Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » In Plain Sight » Chương ký ức đang lặng lẽ khép lại trên những trang báo cũ

Chương ký ức đang lặng lẽ khép lại trên những trang báo cũ

Báo giấy đã là một phần quan trọng của tuổi thơ tôi, là người bạn mở ra ô cửa cho tôi phóng tầm mắt ra một thế giới đầy màu sắc, vốn lạ lẫm trong mắt trẻ thơ. Nhưng lúc này đây, khi bước ra phố, những người bán báo năm xưa dường như đã biến mất, những tờ báo cũng cuốn gói đi đâu trong phố xá ồn ào. Tôi ngỡ như một cuộc từ giã và chuyển mình trong thầm lặng đã và đang bắt đầu.

Đứng trước cơn lốc thời cuộc, báo chí bản giấy ngày càng vắng bóng trong đời sống chúng ta: biến mất khỏi những chiếc cặp táp của học sinh, sinh viên và người đi làm, rời khỏi những chiếc bàn cà phê sáng sớm trong nhà ngoài phố; co lại trong một vài sạp báo nhỏ còn bám trụ lại trên đường phố, tiếp tục đời sống âm thầm của mình với những vị khách quen ít ỏi.

Lược sử báo chí Việt Nam

Báo chí Việt Nam đã trải qua một hành trình dài với nhiều biến động. Trước năm 1975, báo chí chủ yếu phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền và lan tỏa kiến thức đến cộng đồng, cũng như phần nào xây dựng những diễn đàn thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau. Báo chí thời kỳ này còn nhiều hạn chế về số lượng phát hành. Sau năm 1975, báo giấy tiếp tục trở thành một trong những kênh thông tin chính yếu kết nối mọi miền đất nước. Những tờ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ Nữ, Công An Nhân Dân không chỉ là nguồn tin tức, mà còn là diễn đàn văn hóa và xã hội sôi nổi.

Một quầy báo góc Tự Do-Nguyễn Văn Thinh năm 1969. Ảnh: Brian Wickham/Hội Nhà văn Việt Nam.

Báo chí len lỏi vào từng góc phố, theo chân những người bán báo dạo đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Mỗi sáng, người ta đậu xe trước các sạp báo, hoặc ngồi vắt chéo chân trong quán, tay cầm ly cà phê, mắt chăm chú lật từng trang giấy còn thơm mùi mực.

Thế nhưng, bước sang thập niên 2010, với sự bùng nổ của Internet, báo giấy bắt đầu mất dần chỗ đứng, chỉ còn lại một vài sạp báo cũ kỹ và những người bán báo bám trụ với nghề.

Báo chí giấy, tuổi thơ tôi

Tôi lớn lên vào những năm 2000, khi báo giấy vẫn còn là nguồn thông tin chủ đạo, đặc biệt ở những tỉnh xa như Bạc Liêu quê tôi. Ở nơi đời sống diễn ra còn chậm rãi, các phương tiện truyền thông như TV, radio, báo chí và internet cùng tồn tại, nhưng báo giấy vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong việc giúp người cập nhật tin tức hàng ngày.

Những tờ báo mà tôi mua khi ấy sẽ phải băng một hành trình dài gần ba trăm cây số từ Sài Gòn về Bạc Liêu bằng xe đò mỗi sáng sớm. Báo được chở về đại lý, sau đó ruột báo được lồng với trang bìa, trừ các ấn phẩm được đóng cuốn sẵn, rồi mới được phân phối cho những nhân viên phân phát của đại lý hoặc người bán dạo để đi khắp nơi trong thành phố và các huyện lân cận. Vì vậy, có khi đến quá trưa hoặc đầu giờ chiều, báo mới đến được tay người đọc.

Việc phân phối báo chí truyền thống bắt đầu từ trước khi mặt trời mọc, người đưa báo thường phải lồng từng tờ bằng tay. Nguồn ảnh: Báo Lao Động.

Thuở ấy, anh hai tôi thường mua tờ Mực Tím từ một ông cụ. Ông vốn là giáo chức trước năm 1975, sau giải phóng thì chuyển sang làm hành chính cho một hợp tác xã. Khi hợp tác xã giải thể, ông bắt đầu mưu sinh bằng nghề giao báo kiêm bán vé số dạo. Mỗi ngày, ông đeo trước ngực một chiếc túi to, đạp xe gần ba chục cây số để đưa báo và bán vé số cho khách quen.

Lần nọ, khi ông ghé nhà giao báo, tôi vô tình thấy tờ Nhi Đồng nằm lọt thỏm trong túi nhưng nổi bật giữa chồng báo nhờ màu sắc sặc sỡ. Từ hôm đó, trưa thứ Hai nào tôi cũng ngồi ở ngạch cửa, đợi tiếng cụ dừng xe trước nhà, dáng ông chầm chậm bước vào, lục tìm hai tờ báo dành cho anh em tôi.

