Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » In Plain Sight » Em đi chơi thuyền, từ Thảo Cầm Viên, trên kênh Nhiêu Lộc

Em đi chơi thuyền, từ Thảo Cầm Viên, trên kênh Nhiêu Lộc

Sẽ thế nào nếu vào một chiều Sài Gòn, cuộc đời bạn biến thành thước phim indie?

Bạn có dành cả chiều để lang thang phố phường cùng chúng bạn? Chụp hình chiếc bánh ngọt trong ánh chiều tà; thướt tha dưới bóng mát của hàng cây xanh cạnh dòng xe cộ, đầu đeo tai nghe văng vẳng bài hát của một ban nhạc với lời ca sâu như đáy vực và giọng mỏng tang như giấy thấm dầu? Bạn có ấp úng một cách đáng yêu không? Những ký ức của bạn có phủ filter màu nâu ấm áp như quyển nhật ký của Muji không? Bạn có gặp phải các vấn đề của tầng lớp trung lưu và những “thách thức” cuộc sống có thể được giải quyết trong vòng 90 phút không? Nếu có, cuộc sống của bạn có lẽ sẽ là kịch bản tiềm năng cho một bộ phim indie với kinh phí nhỏ xinh. Và nếu bộ phim này được thực hiện, thì chắc chắn nên có một phân cảnh diễn ra trên một con thuyền nhỏ giữa kênh Nhiêu Lộc–Thị Nghè.

Kênh Thị Nghè là một dải lụa kết nối các quận của thành phố lại với nhau, do đó, con kênh cũng không hẳn là một phần của địa phận thành phố. Ai lại không mong muốn được tồn tại trong một không gian lưng chừng, được thưởng thức sự thi vị và vô định của vùng biên giới? Nếu bạn như tôi, có lẽ bạn cũng đã từng ước mong được đặt chân lên ranh giới len lỏi này. Nhưng làm thế nào? Việc mua một chiếc thuyền, học cách lái, tìm hiểu giấy tờ và chuẩn bị các thể loại “phụ phí” sẽ mệt mỏi biết bao.

Giải pháp tối ưu là nhờ ai đó làm hết những việc này cho bạn. Vậy là trong chuyến thăm bờ kè gần đây của Saigoneer, chúng tôi đã nhờ đến Công ty Thuyền Nhiêu Lộc (NLB), đơn vị lữ hành duy nhất khai thác các chuyến tàu, thuyền thương mại trên kênh Thị Nghè từ năm 2014. Mỗi khi qua cầu Thị Nghè hướng về phía đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 1, bạn chắc chắn sẽ đi qua một trong hai bến thuyền của NLB. Công trình có vị trí đắc địa nhưng gần như ai cũng không biết đến sự hiện diện của nó. Hiển nhiên, Saigoneer cảm thấy phải “xuất xưởng” một bài viết In Plain Sight để dân tình có thể trài nghiệm chuyến Nhiêu Lộc phiêu lưu ký như chúng tôi.

Cũng phải nói trước, trải nghiệm Nhiêu Lộc phiêu lưu ký được NLB tổ chức đơn thuần vì mục đích giải trí. Dịch vụ này khác biệt hoàn toàn với hệ thống Waterbus của thành phố. Waterbus hoạt động trên sông Sài Gòn, mục tiêu ban đầu khi ra mắt là để cung cấp một loại phương tiện giao thông công cộng tiện lợi cho người dân. Trong khi đó, đội tàu của NLB tồn tại chỉ để mang lại niềm vui cho hành khách, và nó làm rất tốt chức năng khiêm tốn này. Tốt đến mức tôi nghĩ có thể xếp hoạt động này vào top 5 thú vui mọi người cần trải nghiệm ở Sài Gòn.

