Gems: Quán mì hoành thánh gia truyền 3 thập kỷ trong xóm nhỏ Bình Dương

Nhiều người khi đặt chân đến Bình Dương sẽ thắc mắc xem: nên ăn gì bây giờ? Điều này dễ hiểu, không phải vì nơi đây ít món ăn, mà vì Bình Dương là nơi giao thoa của nhiều cộng đồng văn hóa, nền ẩm thự...