Lần đầu tiên tôi biết đến tiệm sách Bá Tân là nhờ một người bạn giới thiệu.
Một cửa tiệm đầy ắp những đầu sách hay, có hai chú mèo và phục vụ trà, cà phê miễn phí, Bá Tân như bước ra từ tưởng tượng thuở bé của tôi về một chốn trú ẩn yên bình. Cái cảm giác sướng rơn và hân hoan khi được nằm lăn lóc trên sàn nhà, đọc những cuốn sách mới thuê từ tiệm sách cũ gần trường cho đến khi mẹ mắng mới thôi là thứ mà sau này khi tự kiếm ra được tiền để mua sách đọc thỏa thích, tôi cũng khó lòng tìm lại được.
Cuộc đời mới cho sách cũ
Trong suy nghĩ của của nhiều người, những tiệm sách cũ ở Sài Gòn có lẽ là những sạp hàng nhỏ được trải và bày biện như của nhân vật Trúc trong Bỗng Dưng Muốn Khóc, hay những tiệm sách được chất theo từng chồng cao ngất với một ông bác trung niên biết tuốt.
Tiệm sách Bá Tân thổi làn gió mới hơn vào mô hình kinh doanh sách cũ. Sách được phân loại theo hai gian nhà. Gian thứ nhất, gần đầu hẻm, sẽ bán những cuốn sách theo ký. Giá thành dao động từ 40.000 đến 60.000VND một kg tùy vào thể loại. Gian thứ hai cách gian thứ nhất vài căn, rộng hơn và thường được ghé thăm nhiều hơn. Sách được bán lẻ và được định giá theo thời điểm hiện tại. Về hình thức, đa số sách ở gian nhà thứ hai có độ mới khoảng 90–99%, số ít còn lại là sách cũ quý hiếm và sách dành cho dân sưu tầm.
Bên trong không gian tiệm sách, ánh đèn vàng bao trùm khắp nơi tạo cảm giác dễ chịu, ấm cúng, giúp khách vãng lai có thể đọc sách tham khảo mà không bị đau mắt. Sách được xếp gọn gàng và logic, theo từng thể loại văn học, từ Đông sang Tây và theo khổ tiểu, trung, đại. Ngoài ra, ở tiệm có những bộ sưu tập rất ngẫu nhiên được tuyển chọn, từ bộ truyện trinh thám của Higashino Keigo, đến các bộ manga tuổi thơ như Conan và Dragon Ball. Ngoại hình như mới nhưng giá “yêu thương” hơn rất nhiều.
Khi lần giở những trang sách cũ, nghe mùi sách đã nhuốm màu thời gian và nhìn thấy bức tranh của thi sĩ Bùi Giáng được treo giữa tiệm, tôi đã cảm thấy có cái gì đó rưng rưng và chực trào về những tháng ngày cũ của mình. Tôi đã mua hai cuốn sách về triết học ở tiệm, và vẫn luôn duy trì thói quen hít lấy hít để mỗi khi mở ra đọc. Đặc biệt, khách hàng có nhu cầu “xông sách” có thể mua một combo 20g hoa hồi và 30g quế với giá 35.000VND để khử mùi hôi và tránh ẩm mốc, mối mọt cho kệ sách của mình.
Đa số thành viên làm việc ở hiệu sách đều là những người trẻ. Tôi đã nán lại đủ lâu để nhận thấy có một tệp khách hàng riêng vô cùng đặc biệt. Cứ độ 10–15 phút sẽ có người chạy ngang qua tiệm và la lên “Anh/chị ơi, còn cuốn… này không?”, thậm chí chưa kịp gạt chân chống xe. Nếu câu trả lời là không, họ sẽ phóng xe đi ngay. Ngược lại, nếu có, nhân viên sẽ mang ra và tính tiền khá nhanh chóng: họ thuộc làu thông tin của khách quen và trả lời ngay tắp lự mà không cần suy nghĩ, dù rằng sách ở đây đã lên đến con số hàng chục tấn. Tôi phải nghiêng mình nể phục trước những vị “thủ thư” không sổ sách, không máy tính ở đây.
Tôi có dịp trò chuyện với anh Lê Bá Tân, chủ cửa hàng, và biết được rằng giá trị một cuốn sách cũ sẽ được tạm xét theo hai yếu tố: giá trị vật chất và giá trị kiến thức, lịch sử. Giá trị vật chất thường áp dụng cho những tựa sách vừa phát hành và vẫn còn hình thức mới, được bán từ 40 đến 60% giá bìa. Còn đối với những cuốn sách hiếm, lâu đời, chứa đựng giá trị kiến thức, lịch sử cao thì không thể tính theo giá trị trên bìa hay vẻ ngoài. Chẳng hạn như cuốn Sợi Tóc của Thạch Lam, bản in đầu của Đời Nay, xuất bản năm 1942 nay đã có giá 30 triệu VND vì độ quý hiếm.