NLB có một hạm đội đủ kích cỡ và sức chứa, từ Thuyền Phượng cho 5 khách đến các du thuyền cho 35 khách; mang đến một loạt các dịch vụ, bao gồm các chuyến tham quan ngắm cảnh, có phục vụ đồ ăn và tiết mục giải trí như biểu diễn âm nhạc và thả đèn lồng giấy, cũng như dịch vụ cho thuê thuyền kèm người lái theo giờ. Tùy chọn cuối cùng phù hợp với nhu cầu của đội ngũ Saigoneer, và một chiếc Thuyền Qui đã chờ chúng tôi khi chúng tôi đến bến theo lịch trình (mà bạn phải đặt trước) khởi hành lúc 4:30 chiều. Từ 4:30 chiều đến 5:30 chiều là thời gian tốt nhất để thực hiện chuyến hành trình 1 giờ giữa hai bến của NLB — một bến ở gần đoạn giáp giữa Quận 1 và 3, một bên ở đối diện Thảo Cầm Viên. Bầu trời mát dịu tạo nên một bầu không khí lý tưởng để “chiu chiu” lúc chiều tà, và cảm giác “chiu chiu” thư thả trên dòng nước ấy cũng chính là điểm nhấn của hành trình.

Hoàng hôn tô vẽ lên bầu trời màu hồng, cam và vàng nghệ. Một thứ ánh sáng mềm mại quét qua những vết nứt và khe hở của các tòa nhà sát bên hai bên đường Hoàng Sa và Trường Sa. Giữa mặt đường và mặt nước, những bãi cỏ rộng rãi cùng cây cối che bóng mát cho hàng băng ghế, thiết bị tập thể dục và lối đi vỉa hè. Hương thơm đặc trưng của hoa sứ trắng nở lan tỏa xung quanh những cung đường cong đâu đó. Lúc này, dân công sở cùng cư dân xung quanh đang trở về nhà, các cô cậu thanh niên đang tụ tập để trò chuyện và vui đùa, mấy nhà hàng ven đường đang chuẩn bị để mở cửa buổi tối. Các khu phố ven kênh như đã hoàn thành công việc trong ngày, dần rũ bỏ tấm áo mệt nhoài sau những giờ lao động, nghỉ ngơi đôi chút, trước khi lại lao vào sự hối hả của màn đêm Sài Gòn. Từ lâu, tôi đã biết khu phố xung quanh bờ kè là nơi thi vị nhất của Sài Gòn, và điều này có thể được thấy rõ nhất qua một chuyến đi trên thuyền vào lúc hoàng hôn.

Con thuyền là góc nhìn độc đáo để ngắm nhìn loạt công trình tiêu biểu của thành phố cũng như những nơi chốn có ý nghĩa đặc biệt với từng khách đi thuyền. Tòa nhà Landmark 81 sừng sững như bó đũa. Chùa Vạn Thọ, được bao bọc bởi cây cối sum suê, nằm ngay phía dưới Chùa Pháp Hoa, một cảnh tượng trang trí hoành tráng và đầy đèn lồng gần nơi chuyến đi của chúng tôi bắt đầu. Tháp nước Sawaco màu xanh sáng cao vùi vào đất Bình Thạnh chắc chắn sẽ gợi trí tò mò của nhiều người.

Có những địa điểm thoạt nhìn không có gì nổi bật, nhưng mang ý nghĩa đặc biệt với những người đã sống hoặc dành thời gian bên dòng kênh. Đối với tôi, đó là quán cà phê yêu thích — Lão Hạc Cafe; nhà hàng Hy Lạp chân cầu Kiệu — ông chủ vẫn thi thoảng nhắn bâng quơ cho tôi qua Facebook và mang ra những món ăn không có trên thực đơn mỗi lần tôi ghé thăm; một băng ghế gần căn hộ cũ của tôi nơi tôi thường dành thời gian đọc sách vào buổi tối; chiếc ban công nơi tôi dành những tháng trời Sài Gòn bị giãn cách để ngắm hươu cao cổ ở vườn thú. Có lẽ chúng ta chỉ có thể yêu một thành phố khi chúng ta học được cách gắn kết với những điều nhỏ nhặt của nó.

