Nằm giữa thung lũng bao quanh bởi những cánh rừng xanh, Khun là một bản nhỏ còn nguyên nét hoang sơ của tự nhiên. Từ vẻ đẹp kỳ ảo của hang Bó Mỳ tới những dòng suối mát trong, Khun là điểm đến dành cho những ngày hè oi ả.
Khun tọa lạc tại xã Bằng Lang, cách trung tâm huyện Quang Bình 8km, cách thành phố Hà Giang khoảng 95km.
Nếu so sánh với những vùng khác ở Hà Giang, Khun không kỳ vĩ như cao nguyên đá Đồng Văn ở phía Đông, cũng chẳng cách trở như những cánh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì phía Tây. Khun chẳng xô bồ tấp nập khách du lịch, không gây choáng ngợp cho những người lần đầu đặt chân đến.
Bản nhỏ này vốn bình dị như bao làng quê khác với cánh đồng, lũy tre, những nếp nhà sàn đơn sơ. Khun hiền hòa, lặng lẽ, yên ả, tựa một cô gái ngủ say dưới tán rừng. Sự hoang sơ, bình dị ấy khiến những người yêu vẻ đẹp tự nhiên như tôi rung động mãi không thôi. Không gian nơi bản nhỏ trong phút chốc khiến tôi quên mất ý niệm thời gian, cứ thế đắm chìm trong giây phút hiện tại rồi bất chợt lại gọi tôi về quá khứ với những hoài niệm tuổi thơ với những màu sắc, âm thanh trong trẻo.
Một ngày đắm mình trong đất trời ở Khun
Tôi dành phần lớn thời gian ở Khun để dạo bộ. Tôi rảo bước trên những con đường nhỏ xíu quanh co, men theo bờ ruộng, chạy luồn qua những rặng tre, băng qua khe suối. Nhiều đoạn vẫn là đường đất. Đường trong bản nhìn từ xa cứ như sợi chỉ chợt mắc lửng lơ vào một vạt rừng xa. Tôi cố gắng bước chầm chậm để không bị trật nhịp với hơi thở của Khun, rồi dừng lại khi bất chợt âm điệu tiếng hát then, tiếng đàn tính ngân nga từ một góc nào đó trong thôn.
Giữa cánh đồng thơm mùi rơm rạ, tôi nhìn làn mây nhẹ nhàng tựa một tấm lụa lất phất vắt ngang trời rồi mờ nhòe tan vào bao la. Mặt trời cố chiếu những vệt nắng cuối cùng rồi tắt lịm phía sau rừng già. Một màn đêm tĩnh mịch, âm u phủ xuống. Tối hè ở Khun thường là thời điểm những cơn mưa giông bất chợt xuất hiện. Mưa trút xuống xối xả, cây cối ngả nghiêng. Ếch nhái kêu inh ỏi trên đồng. Những âm thanh ấy bất giác đưa tôi về những ngày tháng tuổi thơ hàng chục năm trước ở quê hương mình. Nao lòng! Nhớ quê!
Buổi sáng, Khun choàng tỉnh. Tôi được đánh thức bằng “chiếc đồng hồ” của thiên nhiên. Cứ đến giờ, chiếc đồng hồ ấy lại bật hòa thanh của tiếng gà gáy o o, tiếng vịt kêu quạc quạc, và tiếng chim ríu ra ríu rít. Tôi quên bẵng thói quen với tay lên tắt báo thức như những sáng gấp gáp nơi phố thị. Nắng ghé vào tận chỗ ngủ, chỉ cần nhướng mắt qua cửa là đã diện kiến cây vải với những quả đỏ lủng lẳng trên cành. Ôi, chỉ cần hít thở thôi cũng đủ để cảm nhận từng luồng hạnh phúc lâng lâng khắp da thịt.
“Không gian nơi bản nhỏ trong phút chốc khiến tôi quên mất ý niệm thời gian, cứ thế đắm chìm trong giây phút hiện tại rồi bất chợt lại gọi tôi về quá khứ với những hoài niệm tuổi thơ với những màu sắc, âm thanh trong trẻo.”
Khun xanh lắm. Bản nhỏ lọt thỏm giữa một thung lũng được bao bọc bởi rừng già. Nhìn bốn bề đều là màu xanh. Vệt xanh nhạt mơ màng, sắc xanh đậm ngăn ngắt đan thành dải in trên nền trời biêng biếc. Toàn thôn có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.513ha thì đất rừng phòng hộ chiếm 961ha. Rừng giữ đất. Rừng che chở cuộc sống người dân bao đời nay. Rừng làm nên một bầu không khí thanh sạch, mát mẻ. Trong bản, không khó để nhìn thấy những đồi cọ xòe lá xanh mướt. Cọ xòe ô che nắng cho người dân trên đồng, cho cụ già chăn trâu. Cọ cũng lợp trên những mái nhà sàn truyền thống che mưa, che nắng. Người dân Khun dường như ai cũng lớn lên dưới lá cọ.
