Dù là đối với nguyên thủ quốc gia, nghệ sĩ K-pop, hay bất cứ vị khách quốc tế vô danh nào đó trên đường, câu đầu tiên mà người Việt thường hỏi đối phương là “bạn thích món ăn Việt nào nhất?” Đủ thấy rằng ẩm thực quan trọng đến mức nào trong văn hóa nước ta. Nếu đi hỏi về bất kì khía cạnh nào khác, một góc nào đó trong ta cũng chứa đựng nỗi sợ rằng khách nước ngoài sẽ buông “sự thật mất lòng.” Không khí ô nhiễm, đường sá ùn tắc, nạn nói thách hoành hoành: hơn ai hết, chúng ta biết rõ những điểm yếu của nước mình, nhưng duy chỉ có ẩm thực là điều mà người Việt nào cũng tin tưởng sẽ ghi điểm trong lòng khách thập phương. Còn gì thân tình hơn mâm cơm để làm cầu nối ngoại giao giữa ta và thế giới?
Đây cũng là câu hỏi mà tôi khiếp nhất nếu bị bắt bí, vì làm sao có thể chọn được? Với bất cứ phong cách ẩm thực nào khác từ Hàn, Nhật đến Thái, câu trả lời đã nằm ngay đầu lưỡi, nhưng khi đối mặt với món ăn quê nhà, tôi như bà mẹ nhiều con phải chọn ra đứa mình cưng nhất. Đối với tôi, ngôi vị món Việt yêu thích có thể thay đổi theo từng ngày, từng miền, từng tình trạng thời tiết, từng tâm trạng, từng cơn thèm bất chợt — nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có phở.
Do nhiều yếu tố lịch sử, chính trị và cả nhân khẩu học, phở là đại diện Việt Nam phổ biến nhất khắp thế giới, và quán phở thường là nơi duy nhất ở phương xa mà người nước ngoài được tiếp xúc với văn hóa ẩm thực Việt. Nên không có gì lạ khi phở được đa số du khách chọn lựa là món tủ trong kho tàng món Việt, nhưng thật lòng mà nói, mỗi lần đọc bâng quơ một tít báo về nhân vật nào đó bày tỏ lòng yêu thích phở, tôi chỉ nhún vai. Mê phở không có gì là xấu, dù gì thì phở cũng là tinh hoa chứa đựng câu chuyện lịch sử, văn hóa nền văn minh Việt, nhưng nếu biết vị diễn viên TVB hay thành viên nhóm nhạc K-pop nào đó chọn phở, tôi không khỏi băn khoan liệu họ có thật lòng, hay chỉ trả lời hú họa món phổ biến nhất cho qua chuyện.
Trong chuyến viếng thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2016, ông và chuyên gia ẩm thực Anthony Bourdain đã ngồi lại ăn bữa thân tình, không phải tại quán phở nào đó ở Hà Nội, mà là quán Bún Chả Hương Liên, một lựa chọn thật sự làm tôi rất thích. Những lần công du của các đời tổng thống trước không được thú vị thế: phái đoàn Bill Clinton chọn Phở 2000 là điểm đến cũng vào năm 2000, với bữa ăn gồm phở gà, cà phê đá và sinh tố xoài; còn cuộc gặp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un năm 2019 còn không có món Việt nào.
Đã từng ăn thử nhiều hàng bún chả và phở khắp Sài Gòn, Hà Nội, tôi thật lòng không nghĩ rằng Hương Liên và Phở 2000 là ngon nhất, nhưng không thể phủ nhận rằng độ phủ sóng của cả hai đã tăng tiến theo cấp số nhân sau khi đón tiếp 2 nguyên thủ. Phở 2000 trụ lại địa chỉ gần chợ Bến Thành vài năm, lọt thỏm trong không gian càng ngày càng trở nên chật hẹp vì đông khách, nhưng cũng đã chuyển đến cửa tiệm mới khang trang hơn trên đường Lê Thánh Tôn. Nghe theo lời mách bảo của vài “chiến thần” marketing, chủ quán Hương Liên đã lồng khung kính chiếc bàn, hai ghế và chén đũa mà Obama đã dùng, tạo thành khối “bàn thờ” thu hút khách. Chỉ cần nghía qua số lượng gần 10.000 bài review quán trên Google Maps, đủ thấy cơn sốt Obama vẫn chưa hề hạ nhiệt sau bao năm.
