Sài·gòn·eer

Back Ăn & Uống » Văn Hóa Ẩm Thực » Danh tính của 'Cô Mía' huyền thoại trên xe nước mía, bí mật chưa có lời giải đáp

Danh tính của 'Cô Mía' huyền thoại trên xe nước mía, bí mật chưa có lời giải đáp

“Cái hình này đó hả?” chị Liên nói lớn để át đi tiếng động cơ ầm ĩ của chiếc máy ép mía đang chạy. “Chị cũng không biết là ai nữa. Phải hình quảng cáo không?”

Tôi vừa gọi nước được hai phút, chị Liên đã đặt xuống trước mặt tôi một ly nước mía đầy ắp và mát lạnh, ánh lên màu vàng tươi đặc trưng của mía đường. Như một đứa trẻ được quà, tôi hí hửng đưa tay nhận. Lòng tôi vẫn thầm rủa sả tiết trời Sài Gòn vì không biết thương người. Dù chị Liên đã mở quạt hết mức, người tôi vẫn đổ mồ hôi đầm đìa. Bên kia khung cửa sổ, cái nắng đầu hè gay gắt như muốn thiêu cháy lớp nhựa đường. Giữa bầu không khí oi bức đó, ly nước mía của chị Liên xuất hiện như một vị cứu tinh. Thứ nước giải khát có hương vị ngọt lịm như mật, thoảng nốt chua chua từ những giọt tắc được vắt thêm vào. Dư vị ngọt ngào của mía như lơ lửng trên đầu lưỡi sau từng ngụm.

Tôi cứ tưởng chị Liên, chuyên gia nước mía của xóm tôi, sẽ biết chút gì về danh tính của cô Mía, nhưng chị có vẻ cũng "đầu hàng" trước thân phận bí ẩn của người con gái này. Chị Liên nói chiếc xe mía của mình được mua lại từ một tiệm đồ cũ ở Quận 6. Hình vẽ đã ở đó từ ngày chị rước xe về. Khi mua chị cũng chẳng nghĩ ngợi gì về người chủ trước đó của chiếc xe.

Một xe nước mía thân thuộc với hình ảnh cô Mía. Ảnh: Rồng Phạm.

Nếu bạn là người Sài Gòn, có lẽ bạn đã từng bắt gắp hình ảnh cô Mía qua những xe nước mía như của chị Liên. Chân dung của cô dường như đã trở thành một biểu tượng trong văn hóa đường phố Sài Gòn. Cô Mía thường xuất hiện với mái tóc uốn phồng bồng bềnh và óng mượt theo phong cách của thập niên 70. Trang phục của cô không được vẽ đầy đủ, nhưng thường là chiếc áo sơ mi màu vàng nghệ, cổ áo xòe xếp nếp và tay áo nhún phồng, làm tôi liên tưởng đến trang phục của các vị thẩm phán người Anh.

Tôi tự hỏi một người với gu thời trang ấn tượng như vậy thì sẽ có tính cách như thế nào. Cô còn luôn cười nửa miệng một cách bí ẩn như thể sắp tiết lộ điều gì đó về ly nước mía cô cầm trên tay.

Nhờ sức hút ấy, cô được nhiều người ví von là “Mona Lisa của Việt Nam." Ngoài ly nước mía trên tay, các họa sĩ thường vẽ thêm hai cây mía xanh rờn, cùng các loại trái cây nhiệt đới như mít, dưa hấu, và thơm — tất cả đều gợi lên cảm giác tươi mát và đã khát.

Đa số những người bán nước mía như chị Liên đều cho rằng cô Mía chỉ là hình vẽ quảng cáo đơn thuần. Nhưng nụ cười ăn khách của cô đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của rất nhiều người Sài Gòn lớn lên với thứ thức uống ngọt ngào này. Giờ đây, cô Mía cùng đủ thứ trái cây ngon ngọt là phần không thể thiếu trong những dịp hàn thuyên, rong ruổi nơi vỉa hè của giới trẻ Sài Thành. Bởi phải ăn một cuộn bò bía, chấm một lát xoài chua và hút một ngụm nước mía, con người ta mới "đủ hơi" cho một buổi trò chuyện rôm rả.