Khám phá hang Bó Mỳ
Về Khun, tôi được rừng dang rộng vòng tay ôm vào lòng. Tôi tưởng tượng mình như một chú nai, háo hức, tung tăng ùa vào lòng tự nhiên. Theo chân người dân, con đường rừng dẫn tôi đi chiêm ngưỡng một tác phẩm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Khun — hang Bó Mỳ. Hang Bó Mỳ dài 2km, chiều ngang rộng nhất 20m, phần cao nhất trong hang là 50m.
Trong hang, một mạch suối ngầm âm ỉ chảy uốn mình qua những vách đá. Đây là nguồn dự trữ nước sinh hoạt cho nhiều thôn trong xã. Làn nước của hang trong vắt, được lọc tự nhiên. Có những đoạn nước sâu hơn 2m, người dân dựng bè để những người bộ hành có thể đi qua. Dòng suối này cũng là nhà của nhiều loại cá đặc sản, trong đó có cá dầm xanh. Chính vì thế, hang Bó Mỳ còn được gọi là hang Dầm Xanh.
Bước vào hang, tôi như bước vào một thế giới khác, mát lạnh, bởi nhiệt độ trong hang lúc nào cũng thấp hơn bên ngoài khoảng 5°C. Nhìn khung cảnh được vẽ ra trước mắt, hơn một lần, tôi phải ngả mũ thán phục bàn tay tạo tác khéo léo và sự hào phóng của thiên nhiên dành cho nơi này.
Trong lòng hang, vô số khối đá nhờ những kiến tạo địa chất mà mang hình thù lạ mắt. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật độc bản thể hiện bằng những đường nét phóng khoáng được thiên nhiên nhào nặn nên. Đôi khi là một chiếc cầu, lúc thì giống một tòa lâu đài, một bàn tay hay một dải lụa lấp lánh vắt ngang vách hang. Nước cứ nhỏ giọt qua hàng trăm, nghìn năm để lại những lớp thạch nhũ lộng lẫy, kiêu sa. Những khối đá, nhũ thường ngày vẫn nằm im lìm trong bóng tối, chẳng cần khoa trương cho ai thấy. Cho đến khi những vị khách đến, ánh đèn chiếu rọi vào là chúng có cơ hội phô diễn vẻ đẹp kỳ ảo đến ngỡ ngàng tựa những đền đài ở thế giới cổ tích.
Sau chặng đường dạo bộ trong hang, tôi thả chân ngâm trong dòng nước mát lạnh đến rân người. Có lẽ vì biết tôi mỏi chân nên bầy cá xúm xít lại rỉa chân như một liệu pháp tự nhiên. Vùng suối ngoài cửa hang nước trong như thủy tinh, có thể nhìn rõ mồn một từng hòn sỏi dưới đáy. Những con suối nhỏ, cứ thế từ trên cao, len qua những cánh rừng, uốn lượn qua những vách đá, vươn mình tới đồng ruộng, tưới mát những cây lúa, cây lạc và tắm mắt tuổi thơ của những người lớn lên ở Khun.
Phong vị ẩm thực của thung lũng
Giữa mênh mông, hoang sơ của núi rừng, nhịp sống người dân ở đây yên bình lắm. Thôn Khun nằm giữa thung lũng có 178 hộ dân sinh sống thuộc 4 cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Nùng, La Chí. Người dân vẫn giữ hầu như nguyên vẹn nếp sống của cộng đồng mình. Những căn nhà sàn gỗ người Tày nép mình ở chân núi. Dưới những mái nhà lợp lá cọ là không gian sinh hoạt đời thường và là nơi di sản tinh thần được cộng đồng giữ lại.
Ở đó, những bữa cơm với những món ăn truyền thống như xôi ngũ sắc, gỏi cá, thịt chua thơm thảo tình cảm của những vị chủ nhà mến khách. Bên những vách nhà gỗ mộc mạc, đôi tay của các bà, các chị vẫn thoăn thoắt đan những chiếc giỏ tre hay dệt những mảnh vải thổ cẩm. Hàng năm, người Nùng vẫn cúng rừng để bày tỏ lòng tôn kính với thiên nhiên, người Dao làm lễ cấp sắc cho chàng trai như một nghi thức trưởng thành, người La Chi thực hiện nghi lễ cúng cơm, v.v.
Cuối tháng 5 cũng là thời điểm thung lũng thôn Khun ngả vàng. Từ trên cao, thung lũng như một bức tranh ghép hình điệu nghệ với những ô màu rực rỡ xanh, vàng, nâu. Những bông lúa nặng trĩu hạt cho một vụ mùa no ấm. Mùa thu hoạch khiến không khí rộn rã khắp cánh đồng. Mùi thơm rơm rạ theo gió tỏa lan thung lũng. Trẻ con cũng theo bố mẹ, ông bà ra đồng nói cười tíu tít.
Khun chỉ mới bắt đầu làm du lịch cộng đồng với một vài hộ làm homestay, không có trung tâm mua sắm, không khu vui chơi, giải trí. Vì thế, bản làng vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ, dành cho những người thực sự muốn tìm về thiên nhiên, tìm về tĩnh lặng, trốn cái nóng oi ả của mùa hè nơi phố thị.