Tục thờ Cá Ông ban đầu là niềm tin của ngư dân để chịu đựng gian khổ lúc mưu sinh trên biển, dần dần theo dòng chảy văn hóa, trở thành tín ngưỡng quan trọng của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Phan Thiết nói riêng. Hàng trăm năm qua, tục lệ này đã cất lên khát vọng chính đáng của người dân, cũng là một cách ứng xử đầy nhân văn, thể hiện thái độ sống hòa thuận tôn trọng tự nhiên của người miền biển.
Những câu chuyện về nguồn gốc tín ngưỡng thờ cá Ông
Tục thờ cá Ông (cách gọi tôn kính của cá voi) là một thực hành tín ngưỡng phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân miền biển khu vực từ Đèo Ngang trở vào miền Nam. Có nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc của niềm tin dân gian này.
Truyện cổ của người Chăm kể rằng, chàng Eh Wa xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở làng La Dak. Muốn giúp dân, cứu nước, Eh Wa vượt nghìn trùng sang xứ Ả Rập. Anh đến học hỏi tri thức từ thầy phép. Trong quá trình khổ luyện, Eh Wa bày tỏ mong muốn được trở về quê hương nhưng không được cho phép. Chàng lẻn trộm tấm ván của thầy để làm bè vượt đại dương. Khi phát hiện, thầy tức giận và nguyền rằng anh sẽ gặp nạn và bị sóng chôn vùi. Tức khắc, trời nổi cơn thịnh nộ, cuồng phong và sóng dữ đã đập nát bè của Eh Wa, chàng bị cá mập nuốt sống. Linh hồn Eh Wa nhập vào cá voi và trở thành thần sóng Po Riyak cứu vớt những ngư dân gặp nạn trên biển. Người dân vì nhớ ơn thần mà lập đền thờ và cúng kiến hàng năm.
Các thuyền ra cửa biển rước lệnh Ông Sanh về dinh an vị.
Bên cạnh những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn nói về vai trò của cá Ông: “Cá Voi được gọi là Đức Ngư, tánh từ thiện hay cứu giúp người đi qua biển do mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên cho là Nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức gọi là Đức Ngư.”
Dân gian còn gọi cá voi bằng nhiều danh xưng thành kính khác như Ông Nam Hải, Ông Lớn, Ông Chuông, Ông Cậu, Ông Khơi, v.v. Người dân tin cá Ông là loài vật thiêng phù trợ họ trong đời sống. Công việc mưu sinh ngoài biển nhiều hiểm nguy đe dọa, niềm tin này tiếp thêm sức mạnh tinh thần để ngư dân đối mặt gian nan hàng ngày và dần hằn sâu trong tâm thức cộng đồng, trở thành tín ngưỡng dân gian. Từ niềm tin sâu sắc ấy, ngư dân lập lăng miếu thờ phụng, thực hiện các nghi thức cúng tế trang trọng, hàng năm tổ chức lễ cầu ngư, cũng như tổ chức đám tang chu đáo cho cá Ông lụy bờ (cách dân gian bày tỏ lòng tôn kính với xác cá voi mắc cạn).
Đoàn thuyền làm lễ tập trung trước cảng cá Cồn Chà, Bình Thuận.
Đặc sắc lễ cầu ngư ở các vạn chài Phan Thiết
Cũng như các vùng biển khác, ngư dân Phan Thiết (Bình Thuận) vẫn duy trì các thực hành tín ngưỡng thờ cúng cá Ông hàng trăm năm qua. Lễ cầu ngư các vạn chài (tên để chỉ loại hình kiến trúc thờ cúng thủy thần) ở Phan Thiết bao gồm phần lễ và hội với nhiều nghi thức đặc sắc, là dịp để người dân gửi gắm khát vọng mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Vào sáng buổi lễ đã được ấn định, nhịp sống đôi bờ sông Cà Ty có vẻ diễn ra khẩn trương hơn. Cảng cá Cồn Chà được đánh thức trước bình minh bởi âm thanh ghe tàu cập bến, người mua kẻ bán tấp nập. Bến thuyền hôm đó rực rỡ hơn mọi khi. Đoàn thuyền làm lễ được trang trí cờ lọng đầy màu sắc bay phấp phới trong gió.
