Sau chuyến đi đến Phong Nha ngay trước làn sóng COVID-19 mới đây, tôi có niềm tin rằng địa phương ngày hoàn toàn có đủ tiềm năng để phát triển du lịch bền vững hiệu quả nhất Việt Nam.
Về cơ bản, một địa danh muốn trở thành điểm đến du lịch bền vững thì cần gắn bó với cư dân địa phương; đảm bảo các tiêu chí về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; không chạy theo hướng thương mại hóa; tạo ra việc làm chất lượng cho cư dân bản địa; giữ gìn các di sản và giá trị văn hóa cốt lõi.
Khi ngành du lịch quốc tế bị ngưng trệ do dịch bệnh, chúng ta có cơ hội suy ngẫm về tương lai của ngành du lịch Việt Nam hậu COVID. Theo quan điểm cá nhân, tôi chọn Phong Nha là một ví dụ điển hình về phương pháp phát triển du lịch “đúng nghĩa” ở Việt Nam, và tôi xin trình bày các lý do dưới đây:
Quan tâm đến lợi ích cộng đồng và tạo ra nhiều công việc mang giá trị cao
Chúng tôi đến farmstay Phong Nha vừa kịp trước lúc hoàng hôn, không khí quá đỗi trong lành và cái nắng nóng trời chiều cũng trở nên dễ chịu. Tôi là người hay đặt kỳ vọng quá cao để rồi phải thất vọng, nhưng lần này thì hoàn toàn không như vậy.
Chị Mai ân cần chào đón chúng tôi và chu đáo giúp mọi người thoải mái nhất có thể. Tôi có thể cảm nhận được rằng, sau tám năm làm việc tại farmstay, sự gắn bó của chị với nơi đây hơn nhiều vai trò một nhân viên bình thường.
Khu nhà nghỉ duyên dáng này nằm cả ở hai bên một con đường quê yên ả, và tôi có thể cảm nhận được sự lắng đọng của thời gian ở nơi đây. Phía bên kia đường là khu vực chính của farmstay: một nhà hàng mang phong cách dân dã có chiếc lò sưởi lớn, phòng nghỉ, và khu vực tiếp tân có thiết kế đơn giản.
Chúng tôi cũng có dịp gặp anh Ben Mitchell, người đã xây dựng được năm doanh nghiệp trên địa bàn cùng với sự giúp sức của vợ mình là chị Bích và các đối tác ở địa phương. Hai vợ chồng anh đã làm trong ngành du lịch 13 năm và đều là những người có tiếng nói trong cộng đồng. Mặc dù việc kinh doanh gặp nhiều cản trở do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ben vẫn giữ được cái nhìn lạc quan.
Xung quanh chúng tôi là đồng lúa và vườn rau xanh tươi mơn mởn. Họ tự trồng đủ loại rau hữu cơ để làm nguồn nguyên liệu chế biến các món ăn của gia đình và nhà hàng. Ben kể rằng trước khi có dịch, anh từng mua thêm gạo của gia đình nhân viên mới đủ nấu phục vụ khách. Tôi thấy anh có chút buồn khi không thể duy trì nguồn thu nhập này cho người dân địa phương trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tôi hỏi rằng anh và người dân nơi đây đã vượt qua năm 2020 như thế nào.
Ben nói: “Mặc dù việc duy trì hai công việc kinh doanh còn lại rất khó khăn, nhưng 2020 là một năm tuyệt vời với chúng tôi. Trước đại dịch, chúng tôi bận đến chóng mặt. Sống chậm lại và dành thời gian cho gia đình cũng quan trọng lắm đấy."
Anh chia sẻ thêm rằng người dân Phong Nha rất chịu thương chịu khó và có năng lực ứng phó với hoàn cảnh khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch chưa hoạt động được lâu nên dễ dàng quay lại với công việc trước đó. Anh nửa đùa nửa thật rằng mọi người đang “ngủ đông” và chờ cho “mùa rét” của ngành du lịch mau qua.
