Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – tuyệt tác thiên nhiên hay di sản dân gian miền núi cao?

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – tuyệt tác thiên nhiên hay di sản dân gian miền núi cao?

Ai từng choáng ngợp trước vẻ đẹp của tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), hẳn cũng sẽ hơn một lần đặt câu hỏi: Những kiệt tác này đã được tạo nên như thế nào nơi rẻo cao?

“Thứ nhất Su Phì, thứ nhì Bắc Mê.” Người ta vẫn hay ví như thế về sự xa xôi, cách trở của những vùng đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Đường ở Hoàng Su Phì, nhìn xa như sợi chỉ mỏng manh vắt vẻo, cheo leo trên những vách núi, lấp ló trong mây mù và sương sớm.

Bon bon trên những con đường ấy, nhịp độ xóc nảy có thể đếm theo từng giây. Mặt đường sỏi đá, gồ ghề theo sự bào mòn của thời tiết, nhiều đoạn hỏng hóc và sạt lở. Dừng chân phóng tầm mắt ra xa, những nếp nhà cheo leo nơi sườn đồi, ẩn hiện trong màu xanh bạt ngàn.

Những gì hiện ra trước mắt dường như ở hai thái cực: trữ tình tựa một bài thơ nhưng cũng thật dữ dội, thỉnh thoảng lại kích hoạt một nỗi sợ đến choáng ngợp.

Ruộng bậc thang ở xã Nậm Khòa, Hoàng Su Phì.

Tại Việt Nam, ruộng bậc thang là hình thức canh tác phổ biến ở các vùng núi cao. Tuy nhiên, xét về diện tích và mật độ phân bố, ruộng bậc thang ở Tây Nguyên hay Trung du Bắc Bộ không đáng kể so với miền núi phía Bắc. Riêng khu vực miền núi phía Bắc, ruộng bậc thang tại các khu vực Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) và Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vì những giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa. 

Trong đó, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là đa dạng hơn cả xét về quy mô, địa hình, bình địa,... Địa hình Hoàng Su Phì chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều con suối. Dẫu vậy, những thửa ruộng bậc thang vẫn trải dài từ thung lũng lên đến đỉnh núi, phủ xanh khắp triền đồi và cho về bao mùa vàng bội thu. Như một bức tranh, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì làm mê mẩn bao lữ khách dừng chân tại mảnh đất này.

Ruộng bậc thang Bản Luốc ẩn hiện trong mây.

Với cộng đồng người bản địa, ruộng bậc thang là tập quán canh tác lâu đời được tích lũy qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn mang sức sống bền bỉ. Những thửa ruộng đầu tiên ở Hoàng Su Phì được hình thành 200-300 năm trước, song song với quá trình di thực của người Dao, La Chí, Phù Lá, Tày, Nùng, Mông, Pu Péo,.…

Khi bắt đầu định cư ở vùng núi Tây Hà Giang, các cộng đồng cư dân đã tiến hành khai khẩn đất hoang trồng trọt và sản xuất lương thực. Địa hình đồi núi với đất đai khô cằn sỏi, thiếu nước tươi tưới gây không ít khó khăn cho người làm nông. Vì thế, họ sáng tạo nên phương thức làm ruộng men theo sườn núi, vừa là nơi trồng cây lương thực, vừa giúp hạn chế sức mạnh dòng chảy của nước mưa, tránh xói mòn đất.

Trải qua hàng trăm năm, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mở rộng cùng với quá trình phát triển cộng đồng dân cư nơi đây. Đôi bàn tay người dân Hoàng Su Phì hàng chục thế hệ đã không ngừng bồi đắp, tôn tạo nơi canh tác nông nghiệp.Đến ngày nay, ruộng bậc thang đã phủ diện tích 3.720 ha tại huyện, hiện diện tại 24/24 xã, thị trấn của huyện. 

Ruộng bậc thang được cho là có cảnh quan đẹp nhất vào mùa nước đổ và lúa chín.

Ruộng bậc thang về tổng thể có cấu trúc từng thửa ruộng xếp theo bậc từ thấp lên cao men theo những sườn đồi. Khoảng cách giữa hai bậc thang liền kề là khoảng 1m - 1.5m. Tùy vào địa hình, thế đất mà ruộng bậc thang có hình dáng, diện tích mặt ruộng, chiều cao bờ ruộng dài, ngắn khác nhau.

Có nơi, ruộng bậc thang trải dài từ khe suối lên tận đỉnh đồi thẳng đều tăm tắp, nhưng cũng có nơi, ruộng bậc thang chênh vênh ngang sườn núi hay lọt thỏm dưới thung lũng. Trên mỗi ruộng, hệ thống tưới tiêu hoàn toàn thủ công nhưng cực kỳ khoa học được người dân chế tạo để dẫn nước từ suối vào ruộng. Sự khéo léo và trí tuệ được thể hiện trong từng bước, từ cách chọn vùng đất, thời điểm canh tác, cho đến kỹ thuật đắp bờ, tưới tiêu. Từ lúc khai ruộng cho đến khi thóc về kho kéo dài gần cả năm.

