Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Uống » Ngõ Nooks: Hớp ngụm trà để thấy đọng lại trong lòng vị sen hàm tiếu

“Hoa sen là quốc hoa của Việt Nam, và trà được ướp với sen thì được coi là quốc trà.”

Anh Nguyễn Việt Hùng khẳng định với tôi như vậy. Anh và vợ mình, chị Vũ Thị Hải Yến, khởi nghiệp cùng trà sen với mong muốn giới thiệu văn hóa trà Việt cho bạn bè quốc tế. Tôi tìm đến trà thất của anh chị, Hiền Minh Tea House, một hôm nọ để được trải nghiệm nghi thức trà lễ do chính anh Hùng dẫn.

Không gian yên tịnh tại Hiền Minh.

Trước khi bắt đầu pha trà, anh Hùng mời tôi ngồi thiền mấy phút để “lắng” lại, sau đó anh chia sẻ về công đoạn ướp trà của nhà mình. “Để làm được trà sen thi vô cùng công phu, tỉ mỉ, phức tạp,” anh Hùng nói. “Từng chặng từng nhịp có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hương vị.” Đầu tiên là loại trà. Thường thì mọi người hay dùng trà mạn để ướp với sen, nhưng nhà anh Hùng thì chọn trà shan tuyết cổ thụ.

Trà lễ bắt đầu bằng vài phút thiền.

“Anh chọn trà shan tuyết cổ thụ vì hoa sen là tinh hoa của đất trời. Để ướp với sen cũng phải là một loại trà thanh khiết như vậy.” Những cây trà shan tuyết của Hiền Minh Tea sinh trưởng ở Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì. Cứ mỗi mùa xuân là anh chị lại lên đó ở ba tháng để thu hoạch những búp trà shan tuyết từ những cây 100–300 năm tuổi.

Trà shan tuyết cổ thụ với gốc dày hai người ôm mới xuể.

Anh Hùng cho tôi xem ảnh một cây trà shan tuyết 700 năm tuổi; tôi không khỏi trầm trồ khi thấy thân cây to đến mức hai người ôm mới vừa. Trên Hoàng Su Phì, anh Hùng chị Yến sẽ làm việc cùng những người dân H'Mông, Dao phụ trách thu hái và chế biến thành trà khô. Họ ở đó đến hết mùa xuân, rồi quay lại vào mùa hè, khi sen trong đầm bắt đầu hé nở.

Đầm sen gia đình và các bước thu hoạch.

Hiền Minh Tea có một đầm sen khoảng 2ha, cách Hà Nội 45km. “Bọn anh phải dậy rất sớm, từ 4–7 giờ sáng, khi những bông sen chỉ hơi hé mở thôi. Nếu mặt trời lên cao thì bông sen sẽ nở to ra và hương thơm bay đi mất,” anh kể. “Các cụ gọi như thế là sen hàm tiếu, tức là mỉm cười. Phải thu hái khi sen mới hàm tiếu, như một cô gái chỉ cười mỉm thôi, chứ không phải cười toe toét.”

Quá trình lẩy “gạo sen.”

Từ tháng 5 đến tháng 8, hai anh chị sẽ tập trung thu hoạch sen; năm vừa rồi họ hái được 5 vạn bông. “Sau đó mình tách các cánh hoa sen, phần cánh ra phần cánh, nhụy ra phần nhụy. Từ đó rồi mình lẩy gạo sen.” Có trà, có gạo sen rồi, họ mới tiến hành ướp. Cứ một lớp trà khô xếp cùng một lớp gạo sen, rồi cho vào hũ khoảng 2–3 ngày để trà hút hương sen. Sau đó hai người sẽ sấy ở 60–70°C để hơi ẩm bay đi, nhưng tinh dầu và hương sen vẫn được giữ lại, thấm vào cánh trà.

“Và đấy mới chỉ là lần một. Xong, lại làm lại. Mình sàng hết các gạo sen cũ ra. Sau đó lại ướp một lượt gạo sen mới vào. Và cứ lần lượt như vậy khoảng tầm bảy lượt, tương đương với 21 ngày thì mới xong thành phẩm,” anh Hùng chia sẻ. Nhưng thành phẩm đó vẫn chưa được dùng ngay. Anh chị sẽ còn ủ trà trong vòng sáu tháng rồi mới lấy ra dùng — “tức là vào đúng dịp Tết.”