Những số báo teen được trình bày cách điệu. Nguồn ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam.

Khỏi phải nói tôi đã luôn hồ hởi thế nào, khi đập vào mắt là những người mẫu ảnh nhí trên trang bìa và những tít bài được trình bày cách điệu xung quanh. Phải lật cuốn báo ra, lia nhanh từng trang một để xem tuần này có gì hay, bài gì mới, truyện ngắn nào được đăng, hay đáp án những câu đố của kỳ trước. Cảm giác ấy giống như một bí mật vừa được hé lộ, cảm giác của sự chờ đợi được đền đáp. Và đôi khi, phải len lén úp mặt vào trang báo mà hít một hơi thật sâu cái mùi giấy báo và mực in thơm khó tả, dù má luôn cấm tôi làm điều đó vì sợ bao nhiêu vi khuẩn từ nhà in trú ngụ trên giấy.

Sau này, tôi còn hứng chí xin ba má đặt thêm một loạt tờ, như Tuổi Trẻ nhật báo, Thanh Niên nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Tuổi Trẻ Cười, Nhi Đồng đặc biệt, Mực Tím đặc biệt, v.v. Những tạp chí hay ấn phẩm phát hành hằng tuần, hằng tháng thường đi sâu vào một số chủ đề riêng, chủ yếu là tóm tắt hoặc phân tích lại các sự kiện đã qua. Còn với những tờ nhật báo, tin tức trong đó nhiều khi đến tay tôi đã trễ, vì buổi sáng tôi đã nghe hết cả qua chương trình thời sự trên TV. 

Vậy mà tôi vẫn thích mua và đọc. Những buổi chiều rảnh rỗi ở nhà, tôi thường ngồi vào bàn, mở tờ Tuổi Trẻ ra, rồi nhìn vào khoảng không trước mặt mà đọc thành tiếng từng bài một, bắt chước giọng của các phát thanh viên, như thể mình đang dẫn chương trình thời sự vậy.

Một thời gian sau, mối gắn kết giữa tôi và báo giấy bị đứt đoạn khi ông cụ phải ngừng bán báo vì sức khỏe suy yếu. Những người con của ông cũng đi bôn ba tứ tán lo kế sinh nhai. Không ai trong gia đình muốn tiếp nối nghề bán báo này.

Tái ngộ cùng cố nhân

Lên đại học, tôi gần như mất hẳn thói quen tìm mua báo giấy, dù chúng vẫn luôn lẩn khuất đâu đó quanh tôi — trốn trong tay bác bảo vệ trường đại học, hoặc hiện diện công khai trên kệ gỗ ngay cửa thư viện. Lúc nào chúng cũng kéo tôi dừng lại, lưỡng lự vài ba phút, để rồi cúi xuống lấy một tờ lên đọc, ngắm nghía từng bức ảnh, nghiền ngẫm những dòng chữ được sắp đặt cẩn thận trong lòng trang in.

Khi bắt đầu đi làm, tôi tậu được chiếc Wave và có thêm nhiều dịp để tự mình khám phá Sài Gòn. Những lần rong ruổi qua các hẻm hút ở thành phố, tôi tình cờ bắt gặp lại những sạp báo ven đường, nơi những tờ báo vẫn được bày ra đầy mời gọi, vẫn toát lên sức hút quen thuộc với tôi thuở trước. Một hôm, trên đường tan ca, tôi dừng xe trước một sạp báo nhỏ nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, ngay trước cổng trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Đó là sạp của chú Hùng.

Sạp báo của chú Hùng trên đường Phạm Ngọc Thạch. Nguồn ảnh: Báo Phụ Nữ.

Sạp của chú Hùng tương đối nhỏ, chỉ gồm vài kệ báo dựng sát nhau kệ để giới thiệu với công chúng. Tuy vậy, sự hiện diện của nó — với màu sắc nổi bật của chồng báo và tác phong chậm rãi, từ tốn của người chủ — lại dễ dàng thu hút ánh nhìn của khách qua lại. Dường như nó tạo ra một sự tương phản rõ rệt với không gian quanh mình: một con phố ồn ào, vội vã, được lấp đầy bởi những cửa hàng hiện đại.

