Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Chuyện về danh họa Nguyễn Cát Tường, người thiết kế nên chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam

Điều gì tạo nên danh tính văn hóa của một quốc gia?

Đó là lá quốc kỳ, bài quốc ca, và tất nhiên là tên riêng của quốc gia đó. Ngoài ra, nhiều nơi còn có trang phục truyền thống đặc trưng. Ở Nhật có kimono, Scotland có váy kilt, và ở Việt Nam là tà áo dài. Thậm chí, ở nước ta, câu chuyện về quốc phục đã bắt đầu từ trước khi ‘Tiến Quân Ca’ trở thành quốc ca, trước khi lá cờ nền đỏ sao vàng ra đời, thậm chí trước cả khi mảnh đất này được gọi là "Việt Nam."

Vào thời Pháp thuộc, khi người ta vẫn gọi nơi đây là An Nam hay Đông Dương, câu chuyện về một bộ y phục thể hiện được bản sắc dân tộc đã được khởi xướng. Và mọi thứ bắt đầu với một người mang tên: "bức tường."

Bức tường

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường sinh năm 1911 ở Sơn Tây, một tỉnh cũ ở địa phận miền Bắc. Bạn bè gọi anh là "Lemur" — trong tiếng Pháp có nghĩa là "bức tường" — theo tên tiếng Việt của mình. Anh được miêu tả là có dáng người cao và gầy, luôn luôn tươi cười, trong tay lúc nào cũng cầm cây cọ vẽ. Năm 17 tuổi, Cát Tường nhập học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và trở thành một trong những họa sĩ danh tiếng nhất tại Hà Nội sau khi tốt nghiệp.

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường thời trẻ. Nguồn ảnh: Martina Nguyễn.

“Lemur là người đầu tiên nói rằng Việt Nam cần có cái áo mà tả danh tính của mình,” chị Martina Thục Nhi Nguyễn nói. Chị là phó giáo sư môn Lịch sử tại trường Baruch thuộc City University of New York. Chị từng viết một quyển sách về nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có nguyên một chương về Cát Tường, người đã từng cộng tác với nhóm Tự Lực hồi đó.

Vào thời của danh họa, đất nước chưa có chiếc áo dài như ngày nay, mà chỉ có tiền thân của áo dài là áo tứ thân và áo ngũ thân. Theo chị Martina, người Việt bấy giờ chỉ xem những cái áo đó là quần áo hằng ngày: “Họ không xem những kiểu áo đó là trang phục truyền thống hay biểu tượng quốc gia. Nhưng Lemur nói rằng áo không chỉ là áo, nó còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Và người Việt cần có một trang phục đại diện cho quốc gia của mình." 

Áo tứ thân và ngũ thân là trang phục phổ biến của người Việt lúc bấy giờ. Ảnh qua trang Flicker của người dùng manhhai.

Trong một bài viết trên báo Phong Hóa, tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn, Cát Tường viết rằng quần áo không chỉ để che thân mà còn “như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức một nước.” Anh cho rằng y phục của phụ nữ Việt thời ấy — áo tứ thân và áo ngũ thân — có phần lùng thùng và bất tiện, họ cần quần áo gọn gàng, giản dị, thanh lịch hơn, và hơn hết là “phải có tích cách riêng của nước nhà.”

Dựa trên áo ngũ thân, Cát Tường bắt đầu cách tân y phục của phụ nữ Việt. Anh nới rộng tay áo ra, bỏ đi phần cổ áo “vô nghề nghiệp,” và thiết kế lại chiếc quần và tà áo để vừa vặn với cơ thể người phụ nữ hơn. Và rồi đến số Phong Hóa 90, anh giới thiệu bộ trang phục mà anh nghĩ có thể đại diện cho đất nước.

Thiết kế áo dài của Nguyễn Cát Tường. Nguồn ảnh: Phong Hoá số 90.

Danh tính của dân tộc

Nguyễn Cát Tường giới thiệu ý tưởng của mình năm 1934, và chị Martina nói anh gặp phải rất nhiều chỉ trích. “Họ bảo [bộ trang phục ấy] không tả Việt Nam thuần chất vì cái áo này lai Pháp, lai tùm lum. Những người đó nói mình cần một cái áo tả văn hóa và danh tính Việt Nam một cách thuần chất.”