Với khẩu hiệu “chuyên kinh doanh những điều tử tế,” tiệm sách Bá Tân không chỉ là nơi để mua bán, trao đổi sách. Tiệm còn có một tủ sách miễn phí và thường xuyên tổ chức các cuộc thi và trò chơi có thưởng là sách, để khuyến khích văn hóa đọc và viết. Vì với anh Tân “đọc mà không thực hành, ứng dụng là một điều rất đáng tiếc.” Nhờ đó, tiệm sách của anh Tân dường như đã trở thành một ngôi nhà thân thuộc cho các bạn trẻ, nhiều bạn đọc thậm chí còn tỉ mỉ viết thư tay cho tiệm để tri ân và bày tỏ cảm xúc yêu mến của mình.
Khi được hỏi về định nghĩa “như thế nào là sách cũ?”, anh nói: “Mình luôn định nghĩa sách cũ rất đơn giản, chữ cũ trong “sách cũ” chỉ đơn giản là việc người này dùng xong rồi sang tay người khác, nhưng mà cũng chỉ là dùng để phân biệt giữa cái cũ và cái mới, chứ không thể định được hoàn toàn đúng nghĩa của chữ. Có những kiến thức đã có cách đây cả 2.000–3.000 năm, thậm chí 4.000 năm ở bên Hy Lạp, La Mã mà giờ mình mới đọc, mình nghĩ nó mới, nhưng thật ra nó lại cũ và bình thường ở ngoài kia. Vậy nên mình vẫn luôn nghĩ rằng trong cũ có mới, và trong mới có cũ, luôn luôn là thế trong cuộc đời này.”
“Mình muốn đi với sách đến cuối đời”
Một trong những điều khiến anh Tân khởi nghiệp với sách cũ là... được bạn tặng rất nhiều sách. Trước đây anh vốn là giáo viên dạy Sử, song vì một vài lý do anh quyết định tạm thời ngừng đi dạy.
"Lúc bấy giờ mình chỉ biết chút ít sách vở, kiến thức rồi mối quan hệ toàn là với giáo viên, học trò nên không biết làm gì tiếp theo. Tình cờ hồi xưa bạn thân tặng mình rất nhiều sách, tận 2–3 tủ. Mình hay đăng mấy cuốn mình thích lên mạng. Rồi mọi người cứ vào hỏi mua dù lúc đó mình chẳng bán gì. Tự nhiên mình nghĩ là, chắc nghề này đã chọn mình rồi nên mình quyết định kinh doanh sách,” anh Tân chia sẻ.
Nhìn cửa hàng ở quận 3 hiện tại, hiếm ai biết được nó đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm cùng anh Tân. Từ kinh doanh trực tuyến đến cửa hàng đầu tiên tại quận 2, sau đó anh quyết định mở quán cà phê sách mang tên “Sài Gòn năm xưa” trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1 vào năm 2019. Tuy nhiên, việc vận hành quán cà phê sách gặp rất nhiều vấn đề, trong đó có cả dịch COVID-19 dẫn đến việc anh Tân buộc phải đóng lại mô hình cà phê và tạm nghỉ một thời gian trước khi khởi động lại với “Bá Tân - Sách cũ thư viện.”
Tuy nhiên, khi nhắc đến câu chuyện lời-lỗ, anh đều cười xuề xòa cho qua và bảo: “Thực ra mình không nghĩ rằng mình sẽ chỉ đi đến bây giờ hoặc trong tương lai gần rồi một ngày nào đó thì nghỉ, mà mình muốn đi với sách đến cuối đời. Lòng tham thì ai cũng có. Nhưng sách vở đã luôn là cái tử tế rồi, mình lại không làm cho nó tử tế nữa thì rõ ràng mình là người không tốt.”
Dù có nhiều thay đổi về địa điểm và mô hình kinh doanh, song những đứa con tinh thần của anh Bá Tân vẫn luôn được các vị khách quen yêu mến. Có lẽ vì nó đều xuất phát từ tinh thần yêu sách và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc. Có những vị khách dù không nhớ anh Tân là ai cũng như không biết anh đã chuyển đi đâu trong ngần ấy năm, nhưng chỉ cần có nhu cầu mua bán sách cũ, họ lại vô tình tìm thấy anh Tân ở đâu đó giữa chốn Sài Gòn này.
“Nhờ những vị khách như vậy, mình lại cảm thấy có duyên với nghề này hơn. Mình chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại với nghề sách kể cả khi gặp khủng hoảng nhất. Mình muốn đi dài hơn và xa hơn nữa. Nếu có thể thì mình muốn đi với sách đến cuối cuộc đời.”
Bá Tân - Sách cũ thư viện tọa lạc tại số 451/22 Hai Bà Trưng, Phường 8, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.