Khi những tia nắng đầu tiên phả xuống hắt nhẹ lên các mạn thuyền, đoàn khởi hành ra cửa biển làm lễ rước lệnh Ông Sanh và các vị thủy thần về dinh an vị. Những mũi thuyền nhọn hoắt, uy nghiêm, cưỡi sóng băng băng. Đến Hòn Lao, các bậc cao niên thực hiện nghi thức đọc văn tế và rước Ông về. Sau đó, đoàn thuyền trở về, diễu hành dọc những tuyến đường bên sông Cà Ty, qua cầu Dục Thanh, cuối cùng về đến Dinh Vạn Thuỷ Tú.
Đoàn lễ đi qua các tuyến phố chính dọc sông Cà Ty.
Đoàn người trong trang phục đầy màu sắc kéo dài hơn cả cây số.
Đoàn rước kiệu đi đến đâu, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát bả trạo âm vang đến đó. Hát bả trạo là một hình thức diễn xướng dân gian phổ biến trong lễ cầu ngư hay đám tang cá Ông. “Bả” nghĩa là nắm chắc, "trạo" là mái chèo. Lời hát nói lên mong muốn mưa thuận gió hòa, khát vọng vững chãi trước mọi nguy hiểm của cuộc mưu sinh trên biển.
“Những người nghĩa khí tài ba
Gặp cơn nước loạn đến ra liều mình
Những người thuyền bá linh đinh
Gặp cơn sóng gió hải kình rước thây”
Đoàn chèo bả trạo gồm 3 ông tổng và 12 con trạo. Màn hát được điều khiển bởi các ông tổng gồm: tổng mũi, người đứng mũi thuyền đảm nhận vai trò hát chính; tổng khoang (hay tổng thương, tổng khậu), người lo việc hậu cần trên thuyền khi ra biển, trên tay có cần câu và gàu tát nước; tổng lái, người đứng sau cầm chèo như con trạo. Các con trạo tay cầm chèo, chia thành hai hàng thực hiện các động tác múa tái hiện cảnh sinh hoạt của ngư dân biển như chèo thuyền, kéo lưới; vừa đi vừa hát xô, hò theo lời của các ông tổng.
Người dân phường Đức Thắng, Phan Thiết khi thấy đoàn nghinh Ông đi ngang qua.
Đoàn hát bả trạo gồm 3 ông tổng đứng giữa và 12 con trạo chia thành 2 hàng.
Tổng mũi (người đứng mũi thuyền) trong đoàn chèo bả trạo.
Các nghi thức cúng khi về đến dinh.
Sau nghi thức chính cung nghinh thần Nam Hải diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày kế tiếp diễn ra lễ tế các vị thần khác cùng các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian.
Tiếp sau nghi thức rước Ông về dinh là lễ cúng cáo yết và mổ heo, dâng trầu, dâng rượu, đọc sắc phong, bài tế, hát múa bả trạo hầu Ông. Một quy tắc được quy định trong cộng đồng là vật phẩm dâng cúng không có hải sản. Ngoài phần nghi thức lễ, lễ cầu ngư cũng là dịp hội làng để người dân trong vùng tề tựu, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, thưởng thức nghệ thuật dân gian.
Biểu diễn hát bội trong phần hội của lễ cầu ngư.
Dinh Vạn Thủy Tú và những lớp trầm tích thời gian về tín ngưỡng thờ cá Ông
Cùng với lễ cầu ngư, các lăng miếu thờ cũng là “bảo tàng” chứa đựng những tầng lớp ký ức về văn hóa miền duyên hải.
Mặt trước dinh Vạn Thủy Tú.
Vạn Thủy Tú, tọa lạc tại làng biển Đức Thắng, là một trong những vạn cổ xưa nhất của Bình Thuận. Kể về lịch sử vạn, cụ Nguyễn Giác (trưởng vạn Thủy Tú) nói: “Dinh Vạn Thủy Tú được khai lập bởi ngư dân vào năm 1762 để thờ thần Nam Hải. Khi đó, cửa dinh nằm sát bờ biển. Ngày nay, bờ biển đã ra xa hơn 100m.” Bên cạnh thờ thần Nam Hải, dinh Vạn Thủy Tú cũng thờ thủy tổ ngư nghiệp, cũng là thủy tổ chung của các làng chài Bình Thuận.
