Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Giải mã thú sưu tầm Gunpla, rô-bốt gắn liền với thế giới anime tuổi thơ

Xuất hiện ở Việt Nam đã lâu và dần chinh phục người chơi bởi sự cầu kì, tinh xảo của mình, Gunpla hiện là một thú vui được nhiều người đam mê, sưu tầm mô hình theo đuổi.

Thú vui cầu kì từ những mảnh ghép

Xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/1980 sau khi bộ anime Kido Senshi Gandamu (Chiến sĩ động cơ Gundam) được phát sóng, Gunpla (tiếng Nhật: ガンプラ) là viết tắt của cụm từ "Gundam plastic model," hay còn được hiểu là mô hình nhựa Gundam với thiết kế tái hiện lại các chiến hạm, rô-bốt xuất hiện trong bộ anime gốc. Khác với những dòng mô hình được nhà sản xuất hoàn thiện sẵn, Gunpla thường được yêu thích vì thử thách người chơi tự mình lắp ráp để tạo nên.

Sau hơn bốn thập kỷ trôi qua, cơn sốt Gunpla vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tính đến năm 2020, đã có hơn 500 triệu mô hình Gunpla được bán ra toàn cầu. Công ty chủ quản thương hiệu Gundam, Bandai Namco, vẫn không ngừng nâng cấp và ra mắt các mẫu mô hình mới, đôi khi là các phiên bản giới hạn, khiến sản phẩm này luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Bộ anime Kido Senshi Gandamu là nền móng cho văn hoá Gunpla cũng như các rô-bốt anime khác tại Nhật Bản. Nguồn ảnh: IMDB.

Một bộ mô hình Gunpla có vỏ ngoài được làm bằng giấy với bìa in hình mẫu cũng như các thông tin về sản phẩm. Bên trong hộp sẽ gồm các vỉ nhựa (runner) chứa các mảnh nhỏ (part) nhiều hình dáng được nối liền bởi các mấu (gate) cùng một quyển sách hướng dẫn lắp ráp. Nhiệm vụ của người chơi là tách các mảnh ghép và lắp chúng lại để tạo nên một Gunpla hoàn chỉnh.

Gunpla có rất nhiều cấp độ, tương ứng với độ chi tiết, số lượng vỉ, mảnh ghép cũng như mức khó nhằn. Cấp độ High Grade (HG) được xem là cấp độ tiêu chuẩn với số lượng mẫu mã phong phú. Một mô hình High Grade sau khi hoàn thiện sẽ cao khoảng 12–13cm, đạt tỉ lệ 1/144 so với chiều cao thực của Gundam trong anime. Chúng ta còn có Super Deformed (SD) với độ khó thấp, thường cao khoảng 8–10cm, được thiết kế phần đầu lớn, cơ thể, tay chân lại ngắn. Ngoài ra, Bandai còn sản xuất nhiều dòng Gunpla phụ khác như First Grade (FG), Real Grade (RG), Master Grade (MG), v.v. với những tỉ lệ và độ khó khác nhau nhằm mang lại trải nghiệm đa dạng cho dân sưu tầm.

Bandai còn sản xuất nhiều dòng Gunpla với những tỉ lệ và độ khó khác nhau nhằm mang lại trải nghiệm đa dạng cho dân sưu tầm.

 Đa độ tuổi, đa quốc gia

Từ cuối thập nhiên 90 đến đầu những năm 2000, trào lưu sưu tầm Gunpla bắt đầu cắm rễ ở Việt Nam nhờ vào sự đổ bộ của làn sóng anime Nhật Bản. Đến khoảng năm 2008, các sản phẩm Gunpla chính thức được phân phối tại Việt Nam, thúc đẩy sự xuất hiện của một số hội nhóm sưu tầm. Tuy nhiên, vì số lượng mẫu mã còn hạn chế cùng giá thành cao nên các hội nhóm vẫn mang tính cục bộ. Đến 2012, khi kinh tế đã phát triển, Gunpla mới trở thành một thú vui được biết đến rộng rãi và cộng đồng sưu tầm tại Việt Nam mới thực sự lớn mạnh.

