Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Thăm thế giới ẩm thực Bắc Bộ gói gọn trong khu chợ Việt sầm uất nhất Praha

Vòng quanh những vùng lãnh thổ nói tiếng Anh như Mỹ, Anh hay Úc, cộng đồng người Việt xa xứ vẫn hiện hữu trong những khu dân cư khắng khít với cái tên “Little Saigon” (Tiểu khu Sài Gòn), gầy dựng chợ người Việt, buôn bán giao thương cùng nhau, và đem phong vị Việt như gỏi cuốn và bánh mì đến với thực khách Tây. Ở châu Âu, người Việt lại thường quây quần trong phạm vi những “Little Hanoi,” do tầng lớp người Việt định cư đầu tiên thường có gốc gác từ những tỉnh thành miền Bắc. Nhiều khu Little Hanoi, như ở Praha, Cộng hòa Séc, phát triển lâu đời và sung túc tới mức chẳng khác gì một thành phố thu nhỏ ngay lòng thủ đô, với đủ dịch vụ hành chính, trường học, và nhà ở riêng.

Chợ Sapa, khu dân cư gốc Á lớn nhất và trái tim của Little Hanoi, chỉ cách trung tâm Praha 15 cây số.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Cộng hòa Séc bắt đầu nhen nhóm vào cuối thập niên 40, đầu thập niên 50, khi Séc vẫn còn là một nửa Tiệp Khắc, đất nước thuộc Khối Xô Viết, dưới ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế kế hoạch hóa. Trên nền tảng chia sẻ, cùng phát triển đi lên giữa hai nước, Tiệp Khắc đã tiếp nhận du học sinh Việt Nam sang học tập để nâng cao tay nghề, về giúp đồng bào nước mình.

Quán ăn ở Little Hanoi như ngưng đọng giữa dòng chảy thời gian.

Năm 1955, lớp thanh niên ưu tú đầu tiên đặt chân đến Tiệp Khắc, tổng cộng 16 người, theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Bảng, nữ sinh Việt đầu tiên trong khóa. Họ đến từ đủ mọi nơi khắp miền Bắc, như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Nghệ An, v.v. Ngoài Tiệp Khắc, chương trình trao đổi cũng gửi học sinh đến các nước láng giềng khác trong khối, như Liên Xô và Ba Lan, mang theo hy vọng rằng lớp trẻ sẽ tiếp thu kiến thức châu Âu rồi về đóng góp cho Việt Nam. Rất nhiều cựu sinh viên đã trở về, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, nhưng cũng nhiều người chọn ở lại châu Âu lập nghiệp.

Bún chả là món “vơ-đét” ở chợ, minh chứng rõ ràng nhất cho ảnh hưởng Bắc Bộ lên khu phố người Việt ở đây.

Chương trình trao đổi học sinh diễn ra khá suôn sẻ trong suốt vài thập kỉ sau đó, cho đến khi Liên Xô tan rã. Tuy thế, cộng đồng người Việt ở châu Âu, qua bao năm, đã mở rộng hòa nhập vào xã hội địa phương, hình thành nên những khu Little Hanoi sầm uất. Ngày nay, người Việt vẫn là nhóm dân nhập cư không thuộc châu Âu đông đảo nhất tại Cộng hòa Séc và Ba Lan, với dân số lên đến hàng chục ngàn người. Các thế hệ con cháu gốc Việt sinh ra ở đây, dù mang dòng máu Việt, thường nói rành rọt tiếng Séc và Ba Lan và cảm thấy gần gũi với văn hóa châu Âu hơn đất mẹ.

Biển hiệu toàn tiếng Việt có mặt ở khắp nơi trong Little Hanoi.

Khi đặt chân đến Little Hanoi ở Praha, với cái tên chính thức trên bản đồ là Sapa Market, cảm giác lạ lẫm xen lẫn bất ngờ dâng lên trong lòng chúng tôi, vì tiếng Việt ở khắp mọi ngóc ngách, từ xa đến gần. Cổng chào còn được viết song ngữ, và đây đó cũng điểm xuyết vài dòng tiếng Séc, nhưng phần lớn nội dung quảng cáo chỉ toàn tiếng Việt, giới thiệu đủ mọi sản phẩm từ bún cá, dịch vụ cắt uốn tóc, đồ da, pha lê Séc nổi tiếng, và hàng hàng lớp lớp đồ Việt mà thoạt nhiên ta cứ ngỡ sẽ khó tìm, ở nơi cách Việt Nam hàng nghìn cây số.

Các cộng đồng người Việt hải ngoại thường mọc lên quanh khu chợ trung tâm.

Theo bài viết của báo chí địa phương Séc, Chợ Sapa gần như tự quản, có cả một lực lượng “hình cảnh” đi tuần tra đường phố để giữ trật tự. Ngoài ra, còn có cả nhà trẻ giữ con nít từ 1 tuổi để cho phụ huynh an tâm đi làm ngay trong nội khu, thường là buôn bán hoặc làm dịch vụ chuyển tiền về nước. Tuy vậy, vai trò “cộm cán” nhất của Chợ Sapa chính là cái nôi ẩm thực, vỗ về những tâm hồn ăn uống xa xứ trong những lúc đã quá ngán ngẩm cái đơn điệu của đồ ăn Đông Âu. Những vị cứu tinh như trái cây nhiệt đới, bún nước nóng hổi chắc chắn sẽ cứu rỗi bất kì ai đang cảm thấy bị bội thực phô mai, bánh mì.