Chú Hùng kể với tôi rằng, trên con đường Phạm Ngọc Thạch này đã từng một thời sầm uất với hàng chục sạp báo khác nhau, nườm nượp khách đến mua. Dần dần, sau 25 năm hành nghề, giờ chỉ còn chú. Doanh thu cũng giảm nhiều vì số lượng khách ngày một ít đi. Dù vậy, chú vẫn bám trụ với công việc vì thích sự tự do, linh động của nó. Hơn nữa, dù tình hình của báo giấy có nhiều bi quan, chú vẫn có một lượng khách nhất định ở nhiều độ tuổi khác nhau. Những bác lớn tuổi hằng ngày vẫn đến sớm để mua những tờ báo quen thuộc. Một số bạn trẻ, học sinh sinh viên của các trường đại học gần đó, như Đại học Kiến trúc, thường tìm mua các ấn phẩm chuyên về thời trang, thiết kế, hoặc nghệ thuật thị giác để làm tư liệu tham khảo. Một số vị khác thì chọn những tạp chí chuyên ngành từ chú Hùng.

Sau buổi trò chuyện với chú Hùng, tôi rút ví mua mấy tờ để ủng hộ chú — toàn những cái tên quen thuộc mà tôi đã lâu không được cầm bản giấy: một số tờ thiếu nhi, một tờ biếm họa, và một tờ mà lần đầu tiên tôi thấy — một chuyên san dành riêng cho phụ nữ, phát hành vào Chủ nhật.

Dù thị trường báo giấy không còn sôi động như trước nhưng chú Hùng vẫn bám trụ với nghề. Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên.

Những người bạn của tuổi thơ tôi vẫn đang khoác chiếc áo quen thuộc, khiến tôi dễ dàng nhận ra họ. Họ vẫn giữ logo quen thuộc sau bao nhiêu năm, vẫn ra mắt bạn đọc với khổ báo ấy và những màu sắc đặc trưng ấy. Nhưng bên trong tờ báo, mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Những tờ thiếu nhi trước đây chỉ in màu một phần các trang, giờ đã in màu toàn bộ. Báo biếm họa ngày xưa in bằng giấy rất mỏng, giờ đã chuyển sang dùng giấy bóng. Những bài viết mới vẫn được trình bày một cách kỹ càng để thu hút sự chú ý của người đọc, nhưng nội dung của chúng dường như quá xa lạ với tôi.

Tờ cuối cùng trong chồng báo mà tôi mua về hôm ấy là một chuyên san phát hành vào Chủ nhật, dành riêng cho phụ nữ. Đọc qua từng bài, tôi cảm nhận được tinh thần năng động và đổi mới của các tác giả, cũng như mong muốn của họ trong việc xây dựng những nội dung có chiều sâu và ý nghĩa. Nếu ta hình dung mỗi tờ báo có một giọng nói riêng, thì chuyên san này mang một giọng nói mạnh mẽ, cấp tiến, thách thức những rào cản, khuôn mẫu, kêu gọi đấu tranh cho hạnh phúc và công bình của mỗi cá nhân trong xã hội.

Tôi đã hạnh phúc biết bao vì tìm ra được một tờ báo thật hay, có dấu ấn riêng, hứa hẹn sẽ làm tôi phải tìm mua mỗi tuần — như thể vừa kết được một tri kỷ mới cho hành trình bầu bạn tri thức sắp tới. Cho đến khi tôi lật đến bìa 3 và đọc được một dòng lạnh ngắt: Ấn phẩm ngừng xuất bản từ tháng 1/2025. Không có một lời giải thích nào thêm được đưa ra về sự kết thúc của ấn phẩm đã có mặt 28 năm, phát hành khắp cả nước gần 50.000 bản mỗi kỳ. 

Rất nhiều ấn phẩm in lâu đời đã phải nói lời tạm biết độc giả. Nguồn ảnh: Báo Phụ Nữ Chủ Nhật.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng, cuộc gặp gỡ này đã diễn ra quá trễ. Niềm vui mà tôi chưa kịp nắm lấy đã trôi khỏi tầm tay.

Còn chút gì để nhớ

Hai tuần sau, tôi ra lại sạp chú Hùng để mua tờ cuối cùng của chuyên san ấy. Chú bảo báo đã ngừng in nên không lấy nữa. Tôi đánh bạo gọi về Phòng Phát hành và được hướng dẫn lên tòa soạn ở đường Điện Biên Phủ. May thay, nơi ấy vẫn còn dư một vài bản. Ban biên tập dành trọn vẹn trang 3 của số cuối cùng để đăng lời chia tay bạn đọc. Câu từ được viết với tất cả tình cảm, cẩn trọng và đầy sự dứt khoát.