Vậy kênh Nhiêu Lộc–Thị Nghè thì có liên quan gì ở đây? Chuyện kể rằng, một buổi chiều nhá nhem tối năm 2017, bờ kênh đã đón tiếp bước chân rầm rập của Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cận vệ trong một buổi chạy việt dã giờ tan tầm. Vào khoảng 7h tối ngày 9/11, nhóm của Thủ tướng Trudeau xuất phát từ chân cầu Thị Nghè rồi chạy dọc về phía Tây con kênh trên vỉa hè đường Hoàng Sa. Đến cầu Lê Văn Sỹ, họ qua cầu rồi lần lượt lên xe riêng ra về. Một nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam và còn dành thời gian chạy sương sương 5 cây số giữa xe cộ như mắc cửi vào giờ cao điểm — sao sự kiện hệ trọng này lại không đưa Nhiêu Lộc lên hàng ngũ những con kênh đình đám nhất thế giới nhỉ?
Ngoài vài tấm hình flash lóa mờ căm vài người dân tình cờ chụp được, và đôi ba bài viết của các báo Việt, giai thoại lịch sử Nhiêu Lộc này chẳng được báo chí phương Tây màng ngó tới. Ngược lại, CNN và Washington Post, và hàng trăm báo khác, thi nhau cảm nhận, thuyết minh, nghị luận về câu chuyện Obama ăn bún uống bia. Tôi phải thừa nhận rằng bún chả cũng rất đáng được tâng bốc như thế, nhưng làm sao so sánh được với cú lội ngược dòng ngoạn mục từ dòng nước đen ngòm sang bờ kè đầy mảng xanh ai ai cũng thích hiện nay? Vì sao không ai quan tâm đến câu chuyện đầy tính cổ động của dòng kênh Sài Thành và ngài thủ tướng điển trai đam mê thể dục thể thao? Sao khách quốc tế không ùn ùn kéo đến, giày chạy, quần áo thể thao sẵn sàng để trải nghiệm đường chạy bờ kè thơ mộng? Vì đâu mà các công ty lữ hành không sáng tạo ra một tour “Theo chân ngài thủ tướng” dành riêng cho các fan thể thao để tham quan Cầu Thị Nghè và loạt kiến trúc kinh điển Sài Gòn trên đường chạy? Ta nên đứng lên đòi lại sự công bằng cho kênh Nhiêu Lộc.
Nói đùa vậy thôi, chứ thật tâm tôi biết rõ vì sao kênh Nhiêu Lộc không thể nào so bì được với Bún chả Hương Liên về độ nhân diện. Tôi được biết đến sự hiện diện của Trudeau chỉ vì làm truyền thông và cũng có niềm đam mê chạy bộ, còn ngoài kia, 15 phút nổi tiếng của kênh Nhiêu Lộc trôi qua nhanh như hơi thở gấp trên cầu Lê Văn Sỹ, chẳng ai nhớ đến. Dòng kênh nước không sạch cũng không dơ giữa thành phố đông đúc, chẳng có cảnh sắc gì đặc biệt ngoài lục bình trôi lềnh bềnh, người cao tuổi hờ hững lắc hông bên máy tập, và đôi trẻ hôn hít nhau vội vàng trong bóng râm trên ghế đá — sao có thể bì được với bữa bún thượng đỉnh giữa ngôi sao truyền hình ẩm thực và đương kim tổng thống Mỹ? Và Thủ tướng Trudeau, cũng như bao dân chạy bộ khác trên gạch lát bờ kè, sẽ quên ngay cung đường ấy ngay khi về đến nhà.
Tôi thật sự rất thích kênh Nhiêu Lộc, vì trong thâm tâm tôi, được chạy lòng vòng Trường Sa-Hoàng Sa vào sáng sớm là một trong những thú vui ngon, bổ, rẻ nhất mà người Sài Gòn có thể trải nghiệm. Văn phòng Saigoneer chuyển đến rất gần kênh chỉ một năm về trước, và ngày nào tôi cũng nghe được những lời khen từ đồng nghiệp rằng chạy xe hay đi bộ hai bờ kênh rất thi vị. Sau khi được lênh đênh trên một chuyến du ngoạn ngay trên mặt kênh gần đây, tôi càng thêm trân trọng mạch nước này, dẫu nó liên tục gặp phải vấn đề về rác ứ đọng do thành phố thiếu kinh phí duy trì thuyền dọn rác. Kênh Nhiêu Lộc chắc chắn sẽ không bao giờ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch hay gì cả, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó không cần thiết. Nói cho cùng, cơ sở hạ tầng đô thị tồn tại chỉ để nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân địa phương thôi chứ chẳng phải vì danh lợi mạng xã hội. Và cuộc sống của tôi, cùng nhiều người dân Sài Gòn nữa, đã và đang thêm tươi đẹp chính nhờ vào dòng nước xanh rêu rợp bóng cây này.