Danh họa không hề bác bỏ mà còn chấp nhận lời phê bình ấy. Anh thừa nhận tính lai căng của bộ trang phục, thậm chí anh cố tình thiết kế nó như vậy, vì lúc bấy giờ, xã hội nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây. Cát Tường chỉ ra rằng người Việt để tóc ngắn thay vì búi tóc, mặc veston và bắt tay nhau khi gặp mặt. Vì thế anh mang cái đẹp, cái tiện lợi trong y phục của phụ nữ phương Tây vào thay thế cái bất tiện trong y phục của người Việt.

Chị Martina nói chị thấy thấy cuộc đấu khẩu này rất thú vị, “vì nó có phải về áo đâu. Đây là tranh luận về Việt Nam là cái gì. Và cái cuộc tranh luận này rất quan trọng vì trong những năm 1920 và 1930, cái danh tính quốc gia của Việt Nam chưa được hoàn thiện.”

Cô Hòa Vân trong chiếc "áo dài Lemur." Nguồn ảnh: Martina Nguyễn.

Trước khi bị quân Pháp đóng chiếm, Việt Nam đã trải qua một nghìn năm Bắc thuộc. Còn đến thời của Cát Tường thì đất nước đã là thuộc địa của Pháp được gần 50 năm rồi. Việt Nam lúc bấy giờ có chút khủng hoảng về danh tính. Trần Quang Trân, một cộng tác viên khác của Tự Lực Văn Đoàn, đã viết về thời kỳ mông lung này:

Lối y phục ông Lemur chế ra không có tính cách Việt Nam. Còn tính cách Việt Nam thế nào xin ngài hỏi người khác, đừng hỏi tôi. Nghĩ lan man ra, tôi công kích cả ông trời đã sinh ra người Việt Nam mà trông hình thể rõ ràng là ông ấy cắt ở mẫu người Tây một ít, ở mẫu người Tàu một ít, ở mẫu người Nhật một ít Duy chỉ có cái răng đen là Việt Nam mà thôi. 

Thời kỳ chuyển giao

Cho đến thời điểm đó, những cuộc thảo luận về quốc phục của Cát Tường và các trí thức đương thời vẫn chỉ xoay quanh y phục của phụ nữ Việt. Nam giới khi ấy đa phần đều mặc veston như người Pháp, nhưng các nhà cách tân có vẻ hài lòng với cách ăn vận của cánh mày râu, và chỉ cảm thấy rằng phụ nữ Việt không nên mặc váy đầm giống phụ nữ Pháp, thế nên mới cần một kiểu trang phục riêng.

Chị Martina đánh giá rằng lập luận của Cát Tường thấm đẫm “ngôn ngữ phân giới,” và chị cũng nói đây không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. “Một quốc gia thường được ví như người phụ nữ, đất nước sinh ra những đứa con, đất nước cần được bảo vệ. Và ai sẽ là người bảo vệ? Chính là những người con trai mạnh mẽ anh hùng.” Đó là lý do tại sao đàn ông Việt khi đó có thể mặc veston nhưng phụ nữ thì “không thể sử dụng quần áo của phụ nữ Pháp, mà phải ăn mặc sao cho phù hợp với vai trò là những người mẹ của đất nước mình.”

Cô Nguyễn Thị Hậu. Nguồn ảnh: Ngày Nay số 1.

Ngôn ngữ cũng đóng một vai trò nữa trong cuộc tranh luận về bản sắc dân tộc: chất xúc tác cho sự chuyển giao từ những giá trị truyền thống sang hiện đại. Chị Martina giải thích rằng thế hệ của Nguyễn Cát Tường tiếp thu nền giáo dục của thực dân, họ học tiếng Pháp và đọc văn học Pháp. Điều này dẫn đến một bối cảnh lần đầu xuất hiện trong lịch sử Việt Nam: khi có cả một thế hệ người Việt nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Hoa, và chịu ảnh hưởng của phương Tây hiện đại nhiều hơn triết lý Nho giáo.

Sự thay đổi này được thể hiện rõ rệt trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, thường khuyến khích độc giả giải phóng bản thân, thoát khỏi tư duy cổ hủ và tự do thể hiện cái tôi của mỗi người. Cát Tường cũng ra sức sáng tạo theo tinh thần đó, nhưng thay vì dùng ngòi bút, phương tiện của anh là vải vóc. Áo ngũ thân vốn rất thùng thình và chỉ mặc với quần đũng màu đen; các cô các bà nào mặc quần màu trắng sẽ bị trách là thiếu đoan trang. Vì thế, những cô gái mặc chiếc áo dài Lemur với thiết kế ôm sát tôn dáng đều đang thể hiện tư tưởng tân thời của mình.