Với nhiều người chơi Gunpla ở Việt Nam, cũng như trên thế giới, thú vui này gắn với kí ức tuổi thơ về bộ anime Kido Senshi Gandamu. Anh Trịnh Hoàng Thịnh, một nhà sưu tập Gunpla nổi tiếng ở Sài Thành chia sẻ: "Đối với trẻ nhỏ, Gunpla đôi khi chỉ là một món đồ chơi, nhưng với người lớn, nó còn là thú chơi để hoài niệm, thư giãn."

Mẫu mô hình Damashii Unicorn Gundam Perfectibility Divine.

Chính anh Thịnh, người đàn ông 30 tuổi đã có cho mình một gia đình nhỏ vẫn không ngừng đam mê loại hình này. Theo anh, "Gunpla chẳng giới hạn trong độ tuổi nào cả." Thông thường, anh dành từ một ngày đến một tuần để lắp rắp những mẫu Gunpla mà bản thân mới tậu về. "Cái hay nhất của việc chơi Gunpla chính là quá trình cặm cụi mày mò để rồi cảm thấy thỏa mãn khi sản phẩm được hoàn thành," anh Thịnh bày tỏ.

Đến nay, anh Thịnh đã sở hữu cho mình một bộ sưu tầm với hơn 300 mẫu Gunpla khác nhau, trong đó có cả mẫu PG Phenex Gundam Mastermind vốn chỉ được sản xuất giới hạn 20 bản trên thế giới, hiện tại được bán với giá hơn 200 triệu VND. 

Mẫu mô hình Gunpla PG Phenex Gundam Mastermind trị giá hơn 200 triệu VND mà anh Thịnh may mắn sở hữu.

Anh Tô Vĩnh Nghi, chủ shop Figure Mecha Shop chuyên phân phối Gunpla tại Việt Nam, cũng đồng tình: “Bên cạnh vẻ ngoài bắt mắt và giá thành đa dạng, niềm vui thích mà người chơi cảm nhận được khi lắp ráp và sáng tạo những mô hình rô-bốt chất lượng của riêng mình là điểm mạnh lớn giúp Gunpla được yêu thích và nổi tiếng đến vậy.”

Anh chia sẻ, trong từng giai đoạn phát triển của mình, chất lượng Gunpla dần được cải thiện hơn với sự tỉ mỉ, chi tiết trong mỗi mảnh ghép. Nếu như những dòng đầu tiên có độ chi tiết rất thấp, từng bộ phận của rô-bốt chỉ là một khối mô hình phải dùng keo dán để lắp ráp thì giờ đây độ linh hoạt đã được nâng cấp nhờ bổ sung thêm khớp di chuyển. Có những sản phẩm còn đi kèm khung xương bên trong để giúp Gunpla hoạt động sinh động, linh hoạt hơn, đến mức từng ngón tay cũng có thể chuyển động theo ý thích người chơi.

Không những vậy, dù mỗi bộ Gunpla đều được đính kèm hướng dẫn lắp ráp, nhưng chưa bao giờ loại hình này bắt buộc người chơi phải tiến hành theo một quy trình nhất định nào. Vì vậy, mỗi nhà sưu tầm đều có thể tự do mày mò, sáng tạo để tạo nên những mô hình mang theo chất riêng của mình. Tùy vào mỗi cấp độ mà độ khó Gunpla sẽ thay đổi, một số bộ phải lắp ráp tận 1000 mảnh ghép khác nhau. “Cảm giác thách thức khi lắp ráp gây nghiện cho người chơi, khiến họ tiếp tục muốn thử thách bản thân trong những mẫu Gunpla khác,” anh Nghi nói.

Mẫu mô hình MG Wing Gundam Zero Ew Ver. Ka.