Trái bí này nấu được mấy nồi canh?

Dạo quanh các quầy hàng, nước mắm, bánh tráng khô, trà và cà phê đều đầy ắp, nhưng cái làm chúng tôi vui khó tả trong ngày trời ảm đạm là loạt rau củ quả tươi từ quê hương: rau thơm, thanh long, măng cụt, và chôm chôm râu còn tươi rói, dù cách xa nhà nửa vòng Trái Đất. Nếu hôm đó khách không có tâm trạng mua nhu yếu phẩm, thì có lẽ một ly nước mía ép ngay tại chỗ, vừa ngọt vừa mát sẽ là vị thuốc lý tưởng giúp họ chữa cơn nhớ nhà, dù tôi cũng tiếc là trên xe không có hình vẽ cô Mía quen thuộc.

Trái cây nhiệt đới ê hề.

Rảo bước quanh trung tâm Praha, không khó để bắt gặp nhiều nhà hàng chỉn chu bán món Việt, do chủ và đầu bếp thuộc thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba vận hành, thường nấu các món Việt đa vùng miền như gỏi cuốn, bò bún, bánh mì, bánh xèo, v.v. Trái lại, tại chợ Sapa, thực đơn lại mang đậm chất Bắc Bộ. Điều này cũng khá dễ hiểu vì các hàng quán đều rất lâu đời, được gầy dựng nên bởi lớp dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc thời Liên Xô, nhưng cái hay là sự phong phú của ẩm thực miền Bắc ở đây có khi còn hơn cả Sài Gòn.

Nhiều món đặc sản miền Bắc ít gặp, như bún cá Hải Dương và ngan nướng, đều có mặt trong menu ở đây.

Bún cá miền Bắc nói chung và bún cá Hải Dương nói riêng khá khó tìm ở Sài Gòn, còn ngan cũng ít thấy so với vịt, gà và cút. Cả hai đều hiện diện trong nhiều món ngon ở Chợ Sapa. Ngoài ra, ai đã quen với phong cách đặt tên nhà hàng ở Hà Nội, theo công thức tên chủ quán cộng đặc điểm ngoại hình, sẽ không khỏi bật cười khi thấy biển hiệu Chè Tuyết Béo.

Mỗi cộng đồng Việt Kiều đều có những đặc điểm, bất cập, vấn đề riêng của mình, điều mà tôi tin chắc người Việt nào từng học tập, sinh sống ở nước ngoài đều đã từng trải qua. Áp lực để tồn tại, hòa nhập, thành công đôi khi sẽ phơi bày nhiều góc khuất trong cách con người ta đối xử với nhau. Dẫu thế, dù ta có yêu quý hay thấy mất niềm tin với Little Hanoi hay Little Saigon nơi thành phố mình ở, tôi cũng tự thấy yên tâm rằng ít nhất phở ở đó chắc chắn sẽ ngon. Nếu không tin được con người, hãy tin phở, luôn luôn và mãi mãi.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Bắt một chuyến phà để thấy lát cắt đời sống Đồng bằng Sông Cửu Long

Trải dài biên giới của nhiều quốc gia, Châu thổ sông Mê Kông được người Việt đặt cho cái tên “Đồng bằng Sông Cửu Long” — tương ứng với 9 cửa sông đổ ra biển Đông.

Chris Humphrey

in Đời Sống

Vẻ đẹp bình dị của làng gạch bên bờ sông Hồng

Ở vùng đất rộng lớn và phong phú như Hà Nội, không khó để tìm thấy những "viên ngọc quý" tại những nơi chốn tưởng chừng đã quen thuộc. Dẫu biết bề dày ấy của thành phố thủ đô, tôi vẫn không khỏi bất n...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Ao Ta

Lên Hữu Lũng, ở homestay, leo vách đá

Dù có tiềm năng rất lớn, nhưng ở Việt Nam, bộ môn leo núi mạo hiểm vẫn chưa được nhiều người biết đến.

in Đời Sống

Người Hội An chung sống với lũ đầu mùa

Khi tôi vừa bước chân xuống phố, nước lũ ào đến tận vai và dòng chảy dường như đang cố bắt lấy và cuốn trôi tôi đi. Linh tính mách bảo tôi rằng: “Phải cẩn thận! Trông có vẻ bình thường, nhưng tốt nhất...

in Ănthology

Những người Việt trẻ khởi tạo xu hướng ẩm thực mới ở Praha

Khi chúng tôi gặp Giang Ta, một chàng đầu bếp người Czech gốc Việt, anh đã mở lời bằng một câu chuyện như thế này về gia đình mình: “Bố mẹ mình gặp nhau ở Cộng hòa Czech vào năm 1983. Họ đến đây theo ...