Khí hậu nhiệt đới nhiều nắng gió của Việt Nam tạo điều kiện lý tưởng cho cây mía sinh sôi và phát triển. Vậy nên từ thời xa xưa mía đã là một những loại nông sản chủ lực của nước ta. Theo sử sách ghi chép, người Việt dưới ách đô hộ nhà Hán từng phải nộp đường thô làm cống phẩm hằng năm.

Xe bán hàng rong ở Bến Bạch Đằng vào thập niên 60. Ảnh: Trang Flickr của manhhai.

Ngày nay, người ta có thể nhìn thấy cây mía trên khắp mọi miền đất nước. Tại những tỉnh miền Bắc ở vùng đồng bằng sông Hồng, mía được trồng theo thời vụ vào những tháng có thời tiết nóng ẩm. Còn ở miền Nam, nông dân có thể thu hoạch mía quanh năm. Do đặc tính ưa nắng của cây nên những vụ mía ở vùng Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long luôn bội thu. Thực tế, 80% sản lượng mía của Việt Nam đến từ các tỉnh miền Nam, và đa số xe bán nước mía ở Sài Gòn đều lấy mía cây từ Tây Ninh, chỉ cách thành phố khoảng 100 ki-lô-mét. Hành trình từ ruộng mía đến máy ép chỉ mất vài giờ nên người Sài Gòn luôn có nước mía tươi ngon để giải khát.

Mía là loài thực vật bản địa của Việt Nam, và đã được người Việt dùng để chế biến các món ăn từ hàng trăm năm trước. Nhưng những chiếc xe ép nước mía chỉ mới xuất hiện từ những thập niên gần đây. Xem lại loạt ảnh về Sài Gòn ngày xưa, ta có thể thấy những chiếc xe mía đời đầu hoàn toàn vắng bóng hình ảnh cô Mía.

Vào thập niên 60, vẫn chưa có nhiều tiểu thương chịu đầu tư vào "bộ nhận diện" để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, xe bán nước giải khát thời ấy được đóng bằng gỗ, nên có kiểu dáng sang trọng hơn những chiếc xe kim loại một màu và cứng nhắc bây giờ. Ở thập niên này, cô Mía vẫn chưa xuất đầu lộ diện, và cô tiếp tục "im hơi lặng tiếng" trong suốt hai thập kỷ sau đó. Rồi đến những năm 90, cô bỗng trở thành “The Face” trên quân đoàn xe mía của thành phố.

Một xe nước mía ở Sài Gòn vào thập niên 70.

Người Sài Gòn đa phần ai cũng nhớ rõ dung mạo cô Mía, nhưng không nhiều người dành thời gian để truy tìm danh tính của cô. Nghệ sĩ graffiti Liar Ben là ngoại lệ. Lần đầu nhìn thấy cô Mía, chàng họa sĩ mộng mơ đã lập tức đem lòng yêu mến nàng thơ. Đến năm 2013, anh lập một fanpage cho cô và dành nhiều năm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “cô ấy là ai?” Người nghệ sĩ đường phố 28 tuổi này cũng là người đã đặt biệt danh “cô Mía” cho nàng thơ nước mía của Việt Nam.

Tiếc thay, không phải lúc nào "mài sắt" cũng "nên kim". Ben nói cuộc điều tra của anh đến giờ vẫn đi vào ngõ cụt.

Tranh tường chuyển động vẽ cô Mía của Liar Ben tại thành phố Yokohama, Japan. Video: Facebook của Liar Ben.

Anh chia sẻ trên Facebook rằng: “Trong quá trình nghiên cứu cũng như quảng bá hình ảnh cô Mía, đã có nhiều lần tôi suýt tìm ra được thân thế của cô. Nhưng đáng tiếc là đến giờ mọi nỗ lực của tôi đều không thành công, vì hầu hết những người thợ [vẽ cô Mía] đầu tiên đều đã qua đời và các thợ vẽ ngày nay chỉ chép lại từ mẫu có sẵn mà thôi.”

