Không phải tất cả các rác thải nhựa đều được xử lý như nhau.
Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại đây.
Đối với rác thải nhựa trong sinh hoạt của các hộ dân, dù quy trình thu gom và xử lý hiện tại còn nhiều bất cập, nhưng nhìn chung vẫn diễn ra khá dễ dàng. Tuy nhiên, khi nhựa bị thải ra ngoài đại dương thì vấn đề lại trở nên phức tạp hơn nhiều.
Rác nhựa chính là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, gây nguy hại cho sinh vật biển, và đến khi trôi dạt vào bờ thì chúng không thể tái chế được nữa.
Ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam, người mua ve chai thông thường chỉ thu gom chai nhựa và túi nilon để bán cho các công ty xử lý rác thải và kiếm thu nhập; số rác thải nhựa còn lại thì bị bỏ qua.
Barak Ekshtein, người sáng lập Tontoton, gọi số nhựa không được thu gom ấy là "nhựa mồ côi.”
Tontoton có trụ sở tại Thành phố Thủ Đức, được thành lập với mục đích giải quyết vấn đề rác thải nhựa có giá trị thấp bằng chương trình trung hòa nhựa. Tontoton bắt tay cùng các công ty sản xuất, cùng nhau thu gom và xử lý đúng lượng nhựa mà các công ty này đã tạo ra. Đây cũng chính là ý nghĩa của tên gọi: a ton for a ton hay một tấn đổi một tấn.
“Điều ban đầu thôi thúc chúng tôi là làm sao để xử lý những loại nhựa có giá trị thấp, không có nơi thu mua tái chế, trước khi chúng bị đẩy ra đại dương,” Barak chia sẻ. "Chúng tôi biết rằng mình cần làm việc với những người thu gom rác ở địa phương vì nếu chúng tôi có thể tạo ra một thị trường mới cho nhựa có giá trị thấp, thì họ sẽ thấy được giá trị của loại rác thải nhựa này và từ đó tạo ra sự thay đổi."
Từ đầu năm 2020, Tontoton đã hợp tác với WWF Việt Nam, tổ chức điều hành chương trình giảm thiểu rác thải tại Phú Quốc. Mặc dù là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế nhưng hòn đảo này lại đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng trong việc xử lý rác thải khi nhiều bãi xử lý và chôn lấp ở đây đã quá tải hoặc gần hết công suất. Công ty đã tìm gặp những người thu gom rác dù mọi chuyện ban đầu cũng không hề dễ dàng.
Roxane Lauzet, nhân viên marketing và phụ trách giám sát sự tuân thủ tính bền vững tại Tontoton, kể lại: “Chúng tôi đã cố gắng giải thích ý tưởng của mình cho bà con làm nghề thu mua phế liệu, nhưng nhiều người lấy đó làm lạ. Họ thắc mắc làm sao họ có thể được trả tiền khi loại nhựa họ thu gom không thể tái chế. Đó là một hành trình dài, nhưng khi chúng tôi thực hiện hai dự án thí điểm thì họ đã có thể hình dung ra quy trình và hiểu công việc sẽ mang lại nguồn thu nhập thực tế."
Ngoài Phú Quốc, Tontoton cũng đang tiến hành dự án này tại đảo Hòn Sơn, một hòn đảo nhỏ ngoài khơi tỉnh Kiên Giang.
Barak cho biết: “Có khoảng 9.000 người dân sinh sống trên đảo Hòn Sơn và tất cả rác thải sinh hoạt của người dân đều được đổ về một mỏm đá. Phần lớn chúng được đốt bỏ vì không có phương pháp xử lý nào khác. Cách làm này khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cư dân sinh sống ở ngôi làng ngay kế bên, chưa kể một lượng lớn chất thải nhựa còn bị gió thổi ra biển. Rõ ràng đây không phải là cách nên làm, thế nhưng hàng núi chất thải vẫn tiếp tục mọc lên.”
Cùng với sự hợp tác của bà con tham gia thu gom rác trên hai hòn đảo, quá trình trung hòa rác thải nhựa được thực hiện như sau: một công ty sẽ hỗ trợ chi phí cho Tontoton để xử lý một lượng rác thải nhựa bằng với lượng nhựa họ tạo ra trong quá trình sản xuất; Tontoton sau đó trả tiền cho những người nhặt rác để thu gom nhựa có giá trị thấp; nhựa này được đóng bao và vận chuyển vào đất liền, sau đó được chuyển đến nhà máy xi măng INSEE Ecocycle ở Kiên Giang. Tại đây, toàn bộ "nhựa mồ côi" sẽ được chuyển hóa thành năng lượng cho các lò nung xi măng.
Bước cuối cùng được gọi là đồng xử lý. Theo Geocycle, "cấu trúc các vật liệu phế thải sẽ hoàn toàn bị phá hủy ở nhiệt độ cao; không để lại dư lượng cần được phải chôn lấp, vì phần tro đã phản ứng với các thành phần khác để tạo thành sản phẩm cuối cùng; điều này cũng làm giảm khí thải nhà kính do rác thải nhựa được sử dụng thay cho nhiên liệu hóa thạch."