Điện thờ thần Nam Hải và các vị thủy tổ nghề biển. Cụ Nguyễn Giác (trái - trưởng vạn) và các bậc cao niên thực hiện các nghi thức cúng tế.
Mặt chính của dinh quay về hướng Đông. Không gian bên trong có chính điện, điện thờ tiền hiền, vỏ ca (gian trước) bố trí theo hình chữ Tam. Trong khuôn viên dinh Vạn Thủy Tú là Ngọc lân Thánh địa, nơi cá Ông được chôn cất. Bên cạnh giá trị kiến trúc và tâm linh, Dinh Vạn Thủy Tú còn lưu giữ những di sản quý giá có ý nghĩa về mặt sinh học, lịch sử. Có hơn 100 bộ xương cá Ông thuộc nhiều giai đoạn, kích thước khác nhau đang được bảo quản và thờ cúng tại lăng, trong đó có bộ xương cá Ông dài 22m được đánh giá là bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á.
Hơn 100 bộ xương cá voi thuộc các niên đại khác nhau được giữ gìn và thờ tự tại dinh.
Đặc biệt, Vạn Thủy Tú đang lưu giữ các di sản Hán - Nôm quý giá, 24 sắc phong do các vua Nguyễn Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định phong tặng các vị thần Nam Hải đại vương, riêng đời vua Thiệu Trị (1841-1847) có đến 10 sắc phong dành cho Ông Nam Hải. Đây là số lượng sắc phong hiếm có so với các di tích khác.
Tương truyền, các vua triều Nguyễn dành sự tôn kính đặc biệt vì nhiều lần được cá Ông cứu mạng. Chuyện kể rằng, trong một lần trốn chạy khỏi sự truy bắt của nghĩa quân Tây Sơn, thuyền của Nguyễn Ánh gặp nạn. Trong cơn bão tố, gió dập sóng vùi, Nguyễn Ánh đã được cá voi cứu về đất liền. Sau này, khi lên ngôi lấy hiệu là Gia Long, để tỏ lòng biết ơn cá voi đã cứu mạng, vua đã sắc phong cá voi là Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thượng đẳng thần.
Về sau, triều Nguyễn sắc phong cá Ông là Đại Càng quốc gia Nam Hải. Việc mai táng cá voi dưới thời phong kiến cũng được quy định khá chặt chẽ. Theo Thạch Phương và Lê Trung Vũ trong 60 lễ hội truyền thống Việt Nam,“trước năm 1945, chính quyền phong kiến quy định làng nào bắt gặp cá Ông chết thì xã trưởng phải trình lên phủ, huyện để quan cho người về khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ 7 vòng và cho khâm liệm, cấp đất xây lăng cùng ruộng hương hoả, thờ cúng cá ông...”
Sắc phong của các vị vua triều Nguyễn tại dinh Vạn Thủy Tú.
Bộ xương cá Ông dài 22m được phục dựng và trưng bày tại dinh Vạn Thủy Tú.
Bên cạnh không gian thờ tự, dinh Vạn Thủy Tú đang trưng bày bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á. Các bậc cao niên cho hay, vào thế kỷ 18, một cá Ông to lớn lụy bờ ngay trước vạn. Cá Ông dài đến 22m và nặng 65 tấn. Trưởng vạn đã huy động người dân chung sức đưa Ông vào, tổ chức an táng chu đáo với các nghi thức vô cùng trang nghiêm. Sau 3 năm, khi xác Ông đã phân hủy, cốt được mang vào dinh thờ. Bộ xương sau đó được phục chế, lắp ráp nguyên trạng và được trưng bày tại dinh.
Theo tài liệu của Phòng văn hóa thông tin Phan Thiết, đây là loài cá voi lưng xám, tên khoa học là Balaenoptera physalus, có 63 đốt xương, trong đó bao gồm 7 đốt cổ, 15 đốt lưng, 14–16 đốt thắt lưng, 25–27 đốt đuôi, 15 đôi xương sườn và 2 xương chi. Xương đầu rộng 2,4m. Xương hàm trên (tính từ hộp sọ) dài 3,1m nhìn từ trên xuống có dạng hình chữ V. Không chỉ có giá trị về mặt tâm linh, bộ xương là hiện vật quý có giá trị sinh học to lớn.