Khi tôi vừa bước chân xuống phố, nước lũ ào đến tận vai và dòng chảy dường như đang cố bắt lấy và cuốn trôi tôi đi. Linh tính mách bảo tôi rằng: “Phải cẩn thận! Trông có vẻ bình thường, nhưng tốt nhất không nên để bị cuốn vào dòng lũ."
Bài viết này được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh. Đọc bản gốc ở đây.
Hơn hai năm trước, khi đến thăm Hội An lần đầu tiên, tôi đã nhìn thấy vết tích của mực nước lũ từ nhiều năm trước đó còn lưu lại trên những ngôi nhà cổ. Phố cổ Hội An nằm dọc theo sông Thu Bồn và chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mực nước sông dâng cao. Tôi đã được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng này khi vừa bước chân xuống phố đã suýt nữa bị dòng nước lũ chảy xiết cuốn phăng đi.
Phố cổ Hội An từng là đầu mối giao thương của các tuyến vận tải biển quốc tế trong hàng trăm năm. Vào thế kỷ 20, do lòng sông Thu Bồn bị bồi lấp và một số nguyên nhân khác, cảng thị Hội An dần dần nhường chỗ cho Đà Nẵng và những thương cảng khác với điều kiện giao thông đường thủy thuận tiện hơn. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt để bảo tồn một quần thể đô thị-thương cảng cổ tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Ở Hội An, người dân thường nhận được cảnh báo từ chính quyền về việc xả lũ từ đập thủy điện ở phía thượng nguồn. Dân cư thường có thời gian chuẩn bị ứng phó với một đợt ngập lụt gây khó khăn và thiệt hại nhưng nhìn chung không nguy hiểm đến tính mạng. Người Hội An cũng đã quen với chuyện phố cũng như sông và cảnh tượng sông Thu Bồn tràn lên đường sá.
Kể từ lần đầu tiên tôi đến đây vào tháng 5 năm 2018, Hội An gần như không có trận lụt nào. Tuy nhiên, sau năm ngày mưa lớn vào tháng trước, tôi quyết định đến thăm Phố Cổ và xem mọi người ứng phó thế nào với lũ.
Người đầu tiên tôi gặp là cô Sa, cô đang đứng trước cửa tầng áp mái của nhà mình. Cánh cửa này còn là lối thoát lũ của cô. Có một vẻ đẹp thật khác ở Phố Cổ mùa lũ khi những bức tường màu vàng thổ in bóng xuống làn nước mang màu phù sa từ thượng nguồn, tiếng rú ga và còi xe thường ngày được thay bằng tiếng lướt nước của ghe thuyền và cả ván lướt thể thao.
Đến đầu giờ chiều, nước đã rút đi đáng kể, con phố nơi nước ngập đến cổ tôi giờ chỉ còn ngang thắt lưng; việc đi lại cũng vì thế mà dễ dàng và an toàn hơn.
Hai ngày sau, nước đã rút hẳn, lực lượng chức năng và người dân bắt đầu dọn vệ sinh và cào lớp bùn non trên đường phố. Đây có lẽ là thời điểm thú vị nhất vì tôi và Trinh, người bạn đồng hành, đã thu hoạch được rất nhiều hình ảnh khi chúng tôi đi quanh Hội An và cũng đã lắng nghe câu chuyện “sống chung với lũ” của người dân nơi đây.
Chính những câu chuyện này đã giúp tôi hiểu thêm về bão lũ, cách ứng phó của người dân Hội An, và những chi tiết nhỏ về cuộc sống hàng ngày của họ như: tại sao anh Tuân lại lôi ngược những chú chó qua cửa sổ tầng hai của ngôi nhà, và tên của những chú chó có ý nghĩa gì; hay lý do nhà cô Sa lại có một cái cửa lạ lùng đến thế trên tầng áp mái; Bình cầm chổi đứng giữa con phố ngập nước để làm gì, tại sao anh ấy sống ở Hội An, và anh ứng phó với lũ lụt như thế nào.
Tôi hiểu hơn về Hội An qua những mẩu chuyện này, và nhờ đó có cảm nhận sâu sắc hơn khi nhìn lại những bức ảnh mà mình đã chụp.