Quá trình nhiệt phân đòi hỏi nhiệt độ đạt khoảng 2.000°C và chỉ có những cơ sở đủ thiết bị mới có thể tạo ra được. Khác với quy trình đốt cháy thông thường, quá trình nhiệt phân không cần đến oxi và biến đổi được thành phần hóa học của vật liệu thay vì thải khói độc ra môi trường.
Cá nhân người viết được biết đến dự án này khi nó được khuyến khích trong Công ước Basel — hiệp ước quốc tế nhằm kiểm soát việc vận chuyển chất thải độc hại trên khắp thế giới, như một phương pháp xử lý chất thải thân thiện với môi trường.
"Hiện tại thì đây là giải pháp tốt nhất cho loại chất thải này mà chúng tôi biết," Barak chia sẻ. "Kết quả là chúng tôi có thể giảm sức ép cho các bãi chôn lấp cũng như nguy cơ xả chất thải nhựa ra biển, đồng thời lượng khí thải CO2 cũng được hạn chế vì các nhà máy không còn phải đốt than đá mà dùng rác thải nhựa làm nhiên liệu thay thế."
Barak và Roxane đang nỗ lực để đảm bảo mô hình này có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, tuy nhiên họ cũng không muốn coi đây là một giải pháp lâu dài.
"Chúng tôi cố gắng thuyết phục khách hàng ký hợp đồng theo năm để có thể nói với những người nhặt rác và những người trong chuỗi cung ứng rằng đây không phải là một dự án thu gom 10 tấn rác thải rồi kết thúc," Barak nói. “Con số chúng tôi đưa ra là 10 tấn mỗi tháng, và nhờ vậy họ có thể coi đây là công việc có thu nhập ổn định cho cả năm.”
Roxane nói thêm: "Tuy nhiên, chúng tôi không muốn các công ty đến với chúng tôi để trút bỏ trách nhiệm một cách dễ dàng, chúng tôi khuyến khích các đối tác tìm kiếm các vật liệu dễ tái chế và thay đổi cách tiếp cận các vấn đề về môi trường, rằng việc tìm đến chúng tôi chỉ là một phần trong chiến lược của họ. Hy vọng là trong tương lai sẽ có một giải pháp thực sự thân thiện với môi trường, nhưng hiện tại thì đây là những gì chúng tôi có thể làm để cải thiện vấn đề."
Sau một năm, mô hình đặc biệt của Tontoton đã cho thấy những kết quả tích cực. Với sự giúp sức của người dân Phú Quốc và Hòn Sơn, tổ chức đã thu gom được 7 tấn nhựa có giá trị thấp và hoàn thành giai đoạn thử nghiệm. Tontoton cũng trở thành công ty đầu tiên trên thế giới có được chứng nhận của Chương trình Chứng nhận Ocean Bound Plastic Neutrality, được thành lập bởi tổ chức phi chính phủ Zero Plastic Oceans và tổ chức chứng nhận toàn cầu Control Union.
Hiện tại thông tin về chương trình đang được lan tỏa tích cực trong cả cộng động các công ty, xí nghiệp lẫn dân cư địa phương. Nhiều công ty và nhà máy xi măng ở các tỉnh thành khác trong nước đã bày tỏ ý định tham gia thực hiện việc trung hòa chất thải này, và ngày càng có thêm nhiều người thu gom phế liệu muốn được gia nhập đội ngũ của chúng tôi.
Barak chia sẻ: "Một điều rất quan trọng là từ lúc mọi người bắt đầu nghe đến một công ty điên rồ sẽ trả tiền cho loại rác thải nhựa gần như vô giá trị, thì khi họ nhìn thấy chúng trên các bãi biển hoặc nơi họ sinh sống, họ sẽ chủ động thu gom và tìm đến chúng tôi. Quy luật cung-cầu này cùng với thông tin truyền miệng sẽ thu hút thêm nhiều người ở các khu vực khác tham gia. Thật tuyệt khi chứng kiến quá trình này diễn ra.”
Trên thực tế, 7 tấn nhựa chỉ là một hạt muối bỏ biển. Dựa trên báo cáo của tổ chức Ocean Conservancy năm 2015, Việt Nam thường xuyên nằm trong top 5 các quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra đại dương. Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính mỗi năm nước ta thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, 73% trong số đó không được tái chế.
Nhưng bằng cách chung sức với người dân địa phương, Tontoton đã hướng đến việc xử lý phần thường bị bỏ qua trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Họ tin rằng đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay cho đến khi chúng ta có thể thay thế nhựa bằng các vật liệu khác thân thiện với môi trường hơn.
Barak khẳng định: “Chúng tôi là một phần trong nỗ lực hạn chế sử dụng nhựa trên toàn cầu. Và cần phải tiếp tục có thêm nhiều sáng kiến cũng như sự đầu tư nghiêm túc để thực hiện được mục tiêu này."