Ảnh: Paul Christiansen.

À mà, có thể bạn đang tự hỏi ngoài chuyện “chiu chiu” dưới ánh chiều tà và hoài niệm chỗ này chỗ kia thì chúng ta có thể làm gì khác trên suốt chuyến đi không? Học theo Saigoneer làm vài pô ngay nhé. Chụp ảnh nhóm, ảnh cá nhân, ảnh sống deep, ảnh sống ảo — cứ gọi là vô tư. Phông nền và góc chụp hiếm khi xuất hiện trên mạng xã hội khiến quan cảnh trên chuyến đi vô cùng đắt giá để lên hình. Tôi nghĩ những ai cần chụp ảnh chuyên nghiệp (đám cưới, ra mắt sản phẩm, video âm nhạc, v.v.) cũng nên cân nhắc lựa chọn này.

Thuyền hơi rung một chút nên nếu có chụp ảnh hẹn giờ thì phải cài cho chắc nhé. Ảnh: Khôi Phạm.

Bây giờ sẽ đến chuyên mục gợi ý từ nhà Saigoneer. Hãy mang theo thức ăn và đồ uống. Một số hành trình của NLB đã bao gồm bữa tối, nhưng nếu bạn chọn lộ trình như chúng tôi, chỉ thuê thuyền và thuyền trưởng, bạn có thể mang bất cứ thứ gì bạn muốn lên tàu. Pizza? Bia lạnh? Snack? Không hề bị giới hạn. Nhạc nhẽo cũng tương tự, chắc chắn nên mang theo một số loa Bluetooth và chuẩn bị một playlist nhẹ nhàng để làm soundtrack cho chuyến đi. Bạn không cần mang theo bộ bài hoặc board game vì bạn hoàn toàn có thể  tận dụng không gian xung quanh. Ví dụ, xếp hạng tên gọi và phong cách kiến ​​trúc của các cây cầu mà bạn sẽ lướt qua trong chuyến hành. Thực sự, không chỉ những người đam mê kiến trúc, ngay cả “dân ngoại đạo” cũng có thể tranh luận về ưu và nhược điểm của các trường phái thẩm mỹ khác nhau. Phía dưới của nhiều cây cầu có các tác phẩm nghệ thuật, một số là do chính quyền cho thực hiện, một số khác là tự phát. Mỗi bức tranh là một kho báu bí mật mà thành phố đã ẩn giấu cho bạn và các hành khách trên con kênh, bởi sẽ rất khó để người đi đường bình thường để ý đến chúng. 

Tôi không đề xuất mang theo ống nhòm. Không cần thiết đâu nhé. Tôi đã mang theo của ống nhòm vì nghĩ rằng có bắt gặp điều gì thú vị dọc đường cần quan sát kỹ hơn, nhưng cuối cùng chỉ săm soi được đúng một con cá chết trôi lềnh bềnh. Ống nhòm vừa nặng muốn gãy cổ mà lại còn ít sử dụng. Bạn chỉ cần dùng mắt trần của mình là đã thấy hết được các vật thể và rác nổi trên kênh (nhiều nhưng không gây khó chịu như trước kia). Lượng rác cũng tương đương các không gian công cộng khác ở Sài Gòn, không phải là một vấn đề mà hành khách phải quan ngại. Người đời cũng đồn đại là kênh có mùi hôi thối. Tôi xin khẳng định là không hôi nha. Thật ra, nhờ phần nào tách biệt với tiếng ồn và đường xá chật hẹp mà không gian trên con kênh còn trong lành và đỡ ngộp thở hơn bất kỳ nơi nào khác ở trung tâm thành phố.

