Với mong muốn có một em thú cưng để tìm niềm vui trong những ngày giãn cách, Khánh*, 25 tuổi, Hà Nội, đã tìm mua một chú rùa con qua các nhóm trên Facebook. Với mức đầu tư khoảng hơn một triệu đồng, Khánh đã tậu được một bé rùa tai đỏ cùng một “ngôi nhà” đầy đủ tiện nghi như hồ bơi, đèn sưởi, máy lọc, đảo nổi. Chú rùa tai đỏ của Khánh có kích cỡ trung bình, và được người chủ đặt tên là Bin Bin.
“Nuôi rùa không tốn công sức để chăm sóc, cũng không cần diện tích quá lớn, cũng không đắt đỏ như một số loại thú cưng khác. Mình không có nhiều ngân sách nên với số tiền như vậy mà có một bé ninja bầu bạn trong đợt giãn cách thì cũng rất vui rồi,” Khánh nói về lý do đón Bin Bin về nhà.
Trên thực tế, vì những lý do tương tự, nhiều bạn trẻ khác cũng đã tìm tới các nhóm mua bán rùa trên mạng xã hội để tậu cho mình một em rùa cưng. Qua lời giới thiệu của Khánh, tôi đã tham gia vào một hội “đam mê rùa” với thành viên lên tới khoảng 5.200 thành viên. Trong thời gian tháng 7 tới cuối tháng 9 vừa qua, số lượng tin hỏi mua của người mới tập nuôi và những lời chào bán bắt đúng tâm lý khách hàng như “xả stress, giải sầu mùa dịch” xuất hiện nhan nhản. Hầu hết các loại rùa được rao bán là những cá thể rùa cạn và nước ngọt còn non, đa dạng về chủng loại từ ngoại lai tới những giống đặc hữu.
Ngoài những những giống rùa phổ thông có mức giá dễ chịu từ 50.000 đến 100.000VNĐ/con, các cá thể hiếm, ngoại hình bắt mắt cũng xuất hiện thường xuyên trong các tin nhắn quảng cáo. Trong đó, có nhiều loài rùa đã được phân loại động vật hoang dã sắp nguy cấp, nguy cấp, cần được bảo tồn như rùa ba gờ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen, v.v.
Theo chị Nguyễn Thu Thủy, đại diện đến từ Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến “Khi động vật hoang dã làm thú cưng,” các cơ quan quản lý đã ghi nhận khoảng 1,912 cá thể của 15 loài khác nhau bị rao bán trên Internet trong 12 tháng qua. Năm 2020, rùa đã rơi vào danh sách các loài hoang dã bị buôn bán nhiều nhất; số lượng cá thể được giải cứu lên tới 377 trên tổng số 1132 động vật hoang đã được giải cứu tại Việt Nam.
Đam mê trong sáng, mua bán trong tối
Trên hình thức, các diễn đàn mua bán này hoạt động dưới danh nghĩa chia sẻ kinh nghiệm nuôi và kiến thức về rùa cảnh nhưng hầu như không có hoặc có rất ít các bài viết tập trung về đặc tính, môi trường sống và các yêu cầu chăm sóc rùa cảnh. Công cuộc tìm kiếm thông tin và hình ảnh trên những diễn đàn này không đơn giản như tôi nghĩ vì các tin liên quan đến mua bán đều được ký hiệu hóa và đan xen với tiếng lóng. Khánh cho biết: “Hồi đầu do không biết có những quy định này nên các bài viết ban đầu của mình bị xóa hết.”
Để tránh chính sách kiểm duyệt của Facebook và sự kiểm soát của cơ quan chức năng, các thành viên trong những nhóm này tuyệt đối không dùng những từ khóa như: mua, bán, giá, thanh lý, giao lưu, v.v. Thay vào đó, người viết cần thêm vào những dấu “.” giữa các chữ cái như "m.u.a b.á.n;" dùng ký hiệu bông lúa thay cho “tiền,” hoặc viết tắt xen kẽ tiếng Anh: "3g" cho rùa ba gờ, "núi gold" cho núi vàng.
Các chủ shop buôn bán loài quý hiếm cũng có các hình thức quảng cáo "lách luật" như chỉ đăng hình trong phần comment, để danh thiếp trong phần nền thay vì ghi ra thông tin liên lạc, hay hạn chế số lượng rùa trong mỗi bức hình để giảm bớt tính thương mại.
Khổ thú cưng, bệnh người nuôi, nguy hại cho sinh thái
Khánh chia sẻ dù đầu tư mạnh tay cho Bin Bin theo tư vấn của chủ shop, nhưng cậu bạn không có nhiều kiến thức về giống rùa này: “Một phần vì muốn đón thú cưng về nhà sớm, phần vì giá cả cũng phải chăng trong ngân sách, nên mình cũng không hỏi gì nhiều về nguồn gốc.” Khánh không hề biết rằng Bin Bin là một giống rùa ngoại lai. Chú rùa này rất dễ nuôi do thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, nhưng lại mang nhiều mối nguy hại đối với hệ sinh thái trong nước.
Theo chị Thu Thủy, rùa tai đỏ và các loài rùa ngoại lai khác (nếu phát triển ở môi trường tự nhiên với số lượng lớn) sẽ tranh giành thức ăn, đồng thời làm lây lan dịch bệnh từ bên ngoài cho dân số rùa bản địa.
Chị Thu Thủy chia sẻ thêm rằng dù có hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19, số lượng ca cứu hộ rùa vẫn rất cao. Nhiều người nuôi không có kiến thức về môi trường sống, chăm sóc, và cứu chữa rùa, nên phần lớn các cá thể được giải cứu ở trong tình trạng nguy kịch: gãy chân, cụt đuôi, vỡ mai, nhiễm nấm nặng, có mai bị đục lỗ, v.v. “Rùa có quy trình trao đổi chất chậm, nên quá trình phục hồi cũng chậm tương đương. Một cá thể rùa có thể mất đến nhiều tháng hoặc năm để bình phục hoàn toàn.”
Ngoài những tác động tới giống loài và hệ sinh thái, trào lưu “đẳng cấp” này còn kéo theo những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe; trong đó phải có khả năng lây nhiễm vi khuẩn Salmonella xuất hiện phổ biến ở loài bò sát. Qua đường tiếp xúc như cầm, nắm, ôm ấp, chủ nuôi khi nhiễm loại vi khuẩn này có thể bị tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, thương hàn, hoặc thậm chí tử vong, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Sau một hồi trao đổi với tôi qua cuộc gọi video, Khánh nhìn vào chuồng của Bin Bin một hồi, rồi quay sang nói với tôi, giọng có vẻ suy tư: "Tự nhiên thấy cũng lo. Sau này mình không thể thả nó về tự nhiên vì nó là giống ngoại lai ăn tạp. Các trung tâm cứu trợ cũng chẳng nhận nuôi nó. Chắc mình cứ chăm Bin Bin vậy thôi."
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Rùa Cúc Phương là đơn vị cứu hộ, chăm sóc và thả về tự nhiên các thể rùa cạn và nước ngọt được thu giữ từ các vụ buôn bán bất hợp pháp. Để cung cấp hoặc tìm hiểu thêm thông tin về công tác bảo tồn rùa, ghé thăm trang Facebook của trung tâm tại đây.