Cộng đồng lớn mạnh tại Việt Nam

Anh Nghi chia sẻ, Gunpla thông thường có giá giao động từ 200,000 đến 3 triệu VND tùy loại. Tại Việt Nam, Gunpla rất được lòng những người sưu tầm và là dòng mô hình có lượng tiêu thụ cao tại shop của anh.

Theo anh, vì người chơi Gunpla tại Việt Nam rất đa dạng, có những bé chỉ mới 5 tuổi đang mày mò những mẫu đơn giản, và cũng có những người trưởng thành với thu nhập ổn định, biết lắp ghép "cao tay" hơn, nên thị trường cần đáp ứng bằng nhiều mẫu mã, cấp độ. Bên cạnh Figure Mecha Shop của anh thị trường Gunpla Việt Nam vẫn khá sôi động nhờ các cái tên uy tín khác như Titan Gunpla shop, DB Hobby Store, Titan Hobby Store, v.v.

Gundam/Gunpla là niềm vui kết nối nhiều thế hệ.

Có một điều thú vị rằng khi được hỏi về kỉ niệm gắn liền với quá trình sưu tầm của bản thân, điều anh Thịnh nhắc đến đầu tiên là các sự kiện sinh hoạt trong cộng đồng Gunpla Việt Nam. Tại Việt Nam, cộng đồng Gunpla đang ngày càng đông và lớn mạnh. “Thông thường, mọi người sẽ chia nhóm theo từng khu vực, tỉnh, thành phố khác nhau để giao lưu sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm. Thế nhưng, trên nền tảng mạng xã hội, các hội nhóm trực tuyến cũng rất đông và hoạt động tích cực”, anh Thịnh bày tỏ.

Anh Thịnh và anh Nghi, với vai trò như đầu tàu của cộng đồng sưu tầm Gunpla tại phía Nam, thường xuyên kết hợp cùng nhiều người bạn để tổ chức các sự kiện, cuộc thi liên quan đến thú vui này. Từ những buổi offline giao lưu, chia sẻ tặng quà đến vô số cuộc thi đấu định kì. Mùa dịch vừa qua cuộc thi ảnh Titan Hobby Competition cũng đã diễn ra để người chơi so đấu mẫu Gundam cũng như tài dựng cảnh với nhau.

Ảnh của một thí sinh hưởng ứng cuộc thi Titan Hobby Competition của cộng đồng Gundam phía Nam.

“Những năm gần đây, nhờ sự xuất hiện của các đơn vị phân phối Gunpla cũng như các sự kiện liên quan đến dòng mô hình này, số lượng người chơi Gunpla tại Việt Nam ngày một tăng nhanh chóng,” anh Thịnh nhận xét. Với khả năng của mình, anh Thịnh cũng như anh Nghi mong muốn có thể tạo nên nhiều sân chơi giúp cho cộng đồng yêu thích Gunpla tại Việt Nam ngày một đông đảo, và có thêm cơ hội để trao đổi, chia sẻ kiến thức cũng như đam mê những chú rô-bốt này cùng nhau.

Một buổi gặp mặt của các hội viên nơi mọi người cùng nhau lắp ráp các mô hình.

[Ảnh trong bài viết do nhân vật cung cấp]

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

Linh Phạm

in Văn Hóa

Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Điều gì tạo nên danh tính văn hóa của một quốc gia?

in Văn Hóa

Chuyện đời cụ Huỳnh Văn Ba, cha đẻ của đèn lồng gấp gọn Hội An

Ở tuổi 90, cụ ông tóc đã bạc phơ, thế mà khi nói về những chiếc đèn lồng, giọng vẫn hào sảng và mắt sáng rực hy vọng. Nhờ công thức đèn lồng gấp gọn của cụ Huỳnh Văn Ba, món đồ thủ công mang đậm hơi t...

in Văn Hóa

Dấu ấn trăm năm của nghề làm quạt truyền thống làng Chàng Sơn

Một ngày hè, tôi ra vùng ngoại thành Hà Nội về với huyện Thạch Thất. Con đường làng hai bên là cánh đồng lúa đang độ xanh đưa tôi đến làng Chàng Sơn.