Nằm cách Vườn Quốc gia Cúc Phương một đoạn không xa là Lá Library, một trung tâm giáo dục về lối sống bền vững thông qua các phương pháp canh tác thuận tự nhiên, kỹ thuật xây nhà bằng đất và cách cân bằng cảm xúc.
Dự án được khởi động từ năm 2016 bởi một nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội và Hải Phòng và đã dần trở thành một ví dụ điển hình về lối sống gắn kết với thiên nhiên ngay tại vùng quê Ninh Bình xinh đẹp.
Lá Library hoạt động trên một khu đất rộng 15.000m2, dưới sự quản lý của bốn người bạn có cùng lý tưởng sống. Ngoài việc trông coi khu vườn rừng, họ cũng điều hành Lá Architects & Construction, một văn phòng thiết kế và cung cấp giải pháp xây dựng sử dụng vật liệu đất. Ngoài ra, họ cũng tổ chức các khóa học như nghệ thuật làm vườn, nghiên cứu vật liệu hữu cơ, và đắp nổi phù điêu trang trí. Căn nhà sàn của Lá là không gian sinh hoạt chung và được dùng để tổ chức các workshop thử nghiệm và sáng tạo với các vật liệu tự nhiên.
Khi được hỏi về mục đích của dự án, anh Nguyễn Minh Vũ, người sáng lập Lá Library, chia sẻ: “Chúng tôi dứt khoát cắt đứt mình khỏi nền giáo dục 'tàn phá' luôn dạy con người chống lại thiên nhiên, mong muốn đặt nền móng cho một nền giáo dục 'hoà hợp' với triết lý con người và tự nhiên là một. Đồng thời khuyến khích các hoạt động chữa lành thiên nhiên như cải tạo đất và xây nhà bằng vật liệu tự nhiên."
Khu đất này trước đây là một trang trại dứa nên phải mất rất nhiều năm để cải tạo và phục hồi các chất dinh dưỡng cho đất. Giờ đây, khu vườn rừng này đã được phủ kín bởi các loại trái cây, rau củ, thảo mộc, các loại hạt và thậm chí có cả mật ong. Công việc hàng ngày của người làm vườn là thu hoạch các loại nông sản để nấu ăn bằng bếp củi, tìm kiếm những bông cải xanh trên luống và những quả cà tím ẩn dưới đám lá rậm rạp, hay đôi khi chỉ là bất lực ngước nhìn những trái đu đủ chín trên cao mà không hái được (với những người không thể trèo cây).
Mọi sinh hoạt thường ngày đều thuận theo triết lý giáo dục của dự án — “Cuộc sống." Anh Vũ nói rằng: “Tôi đã xây dựng thành công một lối sống bền vững, lấy thiên nhiên làm gốc trong mọi hoạt động. Chúng tôi nấu ăn bằng bếp lửa, sử dụng rác hữu cơ và tro bếp để bón cây, và tận dụng nước thải từ nấu ăn và tắm rửa cho việc tưới tiêu. Tôi có thể chia sẻ với mọi người rất nhiều điều đơn giản như thế về cuộc sống tại Lá Library.”
Các hoạt động chính tại Lá là giới thiệu và hướng dẫn thực hành các kỹ thuật xây dựng như: thiết kế xây dựng nhà bằng tre, phương pháp xây nhà gỗ vách đất của Nhật Bản, và kỹ thuật làm ra các khối đất nén (CEB) hay gạch không nung.
Ellie Shipman, một học viên tại Lá Library kể lại trải nghiệm của mình: “Tôi đã học được nhiều hơn những gì tôi mong đợi, đặc biệt là lối sống gắn kết với với thiên nhiên từ bữa cơm mình ăn đến ngôi nhà mình ở, vì thực phẩm và vật liệu xây dựng đều được lấy từ chính mảnh đất này. Ăn thức ăn từ vườn nhà để lấy năng lượng để làm việc; biến đất sét và đá thành một công trình kiến trúc thân thiện với môi trường. Đây quả là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.”
Một học viên khác là Francesco Montresor cho biết: “Tôi tham gia khóa học năm ngày về kỹ thuật xây dựng nhà tự nhiên. Chúng tôi tiếp tục công việc xây dựng còn dang dở từ đội ngũ nhân viên tại đây. Tại thời điểm đó, mái nhà bằng tre đã dựng xong nhưng một số bức tường vẫn chưa hoàn thiện và toàn bộ tường của căn nhà phải được trát lại. Gạch và vữa đều được làm từ đất, đất sét và trấu với các tỷ lệ khác nhau. Phần lớn công việc của chúng tôi là đào đất, đào đất và đào đất. Sau đó, chúng tôi dùng chân để trộn đất trên những tấm bạt lớn và dùng đất đó để làm gạch và vữa. Đất ở đây có màu nâu đậm và cam. Đến cuối ngày, cả người chúng tôi đều lấm lem bùn đất. Ở Lá Library có rất nhiều muỗi và bùn đất là một loại thuốc chống muỗi cực tốt.”
Năm 2018, việc thành lập Lá Architects & Construction đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho nhóm. Đến nay, nhóm đã có cơ hội chia sẻ kiến thức và lý tưởng của mình qua một số dự án xây dựng ở Hà Nội.
Anh Vũ giải thích: “Chúng tôi xem bản thân là người kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa thành tựu cổ đại và hiện đại. Do đó, mỗi công trình đều dựa trên nhu cầu của khách hàng và sự quan sát của chúng tôi về các yếu tố tự nhiên cũng như cảnh quan xung quanh, để xây được một ngôi nhà thật sự mọc lên từ đất.”
Hồi tháng Một, Lá Library nhờ tôi đến trông hộ đám thú cưng của họ. Nhưng thực ra tôi đã gặp anh Vũ vài tháng trước đó khi anh tổ chức workshop “Tiny House -Ngôi nhà nhỏ” tại không gian Xóm Bắc Cầu, Hà Nội. Thành thật mà nói, tính tôi hay nghĩ tiêu cực cho những điều mình thấy lạ lẫm, với lại lối sống và kiến trúc thành thị đã ăn sâu vào trong tôi, thế nên sự tò mò của tôi có pha lẫn chút hoài nghi. Có lẽ chúng ta có xu hướng tự thuyết phục bản thân rằng phong cách sống bền vững là bất khả thi vì nó không phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chẳng phải nó tốt đến mức khó tin sao? Tôi chỉ biết rằng trong vòng có 24 tiếng, anh Vũ đã bằng cách nào đó "sai khiến" cả hội chúng tôi tự tay dỡ khoai lang trong vườn để ăn tối.
Francesco cho biết: “Trải nghiệm tuyệt vời tôi có được ở đây phần lớn là nhờ những người điều hành dự án. Họ là những người trẻ cực kỳ thân thiện và tài năng, với phong cách sống và làm việc vừa từ tốn vừa thanh thản, thật đáng cho chúng ta học theo.”