Liar Ben kết lại lời chia sẻ của mình bằng cảm nghĩ về vai trò của cô Mía: cô vừa là nguồn cảm hứng nghệ thuật vừa là cầu nối giữa văn hóa đường phố xưa và nay. Ben viết: “Liệu tìm ra bằng được danh tính của cô hay cứ để nó mãi là một ẩn số sẽ tốt hơn?”

Trang Facebook do Ben lập nên đã trở thành kho lưu trữ trực tuyến những hình ảnh cô Mía, và nhận được nhiều đóng góp từ cộng đồng mạng tại Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia. Danh tính bí ẩn của cô cũng là chủ đề của buổi thuyết trình do Liar Ben thực hiện tại Nhà Sàn Collective ở Hà Nội năm 2015. Về phần cô Mía, dù có ai tìm hiểu về mình hay không, thì cô vẫn giữ vững vai trò “đại sứ thương hiệu” của loại thức uống bình dân rất được yêu thích này, đồng thời là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho cộng đồng các nhà thiết kế trong nước.

Bộ emoticon Cô Mía do Min Non thực hiên. Ảnh: Trang Behance của Min Non.

Tình cảm của Liar Ben dành cho cô Mía vẫn không thay đổi, anh đưa cô vào vô số bức tranh tường mà anh thực hiện tại Sài Gòn, Singapore, và cả Nhật Bản. Qua các sáng tác của Ben, cô Mía thùy mị đã trở nên cá tính hơn. Nhiều họa sĩ minh họa trẻ tuổi cũng dành sự quan tâm cho cô Mía trong các dự án cá nhân và công việc. Từ đó, cô trở thành một biểu tượng trong cộng đồng sáng tạo ở Sài Gòn.

Cũng như nàng Mona Lisa từ Florence, sự lôi cuốn của cô Mía Việt Nam xuất phát từ danh tính bí ẩn mãi không có lời giải đáp. Tuy nhiên, nếu như Mona Lisa của Da Vinci là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt tại Bảo tàng Louvre ở Paris, thì cô Mía lại là người phụ nữ giản dị, hài lòng với vị trí đặc biệt của mình trong văn hóa đường phố Việt Nam.


Bài viết liên quan

in Ăn

Ngõ Nooks: Quán 'Bà Hoành' có bánh cuốn Thanh Trì gia truyền trăm tuổi

Bánh Cuốn Bà Hoành là một trong số những thương hiệu gia đình hàng trăm tuổi ở Hà Nội. Từ cái tên trên biển hiệu đến hương vị tinh túy không đổi sau ngót nghét một thế kỷ, những điều cốt lỗi nhất của ...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Tôi đi tìm lại hương vị ‘lãng quên’ của Sài Gòn sau mùa giãn cách

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, Sài Gòn đã chính thức lấy lại nhịp sống và bước vào những ngày “bình thường mới.” Đây cũng là dịp đánh dấu lần đầu tiên tôi bước ra khỏi nhà sau bốn tháng d...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Đi tìm nguồn gốc món xíu mại trứ danh của Đà Lạt

Trước khi đại dịch diễn ra, ngày nào cũng vậy, góc đường Hoàng Diệu và Trần Nhật Duật ở Đà Lạt đều tấp nập chào đón những vị khách đến dùng bữa sáng. Các thực khách sẽ lần lượt thay nhau ngồi vào nhữn...

Thi Nguyen

in Văn Hóa Ẩm Thực

Bánh pía: Thức quà Trung Thu độc đáo của miền Tây, biến tấu từ phong vị người Triều Châu

Từ những món tráng miệng như chè khoai môn, chè bạch quả đến những món mặn như canh củ sen, bánh củ cải, ẩm thực đã giúp gia đình tôi lưu giữ di sản của người Triều Châu qua bao thế hệ.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Cà phê pha lạnh, chất liệu mới mẻ cho barista Việt sáng tạo

Có thể nói, cà phê Việt Nam đã tạo được điểm nhấn thương hiệu riêng với chuẩn mực cà phê phin truyền thống, từ hương vị, dụng cụ pha chế đến cách thưởng thức. Tuy nhiên, hưởng ứng làn sóng cà phê thứ ...

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.