Một trong những cơ sở như vậy là quán Pub with Cold Beer. Từ một căn nhà gỗ xiêu vẹo nằm trên ngọn đồi nhỏ, quán đã trở thành điểm ăn uống quen thuộc của cả người dân và khách du lịch. Để đến nơi đây, chúng tôi đã đạp xe suốt một đoạn đường gập ghềnh và băng qua những cánh đồng có đàn trâu đang thung dung gặm cỏ. Mặc dù giờ đây khách khứa đã vắng đi nhiều, nhưng gia đình chủ quán vẫn giữ được kế sinh nhai nhờ mảnh vườn của họ và kiên nhẫn chờ cho mọi thứ bình thường trở lại.
Phong Nha không chỉ gây thương nhớ vì thiên nhiên tươi đẹp mà còn vì những phẩm chất đáng quý của người dân nơi đây. Qua một năm đầy thử thách, từ đại dịch đến những trận lũ kinh hoàng vào tháng 10 và tháng 11, họ đã cho thấy sự kiên cường và tinh thần lạc quan bất chấp nghịch cảnh. Có người còn đùa rằng Phong Nha trong mùa lũ đã trở thành vịnh Hạ Long của miền Trung luôn rồi.
Tôi được cho hay, khu vực này có nhiều hộ nghèo thu nhập dưới 20 triệu đồng mỗi năm. Vì thế, sự xuất hiện của các công việc có giá trị cao trong ngành du lịch đã giúp họ có thêm cơ hội tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bảo tồn thiên nhiên
Hoạt động chính trong chuyến đi đến Phong Nha của chúng tôi hiển nhiên là khám phá những hang động nổi tiếng nơi đây. Chúng tôi đặt tour thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn do Oxalis Adventures tổ chức. Vào sáng sớm ngày khởi hành, khi đang ăn gần xong bữa sáng nhà làm, chúng tôi gặp hướng dẫn viên của mình. Anh nhanh miệng đùa rằng hôm ấy là ngày đầu tiên anh đi làm. Lời pha trò dí dỏm ấy đã tạo bầu không khí thoải mái cho toàn bộ hành trình.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, Oxalis cam kết chỉ tổ chức tour theo quy mô từng nhóm nhỏ. Cũng như nhiều hãng du lịch khác, lượng khách của Oxalis giảm mạnh so với năm trước. Tuy nhiên, bất chấp suy thoái, du lịch nội địa đang trên đà tăng trưởng đều đặn. Người Việt cũng bắt đầu dành nhiều thời gian dịp nghỉ lễ để du lịch trong nước. “Giờ đây, khách quốc tế không còn chiếm đa số nữa,” anh hướng dẫn viên nói với chúng tôi.
Trong thời gian đi xe đến địa điểm thám hiểm, chúng tôi không những được ngắm nhìn đường cao tốc Hồ Chí Minh với khung cảnh mãn nhãn mà còn được nghe kể về câu chuyện của Oxalis. Hãng du lịch này được đặt tên theo một loài hoa dại màu tím mọc ven đường, và được anh Nguyễn Châu Á thành lập vào năm 2011 với mong muốn tái hiện ký ức “leo đồi, tắm suối, ngủ trong hang” của tuổi thơ anh.
Khi Oxalis mở rộng quy mô hoạt động, công ty đã nhận được sự giúp đỡ từ Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Anh Quốc (BCRA). Hiện tại, trừ một số nhân viên người nước ngoài thì Oxalis chủ yếu thuê người địa phương sống ở ngôi làng gần đó. Mỗi nhân viên đều có sứ mệnh nâng cao trải nghiệm của du khách và nghiêm túc thực hiện việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Công ty tuyên bố nguyên tắc kinh doanh của mình là phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên.