Như những địa điểm và hoạt động khác bị công chúng bỏ quên ở Sài Gòn, hành trình trên kênh Nhiêu Lộc–Thị Nghè ngập tràn những sự vật vi diệu. Dễ thấy nhất là những chiếc thuyền kỳ lạ, được bao phủ bởi nhựa tái chế, neo đậu trên kênh. Một chiếc thuyền trong số đó có các chai nhựa được sơn sửa và chế tạo thành các cối xay gió tí hon, và một chiếc thuyền khác được tạo hình thành ngôi nhà, mỗi viên gạch là một chai nhựa trong suốt. Như những sự vật lạ lùng khác, tôi không rõ mục đích của chúng là gì. Một bất ngờ khác đang chờ đợi ở cuối chuyến hành trình, ít nhất là nếu bạn xuống thuyền tại bến ở cạnh vườn thú. Khi chúng tôi gần cặp bến, một hệ thống đài phun nước lớn bắt đầu hoạt động. Sau 6 giờ tối, các cột nước sẽ được phun lên kèm theo ánh đèn màu sắc, nhưng vào giờ chiều, chúng tôi chỉ thấy nước trong kênh bạy vụt lên trời rồi rơi xuống vô thưởng vô phạt. Bản nhạc vang lên khi chúng tôi cặp bến nghe ỉu xìu chứ không long trọng mấy, giống như tiếng ba người tự vỗ tay “bộp bộp” chúc mừng nhau sau khi họp. Nghĩ cũng hợp, vi diệu đến mấy cũng tan thành mây.

Vị diệu cũng không có nghĩa là an toàn 100%. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với kênh Nhiêu Lộc–Thị Nghè là khi tôi suýt phải đi “chầu ông bà.” Tôi và bạn bè từng tham gia một chuyến hành trình tương tự vào năm 2018. Đến giữa đường, động cơ bỗng bốc cháy dữ dội. Nhân viên trên thuyền vật lộn dưới mái hiên gỗ ở đằng sau, trong khi chúng tôi nhào ra phía trước, mỗi đứa tự túm lấy một chiếc áo phao. Chúng tôi đang tính xem có nên nhảy xuống bơi không và nếu có thì nên bơi sang hướng nào thì may mắn thay, thuyền trưởng đã dập tắt đám cháy bằng áo ngâm ướt trong nước kênh. Động cơ không còn hoạt động nhưng chúng tôi vẫn dạt về bến mà không gặp bất kỳ vấn đề nào. Một đêm đáng nhớ thật phải không.

Bài viết liên quan

in In Plain Sight

Những ký ức đóng băng ở trại phong Quy Hoà

Trong tâm trí của nhiều người, bệnh phong vẫn là một thứ gì đó đáng sợ. Nhưng vượt qua những định kiến, đâu đó vẫn có những cộng đồng nơi tình thương và sự cảm thông kết nối con người với con người. L...

Khôi Phạm

in Đời Sống

Bún chả Obama và bờ kè Trudeau: Tản mạn về công du và vì sao kênh Nhiêu Lộc không nổi tiếng

Dù là đối với nguyên thủ quốc gia, nghệ sĩ K-pop, hay bất cứ vị khách quốc tế vô danh nào đó trên đường, câu đầu tiên mà người Việt thường hỏi đối phương là “bạn thích món ăn Việt nào nhất?” Đủ thấy r...

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

in In Plain Sight

Bảo tàng gốm Bát Tràng: độc đáo, tinh xảo, nhưng thiếu thông tin

Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

in In Plain Sight

Cửa tiệm núp hẻm ở Quận 3 bán sách cũ và những điều tử tế

Lần đầu tiên tôi biết đến tiệm sách Bá Tân là nhờ một người bạn giới thiệu.

in In Plain Sight

Giữa lòng Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa ngày ngày kể chuyện đời Phố cổ

Nằm an nhiên trong lòng Phố cổ, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Hà Nội mang trong mình một kho tàng kiến thức, điển tích xưa về kiến trúc và lịch sử thủ đô.