Số thứ 5 của báo Ngày Nay, một ấn phẩm định kỳ khác của Tự Lực Văn Đoàn, có đăng đoạn phỏng vấn cô Hồng Vân, người phụ nữ đầu tiên mặc áo dài Lemur ở Sài Gòn. Cô Hồng Vân kể rằng một tối nọ khi cô cùng vài người bạn đang tham quan khu hội chợ, họ nhận thấy có một người phụ nữ lớn tuổi cứ đi theo phía sau. Nghĩ rằng bà ấy chỉ chú ý đến trang phục có màu sắc tươi sáng và kiểu dáng mới mẻ của mình, cô không mấy quan tâm. Bất thình lình, cô Vân nghe một tiếng "roạt" thật to và tà áo của cô bị một lưỡi dao sắc bén cắt toạc ra làm đôi. Bà lão ấy nhanh chóng biến mất vào đám đông.

Cô Hồng Vân. Nguồn ảnh: Ngày Nay số 5.

Sự đả kích ấy chỉ là một trong nhiều ví dụ về mối xung đột giữa cái cũ và cái mới. Nhưng cô Vân không vì thế mà mất đi tự tin, cô nói: “Trò vặt vãnh đó không là gì cả... Chúng ta không nên lung lay khi bị người khác chỉ trích. Khi thấy thứ gì đẹp đẽ và đúng đắn, chúng ta cần phải mạnh dạn theo đuổi nó và không nên do dự. Tôi tin rằng sẽ có một ngày mỗi người phụ nữ sẽ có một bộ trang phục đẹp với màu sắc độc đáo và phù hợp với mình.”

Tiếc thay, Cát Tường đã chẳng thể nhìn thấy tương lai mà cô Vân nhắc đến. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, anh bị quân Việt Minh bắt đi, khi ấy họa sĩ chỉ mới 35 tuổi. Có lẽ vì nhiều người xem anh là “tiểu tư sản” và rằng hành động của anh góp phần khiến phụ nữ trẻ “đánh mất thuần phong mỹ tục.” Sau này, có người nói rằng đã nhìn thấy anh bị đưa lên trại lao động ở Việt Bắc và bị hành hình tại đó.

Tuy áo dài Lemur chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng thiết kế này vẫn là một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển của chiếc áo dài Việt Nam. Không chỉ là bản nháp đầu tiên của quốc phục nước ta, áo dài Lemur còn cho phép phụ nữ đương thời chủ động chăm sóc cơ thể của mình hơn và hiện đại hóa cuộc sống của bản thân. Theo như Martina mô tả: “Áo dài Lemur không chỉ là trang phục đẹp mắt, mà còn là tư tưởng thời đại thể hiện qua chất vải và thiết kế.”

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Bên trong tháng Ramadan của cộng đồng Hồi giáo Châu Đốc

Cùng lúc Việt Nam bước vào chuỗi ngày lễ quốc gia dài hơi, cộng đồng người Hồi giáo trong nước cũng bắt đầu sự kiện quan trọng nhất năm với mình: tháng Ramadan.

in Văn Hóa

Lược sử Số Đề tại Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế vài thập kỉ trước, đất nước ta đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc nhờ vào sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, đầu tư nước ngoài và sự trao đổi k...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Văn hóa Việt hiện lên đầy táo bạo trong bộ truyện hiện thực huyền ảo 'Tứ Phủ Xét Giả'

Với nét vẽ táo bạo, bộ truyện sắp được phát hành Tứ Phủ Xét Giả sẽ đưa độc giả đến một thế giới truyện tranh huyền bí của những nhân vật và thần thoại lấy cảm hứng từ lịch sử và tín ngưỡng Việt.

in Văn Hóa

Đến Phú Nhuận, thăm kho lưu trữ ký ức Sài Gòn qua bao thời kỳ

"Có một chị khách Việt kiều Pháp tới thăm tôi, nhìn bộ sofa rồi bật khóc. Vì kiểu sofa y chang nhà chị ngày xưa, chị bảo chị nhớ nhà và nhớ ngày xưa quá."

in Văn Hóa

'Thấy đỏ là thấy Tết' tại Hải Thượng Lãn Ông, phố trang trí sầm uất giữa lòng Chợ Lớn

Dạo một vòng quanh khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, tôi mới nhận ra chẳng ở đâu câu nói “thấy đỏ là thấy Tết” lại đúng như ở phố trang trí Hải Thượng Lãn Ông.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.