“Cũng là tất yếu, vạn sự làm sao có thể thoát khỏi quy luật thiên địa tuần hoàn? Nếu có thể đốt mình để trở về với một phiên bản khác mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn cũng là điều đáng làm. Điều khó khăn nhất của chúng ta, nhất là phụ nữ, không phải là từ bỏ những thói quen và vượt qua những giới hạn đó sao? [...] xin chào tạm biệt với lời cảm ơn chân thành gửi đến những độc giả thân thương, những cộng sự cần mẫn đã đem đến rất nhiều bài viết chỉn chu, thú vị, bổ ích. Nhất định chúng ta sẽ gặp lại, nhận ra và thương yêu nhau như đã từng.”

Một khi được in ra, báo giấy không thể tự động thay đổi nội dung,
nhưng cũng vì vậy mà nó đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử. Nguồn ảnh: Báo Lao Động.

Những lời từ biệt ấy lại làm tôi hồi tưởng về những ngày gặp gỡ đầu tiên của tôi và báo giấy. Là một đứa trẻ lớn lên ở tỉnh lẻ, lọt thỏm giữa một vùng quê nhỏ đầy khó khăn, một trong những nguồn thông tin quý giá nhất mà tôi có được chính là từng tờ báo giấy, từng tờ tạp chí tôi có được. Những tờ báo ấy đã làm công việc của những chiếc cửa sổ — hé mở cho tôi thấy những điều xảy ra trong thế giới rộng lớn ngoài kia, những điều mà tôi đọc chưa chắc đã hiểu, nhưng phần nào giúp tôi mường tượng được về sự phức tạp mà cũng đầy thú vị của xã hội. Những trang giấy mỏng ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, và chắc hẳn đã phần nào truyền cảm hứng cho tôi trên hành trình viết văn sau này.

Một khi được in ra, báo giấy không thể tự động thay đổi nội dung theo dòng sự kiện, như cách mà báo mạng liên tục cập nhật. Nhưng cũng vì vậy mà tôi vẫn thương báo giấy, bởi nó đóng vai trò như một chứng nhân lịch sử cho những điều đã diễn ra ở thời điểm nó xuất hiện.

Chú Hùng nói với tôi, chú nghĩ báo giấy sẽ không biến mất ngay lập tức, nhưng sẽ ít đi dần dần. Dòng sông sẽ không cạn trơ đáy trong chớp mắt; nước dù yếu đi sẽ vẫn chảy, vẫn tìm cách luồn qua những rạch ngòi nhỏ hẹp. Báo giấy lúc này và sắp tới chắc cũng giống mạch nước ấy. Chúng sẽ vẫn tiếp tục hành trình kể chuyện với những vị khách quen, và biết đâu, may mắn hơn, là có thêm những người bạn mới, tuy không nhiều mong đợi.

Chú tài xế đọc báo sáng trên chiếc xích lô ở TP. Mỹ Tho. Nguồn ảnh: Báo Ấp Bắc.

Trong khi những người bán báo đang trở nên bi quan về tình hình phát hành và dần chấp nhận thực tại, một vài chùm sáng cuối đường hầm đang lóe lên khi có những chỉ báo về sự trở lại và chuyển mình của một số tạp chí. Tôi không biết mình có thể làm gì hơn vì ngày mai khó mà đoán định được. Nhưng tôi chắc rằng, mỗi lần đi ngang sạp chú Hùng hay bất kỳ sạp báo giấy nào trên đất nước này, tôi sẽ cố gắng dừng lại và mua một tờ nếu có thể.

Bài viết liên quan

in In Plain Sight

Cửa tiệm núp hẻm ở Quận 3 bán sách cũ và những điều tử tế

Lần đầu tiên tôi biết đến tiệm sách Bá Tân là nhờ một người bạn giới thiệu.

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

in In Plain Sight

Bảo tàng gốm Bát Tràng: độc đáo, tinh xảo, nhưng thiếu thông tin

Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Em đi chơi thuyền, từ Thảo Cầm Viên, trên kênh Nhiêu Lộc

Sẽ thế nào nếu vào một chiều Sài Gòn, cuộc đời bạn biến thành thước phim indie?

in Đời Sống

Kỷ niệm về những mùa Giáng Sinh 'con nhà nghèo' tuổi thơ

Trong lúc hí hoáy gói quà cho sự kiện Secret Santa ở công ty, ký ức về những mùa Giáng Sinh đầu đời lại ùa về trong tôi — ấm áp, diệu kỳ, nhưng thấp thoáng cảm giác chạnh lòng vì những khoảng cách chẳ...

in Snack Attack

Men theo hàng dừa, ôn lại sự tích kẹo dừa Bến Tre qua lời bà tôi kể

Quà quê gói ghém đủ thứ hương vị của ký ức, dễ làm người ta thấy nhớ thấy thương về một vùng đất đã lâu chưa về. Tôi mở hũ kẹo dừa mẹ mới gửi từ quê lên, vẫn cái mùi quen thuộc làm gợi nhớ về góc bếp ...