Nghe anh Hùng thuật lại chặng đường ướp trà, tôi mới thấm được cái công phu của nghệ thuật này. “Bây giờ mình sẽ thưởng thức loại trà này,” anh nói. Đoạn, anh lấy ra một ít trà khô và cho tôi ngửi thử. Một mùi hương rất nhẹ nhàng tỏa lên. Anh bảo đó là vì những cánh trà còn “đang ngủ,” và ta sẽ “đánh thức” nó dậy bằng nhiệt độ. Anh chỉ dùng hơi nóng của nước sôi để đánh thức trà mà không dùng nước, “vì ngay nước đầu tiên đã tốn rất nhiều hoa sen rồi nên không nỡ đổ đi. Và với loại trà quý thì nước đầu tiên đã phải ngon rồi.”

Trà lễ không phải chỉ đơn giản là đổ nước sôi vào trà khô.

Anh cẩn thận rót trà ra mấy cái chén con và chỉ tôi cách nâng cốc sao cho đúng. Nước trà rất trong và sáng ánh vàng. “Mình sẽ hít hơi sâu để cảm nhận, rồi mới nhấp ngụm trà nhỏ và giữ trong miệng 2–3 giây.” Tôi từ tốn nhấp một ngụm nhỏ, và ngạc nhiên khi thấy đọng lại trên lưỡi vị thanh mát chứ không hề đắng chát. Anh Hùng cười: “Khi uống trà mọi người hay hình dung đến trà mạn, chát, đắng, xoắn xuýt lại. Nhưng thực tế những loại trà thượng phẩm không hề đắng,” anh nói. “Khẩu vị càng tinh sâu thì người ta uống càng thanh, nhẹ. Người Việt Nam thì thích cái hậu kéo dài. Đây là điểm mấu chốt: phải ngọt hậu.”

Khu vườn rợp bóng cây tại quán trà.

Nghe anh Hùng nói, tôi mới nhận ra vị ngọt còn đọng trong cổ họng lâu sau khi nuốt nước trà. Tôi thích thú uống thêm ngụm nữa, càng uống càng thấy trân quý công lao của đất trời và con người gói gọn trong làn nước kia. Anh Hùng pha tuần trà thứ hai, màu trà có vẻ nhạt hơn chút, nhưng vị thì không thay đổi. Anh nói đó cũng là một nghệ thuật, người pha trà phải biết cách điều tiết sao cho nước thứ mười vẫn ngon như nước đầu tiên.

Tôi được biết chính loại trà này đã giúp anh chị nhận được giải quán quân trong cuộc thi Tea Masters Cup 2016. Và cũng nhờ chiến thắng đó, anh Hùng được sang Trung Quốc để học hỏi và giao lưu trong một cuộc thi lớn hơn. Và anh nhận ra rằng ở đó — cái nôi trà đạo của thế giới — còn không có những cây trà lâu đời và quý hiếm như Việt Nam. Chính điều này đã thôi thúc anh đi theo con đường này để nâng tầm trà Việt Nam phát triển lên.

Dù không phải là một người mê uống trà, nhưng trải nghiệm ở Hiền Minh đã thực sự làm tôi mở mắt. Hóa ra ở Việt Nam có cả những cây trà quý giá hàng trăm năm tuổi, hóa ra để hòa quyện tinh túy của non nước vào trong cái chén là cả một cái nghệ. Để khi nhấp môi ngụm nước, đó không chỉ là uống trà mà, như anh Hùng nói, “uống cả trời đất.”

Hiền Minh Tea House mở cửa từ 8am đến 11pm. Nếu muốn trải nghiệm trà lễ, vui lòng đặt chỗ trước qua link này.

Đánh giá:

Giá cả: 4/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5

Hiền Minh Tea House

13 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

In bài này

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Dấu ấn trăm năm của nghề làm quạt truyền thống làng Chàng Sơn

Một ngày hè, tôi ra vùng ngoại thành Hà Nội về với huyện Thạch Thất. Con đường làng hai bên là cánh đồng lúa đang độ xanh đưa tôi đến làng Chàng Sơn.

in Uống

Ngõ Nooks: Ẩn mình trong góc nhỏ với cà phê sáng và cocktail về chiều

Sau khi xem kiệt tác điện ảnh Tâm trạng khi yêu của đạo diễn Vương Gia Vệ, chắc hẳn nhiều khán giả cũng mang trong lòng một mớ hỗn độn nhiều cảm xúc tiếc nuối, yêu thương, hay ghét bỏ như hai nhân vật...

in In Plain Sight

Bảo tàng gốm Bát Tràng: độc đáo, tinh xảo, nhưng thiếu thông tin

Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.

in Uống

Ngõ Nooks: Mết, quán cà phê '7 người bạn' bán tâm tình cho tháng ngày cô đơn

Hôm đó là một ngày trời mưa lâm râm. Dưới tiết trời Hà Nội, cái lạnh cùng cơn mưa đã cuốn tôi vào những nỗi buồn không tên. Lang thang khắp phố phường thì bỗng nhiên tôi bắt gặp được Mết — một quán ca...

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.