Bờ ruộng xếp từ thấp lên cao. Mỗi mặt ruộng cách nhau khoảng 1m-1.5m.

Vào mùa nước đổ năm nay, dừng chân ở xã Thông Nguyên, tôi gặp gia đình anh Triệu Chòi (người Dao Đỏ, tại xã Nậm Hồng, Thông Nguyên, Hoàng Su Phì). Anh Chòi kể, quy trình làm ruộng bậc thang của người dân trong vùng thông thường trải qua các bước phát quang, sau đó cuốc bờ, đắp bờ, cấy lúa.

Việc phát quang, khai ruộng thường diễn ra vào mùa xuân sau khi ăn Tết xong. Tháng 4, tháng 5, họ tiến hành cuốc bờ, đắp bờ. Ở bước này, họ dùng xẻng kéo từ trên xuống hoặc từ dưới lên. Cuốc bờ ruộng xong, đàn ông sẽ đưa trâu đi cày cho đất tơi đều ra, sau 5 ngày, lại dùng một chiếc cuốc to cán gỗ dài đắp đất cao lên làm bờ ruộng, hết từ thửa này sang thửa khác trước khi tháo nước vào ruộng vào đầu tháng 6. Nước từ suối chảy qua hệ thống tưới tiêu để vào ruộng, san bằng tất cả mặt ruộng.

Lúc này, ruộng bậc thang như những mặt gương khổng lồ in bóng mây trời đẹp lộng lẫy. Đó cũng là mùa cấy. Những cây mạ non bám rễ xuống lòng đất bắt đầu hành trình vươn mình lớn lên. Trước ngày cấy một hôm, mạ được nhổ tại nơi gieo tập trung, buộc thành từng bó. Các gia đình chia nhau cấy cho đến khi phủ xanh tất cả các ruộng.

Nước đổ từ ruộng cao xuống ruộng thấp thông qua hệ thống tưới nước thủ công.

Bên cạnh những nét chung, kinh nghiệm canh tác và tập quán sản xuất trên ruộng bậc thang của mỗi cộng đồng dân tộc có những đặc trưng riêng. 

Khi làm ruộng, người Dao Đỏ chọn những vùng đất gần nguồn nước nhằm thuận lợi tưới tiêu. Vì thế, ruộng của họ thường xa nhà. Đặc biệt, họ giữ những khoảng rừng ở giữa ruộng nhằm giữ nước, chống xói mòn.

Trong khi đó, với lối sống tập trung, người La Chí chọn những mảnh đất xung quanh nhà để làm ruộng. Khi canh tác, họ bóc lấy lớp đất bề mặt, rồi làm sạch đất nền, đắp bờ. Bờ phải được đắp thật chặt, những chỗ dễ xói mòn còn được kè đá để giữ đất, hạn chế tình trạng bạc màu. Cuối cùng, họ lấy lớp đất bề mặt lúc đầu rải đều mặt ruộng, tháo nước và cấy ngay.

Người Nùng cũng chọn vùng đất gần nguồn nước giống người Dao đỏ. Khi khai ruộng, người Nùng san bằng mặt ruộng thấp xuống, chừa chừng 20cm đất làm bờ, nhặt sạch sỏi đá dưới lòng ruộng và xả nước vào.

Người Nùng đắp bờ làm ruộng bậc thang.

Người dân xã Nậm Khòa chuẩn bị cấy lúa.

Liên quan đến tập quán canh tác nông nghiệp, cộng đồng các dân tộc ở Hoàng Su Phì có tín ngưỡng đa thần. Họ thờ các vị thần nông nghiệp vì tin rằng các vị thần này sẽ phù hộ cho họ cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc gạo đầy nhà. Tín ngưỡng được thực hành bằng nhiều tục lệ gìn giữ từ đời này sang đời khác như cúng hồn lúa, cúng thần rừng, thần đất đai, nghi lễ cầu mùa, mừng cơm mới.

Hàng năm, cộng đồng thực hiện nghi thức cúng vụ cấy trước khi cấy lúa và lễ mừng lúa mới trước khi gặt. Mỗi cộng đồng dân tộc khác nhau sẽ có các nghi thức, lễ vật khác nhau nhưng đều cho thấy nét đẹp trong đời sống tinh thần, sự tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Tết Thanh Minh, người Dao Chàm Quản Bạ xuống suối bắt cá dâng lên tổ tiên

Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng...

in Saigoneer Getaways

Về thôn Khun, tôi đắm mình giữa màu xanh của núi rừng và hang động kỳ ảo

Nằm giữa thung lũng bao quanh bởi những cánh rừng xanh, Khun là một bản nhỏ còn nguyên nét hoang sơ của tự nhiên. Từ vẻ đẹp kỳ ảo của hang Bó Mỳ tới những dòng suối mát trong, Khun là điểm đến dành ch...

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Văn Hóa

Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Điều gì tạo nên danh tính văn hóa của một quốc gia?