Theo những gì tôi quan sát được thì đội ngũ nhân viên đã thực hiện đúng cam kết của mình. Địa điểm cắm trại được lựa chọn cẩn thận để du khách có thể khám phá hệ động vật hoang dã, tham quan hồ nước ngọt và thác nước tuyệt đẹp. Để ngăn chặn nguồn nước bị ô nhiễm, các hướng dẫn viên đã lắp đặt nhà vệ sinh khô tại tất cả các khu cắm trại. Hồ nước và sông ngầm đều rất trong lành, sạch sẽ, với màu xanh ngọc như mời gọi bạn hòa mình vào làn nước. Ngay cả những con sông bên ngoài khu vực này đều đủ an toàn để thỏa sức bơi lội.
Chúng tôi cũng cố gắng giảm thiểu lượng rác thải trong chuyến tham quan. Ngoài những gói bánh trung thu và bánh Oreo mà chúng tôi ăn ngấu nghiến sau khi leo dốc vất vả thì chẳng có gì nữa. Tất cả rác thải đều được mang ra khỏi khu cắm trại và cung đường thám hiểm để được xử lý ở đúng nơi quy định. Du khách cũng được yêu cầu chuẩn bị bình đựng nước cá nhân và mỗi người được phát một chiếc túi phân hủy sinh học trước khi khởi hành.
Không phát triển du lịch ồ ạt
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới từ năm 2003 và được bảo tồn cho thế hệ mai sau. Không giống như các điểm du lịch khác ở Việt Nam, thiên nhiên ở đây vẫn còn rất hoang sơ và trước mắt cũng không có bất kỳ kế hoạch xây dựng nào cả. Dự án cáp treo đã bị từ chối lần thứ hai vào năm 2017 và sẽ không được triển khai, chí ít là trong khoảng thời gian hiện tại.
Nguồn lợi kinh tế từ việc phát triển du lịch ở Việt Nam đã có những lúc phải đánh đổi bằng tài nguyên thiên nhiên; chỉ cần nhìn vào những ví dụ như Vịnh Hạ Long và Sa Pa là rõ. Cảnh quan ở những nơi đó đã chịu tác động nặng nề từ việc xây dựng cáp treo. Đúng là những địa điểm này đã thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, nhưng kéo theo đó là nhiều tác hại đối với môi trường.
Ở Phong Nha thì khác, khách du lịch tìm đến đây với mong muốn tránh khỏi sự đông đúc ồn ào và có được những trải nghiệm đích thực. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn và ý thức được rằng lợi nhuận sẽ được chia sẻ đồng đều hơn cho các bên tham gia.
Tuy nhiên, tương lai của ngành du lịch sẽ ra sao? Chúng ta nên cân nhắc các địa điểm du lịch như thế nào? Không ai biết ngành du lịch có trở lại như trước khi có đại dịch hay không. Và chúng ta có thực sự muốn nó quay lại như cũ không? Khi mà các hình thức khai thác du lịch phổ biến trước đây chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt, và Việt Nam vừa được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch kém bền vững nhất vào đầu năm nay.
Mark Ratcliff, một chuyên gia về phát triển bền vững hiện sinh sống tại Đà Lạt, chia sẻ một giải pháp, đó là hãy chọn những khách sạn và homestay có quy mô nhỏ và đã hoạt động lâu năm.
Những cách khác có thể kể đến như nghiên cứu kỹ hơn về các điểm đến và lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ quảng bá văn hóa và truyền thống địa phương một cách nghiêm túc, đồng thời lựa chọn các khách sạn thu mua nông sản từ người dân địa phương thay vì từ các tập đoàn lớn. Cuối cùng và cũng rất quan trọng, là tìm đến những công ty lữ hành có cam kết bảo vệ môi trường.
Tất nhiên, ngành du lịch ở Phong Nha vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện, và chúng ta chẳng thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra khi biên giới mở cửa trở lại. Liệu địa phương có tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững trong tương lai? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Dù vậy, tôi vẫn có ấn tượng tích cực về chuyến đi này và đã có những trải nghiệm không thể nào quên.