Có những bộ phim tài liệu phải mất nhiều năm để viết và dàn dựng, nhưng cũng có những thước phim ra đời một cách rất ngẫu nhiên.
Tháo Bành Cho Voi cũng là một sự tình cờ như vậy. Hay theo lời của đạo diễn Trương Hoàng Nhân với Saigoneer: "Thực sự nó là một cái duyên."
Hoàng Nhân, hiện đang là một nhà làm phim ở Sài Gòn, và là thành viên của nhóm làm phim tự do Phim của Quạ. "Cái duyên" của anh với bộ phim tài liêu về voi đến khi anh gặp gỡ nhóm nghệ sĩ minh hoạ Tô Đậm: "Hôm đó, mình nhận được tin nhắn từ một người bạn của một người bạn đang tình nguyện ở nhóm."
Khi hai bên gặp nhau, Tô Đậm đang thực hiện một dự án vẽ tranh trường học ở huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Tô Đậm cũng là đối tác của Animals Asia, một tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã, đang hoạt động để bảo vệ quần thể voi châu Á của tỉnh. “Nhóm nói với mình rằng ở đây có vài câu chuyện khá thú vị về voi. Lúc đó mình cũng chưa biết gì nhiều nhưng vẫn đồng ý,” Nhân chia sẻ.
Trong suốt quá trình, Hoàng Nhân được nhận sự hỗ trợ của Nguyễn Quang Huy, một nhà quay phim và biên tâp phim. Hai chàng trai đã thực hiện hai chuyến đi đến Buôn Đôn trong hơn bốn ngày hai đêm vào tháng 11 năm 2019 để thu thập nhiều thước phim với tổng độ dài 360 phút. Vì nhiều công việc đan xen, hai người đã mất hơn một năm cho quá trình hậu kỳ. Bản dựng cuối cùng được hoàn thành trong những ngày Sài Gòn vẫn tiếp tục giãn cách.
"Khi mới đến Buôn Đôn, vốn hiểu biết của bọn mình về loài voi cũng không nhiều hơn một người khách du lịch bình thường. Nhưng qua cuộc phỏng vấn đầu tiên với chị Dionne [quản lý phúc lợi động vật tại Animals Asia], mình nhận ra rằng nếu muốn thay đổi thực trạng của loài voi ở đây, điều phải làm trước hết là thay đổi thói quen của du khách,” Nhân nói. "Nhưng lúc đó [cuối năm 2019] hầu như không có báo đài nào nói về các vấn đề của loài voi ở Đắk Lắk cả."
Tháo Bành Cho Voi kể về quá trình Animals Asia làm việc với chính quyền Đắk Lắk và người dân địa phương để chấm dứt các hình thức bóc lột voi để phục vụ cho du lịch, trong đó chủ yếu là dịch vụ cưỡi voi giải trí. Bành là loại ghế được đặt lên lưng voi để du khách có thể ngồi lên.
Theo chương trình bảo tồn do Animals Asia đề xuất, những chú voi sẽ được tự do đi lại trong vườn quốc gia Yok Đôn thay vì bị xích lại, còn du khách có thể được dẫn vào rừng để tham quan loài voi trong môi trường tự nhiên của chúng.
Nhà làm phim trẻ tuổi được tiếp xúc với những chú voi và người quản tượng, và trải nghiệm này đã có tác động mạnh mẽ lên anh. “Các chú voi tỏ ra rất thân thiện khi có người quản tượng bên cạnh. Voi biết nghe theo mệnh lệnh, và còn rất nhạy bén trong việc xác định nguồn nước tinh khiết nhất ở Yok Đôn. Voi sẽ không uống nước từ bất kỳ nơi nào khác,” Nhân cho biết. “Loài voi cũng rất thông minh nữa. Voi biết chọn bạn tình như con người, biết dạy nhau các kỹ năng và quan tâm đến đồng loại trong lúc khó khăn. Voi nhận biết được quản tượng của mình và đi theo họ cho dù không có xích ở chân.”
Bộ phim tài liệu đã khéo léo khắc họa mối quan hệ thân thiết giữa những chú voi và quản tượng. Quản tượng ở Đắk Lắk hầu hết là người dân tộc Êđê và M’Nông, và họ vô cùng quan tâm đến các chú voi mà mình nuôi nấng.“Mình có thể khẳng định là những người quản tượng này chăm voi còn hơn người ta chăm chó chăm mèo nữa,” Nhân giải thích.” Qua những lần tiếp xúc thì mình thấy những người quản tượng rất chu đáo và chịu khó. Chính cách thức kiếm tiền từ voi của ngành du lịch hiện nay mới gây hại cho loài động vật này.”
Kết thúc bộ phim, Tháo Bành Cho Voi kêu gọi khán giả cùng nhìn lại cách chúng ta tiếp cận với loài voi, một trong những loài thuộc nhóm megafauna (động vật lớn) cuối cùng ở Việt Nam, với chưa tới 200 cá thể trong môi trường tự nhiên trên khắp cả nước.
"Mình hy vọng rằng những người đã xem bộ phim này khi đến Đắk Lắk, họ sẽ biết được điểm khác biệt giữa các tour du lịch ở Yok Đôn và các chuyến cưỡi voi ở những nơi khác. Họ có thể quyết định được đâu là cách tốt nhất để tham quan và tìm hiểu về loài voi, và học về những người quản tượng và những chú voi có thể sắp biến mất ở Việt Nam," Nhân tâm sự.
"Vậy mọi người sẽ chọn gì? Cưỡi một con voi trong năm phút với giá 200.000VND để chụp vài tấm hình trên Instagram, hay lần theo dấu chân voi trong rừng để biết thêm về loài động vật trên cạn lớn nhất châu Á và vai trò của chúng trong đời sống văn hóa của người dân Đắk Lắk?"
Cùng Saigoneer xem Tháo Bành Cho Voi qua video dưới đây: